Có câu hỏi đặt ra rằng phải chăng, những dịch giả hiện nay không có khả năng bằng thế hệ dịch giả ngày xưa? Những dịch giả nổi tiếng không khẳng định, không phủ định điều này. Nói như thế không có nghĩa văn đàn Việt không có dịch giả trẻ xuất sắc nhưng số lượng này vô cùng hiếm. 




Dịch giả trẻ nghèo vốn tiếng Việt, tác phẩm dịch vàng - thau lẫn lộn

MINH TÚ

Dịch giả trẻ: Vàng thau lẫn lộn
Khi buộc phải đưa ra những so sánh về năng lực thế hệ dịch giả hiện tại và lớp dịch giả lớn tuổi, cả Lê Quang, Trần Tiễn Cao Đăng, Lâm Vũ Thao – 3 dịch giả nổi tiếng đều không né tránh câu hỏi. Dịch giả Lâm Vũ Thao cho biết hiện tại, số người biết ngoại ngữ tham gia dịch thuật đông hơn trước rất nhiều. Họ được trang bị nhiều công cụ dịch thuật hỗ trợ tra soát nên giảm thiểu sai sót rất lớn. Điều đó tạo được chất lượng tương đối cho sách dịch hiện nay. Tuy nhiên, điểm đáng nói nhất, theo dịch giả Lâm Vũ Thao, nằm ở vốn tiếng Việt của các dịch giả trẻ: “Ngày xưa, số người dịch ít nhưng phải thừa nhận, tiếng Việt, nền tảng văn hoá của họ tốt hơn các dịch giả trẻ hiện nay. Họ không chỉ là người dịch, họ là giáo sư, nhà văn với vốn hiểu biết nhiều hơn. Họ hiểu tác phẩm, hiểu tiếng Việt nên truyền tải qua bản dịch tốt”.
Xét về lỗi trong những bản dịch của thế hệ trước (thế hệ ở đây được tính từ 1940 – 1970), theo nhà văn – dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, thì họ cũng mắc nhiều lỗi về nghĩa, về từ, về nội dung được biến tấu không đúng tinh thần, chi tiết được tác giả nhắc đến trong tác phẩm. Nhưng giống với dịch giả Lâm Vũ Thao, anh thừa nhận tiếng Việt của một bộ phận dịch giả trẻ không chỉ nghèo mà còn rất yếu về ngữ pháp.
“Ngoài là nhà văn, dịch giả, tôi còn làm công việc biên tập viên khoảng 10 năm nay nên tiếp xúc với rất nhiều bản dịch. Nhược điểm chính của dịch giả trẻ là vốn từ nghèo, ngữ pháp pha tạp. Nhiều câu trong bản dịch tiếng Việt, cấu trúc ngữ pháp giống hệt như trong tiếng Anh, chỉ cần vốn ngoại ngữ kha khá, bạn có thể dịch ngược lại như trong bản gốc. Tôi cho đó là bản dịch không chất lượng nhưng tình trạng này, rất hay gặp phải”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói.
Nói như thế không có nghĩa văn đàn Việt không có dịch giả trẻ xuất sắc nhưng số lượng này vô cùng hiếm. Có nhiều lý do để giải thích cho nghịch lý nở nồi số lượng người dịch nhưng chất lượng sách dịch kém đi, theo cả 3 dịch giả, không dễ để nói ra những nguyên nhân cụ thể. Điều đó xuất phát từ chính quan niệm về việc đúng – sai, hay – dở của một bản dịch mà điều này chưa có tiêu chuẩn hay thước đo nào để luận bàn.
Khó định nghĩa đúng – sai, hay – dở
Cụ thể, lấy trường hợp dù cũ nhưng khó thể quên của dịch giả Lê Quang để làm ví dụ. Với cuốn “Tình ơi là tình – tác giả Elfriede Jelinek, được ra mắt năm 2008, từng được xem là cuốn sách đáng bỏ đi vì có hơn 200 lỗi chính tả. Ngày đó, dịch giả Lê Quang bị chỉ trích vì không viết hoa, không thụt đầu dòng, dùng nhiều từ bị cho là thô tục. Tuy nhiên, với Lê Quang, việc không viết hoa, không thụt đầu dòng là tôn trọng hình thức trình bày của tác phẩm gốc. Còn về việc từ ngữ bị cho là thô thiển, anh khẳng định đó là một cách tôn trọng nguyên tác, giữ đúng tinh thần và văn phong của bản gốc. 
