Băn khoăn của nhà văn Dạ Ngân: Dựng lại người, được không, câu chuyện này có quá to tát không? Vì vậy mà tôi hay hình dung người Việt xưa, thực sự chúng ta có là một dân tộc vĩ đại như chúng ta từng tự hào, tự khoe và cả tự phụ hay không?




DỰNG LẠI NGƯỜI

DẠ NGÂN

Tôi buộc phải hình dung tuổi trẻ của thế hệ những thập niên đầu thế kỷ 20. Vì sao tôi chọn thời điểm ấy? Năm 1945 là bản lề của lịch sử, nếu muốn am tường (một chút) về xã hội máu thịt của mình, phải nghiệm. Hẳn là rất nhiều gia đình nghèo khổ, mù chữ, tá điền, làm thuê làm mướn, ở đợ, bữa đói bữa no. Hẳn là không ít gia đình trung nông, điền chủ, tiểu thương, có ăn có để. Và cũng đã có những người bên trên, giàu có, con cái Tây học. Cũng hiểu sâu hơn qua Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Bình Nguyên Lộc…thậm chí qua Người Mỹ Trầm Lặng của Graham Greens. Vẫn chưa thỏa, nghe và nghe, người có của tiếc thời có của, người nghèo thì cứ là ôn nghèo kể khổ. Miền Nam của tôi đạo giáo loạn xị, có cả quân Bình Xuyên khét tiếng không Cao Đài không Hòa Hảo cũng không Đạo Dừa hay đạo gì cả!

Đó là thời kỳ hỗn mang và sau này bộ phim Đông Dương của đạo diễn người Pháp- Régis Wargnier sản xuất 1992 có thể xem là phim sử thi nhìn bằng góc độ xã hội học. Câu chuyện của chồng tôi với những trí thức tinh hoa và cả những người Pháp về giai đoạn trước chiến tranh Đông dương lần I, chưa bao giờ hết tranh luận. Một số bạn Pháp cho rằng giành độc lập bằng chiến tranh đâu có sai, Việt Nam khác Algeria cùng đồng thời là thuộc địa Pháp, lúc ấy kỷ nguyên thuộc địa đã lụi tàn mà các chính khách của Pháp không cảm thấy nên đem quân đội quay lại Việt Nam, đấy, nếu hiểu ra thì sẽ không có 9 năm và Điện Biên Phủ!

Lịch sử luôn hấp dẫn bởi những tranh cãi không dứt. Tôi cố hình dung thời sau 1954 khi tôi đã có mặt trên đời thì như thế nào. Có vườn tược đề huề, ai giàu thì vững và ai nghèo thì cứ bấp bênh. Khá bình lặng cho đến khi Đồng khởi, đảo chính Ngô Đình Diệm và sau đó, người Mỹ đưa quân vào và sa lầy. Không còn gì ngoài chiến tranh và chiến trận. Con người Việt Nam từ 1945 (hoặc trước đó chút ít) cho đến 1989, kết thúc đao binh hai đầu biên địa thì là đất nước gì trong ký ức của chính người Việt và quốc tế? Chúng ta có gì trong nửa thế kỷ ba cuộc chiến ấy ngoài sự ám ảnh kinh hoàng về chết chóc và đói nghèo?

Sau đó thì như thế giới biết và giờ nhờ Internet mà chúng ta biết Thuyền nhân Việt Nam sau 1975 là thảm họa nhân đạo toàn cầu. Sau đó thì cả ba miền đều tiếp tục làn sóng di dân âm thầm. Vì sao người miền Bắc cũng ra đi dù không là thuyền nhân tị nạn chính trị? Có phải nửa thế kỷ ba cuộc chiến đã làm con người ta kiệt cùng chịu đựng? Hỏi thì chỉ một dòng nhưng trả lời thì có thể cả một công trình bằng rất nhiều cuốn sách. Cả miền Bắc kiệt quệ chỉ chưa ăn cỏ và ăn rơm mà thôi. Nhưng miền Nam cũng ăn gạo mốc và bo bo kia mà, vậy thì cũng nghèo đói như nhau mà sao người Bắc miền Trung đi nhiều hơn những vùng khác như đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ với động cơ kinh tế?

Bắt đầu văn hóa vùng miền xuất hiện để lý giải. Tôi biết nhiều người đồng bằng sông Hồng vào Nam làm nông, làm tiểu thương, làm công nhân. Tôi gặp những đàn ông con trai Bắc vào Sài Gòn làm tẩm quất dạo, lấy đêm làm ngày, tiền bạc cắc cỏm gửi ra báo hiếu bố mẹ, nuôi vợ nuôi con. Tôi cũng quen nhiều người cả vợ chồng người Bắc di dân vào cao nguyên làm thuê nông nghiệp, mỗi ngày công của họ khoảng 450 ngàn đồng, trên đường về còn lượm phân bò phân ngựa ủ bán. Chừng 5 năm họ mua được đất và dựng nhà cấp bốn, 5 năm nữa mua suất đất nữa, cứ thế, rồi sẽ là ông chủ nhỏ sau 20 năm. Người miền Tây cũng chạy biến đổi khí hậu, họ ưa làm ăn lớn, thuê đất thuê nhân công, chừng 10 năm họ cũng mua được đất để ấm lưng. (Không kể phụ nữ miền Tây đi lấy chồng Đài, chồng Hàn để báo hiếu và đổi đời. Không kể mười năm nay thanh niên miền Tây đi Nhật rất đông bằng xuất khẩu chính ngạch và người Nhật nói thẳng “chúng tôi thích tính hiền hậu của dân vùng đó”).

Tôi là con dâu Nghệ Tĩnh, tôi có hiểu tính cách tiểu vùng văn hóa đặc sắc ấy. Gió Lào là đặc sản mà cũng là nguyên do đẩy dân ở đó đi tứ xứ và giờ thì mọi người biết sau Đông Âu là đi đâu rồi. Họ có bộ gene khỏe, gene can cường (ở nhiều tình huống là liều lĩnh), họ đi và mang cái gene học, gene cần cù, gene hành động, cả gene bất chấp ấy đi. Và tính dòng tộc, tính đồng hương ở họ là miễn bàn, họ nghe nhau. Thế là đi, đi Hà Nội đi Sài Gòn và đi xa nữa, xa mãi. Và rồi Vũng Áng và Formosa xiết lộ hầu của dải đất Việt, cũng xiết luôn sinh kế biển của người dân mạn này.

Căn tính dân tộc có không, có! Căn tính của con người tiểu vùng liên quan đến thung thổ và di truyền có không, có! Cộng thêm chuyện môi sinh tồi tệ trong khi chính quyền khuyến khích xuất khẩu lao động để họ đếm thành tích. Các bạn ạ, người Việt mình nhiều thập kỷ ngụp lặn ngoi ngóp đã không từ những giải pháp bất chấp để có được một cuộc sống, đó mới là điều đáng quan ngại nhất.

Dựng lại người, được không, câu chuyện này có quá to tát không? Vì vậy mà tôi hay hình dung người Việt xưa, thực sự chúng ta có là một dân tộc vĩ đại như chúng ta từng tự hào, tự khoe và cả tự phụ hay không?