Người già đã từng sống trẻ trong những năm tháng đó mua để hoài niệm; người trẻ đương thời dù không trải qua quãng quân khu cũng nhất định tậu về, phần vì hiếu kì, phần vì muốn sân si chút hoài niệm thỏa mãn nhu cầu ngoảnh lại. Mà, “bao cấp” lại là một khoảnh cũ đủ sự kiện, đủ gương mặt, đủ biến động
Quân khu Nam Đồng, thời bao cấp được triệu hồi, tự sự nào lên ngôi?
MINH CHÂU
Chuyện kể rằng, vào những năm hai nghìn không trăm mười x, anh đã vươn tới một cảnh giới chẳng cần đắc đạo mà vẫn thấm thía tính “vô thường” của cuộc đời. Đó là khi anh ra cửa hàng, đắn đo và vung tiền mua một chiếc điện thoại mới cũng là lúc anh nghĩ đến đoạn bao giờ bán nó đi để “lên đời”; đó là khi ứng dụng Snapchat buộc phải ra đời để cho anh quyền cập nhật trạng thái liên tục trên mạng xã hội và sẽ tự động biến mất ngay sau khi có người xem được; đó là khi anh chỉ quên điện thoại một buổi sáng, tới khi anh nhấc nó lên, bật wifi, vào facebook, anh đã chẳng thể hiểu bạn bè và bạn của bạn bè đang trò chuyện về cái gì. Nhịp sống mỗi ngày lên lên xuống xuống như hình ảnh của điện tâm đồ lúc lên cơn đau tim. Anh chẳng buồn cập nhật những thứ mới nữa vì chúng tự ý va vào anh hàng ngày. Lúc này, lẽ tự nhiên, anh có xu hướng mưu cầu một dấu nặng để ghìm chân mình lại - và kí ức là món mà anh chọn để đối phó. Rồi thì cũng như thời trang, khi chán ngán với chuyện “mới, mới nữa, mới mãi”, anh lại retro (xu hướng theo lối xưa). Ở tầm này, cả thành phố của anh đang lên cơn nghiện trở lại vùng quá khứ của năm mươi năm trước mang tên “thời bao cấp” với đầy đủ các biểu hiện: chọn trang phục chụp ảnh kỉ yếu, thiết kế màu sắc cho tờ lịch treo tường, bài trí đồ đạc quán cà phê, si mê đắp chăn con công ngay cả khi nhà có chăn Sông Hồng siêu nhẹ. Ở đó, có cả cách anh và bạn bè hào hứng mua tặng nhau cuốn truyện Quân khu nam đồng viết về thời thanh xuân của các ông bác, bà bác. Đấy, anh đang “huyền thoại hóa” một tuổi trẻ xa xôi - tuổi trẻ “quân khu”, tuổi trẻ “bao cấp”. Người già đã từng sống trẻ trong những năm tháng đó mua để hoài niệm; người trẻ đương thời dù không trải qua quãng quân khu cũng nhất định tậu về, phần vì hiếu kì, phần vì muốn sân si chút hoài niệm thỏa mãn nhu cầu ngoảnh lại. Mà, “bao cấp” lại là một khoảnh cũ đủ sự kiện, đủ gương mặt, đủ biến động và có cả tên gọi chắc chắn như một thương hiệu của hoài niệm. Lúc này, anh đang cầm một bản Quân khu trên tay và tự hỏi: làm thế nào mà tự sự về mấy ông già bà cả thời trẻ này lại có sức hút hơn chính các anh của bây giờ vậy?
Trước tiên, để biến một tế bào đơn sơ trở nên có da có thịt như một huyền thoại phải kể đến sức mạnh của chiến lược hồi tưởng. Tuổi trẻ của những cậu nhóc thuộc “quân khu nam đồng” chắc chắn sẽ không được viết ở thời hiện tại tiếp diễn mà phải được nhuộm bằng thứ nước màu của quá khứ. Bao giờ người ta cũng dễ dãi và dễ dàng hơn khi hồi tưởng và nói về những chuyện đã qua: những điểm còn mù mờ có thể biến thành chắc chắn; những thứ không tự nhiên sẽ tự nhiên; những thứ tưởng xấu xí, đau đớn lại hóa ra có thể trở thành đẹp đẽ và gây xúc động khi nằm trong dòng chảy của kí ức. Những chuyện kể của thời bao cấp, tích lũy đủ về “lượng” (là vòng luân hồi năm mươi năm) rồi mới thay đổi về “chất”, từ cơn ác mộng muốn băng qua lại trở thành một giấc mơ được trở về. Những người kể lại, họ giờ đây con đàn cháu đống đề huề, đã có một khoảng thời gian và trải nghiệm đủ dày để thấy được trọn vẹn hai vế trong phép so sánh thời xưa - thời nay. Câu chuyện thời bao cấp, hay tuổi trẻ thời bao cấp lúc “sinh thời” có lẽ cũng chưa thể là một kịch bản ấn tượng với những người tham gia. Sau này, khi người tham gia trở thành chứng nhân, sống trong thực tại của một mô hình xã hội khác, với những cơ chế vận hành khác không đem lại nhiều thỏa mãn, sự đủ đầy đến mức quá đà không làm cho họ bớt bất an, họ nhìn lại, nhớ nhớ quên quên và tin chắc rằng thời đánh lộn và yêu đương đầy éo le, khó khăn giữa bối cảnh một cuộc chiến mới là thời đẹp nhất.
Tuổi trẻ mà Quân khu nam đồng biểu đạt, nếu nỗ lực rút gọn đến tột cùng chỉ còn lại vỏn vẹn là câu chuyện về một đám trẻ đã dành cả thanh xuân dắt dao đi đánh lộn với bốn trận lớn, một vài trận quy mô nhỏ lẻ cộng các tình tiết về mĩ nhân đứng bên những thiên truyện anh hùng. Một tuổi trẻ “mải mê chinh chiến và yêu đương” thực tế là công thức chung của nhiều tuổi trẻ khác, là mẫu số chung khi một ai đó quyết định đặt bút diễn đạt lại thời hoa niên của mình. Nhưng, tuổi trẻ của Bình Ca là tuổi trẻ 32.000 bản và bỗng dưng, rất dễ dàng trở thành một kí ức chung đẹp đẽ của cả một thời. Tự sự của Bình Ca là cũ kĩ, nhưng là đặc sản của thời 4.0. Nói lại về thời bao cấp, ai thoát được những giai thoại về cái đói, cái khổ, cái thiếu thốn, những xếp hàng đặt gạch, những tem phiếu ăn dè, những lốp xe đạp mãi mãi đơn độc không tìm được khung cho riêng mình. Chính Bảo Ninh, người viết lời tựa cho cuốn truyện cũng không quên thêm một dòng nhắc lại những bất cập đó như một cơn “bóng đè” lịch sử trước khi nói về những thương nhớ thời bao cấp. Quân khu nam đồng làm được một việc: gần như phớt lờ cơn bóng đè đó một cách trơn tru, tự nhiên. Đề tài là thời bao cấp, nhưng chủ đề là tuổi trẻ, là thứ dễ gây vui tươi nhất để người ta quên đi những nhọc nhằn bao quanh. Sự vui tươi thì dễ kích thích người ta truyền tay nhau, như chia sẻ một hình ảnh tiếu lâm trên facebook. Ai chẳng muốn được cười, nhất là khi giờ đây họ có thẩm quyền để cười về một thứ đã qua vốn tưởng như không thể gây cười. Sự vui tươi xóa nhòa đi ngữ cảnh ảm đạm thực tế. “Vui tươi hóa”, “rút gọn hóa” hiện thực có lẽ là chủ trương chung mà phong trào “hồi bao cấp” đang thực thi tại thành phố. Số “Nhà chật” của chương trình Quán Thanh Xuân trên VTV1, MC, khách mời, những khán giả ngồi đó, ai còn nhớ giữa vách ngăn mỏng dính của những căn phòng sáu mét vuông trong khu tập thể đã nảy sinh ra bao nhiêu cãi vã, nghi ngờ, soi xét nhau. Họ chỉ còn muốn nhắc lại mãi cảm giác người với người ở gần nhau, biết câu chuyện của nhau, hỏi thăm nhau - những thứ mà hiện tại không còn điều kiện để khai triển. Kí ức của họ hay mảnh tuổi trẻ được chọn trong Quân khu là những giọt quá khứ được lọc, để được uống sự vui tươi giữa thời buổi giải khát chính là sự giải trí. Một cuốn truyện mà người ta có thể cầm lên và đọc “phăng phăng”.