Dịch giả Lê Quang nói rằng để định nghĩa như thế nào là một tác phẩm dịch bị lỗi sai không hề đơn giản vì cách đọc – dịch của mỗi người khác nhau, cách tư duy, cách chọn phong cách dịch thoáng hay dịch sát cũng ảnh hưởng đến tác phẩm dịch sau cùng. Anh chỉ khẳng định, mình trung thành và tôn trọng tác phẩm gốc dù thường xuyên phải thoả hiệp, tức tìm cách để biến tác phẩm dịch “mềm hơn” với độc giả người Việt.
“Công việc dịch thuật buộc tôi luôn phải thoả hiệp. Tôi luôn kính trọng tác giả nên đều muốn chấm, phẩy đúng như tác phẩm gốc. Tuy nhiên, về sau, sự kính trọng nhường lại cho sự thoả hiệp vì tôi như một người bồi bàn bưng món phục vụ mà nếu không có khách hàng thì tôi phục vụ làm gì?”, Lê Quang nói một cách hoa mỹ cho việc có một số tác phẩm, chỉ 1 câu văn đã dài đến 2 – 3 trang nhưng anh phải tóm gọn nội dung để phù hợp với bạn đọc Việt.
Khi đặt vấn đề liên tục có những lỗi sai xuất hiện trong một số tác phẩm dịch thời gian gần đây, lỗi thuộc về ai? Cả 3 dịch giả đều cho rằng, lỗi nằm ở dịch giả là chính.
“Trường hợp phát hiện tác phẩm bị lỗi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về dịch giả. Trong mỗi nhà xuất bản đều có các biên tập viên sẽ đọc bản dịch, soát lỗi cho dịch giả. Biên tập viên có thể phát hiện giúp dịch giả một số lỗi nhưng nếu còn sót thì lỗi vẫn thuộc về dịch giả. Không có bất kỳ bất công nào ở đây vì dịch giả được nhận thù lao, đã ký hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm. Điều đầu tiên dịch giả phải làm là có thái độ xin lỗi, quan trọng là rút kinh nghiệm cho những bản dịch sau này”, Trần Tiễn Cao Đăng nói. Nhưng cũng chính dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng khó định nghĩa đúng - sai, hay – dở nên không thường thấy lời xin lỗi được cất lên nếu muốn nói là không thấy. Đặc biệt, với những lỗi do độc giả phát hiện được, anh khẳng định phải xem xét kỹ vì người đọc thấy thế, chưa chắc đó là lỗi. Ví như trường hợp cuốn tình ơi là tình của Lê Quang.
Mặc dù rất khó nhưng dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chỉ ra 3 lỗi sai cơ bản để người đọc dễ hiểu. Thứ nhất, đơn thuần sai ngữ pháp căn bản. Thứ hai, chọn từ không thật sự đúng văn cảnh. Ví như can đảm, gan dạ, can trường cùng trường ngữ nghĩa nhưng không phải dùng từ nào cũng được. Thứ ba, nhiều tầng ngữ nghĩa trong một câu mà không phải dịch giả nào cũng nhận ra.
Chính 3 dịch giả được xem là kỳ cựu trong làng dịch thuật cũng cảm thấy khó khăn để định nghĩa về lỗi sai của một bản dịch, thế nào là một tác phẩm hay nên nếu người đọc còn mơ hồ trong mớ sách dịch ngổn ngang ngoài hiệu sách, điều đó cũng không lạ. Dịch giả Lê Quang nói rằng: “Một khi ta đã chấp nhận tình hình xuất bản tương đối nhốn nháo, chấp nhận dịch qua một ngôn ngữ thứ 2 (đối với những tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ ít người biết – PV) thì bắt buộc chúng ta phải hơi dễ tính đi một chút”. Điều mà dịch giả Lê Quang nói e rằng không thoả đáng bởi kỳ vọng của người đọc khi bỏ tiền mua sách, họ cần tác phẩm chỉn chu, hoàn thiện hơn là một sự thoả hiệp để phải đọc những tác phẩm dịch còn đầy lỗi, sai sót. Đáng nói, chính người trong cuộc khi yêu cầu chỉ ra lỗi sai nằm trong các sách dịch hiện tại, cũng không thể nói một cách rõ ràng thì bạn đọc, hẳn còn phải đón nhận nhiều tác phẩm dịch vàng - thau lẫn lộn. 


Nguồn: Phụ Nữ TPHCM