Không phải chỉ đến các hội sách quốc tế, người làm sách Việt Nam mới nhắc đến câu chuyện đưa sách Việt xuất ngoại. Tuy nhiên, để từng bước tiếp cận độc giả ngoài nước, cần một cách làm hiện đại hơn và sách song ngữ, hiện tại chính là giải pháp tối ưu





SÁCH VIỆT TÌM CƠ HỘI XUẤT NGOẠI

QUỲNH YÊN

Chủ động tiếp cận bạn đọc quốc tế
Điều đáng ghi nhận đối với các đơn vị xuất bản trong nước khi tham gia Hội sách Frankfurt 2019 mới kết thúc gần đây, đó chính là sự chủ động trong công tác chuẩn bị. Không còn mang các ấn phẩm thuần tiếng Việt như các năm trước, năm nay nhiều đơn vị đã tổ chức dịch thuật nhiều ấn phẩm có chất lượng sang các ngôn ngữ khác nhau để quảng bá và giới thiệu tại hội sách lớn nhất thế giới này. Điển hình như NXB Kim Đồng mang đến Frankfurt hơn 40 đầu sách/bộ sách được đầu tư công phu về nội dung và mỹ thuật đầy đủ các thể loại, từ văn học đến kỹ năng sống, từ giáo dục lịch sử truyền thống đến khoa học, rồi sách tranh truyện, sách ảnh... Đặc biệt, đa số đều là sách song ngữ như: Phố cổ Hà Hội - Kí họa và hồi ức, Dế mèn phiêu lưu kí, sách ảnh Trường Sa - Nơi ta đến, Lược sử nước Việt bằng tranh… 
Với NXB Phụ nữ, đây là năm thứ hai liên tiếp đơn vị này tham dự Hội sách Frankfurt. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ cho biết, ngay từ cuối năm trước, NXB Phụ nữ đã xây dựng kế hoạch, nhờ đó tại Hội sách Frankfurt 2019, đơn vị này đã có sự chủ động và có nhiều thời gian hơn trong công tác chuẩn bị và xây dựng các nội dung tham gia hội sách, bao gồm: chuẩn bị các đề tài sách để trưng bày tại gian hàng và chào bán bản quyền; tham gia một số tọa tàm, hội thảo (tọa đàm cấp khu vực về thói quen đọc sách của người Việt: The Reading habits of Vietnamese people) và tổ chức giới thiệu sách tại gian hàng. 
Tham dự Hội sách Frankfurt 2019, NXB Phụ nữ đã mang theo nhiều ấn phẩm được làm theo dạng song ngữ Việt - Anh vừa xuất bản như tập truyện ngắn I am đàn bà của nhà văn Y Ban, tập truyện ngắn Người bán linh hồn của nhà văn Trần Thùy Mai. Chưa kể các ấn phẩm được dịch sang tiếng Anh từ trước đó như: Đấy là nó nghĩ thế của Trần Ngọc Anh Thư, Con gái Bà Triệu thế kỷ 21 của Irene Ohler và Đỗ Thùy Dương…
Nhờ có sự chuẩn bị như vậy nên theo tiết lộ của bà Hoa Phượng, đơn vị này đã làm việc được với hơn 100 đơn vị xuất bản nước ngoài, mua được bản quyền một số tác phẩm có giá trị của Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời kết nối để làm thủ tục chào bán bản quyền được một số tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại. Theo đại diện một đơn vị làm sách: “Cơ hội bán bản quyền ít hơn, nhưng qua đó, chúng ta cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm để xây dựng được những bộ sách trong nước phù hợp với xu thế xuất bản chung của thế giới, cũng như để đối tác nước ngoài hiểu hơn về xuất bản Việt Nam”. 

Hướng đến độc giả tương lai 
Thực tế, việc làm sách song ngữ không còn mới lạ ở Việt Nam. Ngay tại NXB Phụ nữ, trước 2 tập truyện Người bán linh hồn và I am đàn bà, đơn vị này cũng từng thực hiện phiên bản Việt - Trung cho tập truyện ngắn Không khóc ở Seoul của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Tuyển thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay (Việt - Anh). Trước đó nữa, NXB Thông tin và Truyền thông giới thiệu đến độc giả 2 cuốn sách song ngữ Việt - Anh là Việt Nam: Đất nước và con người - Nhìn từ biển, đảo và Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2018, Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ra mắt cuốn sách ảnh Saigon của tôi (Việt - Anh) của nhạc sĩ Quốc Bảo. Hay bộ sách Ở nơi yên ấm (Việt - Anh) gồm 4 cuốn: Yêu bố cả ngày, Yêu mẹ cả ngày, Chuyện hạnh phúc và Chuyện cái túi của tác giả Phan Hồ Điệp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đơn vị xuất bản trong nước bắt đầu có sự chú trọng hơn đối với thể loại song ngữ khi có sự đầu tư về chất lượng dịch thuật cũng như hình thức thể hiện. Việc xuất bản các ấn phẩm dưới dạng song ngữ là một cách để tiếp cận các hội sách/độc giả ở nước ngoài. Ngoài ra, theo đại diện các NXB tham gia Hội sách Frankfurt 2019, thực tế vẫn có lượng độc giả nhất định trong nước quan tâm đến sách song ngữ Việt - Anh và bộ phận kiều bào ở nước ngoài đón chào sách song ngữ cho con em mình. Đặc biệt là dòng sách tranh truyện, sách kỹ năng sinh hoạt cho các bé. 
Một vấn đề quan trọng khi thực hiện sách song ngữ, đó chính là việc chuyển ngữ. Có những tác phẩm được độc giả yêu thích bởi chính ngôn ngữ mẹ đẻ của nó; khi dịch sang một ngôn ngữ khác, đôi khi cũng giảm đi giá trị và tinh thần của tác phẩm. Đa số các sách tranh truyện, sách kỹ năng thì việc dịch qua ngôn ngữ mới không phải là quá thách thức, vì dung lượng chữ vừa phải, kiến thức dành cho đối tượng độc giả nhỏ tuổi cũng không quá đánh đố. Nhưng đối với các tác phẩm văn chương thì gặp nhiều khó khăn hơn về việc chuyển ngữ.
Bà Hoa Phượng đồng tình: “Chắc chắn khi dịch sang tiếng nước ngoài sẽ khó có thể đảm bảo được 100% phong vị tiếng Việt và văn hóa Việt, cũng như các tầng lớp ngữ nghĩa của tác phẩm (do phông nền văn hóa khác nhau của độc giả). Tuy nhiên, chúng tôi tin vào nỗ lực của các dịch giả và các chuyên gia hiệu đính. Dịch là con đường quan trọng để giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới, để thế giới hiểu Việt Nam hơn”.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng