26 bút ký và 69 tản văn trong tập sách “Như đồng bạc lẻ”, tựa như bó hoa đồng nội, được tập hợp trong một thời gian không lâu, cho thấy Đàm Quỳnh Ngọc vẫn đắm đuối với nghề. Chị lặng lẽ thu mình và miệt mài, lựa chọn một lối đi riêng có phần khiêm nhường, nhưng không thể nói là không hữu dụng.



DẤU ẤN MỘT VÙNG ĐẤT

NGUYỄN MINH NGỌC

Giữa những ngày cả nước hướng lòng mình tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã dâng trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của đất nước, nhẩn nha đọc những trang viết của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc trong tập “Như đồng bạc lẻ”, càng thêm thấm thía. Trước tiên, phải nói đến tâm cảm của người cầm bút. Nghĩ về nghề, từng có lần nữ văn sĩ - người con của đất Quỳnh Lưu, xứ Nghệ, tỏ bày: “Văn học là người bạn đời không thể thiếu được trong một kiếp người của tôi”.

Cầm bút khá sớm, nhưng vẻ như Đàm Quỳnh Ngọc lại có lối đi ngược với đám đông. Ấy là nhiều cây bút mới đầu thì làm thơ rồi chuyển sang văn xuôi, khởi đi từ bút ký, truyện ngắn, rồi mới “lên đời” tiểu thuyết. Ngay từ năm 28 tuổi, chị đã trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay “Miền đất cô đơn” và đến nay “gia tài” ấy đã có thêm 5 tập truyện ngắn khá đầy đặn. Đã đành một nhẽ, với văn chương thì quả là không có món nào dễ “xơi” cả, nhưng thực lòng mà nói, truyện ngắn vẫn là thứ ắp đầy sự thử thách và rất chi khó nhằn. Vun xới và bung sức ở thể loại này, Đàm Quỳnh Ngọc đã nhận được mùa quả ngọt. Đó là giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí VNQĐ (1989-1990), giải Nhì cuộc thi Văn học dành cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên và Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức (1995-1997); giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (1998); giải B, C giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương các lần I, II, III.

Còn nhớ Raxun Gamzatôp, một nhà văn Xô viết nổi tiếng, người gắn bó sâu nặng với vùng núi Kapkazơ, ông viết trong cuốn “Đaghextan của tôi” rằng: “Trong văn học không thể có những nông trang tập thể. Mỗi nhà văn cần có riêng cánh đồng, có riêng thửa ruộng của mình, dù nó có hẹp đến đâu”.
Vâng, có lẽ khi tuổi nghề đã chín, với tầm nhìn và sự chiêm nghiệm rất riêng của bản thân, Đàm Quỳnh Ngọc viết chậm rãi và đằm lại. Nhưng điều bất ngờ nhất là chị chuyển hướng ngòi bút sang thể ký và tản văn. 26 bút ký và 69 tản văn trong tập sách, tựa như bó hoa đồng nội, được tập hợp trong một thời gian không lâu, cho thấy tác giả vẫn đắm đuối với nghề. Chị lặng lẽ thu mình và miệt mài, lựa chọn một lối đi riêng có phần khiêm nhường, nhưng không thể nói là không hữu dụng. Nói chung, ký là thể loại dễ viết, nhưng khó hay, bởi trước hết nó đòi hỏi người cầm bút phải biết rung cảm trên cái phông nền văn hóa sâu rộng, nhưng điều quan trọng hơn vẫn phụ thuộc vào nội lực của nhà văn.

Một sự kiện nhói lòng về 33 liệt sĩ TNXP hy sinh từ năm 1966 tại hang Hỏa Tiễn, cạnh mỏ đá Hoàng Mai, tác giả có bài viết “Nơi nỗi đau thành huyền thoại” đi trên báo Văn Nghệ. Nhưng dường như vẫn còn đó đau đáu một nỗi niềm và bị ám ảnh vì chưa nói hết, Đàm Quỳnh Ngọc lại tiếp tục dấn thân tìm gặp các nhân chứng, để đi đến tận cùng sự thật, và bút ký “Họ vẫn chưa về” đã ra đời khiến bạn đọc trào nước mắt. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ở một nơi không xa quốc lộ 1 - con đường huyết mạch, và cũng chỉ cách Truông Bồn và Ngã ba Đồng Lộc vài chục km, ấy vậy mà nơi đây dẫu được công nhận là “Di tích lịch sử quốc gia” (2011) song vẫn chịu cảnh hiu hắt. Chao ôi, cái sự vô cảm của con người! Tiếp nối mạch nguồn ấy, nhưng ở mảng văn hóa, chị có bài “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” vừa trân trọng giới thiệu tác giả thơ Văn Hiền, nhưng cũng vừa kín đáo gửi đi một thông điệp mà lắm khi người đời vẫn theo nhau lặp lại như một cái máy! Vâng, trên đời này chẳng ai vô danh cả, nhất là với những người con đã ngã xuống vì dân, vì nước!

