Mỗi người chúng
ta đều có lúc nào đó không may sa vào trạng thái “rối như canh hẹ” mà chưa tìm
ra cách giải quyết. Thế là ở hoàn cảnh “mê cung”. Hoặc chính ta hay chứng kiến
người khác bị phân tâm đến nỗi tư duy bị rối tung rối mù, nói không ra câu,
nghĩ không ra ý. Thậm chí có người còn không hiểu mình viết cái gì. Thế là bị
sa vào trạng thái “tư duy mê cung”.
MÊ CUNG TƯ DUY
VÀ HOÀN CẢNH
NGUYỄN THANH
TÚ
Tư duy mê cung,
hoàn cảnh mê cung đã được người xưa, cách nay hơn mười nghìn năm hình tượng hoá
trong câu chuyện “Mê cung”. Mẫu gốc cổ xưa nguyên thuỷ nhất có trong truyện
cùng tên của thần thoại Hy Lạp. Truyện rằng: để có đô thị Aten tuyệt vời với những
công trình kiến trúc vừa hoành tráng lộng lẫy vừa uy nghiêm mà tinh tế độc đáo,
đặc sắc: những ngôi đền, những cung điện, những pho tượng, trường đấu… là nhờ
kiến trúc sư thiên tài Đêđan. Nhà kiến trúc sư tài năng này cũng đã nghĩ đến việc
truyền nghề cho thế hệ sau và ông dồn sức hướng dẫn, chỉ bảo người học trò có
tên Talôx. Nhưng khi phát hiện ra Talôx còn giỏi hơn cả mình thì trong lòng
Đêđan nổi lên những ghen ghét, đố kỵ và cuối cùng ông ta đã nhẫn tâm giết chết
một thiên tài mới là người học trò cưng. Thì ra, dù có thiên tài đến đâu, từng
có tư duy trong sáng và khoa học đến đâu (như Đêđan đã từng thiết kế nên cả một
đô thị Aten lừng lẫy) nhưng khi trong lòng nổi lên sự “ghen ăn tức ở” là sẽ sa
vào trạng thái “tư duy mê cung” tức một tư duy tăm tối, không lối thoát dễ dẫn
con người đến tội ác! Cái “ghen ăn tức ở” của người đời quả muôn vàn nguy hiểm,
có thể giết người không ghê tay!
Đêđan bị đày đi
biệt xứ rồi dạt vào đảo Cret, nơi nhà vua Minôx trị vì đang có con quỷ Minôtor
chuyên ăn thịt người quấy phá. Nó lại chỉ đòi thịt người trẻ, đẹp. Vua bèn nhờ
Đêđan thiết kế một mê cung để nhốt quỷ. Thế là tài năng của nhà kiến trúc lại tạo
ra một “kiệt tác” mới: Đó là một cung điện vô cùng rộng lớn nhưng cũng vô cùng
tối tăm, phức tạp, cực kỳ rắc rối với biết bao phòng to phòng nhỏ, biết bao những
hành lang uốn lượn vòng vèo lên xuống lúc thắt lại như giam chân người lúc lại
mở ra như dẫn dụ mời gọi người… Ai vào đó sẽ không tìm được lối ra và chịu chết.
Như vậy, nghệ thuật (kiến
trúc) có thể tạo ra những công trình thẩm mỹ tuyệt vời nâng con người bay vào bầu
trời của cái đẹp nhưng cũng có thể tạo ra những ngục tối, đày ải giam giữ con
người đến chết!
Vua Minôx thường bắt các nước
chư hầu cống người cho quỷ ăn thịt. Năm ấy, chàng Têdê tuấn tú hoàng tử con
trai vua xứ Aten đến lượt đem thân mình sang Cret. Nhờ có sợi dây của công chúa
đảo Cret tên là Arian mà chàng Têdê anh hùng đã chinh phục Mê cung và giết chết
quỷ dữ… Tình yêu đã chiến thắng cái tối tăm, ác độc! Nhưng ngoài tình yêu của
công chúa Arian, chàng Têdê quyết giết chết quỷ vừa để cứu người vừa thể hiện
danh dự quốc gia xứ Aten nổi tiếng! Têdê và Arian cưới nhau và mối tình ấy đi
vào lịch sử văn hoá nhân loại như là một trong những mối tình đẹp nhất, thiêng
liêng nhất.
Về sau nhân loại
truyền cho nhau bài học: mỗi khi gặp phải hoàn cảnh hay tư duy “mê cung” thì phải
có “sợi dây Arian” tức phương hướng và biện pháp tháo gỡ. Có nhà tư tưởng còn
quả quyết: gặp phải “mê cung” thì chỉ có một chìa khoá giải quyết chính là tình
yêu. Yêu chính mình, yêu con người, yêu cuộc đời, yêu lẽ phải, yêu sự công bằng
và chân lý… sẽ là thứ năng lượng tuyệt vời tiếp thêm sức mạnh và trí tuệ để hoá
giải mọi khó khăn. Như chàng Têdê kia nếu không có tình yêu của Arian, không có
tình yêu con người, không vì danh dự hoàng tử con vua xứ Aten với một tình yêu
và tự hào về quê hương thì chắc chắn chàng ta sẽ chết lạc trong “mê cung” và sẽ
là mồi cho quỷ…
Từ đó nhân loại cũng phân biệt
rõ hơn “tư duy mê cung” và “tư duy tạo ra mê cung”. Hiển nhiên hai kiểu tư duy
này đối lập nhau. Tư duy tạo ra mê cung là tư duy của những thiên tài, ít ra là
tư duy của những trí tuệ hơn người. Như việc thiết kế đường hầm trong các kim tự
tháp Ai Cập. Theo miêu tả của các nhà khoa học thì đấy chính là một thứ “mê
cung” nếu kẻ nào vào sẽ không có lối ra và sẽ trở thành linh hồn bảo vệ giấc ngủ
ngàn đời của các Pharaon vĩ đại. Đó là những đường hầm tối đen, cao một mét, chiều
ngang rộng một mét. Càng vào sâu, đường càng biến hóa, đi lên, đi xuống lại
vòng vèo, có đoạn dẫn đến giếng nước, có đoạn dẫn đến tường đá, có đoạn dẫn tới
phòng kín… Người ta sử dụng robot để thâm nhập vào các đường hầm. Robot xuyên
thủng một lớp panen của một đường hầm, nhưng ngay tiếp đó lại có một lớp panen
khác…
Giai thoại kể ở thế kỷ XII,
vua Henry II nước Anh chắc có đọc thần thoại Hy Lạp mà đã cho xây dựng một “mê
cung” để giấu các cô tình nhân xinh đẹp, nhưng vẫn bị hoàng hậu phát hiện nhờ
có những “sợi dây Arian” mách lẻo...! “Mê cung” được vận dụng nhiều hơn trong
lĩnh vực quân sự mà ai đọc “Tam quốc diễn nghĩa” đều ấn tượng với trận đồ bát
quái của Khổng Minh Gia Cát. Đó là một “mê cung” bày ra bằng cách xếp những tảng
đá, khối đá, rọ đá (thạch trận) để đối phương lạc vào sẽ không tìm được lối ra
mà tự chết. Một tướng rất giỏi của Đông Ngô là Lục Tốn dẫn quân đi vào cửa Tử
(cửa chết). May được cụ già là bố vợ Gia Cát (Hoàng Thừa Ngạn) chỉ lối đi ra cửa
Sinh (cửa sống), Lục Tốn mới thoát nạn.
Văn hoá phương
Đông cũng có khái niệm tương tự với “mê cung” là “thiên la địa võng” có nghĩa
đen “lưới ở trên bẫy ở dưới” nghĩa bóng chỉ tình trạng khó khăn bủa vây không lối
thoát. “Mê cung” gắn liền với huyền thoại tình yêu chàng hoàng tử Têdê và công
chúa Arian còn “thiên la địa võng” cũng có nguồn gốc từ câu chuyện tình đẫm nước
mắt (vào triều Bắc Tống 960-1127) giữa chàng Cổ Dịch tuy là quan võ nhưng có
tài thơ ca nhả ngọc phun châu và nàng kỹ nữ Lý Sư Sư xinh đẹp. Vua Tống Huy
Tông không những chiếm đoạt Lý Sư Sư còn bắt Cổ Dịch vào tù. Nguyên do là do buồn
mà Cổ Dịch làm thơ có ý tố cáo kẻ chiếm người yêu mình. Chẳng may có người quen
tên Cao Cầu tố cáo. Thế là Cổ Dịch mất hết, mất nghề làm quan bổng lộc, mất gia
đình danh giá, mất tình yêu nồng nàn… Với Cổ Dịch thì đúng với hoàn cảnh “thiên
la địa võng”…
Phù hợp với tư duy duy lý
phương Tây trong khó khăn “mê cung” thì có “cẩm nang” giải quyết là “sợi dây
Arian”, còn với phương Đông duy tình và có phần yếm thế thì bi kịch “thiên la địa
võng” hoàn toàn bế tắc. Vì thế ở phương Đông khái niệm “thiên la địa võng” được
dùng nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự chỉ mưu kế mai phục muôn hình nghìn vẻ và
dụ đối phương đến để “cất vó”…
Bước vào thời đại cách mạng
4.0 con người có gặp “mê cung” không? Có nhiều. Thậm chí con người đang cố tạo
ra những “mê cung” cho chính mình và xã hội. Đó là những công trình, những ngôi
nhà, thậm chí khu phố… không phép, trái phép và sai phép mọc lên nhan nhản. Rất
đáng ngại là tình trạng này ngày một xấu đi, nặng nề, và hình như ngày càng phổ
biến. Nguyên nhân cũng rõ ra rồi: do lòng tham không đáy của con người. Nhà cao
tầng thì xây thêm một vài tầng. Nhà xây rồi thì cơi nới đủ cách. Có khu phố ngõ
ngách tăm tối đúng như “mê cung”…
“Sợi dây” để thoát khỏi “mê
cung” cũng do chính con người, thật ra cũng chẳng khó khăn gì, đó là tinh thần
“thượng tôn pháp luật”, tuân thủ đúng quy định của Nhà nước và cởi bỏ lòng
tham!
Ba yếu tố tạo thành kiến trúc:
công năng sử dụng; hoàn thiện kỹ thuật; hình tượng thẩm mỹ thì ngày nay ít người
chú ý tới “thẩm mỹ”?! Chúng ta có nhiều kiến trúc sư giỏi, nhưng lại có quá nhiều
người đang phá nát kiến trúc vì lòng tham!
Đọc lại câu chuyện “mê cung”
ta mới thấy người xưa như viết cho hôm nay, về hôm nay: con quỷ Minôtor ăn thịt
người kia ngày nay mang tên khác là “Lòng Tham”!
Cái đẹp làm ra sự sống. Bản chất
cái đẹp là sự hài hoà. Hài hoà trong bản thân nó và hài hoà trong phối cảnh tổng
thể chung. Thế giới đang đi theo hướng kiến trúc sinh thái hoà nhập con người
và môi trường tự nhiên, trở về cây xanh, hoa lá, với sự trong trẻo của khí trời…
Không thể đi ngược lại quy luật ấy mà tự nhốt mình vào những “mê cung” hay
“thiên la địa võng”!
Nguồn: Văn Nghệ
Công An