Sự vui tươi (biết cách) hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Nó cho phép anh được ẩn mình trong không khí dân chủ, cứ như là thiếu nghiêm túc để nói về những chuyện nghiêm túc, cứ như là vô tư, vô nghĩa nhưng kì thực đang tái tạo và sản sinh ra nhiều ý tưởng mới. Thực tế, tuổi trẻ của Quân khu nam đồng có thể tính đến như một huyền thoại bởi nó đã thực hiện một công việc là “giải huyền thoại” một số ý niệm khác, mà ở đây, quan trọng nhất, nó phá vỡ tính chất huyền thoại của tuổi trẻ thời chiến. Nếu như trước đó, tuổi trẻ gắn liền với thế hệ dấn thân vào cuộc chiến, với hình ảnh người chiến sĩ quả cảm ngoài mặt trận, thì tuổi trẻ (trong Quân khu nam đồng) là những đứa con của họ. Cuốn tự truyện đặt tên là “quân khu”, nhưng không phải quân khu Bác Hồ kí sắc lệnh như Quân khu Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Tả Ngạn,… mà là “quân khu nam đồng”, một khu gia binh của Hà Nội. Những đứa trẻ sống tại miền Bắc lúc này được đi học đàng hoàng, đầy đủ. Những chuyện chúng lo nghĩ là làm sao để chọc ghẹo thầy cô, hàng xóm, đánh thắng những kẻ bắt nạt mình và bạn mình, viết thư tình sao cho thật thuyết phục,… Quân khu đối với chúng không phải là một căn cứ điểm trọng yếu đánh giặc mà là để đánh lộn. Chúng mặc lại quân phục từ cha mẹ, đi kiểu duyệt binh trên đường nhưng không để trở thành một người lính mà để tạo ra những tiếng loẹt quẹt và bụi mù trên đường tới trường, thách thức với trường học…
Nếu chỉ để mơ màng một lúc trong hồi ức, hay để cười ngặt nghẽo từ trang này qua trang khác, độc giả thời bão hòa sự giải trí này có nhiều lựa chọn hơn là một cuốn sách của một nhà văn tay ngang. Thực tế, khi mở mắt ra đã buộc phải chứng kiến biết bao chuyện hài hước, lố bịch, con người ta sẽ tự nhiên mang những đề kháng mới và tự kiểm duyệt những món giải khát của mình. Anh đọc Quân khu, anh lại còn mua tặng Quân khu thì hẳn đó là thứ vui tươi khiến anh trân trọng, giữ gìn. Thời điểm tập trung miêu tả tuổi trẻ trong Quân khu nam đồng là những năm từ bảy mươi đến bảy lăm, khoảng thời gian có tính chất giao thời. Tuổi trẻ miền Bắc một mặt vẫn sống trong bầu không khí chiến tranh khi bố mẹ của họ vẫn đang chiến đấu ngoài mặt trận, nhưng mặt khác, họ đi đứng, ăn ở tại những khu nhà tập thể của Hà Nội, trong hoàn cảnh miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những đứa trẻ thời kì này dù vẫn còn phải chịu những tổn thương của chiến tranh nhưng về cơ bản đã được sống trong hòa bình. Bao giờ những tình thế có tính chất ở giữa, không phải cái này nhưng chưa là cái kia cũng dễ nảy sinh ra những chỗ bỏ ngỏ. Rằng ở trang trước các anh có thể bẻ chân gà, đổ dế, thách thức thầy cô bằng những viên đá ném cửa sổ, nhưng ở trang sau, bom Mĩ đang rơi, một người mẹ không còn có mặt trên đời, một người cha không bao giờ trở về, những đứa trẻ trót sa ngã đã trượt dài mãi mãi… Đó là lí do để Quân khu nam đồng là cuốn sách chứ không phải một chuỗi bài đăng facebook chục nghìn like. Lương tâm của nó là có thể đùa cợt nhưng không được phép quên. Sự vô tư, vui tươi của Quân khu nam đồng là thứ vui tươi mà anh luôn phải nhắc nhở bản thân rằng chúng được nỗ lực gạn ra và chắt chiu lại từ những nỗi buồn! Rất buồn! Biết vui và biết buồn, đó là tính chất “bi hùng” của một tuổi trẻ huyền hoại.
