Ở tuổi 73, nhà văn Chu Lai có cơ hội tái ngộ bạn đọc yêu văn chương qua bốn tác phẩm tiêu biểu nhất mang “dấu ấn Chu Lai”, gồm: “Nắng đồng bằng, Phố, Cuộc đời dài lắm, “Ăn mày dĩ vãng. Trong số đó, “Ăn mày dĩ vãng là cuốn tiểu thuyết gắn liền với tên tuổi của ông - một trong những nhà văn quân đội được nhiều độc giả biết đến trong nền văn học sau năm 1975.




CÒN BAO NHIÊU DĨ VÃNG ĐỂ ĂN MÀY?

VŨ NGỌC KHUÊ

Ăn mày dĩ vãng là sự tiếp nối những tự sự về thân phận của người lính trong văn chương chiến tranh cách mạng. Sau 1975, có nhiều tác phẩm theo đuổi đề tài này như “Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, “Bến không chồng của Dương Hướng, “Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, “Mùa hè giá buốt của Văn Lê, “Tàn đen đốm đỏ của Phạm Ngọc Tiến…. Người thì muốn dấn thân sâu vào để hiểu về hình ảnh người lính, kẻ muốn ghi lại những vết cắt khiến cho những người lính ấy đến giờ vẫn còn đau đớn không chỉ về mặt thể xác.

Riêng với nhà văn Chu Lai, nhân vật Hai Hùng trong tác phẩm phảng phất mang hình bóng tác giả; và trải nghiệm đó sâu sắc đến độ từng có vài nhà phê bình cho rằng sau tiểu thuyết này, dường như bao nhiêu vốn liếng về trận mạc, nhà văn đã trút hết vào đó rồi, chẳng còn gì nữa. Hai Hùng, “ác ôn Việt Cộng, một người lính Bắc Kỳ” - kẻ thù gọi anh là tên sát nhân tài tử, là nghệ sĩ cầm súng ảo thuật. Bà con trong ấp chiến lược kêu anh bằng "mày", bằng "thằng" với tất cả sự âu yếm, tin cậy.
Với thời gian phục vụ quân ngũ, sống với một ý thức gần gũi với đời sống quân nhân, nhà văn Chu Lai đã mô tả một Hai Hùng nằm chênh vênh giữa hai cuộc chiến, một cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, một cuộc chiến đấu ở hiện tại đâu đó vào khoảng những năm 1990, khi người lính già ấy đi tìm lại dĩ vãng đã lùi xa.

Chân giá trị của “Ăn mày dĩ vãng” trước hết nằm ở những tự sự của tác phẩm. Ở một góc nhìn cận cảnh với cuộc chiến, với những câu chuyện cuộc đời hết sức khắc nghiệt trong một bối cảnh có mùi thuốc súng và bắn giết, cũng như mùi của những dục vọng tầm thường nhưng chính đáng của những người lính. Trên phương diện này, “Ăn mày dĩ vãng” xứng đáng là một tác phẩm tiếp bước các tác phẩm có cùng đề tài về người lính, nhưng đặc biệt hơn, chứa đựng nhiều tinh thần “nhân văn” thay vì “anh hùng chủ nghĩa”. Nhưng không dừng ở đó, Chu Lai khắc họa cuộc chiến tranh Việt Nam, nơi mà tính mạng con người hết sức mong manh, nơi người ta có thể không tiếc lời vàng tiếng ngọc để tung hô những người lính du kích tại ấp chiến lược như những người hùng, nhưng ẩn sâu bên trong đó là sự bề bộn phức tạp, đa tầng nghĩa mà không dễ có thể tái hiện, phân tích được chỉ qua một cuốn sách dày hơn 400 trang. 

Những nhân vật xuất hiện trong “Ăn mày dĩ vãng” không ai là không có một cá tính sắc nét, khó có thể phớt lờ: chàng trai Viên luôn có dự cảm về những kết cục của trận đánh và tiên đoán số phận bi thảm của những người xung quanh, một Hai Hợi chạy theo tiếng gọi của tình ái, mạnh mẽ trong chuyện tình cảm nhưng lại rất mong manh khi thực lòng yêu một ai đó, một Ba Sương hết sức tình cảm, dịu dàng khi làm y tá quân y, mang đôi mắt xanh biếc nhưng lại bị tiếng sát phu… 
Đặc biệt hơn cả là những người lính, những Tám Tính, Khiển, Ba Thành, họ đều không được mô tả theo chuẩn mực để mà dễ dàng đánh giá. Họ vừa là người hùng ngạo nghễ không sợ sống chết, vừa là nạn nhân của cuộc chiến, mà ở đó họ phải chứng kiến bạn bè đồng đội, người yêu phải hy sinh, nhưng vẫn cố gắng bám trụ lại mảnh đất ven đô và luôn tự nhủ thầm rằng “chiến tranh là thế, có thể ngày mai sẽ đến lượt mình”.

Riêng với Hai Hùng, những nét kiêu hùng ấy đã mất sạch khi quay về đời thường hiện tại. Anh loay hoay đi, tìm, chạy, đuổi theo bóng ma của người yêu mà anh đã tự tay cướp xác từ doanh trại của địch và chôn cất. Để rồi người chiến sĩ dũng mãnh ấy còn lại gì? “Cao một thước bảy mươi nhưng chỉ nặng bốn mươi nhăm cân, hốc hác, bắt đầu có dấu hiệu thần kinh… Tóm lại, là một con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đầy giông bão” mà có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Nếu như Hai Hùng của thời chiến là một người thét ra lửa với đôi mắt sáng rực, thì Hùng của thời hiện tại chỉ có thể rên rỉ, thầm thì với bạn đọc những lời than thân trách phận hẩm hiu.

Bằng thủ pháp đan xen liên tục giữa dòng hồi ức và thực tại, người lính trong chiến tranh và giữa thời bình là thứ không thể không viết với Chu Lai. Những xung đột liên tục được tạo ra và giải quyết trong cuốn tiểu thuyết có thể được nhìn nhận dưới nhiều cách đọc khác nhau, có thể là về đề tài người lính trong chiến tranh được khắc họa ra sao, hay xã hội chúng ta đã làm gì với những người từng mất mát quá nhiều, nhưng lại hoàn toàn bơ vơ trong thời đại kinh tế mới đang lên, với nhiều thứ quyền lực ngầm đang trỗi dậy. Một cuốn sách có thể làm tư duy chúng ta xao động như thế chắc chắn có một vị trí quan trọng và không thể chỉ đọc một lần.

Đọc lại “Ăn mày dĩ vãng” sau gần ba mươi năm kể từ khi nó được xuất bản, ta vẫn có thể nhận được những chiều kích khác của cuộc chiến tranh đã lùi xa. Và trên thực tế, cái chết của người cựu chiến binh giữa thời bình còn mang nhiều sức nặng hơn so với lời nhắn nhủ của Hai Hùng kết lại tác phẩm: “cuộc chiến tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả”.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng