Rất nhiều đại gia từng đọc tác phẩm Vũ Trọng Phụng mà ôm mộng Xuân Tóc Đỏ bá vai bà Phó Đoan, sao không ai quyên góp để tôn tạo nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng? Mặt khác, xã hội cũng chưa có chính sách hữu hiệu để khuyến khích và hỗ trợ cho các nhà lưu niệm danh nhân.




NHÀ LƯU NIỆM DANH NHÂN LÀM SAO ĐỂ TỒN TẠI?

Những người quan tâm đến đời sống văn hóa một phen xôn xao khi nghe tin Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng ở làng Giáp Nhất, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội không còn nữa. Thực tế, địa chỉ được dùng làm nhà lưu niệm của tác giả “Số đỏ” vốn thuộc sở hữu của con gái ông, bây giờ chuyển giao cho cháu ngoại làm chốn cư ngụ. Trước đây, trong khuôn viên này có cả phần mộ của Vũ Trọng Phụng và phần mộ của vài người thân trong gia đình. Bây giờ, những phần mộ ấy đã được di dời vào Nghĩa trang Quán Dền là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc không còn treo biển Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng tại nơi gìn giữ những kỷ vật của ông, cũng là điều đáng suy tư.

Với một nhà văn, thì di sản lớn nhất vẫn là tác phẩm. Còn nhà lưu niệm là giá trị cộng thêm, để tri ân cống hiến của người đã khuất cũng như để ghi dấu lịch sử phát triển văn hóa. Con cháu thờ tự tiên tổ là hợp đạo lý, nhưng con cháu có nhiệm vụ làm nhà lưu niệm cho tiền nhân hay không lại là câu chuyện khác. Không có luật lệ nào quy định con cháu của danh nhân phải xây dựng và bảo tồn nhà lưu niệm để bá tánh được đi về chiêm bái. Con cháu của danh nhân cũng có cuộc sống riêng, cũng phải xuôi ngược mưu sinh, cũng phải chắt chiu cơm áo. Muốn duy trì một nhà lưu niệm thì phải có kinh phí, ít nhất là kinh phí để trả cho người trông coi và chăm sóc không gian trưng bày. Dù kính yêu và trân trọng danh nhân đến mức nào, thì câu hỏi đầu tiên là… tiền đâu cũng thách thức con cháu.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939 ở độ tuổi 27. Tính đến thời điểm hiện nay, tác phẩm của ông đã thành tài sản chung của cộng đồng. Tác quyền chỉ được bảo vệ 50 năm sau khi tác giả mất đi. Nếu con cháu có chút tác quyền thường xuyên thì may ra còn có nguồn tài chính để vun đắp cho nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng.

Với hoàn cảnh bây giờ, con cháu có đóng cửa nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng, thì cũng không có gì đáng trách giận họ. Còn truy vấn trách nhiệm, có lẽ phải đề cập đến những người thụ hưởng thành quả sáng tạo của Vũ Trọng Phụng. Rất nhiều đại gia từng đọc tác phẩm Vũ Trọng Phụng mà ôm mộng Xuân Tóc Đỏ bá vai bà Phó Đoan, sao không ai quyên góp để tôn tạo nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng? Mặt khác, xã hội cũng chưa có chính sách hữu hiệu để khuyến khích và hỗ trợ cho các nhà lưu niệm danh nhân.

Mỗi năm, một nguồn tài chính lớn vẫn được đầu tư các công trình văn hóa, nhưng người ta hứng thú với việc xây dựng tượng đài hoành tráng hơn là kiến thiết nhà lưu niệm danh nhân văn hóa. Cần phải thành thật thừa nhận với nhau, nhà lưu niệm danh nhân không thể phó mặc cho con cháu của họ. Bằng chứng là nhà lưu niệm Điềm Phùng Thị và nhà lưu niệm Lê Bá Đảng được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai rất bài bản và quy mô. 

Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng đang có nguy cơ biến mất. Ngược lại, có những tác giả ở dạng thường thường bậc trung nhưng con cháu có bạc tỷ thì đã làm nhà lưu niệm khá nguy nga, khiến công chúng có cảm giác “y phục bất xứng kỳ đức”!

                      LTN