Những cánh hoa rơi cũng là những thân phận người phụ nữ lắm khi vướng phải đa đoan, bị cuộc đời dày xéo bầm dập, nhưng cuối cùng vẫn có thể nhận được một kết thúc có hậu: "Ra đường gặp cánh hoa rơi/ Hai tay bưng lấy cũ người mới ta"




THOÁNG CÁNH HOA RƠI NHÒA GIẤC MỘNG

ĐỖ ANH VŨ

Vẻ đẹp của hoa trong mối tương quan với phụ nữ cũng như cái đẹp tự thân của nó đã làm tốn không biết bao nhiêu bút mực văn chương từ Đông sang Tây, từ kim chí cổ. Những cánh hoa không chỉ làm say đắm lòng người khi chúng còn đang khoe sắc mà ngay cả khi đã lìa cành, hoa vẫn lay động bao trái tim. Bài viết này, vì lẽ đó, xin được luận về hoa rụng.

1.
Trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, nhìn một cánh hoa rơi đã thấy lòng man mác. Điều ấy cũng là dễ hiểu bởi một đóa hoa lìa cành cũng giống như một vẻ đẹp tạ từ cõi thế, phải nói lời tạm biệt với người đang yêu mến chúng. Thi ca cổ điển có biết bao kiệt tác về hoa rụng: "Mấy lần cửa đóng then cài/ Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu" (Truyện Kiều - Nguyễn Du). "Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân/ Phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân" (Một cánh hoa rơi xuân kém tươi/ Gió bay tan tác khách não người) (Khúc giang 1 - Đỗ Phủ), "Lạc hoa tương dữ hận/ Đáo địa nhất vô thanh" (Nhìn theo hoa rụng tơi bời/ Hoa kia cũng hận cho người biệt ly) (Nam hành biệt đệ - Vi Thừa Khánh). "Cao các khách cánh khứ/Tiểu viên hoa loạn phi" (Lầu cao khách đã đi rồi/ Hoa trong vườn nhỏ tơi bời tung bay) (Lạc hoa - Lý Thương Ẩn).
Thi ca Việt Nam hiện đại từ Thơ Mới (1932 - 1945) cho tới sau 1975 cũng có nhiều câu thơ hoa rụng nổi tiếng. Và đều buồn, đều tan tác đến nao lòng: "Hoa đào từng cánh rơi như tưới/ Xuống mặt sân rêu những giọt buồn/ Như những tim tình tan vỡ ấy /Nhện già giăng mắc sợi tơ đơn" (Thôi nàng ở lại - Nguyễn Bính), "Hơn một loài hoa đã rụng cành/ Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh" (Đây mùa thu tới - Xuân Diệu). Nhưng cũng có khi nhìn hoa rụng mà vẫn thấy đẹp. Điều này chung quy cũng bởi lòng người.
Những người lính Tây Tiến lãng mạn, hào hoa, ra trận vẫn còn những phút giây mơ về dáng kiều thơm Hà Nội nên khi nhìn thấy hoa rụng cũng có cảm giác thật khác với người xưa: "Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" (Tây Tiến - Quang Dũng). Chỉ một chữ "đong đưa" thôi đủ cho ta thấy cái đa tình đa cảm của thi nhân". Đong đưa" mà không phải "đung đưa", "đung đưa" là sự lay động trước gió, còn "đong đưa" là lay động tự thân.
Sự vật tự nó có hồn vía, đầy vẻ đẹp khiêu gợi, mời mọc của nữ tính. Cánh hoa trên dòng nước lũ tưởng như bị vùi dập mà bỗng bừng sáng bởi sự hiện diện của từ "đong đưa". Chàng trai trong bài hát "Cô gái đến từ hôm qua" (Nhạc và lời: Trần Lê Quỳnh) cũng thấy những cánh hoa màu đỏ rơi xuống đẹp lạ lùng, bởi những cánh hoa ấy như là chứng nhân cho một sự đoàn tụ, một sự trở về giữa chàng trai và cô gái sau bao tháng năm xa cách: "Tình yêu đầu trôi xa dư âm để lại. Và nếu thuộc về nhau em sẽ trở lại. Và anh được thấy hoa rơi như cơn mưa tươi thắm những con đường". Hình ảnh những cánh hoa đỏ rơi như mưa còn xuất hiện trong một bài hát nổi tiếng nữa - bài "Thời hoa đỏ" (Nhạc: Nguyễn Đình Bảng; Thơ: Thanh Tùng). Vẻ đẹp của những cánh hoa lúc này còn gắn với bao nuối tiếc buồn thương về thời gian một đi không trở lại: "Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi. Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi, như nuối tiếc một thời trai trẻ. Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi. Như tháng ngày xưa ta dại khờ, ta nhìn sâu vào trong mắt nhau".