Bi hùng là cảm giác khi nói về những điều phải thật sự có khả năng to lớn và cao cả. Ai cũng mãn nhãn khi nhìn ngắm những thứ đã chỉn chu và chắc chắn. Thời bao cấp là một ngữ cảnh phức tạp nhưng dẫu sao, so với những khốn khổ riêng của cái gọi là “đương đại”, đó vẫn là một điều đã qua và có khả năng nắm bắt được. Những tuổi trẻ đang diễn ra, đến giờ vẫn là bí ẩn khó đoán và chưa thể định nghĩa trơn tru đối với chính nó và những người khác nó, nhưng tuổi trẻ của Hà Nội giữa thời bao cấp: “Mình là con nhà lính, làm chuyện gì cũng phải đàng hoàng”. Mọi thứ thật sự rõ ràng, ít nhất ở thời điểm này khi nhìn lại. Cái rõ ràng ấy đến từ một thứ màu sắc của chiến tranh đã quen thuộc từ lâu. Một đất nước với lịch sử dày những cuộc chiến, một tuổi trẻ nảy sinh giữa lòng khói lửa, cho dù đã có những nổi loạn và thách thức, vẫn là thứ dễ hình dung được với số đông. Những đứa trẻ “quân khu”, cho dù nghịch phá cỡ nào thì ý thức và niềm tự hào với thân thế “con nhà lính” vẫn là thứ khiến chúng đẹp rạng rỡ. Những trận đánh với dao và lưỡi lê dù tai hại nhưng thường xuất phát từ tính nghĩa hiệp, anh hùng mong muốn bảo vệ bạn bè và chứng tỏ bản thân của những đứa trẻ mới lớn. Những trò chọc phá thầy cô, bạn bè chỉ là nhất thời, những đứa trẻ của “quân khu” vẫn là những đứa trẻ giàu tình cảm, biết suy nghĩ và mong muốn giúp đỡ người khác. Lòng tự trọng, tính trung thực, sự nghĩa hiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Đặt vào miệng đứa trẻ những câu nói kiểu “con nhà lính” dẫu có phần mùi mẫn nhưng chính điều đó mới đủ sức để làm nên màu của tuổi trẻ thời “quân khu”. Chúng dù ngỗ ngược ngang tàng nhưng vẫn phải giữ chất ngạo nghễ và anh hùng, vì chúng là con của người lính. Sau này, Việt, Hòa, Ngọc, Hoàng, Sơn, Quốc, Giang, Hương, Dung,… cũng sẽ xung phong nhập ngũ vì lí tưởng của dân tộc, sẵn sàng xả thân và hi sinh, nhưng nét hào hoa của những đứa trẻ lớn lên giữa thành phố vẫn sẽ nâng đỡ chúng hết cuộc chiến. Chúng vẫn sẽ là những nốt nhạc nào đó rất khác với bố mẹ chúng. Hình tượng mới của những đứa trẻ vẫn còn biết buồn bởi vết thương chiến tranh nhưng đã tự tin và tự do, biết vui bởi chính thời của mình chứ không ẩn ức mãi về thời cha chú nữa, chính điều ấy làm nên một tuổi trẻ ấn tượng.
Tuổi trẻ mỗi ngày sẽ lại tự do và nhạy cảm hơn, những khủng hoảng giờ đây rồi lúc nào đó sẽ là đặc sản của tuổi trẻ. Nhưng tại thời điểm này, điểm rơi của huyền thoại đang rơi vào “tuổi trẻ thời bao cấp”. Cả xã hội lên cơn sốt về sự trở lại của thời bao cấp như một kí ức chung gần nhất có đầy đủ phẩm chất để trở thành huyền thoại. Một “quân khu” nhưng ở giữa một thành phố - thủ đô, đang là một bối cảnh có đủ thức ăn và dinh dưỡng để nuôi những tính cách đặc biệt cho tuổi trẻ, cho huyền thoại trong thời này. Quân khu nam đồng là một truyện có duyên, tưởng như có chiến tranh đó nhưng khiến người ta bật cười và mát lòng khi nhìn những đứa trẻ lớn lên độc lập; tưởng như chỉ viết về mấy chuyện đánh nhau, nghịch ngợm, yêu đương tuổi hoa niên nhưng vẫn khiến người ta gợn buồn vì một trận chiến ngỡ đã qua từ rất lâu.
Giờ quay trở lại, anh vẫn đang cầm cuốn truyện màu xanh. Quân khu nam đồng vẫn bán chạy và tiếp tục bán chạy bởi huyền thoại thì luôn bán chạy. Vì nó hoành tráng và mãn nhãn. Anh cũng hồ nghi rằng phải là người như Bình Ca và bạn bè của ông, nay là người thành công trong cuộc sống, những người có đủ thẩm quyền để tự biểu đạt và đổ thêm nghĩa cho quá khứ của họ, những người đã đủ đầy mà cái khổ, cái khó khăn của thời bao cấp giờ đây có thể được giản lược thành cái hào hùng, lãng mạn, cộng thêm bối cảnh hoài niệm đang là “mốt” thì Quân khu nam đồng mới có số, có má trở thành hiện tượng và tiếp thêm dưỡng chất huyền thoại cho không gian “thời bao cấp”. Anh cũng băn khoăn rằng, liệu có phải vì thời này, cái gì cũng nhanh nên người ta bớt màng đến kĩ nghệ cầu kì của văn chương hơn. Anh lại càng thắc mắc và lo âu rằng tuổi trẻ thời này của chính anh, đầy những rắc rối và hoang mang, liệu có cần tới “ba trăm năm lẻ” mới đến lượt để được hiểu như chú bác anh bây giờ đã được cảm thông kể cả khi đánh lộn. Sau cùng thì, anh vẫn đang cầm một best-seller bìa màu xanh, giấy nhẹ và thơm, để biết chắc rằng sớm muộn sự thật nào cũng sẽ tìm được cách để kể lại, chỉ cần đúng điểm rơi.
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội