Nghĩ về bản thân mình để kiên trì sáng tạo
Chúng ta nghĩ về bản thân mình như thế nào, trong cuộc đời này? Câu trả lời không đơn giản, vì hình như không ai nghĩ giống a...
http://www.lethieunhon.vn/2019/11/nghi-ve-ban-than-minh-e-kien-tri-sang.html
Chúng ta nghĩ về bản thân mình như thế nào, trong cuộc đời này?
Câu trả lời không đơn giản, vì hình như không ai nghĩ giống ai về bản
thân mình. Chưa kể, có nhiều người chẳng bao giờ nghĩ về bản thân mình cả,
trong khi họ vẫn là người rất tốt. Nghĩ về bản thân mình cũng có nhiều kiểu
nghĩ.
NGHĨ VỀ BẢN THÂN MÌNH
THANH THẢO
Có một câu danh ngôn của nhà văn vĩ đại Jack London (Mỹ) cứ ám ảnh tôi
mãi. Câu danh ngôn ấy như thế này: “Tôi không sống vì điều mà thế giới nghĩ về
tôi, nhưng vì điều mà tôi nghĩ về bản thân mình” (I do not live for what the
world thinks of me, but for what I think of myself). Câu châm ngôn ấy được viết
bằng thứ tiếng Anh thật giản dị, đúng phong cách Jack London, mà một người
không biết tiếng Anh như tôi đọc cũng hiểu được. Nhưng nó lại không hề là một
câu nói dễ dãi.
Chúng ta nghĩ về bản thân mình như thế nào,
trong cuộc đời này?
Câu trả lời không đơn giản, vì hình như
không ai nghĩ giống ai về bản thân mình. Chưa kể, có nhiều người chẳng bao giờ
nghĩ về bản thân mình cả, trong khi họ vẫn là người rất tốt. Nghĩ về bản thân
mình cũng có nhiều kiểu nghĩ. Có khi là nghĩ để tự vấn, có khi nghĩ để tự động
viên mình, có khi nghĩ để tìm cách “phấn đấu” vươn lên gì đó, có khi nghĩ chỉ
vì đơn giản có kẻ nói xấu mình, dè bỉu mình… Còn nghĩ vì uất ức thấy người khác
hơn mình cũng là cách nghĩ thường tình, có điều, nó không mang lợi ích gì cho
người nghĩ, nhưng có thể mang lại tai họa nếu nghĩ không tới, nghĩ dại dột.
Nhưng sống vì điều mình nghĩ về bản thân, là
cách sống bình thản mà đầy nội lực, sống “ăn chịu” khi dám mang chính mình công
khai trước thế giới. Công khai những cái tốt, công khai những cái xấu, công
khai khát vọng cũng như những giây phút tuyệt vọng của bản thân mình… Đó là
cách sống độ lượng với người đời, độ lượng với thế giới, nhưng lại tự hiểu bản
thân mình, để không đến nỗi cực đoan bắt bản thân phải làm những điều không thể
làm được. Nghĩa là biết độ lượng với chính bản thân mình.
Tôi chỉ nghĩ về bản thân mình khi làm thơ.
Làm thơ là một hành động tự tìm tự hiểu tự soi rọi vào bản thân hay bản thể của
mình, không có gì tỏ ra quá đáng nhưng cũng không tránh né nhiều lắm khi trình
bày những suy nghĩ của mình, về chính mình hay về cuộc đời mình sống. Tôi nói
“không tránh né nhiều lắm”, nghĩa là có tránh né. Trừ những người dối trá, còn
người thật thà bao giờ cũng công nhận trong cuộc sống, mình cũng phải tránh né
nhiều chuyện lắm. Có những chuyện nhỏ thôi, nhưng vì lý do này lý do khác mình
cũng phải tránh né, hoặc chỉ nói “nửa cái bánh mỳ”, mà theo ngạn ngữ Nga, nếu
tôi nhớ không nhầm, thì “nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ”, còn “nửa sự thật” mới
“không phải là sự thật”. Bánh mỳ với sự thật là hai thực thể khác nhau, dù có
thể giống nhau là cùng hiện hữu. Nhưng nửa cái bánh mỳ vẫn ăn được, thậm chỉ một
mẩu bánh mỳ trong thành phố Leningad bị phát xít Đức phong tỏa 900 ngày là một
báu vật với những người dân đang đói. Nhưng sự thật thì khác. Nếu ta cứ “rỉ” sự
thật cho người dân, như kiểu nước máy chảy nhỏ giọt khi người ta đang thiếu nước
dùng, thì một là sự thật chúng ta biết chỉ có ngần ấy, hoặc ta chỉ muốn “rỉ” ra
ngần ấy cho người đang khát, trong khi ta có cả bể nước, thì hai cái ấy là khác
nhau đấy.
Nghĩ về bản thân mình, như Jack London đã
nghĩ, là để kiên định con đường mình đã chọn, bất kể cả thế giới nghĩ về mình
thế nào. Đó là sự kiên định chân lý mà mình nghĩ đã sở đắc. Mình thấu hiểu nó bằng
toàn bộ con người mình, cuộc đời mình. Mình kiên định với sự lựa chọn của mình,
vì tin nó đúng. Tôi khâm phục những con người như vậy, kể cả khi lựa chọn của họ
là sai. Có thể là sai với số đông, nhưng đúng với họ.
Có 4 câu thơ của Jack London, tôi đã ghi vào
trang đầu một cuốn sổ tay của mình, từ tháng 6 năm 1975, ngày mới chấm dứt chiến
tranh. Đoạn thơ ấy, không biết dịch giả là ai, nhưng là đoạn thơ đề từ cho một
cuốn sách của Jack London:
“Điều này còn lại với đời
Những người đã sống những người đấu tranh
Họ giành thắng lợi bao lần
Dù vàng đặt cược dần dần mất đi”
Nói “giành thắng lợi bao lần” là một cách
nói lạc quan “kiểu Jack London”, trong thực tế chưa chắc đã được như vậy. Nhưng
nói “Dù vàng đặt cược dần dần mất đi” là chính xác, vì trong cuộc chơi ấy, dù
thua dù thắng, thì “vàng đặt cược” chính là cuộc đời mình, những gì quí báu nhất
của mình, cũng dần “đội nón ra đi”. Nhưng mình
không hối tiếc. Chẳng bao giờ hối tiếc.