2.
Những cánh hoa rụng trong thi ca còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng về nhân sinh, về mỗi kiếp người. Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905) trong lời tựa "Truyện Kiều" (Thanh Tâm tài nhân tập tự) đã để lại một câu bất hủ: "Cánh hoa rụng chọn gì đất sạch". Đó là nỗi đắng đót xót xa, đồng cảm với số phận của nàng Kiều. Đó cũng là một tấc lòng tri âm trong thiên hạ với thiên tuyệt bút mà Tố Như đã để lại cho hậu thế. Cánh hoa rụng có khi cũng là báo hiệu một cuộc tình vừa tan, ngỡ như một giấc mơ đẹp vừa qua mà không còn cách nào níu kéo: "Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời/ Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi" (Hoa rụng ven sông - Nhạc: Phạm Duy, thơ: Lưu Trọng Lư), "Thoáng cánh hoa rơi nhòa giấc mộng" (Đinh Hùng).
Những cánh hoa rơi cũng là những thân phận người phụ nữ lắm khi vướng phải đa đoan, bị cuộc đời dày xéo bầm dập, nhưng cuối cùng vẫn có thể nhận được một kết thúc có hậu: "Ra đường gặp cánh hoa rơi/ Hai tay bưng lấy cũ người mới ta" (Ca dao). Cánh hoa rụng còn thể hiện những quy luật của cuộc đời: "Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai" (Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa cười). Điều quan trọng là con người cần bình tĩnh nhận biết rõ quy luật của tạo hóa, từ đó tìm ra cách ứng xử cho riêng mình. Với thiền sư Mãn Giác, bài thơ mở đầu bằng hình ảnh hoa rụng nhưng lại kết thúc bằng một hình ảnh thật tươi tắn lạc quan: "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai).
Hồ Chủ tịch trong bài "Vãn cảnh" (Cảnh chiều hôm) cũng nhìn nhận hoa rụng như một quy luật, nhưng đã gắn cho hoa cái tinh thần phản kháng, không chịu chấp nhận quy luật vốn được sắp đặt sẵn ấy của tạo hóa: "Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn hoa nở cũng vô tình/ Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình".
Nhiều cánh hoa rụng trong thi ca Việt Nam còn xuất hiện như một cái cớ để con người giãi bày thổ lộ lòng mình, thường là trong tình yêu đôi lứa. Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm trong bài thơ tình nổi tiếng "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" đã để hình ảnh hoa rụng xuất hiện ngay từ khổ thơ đầu: "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc trắng/Bốn cánh tàn ba cánh sắp sửa rơi…".
Tình yêu của chàng trai và cô gái trong bài hát "Chia tay hoàng hôn" (Nhạc: Thuận Yến, Thơ: Hoài Vũ) cũng có hoa rụng như làm chứng cho phút giây li biệt: "Anh phải về thôi xa em thôi/ Xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi/ Hoa khế rụng tím ngăn lối nhỏ/ Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…". Và tình yêu sinh viên một thuở trong Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Nhạc: Trương Quý Hải, thơ: Bùi Thanh Tuấn) cũng thấp thoáng hình ảnh hoa rụng như thế: "Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về…".

3.
Nền văn học của những quốc gia phương Đông như Nhật Bản hay Ấn Độ cũng chứa rất nhiều câu thơ diễm lệ về hoa rụng. Người Nhật Bản với thể thơ Haiku và Tanka  độc đáo, trọng sức gợi hơn tả, lấy cô đọng hàm súc làm tôn chỉ hàng đầu, đã để lại cho hậu thế biết bao câu thơ kỳ ảo về hoa rụng.Thi sĩ danh tiếng Basho từng có bài Haiku về hoa đào: "Hoa đào ơi hoa đào/ Trong tận cùng tâm tưởng rụng rơi/ Biết bao điều" (Nguyễn Nam Trân dịch). Cái rụng vật lí của cánh hoa đã nhường chỗ cho cái rụng tâm lí trong lòng người, gợi lên bao điều sâu xa…
Những bài thơ Tanka của các tác giả dân gian cũng có những câu thơ về hoa rụng tuyệt hay, gây ám ảnh sâu sắc dù chỉ đọc một lần: "Có phải vì con nai/ Đi qua đồng vướng vào hoa huệ/ Mà bông hoa lìa cành như thế/ Hay vì thời gian" (Hoa huệ - Thái Bá Tân dịch), "Những bông hoa tuyết vừa rơi/ Trên hoa mận trắng/ Em nâng lên tay/ Cho em - anh tặng/ Nhưng trên tay tuyết đã tan rồi" (Hoa tuyết - Thái Bá Tân dịch).
Trong thi ca, tôn giáo và văn hóa Ấn Độ, hoa rụng gắn nhiều với những ý niệm và suy tư triết học. Hoa rụng không chỉ là nỗi buồn riêng tư mà còn là nỗi đau thương của cả đất trời. Sử sách truyền rằng, ngày Đức Thích Ca nhập diệt, hoa mạn đà la rơi đầy mặt đất, hoa rơi phủ kín kim quan…
Đại thi hào Tagor (1861 - 1941) là một trong những thi sĩ tả hoa rụng trong thơ nhiều nhất, điển hình qua tập "Tâm tình hiến dâng": "Hoa nở rồi tàn/ Nhưng ai đó đã cài hoa lên áo/ Cũng chẳng cần mãi mãi khóc thương hoa; Bạn là ai - người trăm năm sau hay đang đọc thơ tôi/ Tôi không thể gửi bạn bông hoa duy nhất trong sắc xuân này/ Ánh vàng độc nhất từ sắc mây/ Xin mở toang cửa sổ/ Thu nhặt ngay trong vườn mình hoa nở rộ/ Kỷ niệm ngát hương/ Của bông hoa trăm năm về trước đã phai tàn". (Tâm tình hiến dâng, bài 85). Hoa rụng trong thơ Tagor, hơn một lần gắn với những khát vọng trong tình yêu, những khát khao vĩnh cửu, cũng như cả những nỗi niềm vô vọng của con người: "Mặt trời lên thiên đỉnh/ Ngày cháy ánh tà huy/ Những bông hoa héo úa/ Đã tàn rơi còn gì; Ta ép hoa vào lòng, gai nhọn đâm sâu/ Ngày tắt, hoa tàn nhưng nỗi đau còn nguyên vẹn" (Tâm tình hiến dâng, bài 57)
Nỗi buồn thương những vẻ đẹp trong trắng, mong manh bị chà đạp là cảm thức chung đã từng được văn chương nói tới, đặc biệt ám ảnh trong truyện ngắn "Hơi thở nhẹ" của Bunhin. Với chỉ bốn câu thơ năm chữ ngắn gọn, Hàm Anh vẫn đủ sức làm người đọc nhức nhối tâm can: "Mới sớm xuân gió thổi/ Góc vườn bao hoa rơi/ Và bao bàn chân giẫm/ Lên hồn hoa trắng ngời" (Gửi Bunhin  - Hàm Anh)
Người xưa ngắm hoa rụng, người nay ngắm hoa rơi. Cái đẹp hay sự tàn úa vẫn vậy, lòng người liệu có đổi thay? Tôi tin rằng hoa rụng, cái chết, sự chia ly sẽ mãi là chủ đề bất tận cho thơ ca, bởi vì nó như là mặt kia của sự sống tuyệt đẹp dù đớn đau này. Chỉ cần ta biết yêu Hoa thôi…


Nguồn: Văn Nghệ Công An