Với tất cả tấm lòng trân quý, Đàm Quỳnh Ngọc nhiệt tâm viết về một người khiếm thị cầm bút, rồi chuyện gặp nhà thơ “Hương thầm” ở quê nhà, hay với nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến, “Người viết nhiều tác phẩm văn học về Bác Hồ”. Tôi đặc biệt thích “Nhà thơ xơ xác vì thơ”, bởi chỉ cần vài nét chấm phá “Người gầy gò, tóc xoã ngang vai, áo tuyềnh toàng mở phanh cúc ngực, đôi mắt sáng lên như có lửa, bàn tay giơ lên hạ xuống theo nhịp đọc thơ…”, chân dung nhà thơ xứ Nghệ tài hoa Thạch Quỳ đã hiện lên thật sống động và khó lẫn!

Đàm Quỳnh Ngọc dành những trang mộc mạc, đằm thắm viết về Hoàng Mai quê hương chị, về những chuyến ngược lên miền Tây xứ Nghệ; chuyện về “Người nuôi dưỡng đất” hay “Người Nghệ nơi xa xứ”. Cái sự quan sát về thành Vinh, nơi chị gắn bó suốt hơn 30 năm, với những nhận xét đem lại nhiều điều nếm trải thú vị. Qua những chuyến đi, chị kịp ghi lại ấn tượng về người lính “Với người chiến sĩ đặc công nước”, hay “Người lính của đảo Mắt”…

Phần tản văn trong tập sách khá đặc sắc. Đây là thể loại mới xuất hiện những năm gần đây, đáp ứng sự đòi hỏi nhanh nhạy, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề của cuộc sống. Một khi độc giả không có đủ thời gian để đọc dài, nhất là những thứ vô bổ, thì xem ra tản văn ngày càng được ưa chuộng trên mặt báo. Tuy nhiên, cũng có không ít người coi tản văn là thứ “đèm đẹp”, nên se sua chữ nghĩa, thậm chí uốn éo khoa trương rồi triết luận. Nối tiếp mạch nguồn thể ký, Đàm Quỳnh Ngọc chịu khó quan sát, chị biết cách chắt chiu từng con chữ để lẩy ra nét riêng, bằng lối kể dung dị và thâm trầm nhưng không kém phần sâu sắc. Tựu trung lại vẫn là chuyện đời, chuyện người, chuyện nhân tình thế thái trong xã hội xô bồ mà giá trị đồng tiền có lúc lên ngôi và ngự trị, chi phối mọi quan hệ từ gia đình, đến bạn bè, đồng nghiệp. Có thể nói tản văn là sự trải nghiệm với mảng ký ức đan xen hiện tại và là sự “mở lòng” của người viết, ngõ hầu gửi đến độc giả những thông điệp ngắn gọn, sắc nét và nhanh nhạy nhất!

Thật ấm lòng khi đọc “Bát cơm nguội” gợi lại kỷ niệm về một thời cơ cực chưa xa, cái thời nghèo khổ vật chất nhưng tình người luôn giàu có. Hình ảnh “Cậu đốt lửa cho mình hơ, còn bát cơm nguội, cậu cho ít muối vào, rang lên, giục cháu ăn đi cho ấm người. Năm ấy, đói, có bát cơm, quý lắm”, cứ khiến ta rưng rưng. Nói về một loại người bạn gặp ở nhiều nơi, gặp hằng ngày, chị có mẩu “Cá tràu” với khái quát “Nơi đâu có lợi liền nhảy đến, không có lợi, bạn bè gặp hoạn nạn cần giúp đỡ, nó “phóng cao, lặn sâu”. Ôi, cá tràu, cá tràu!”. Có chuyện cười ra nước mắt như “Ông lươn và quy trình” chẳng hạn, hay chuyện nghề “Nhà văn viết cho ai?” buộc phải suy ngẫm.  Là phụ nữ mấy ai không thoáng chạnh lòng, day dứt buồn khi đọc “Ngày lấy chồng, cha mẹ thành bên ngoại”…?

Thật khó có thể điểm và kể hết ra đây những nét đậm trong mảng tản văn của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc. Trân trọng mời quý độc giả hãy cùng chiêm nghiệm và sẻ chia cảm xúc với tác giả qua “Như đồng bạc lẻ”, do Nhà xuất bản Đại học Vinh ấn hành.