Vấn đề chữ quốc ngữ đã được bàn đến từ nhiều thập niên trước đây, nay bỗng dưng trở thành đề tài tranh luận khi thành phố Đà Nẵng dự định đặt tên đường có hai cái tên Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina, khiến nhiều vị Giáo sư, Tiến sĩ và nhà nghiên cứu lên tiếng phản bác.




ALEXANDRE DE RHODES VÀ CHỮ QUỐC NGỮ

NGUYỄN PHÚ YÊN


Vấn đề chữ quốc ngữ từ lâu đã khiến nhiều học giả và người quan tâm chia thành 2 nhóm ý kiến khác nhau về việc đánh giá A. de Rhodes. Một nhóm theo quan điểm lịch sử nêu lên tội trạng của A.de Rhodes để lên án (và không đặt tên đường). Nhóm khác theo quan điểm văn hóa nêu công trạng để vinh danh (và có đặt tên đường).
Trước khi có một đánh giá thỏa đáng, cần phải nhìn lại quá trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ và hành trạng của hai vị giáo sĩ trên. Để tiện việc đề cập một vấn đề có phạm vi rộng lớn như thế này, chúng ta thử giải đáp 2 câu hỏi chính. Thứ nhất, có phải giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ không? Thứ hai, có phải giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người dọn đường cho Pháp xâm lăng VN không?
1/. Đầu thế kỷ 17 các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Pháp đều chú ý đến biển cả và buôn bán với nước ngoài. Theo chân các thương gia, các giáo sĩ đã bắt đầu đi truyền đạo ở các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, An Nam…
Tác giả Phan Xuân Hòa trong “Lịch sử Việt Nam” (tập 3) cho biết: “Để truyền giáo ở Nhật, một giáo sĩ Nhật Bản tên là Yagiro dùng chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Nhật Bản. Thứ chữ này gọi là Romaji, xuất hiện vào năm 1548. Các giáo sĩ người Âu khi đến Việt Nam dùng ngay Romaji để giảng đạo cho các tín đồ Nhật Bản ở Hội An. Từ đó các giáo sĩ nghĩ đến việc cùng dùng chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Việt Nam mà giảng đạo cho tín đồ bản xứ”.
Sử gia Phạm Văn Sơn trong “Việt sử tân biên” (tập 4) viết: “Vào năm 1621, hai giáo sĩ Francisco de Pina và Christoforo Borri có làm được một cuốn Kinh Nghĩa bằng Nam ngữ. Kinh này là một thứ tiếng Nôm, không phải bằng Hán Việt. Một số thông ngôn dự vào việc dựng ra tiếng này. Tiếng Nôm đây là thứ chữ Latinh của châu Âu phiên âm theo tiếng Việt, nghĩa là người ta La Mã hóa tiếng Việt để thành một thứ quốc ngữ trước cả chữ Quốc ngữ của A. de Rhodes”.
Thứ quốc ngữ trước cả A. de Rhodes đó chính là hai cuốn “Từ điển Việt-Bồ” của hai giáo sĩ Gaspard d’Amaral (1592-1645) và Antonio de Barbosa (Bồ Đào Nha 1594-1647).
Trước hết, xin nhắc đến giáo sĩ Dòng Tên Francisco De Pina (1585 - 1625). Ông sinh tại thành phố Guarda thuộc Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong vào đầu năm 1617, đặt chân đầu tiên đến Đà Nẵng. Sau đó vào giữa năm này, ông đến truyền đạo ở Hội An. Đầu năm 1618, ông đến Qui Nhơn. Đầu năm 1621 ông quay lại Hội An cho đến năm 1625. Là một nhà ngôn ngữ học, ông đã học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Ông cũng dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác như Alexandre de Rhodes (Pháp), Antonio de Fonte (Bồ Đào Nha), Girolarmo Majorica (Italy)...
Đầu năm 1623, trong một bức thư, giáo sĩ Francisco de Pina viết: “Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của ngôn ngữ này (tức tiếng Việt) và tôi đang bắt tay viết về ngữ pháp. Tuy nhiên tôi cũng đã tập hợp được những cổ tích, thuộc nhiều loại khác nhau, nhằm cung cấp các trích dẫn của các tác giả để xác minh nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp… Ngoài ra tôi đã có ba bốn cuốn tập hợp các bài viết có lý luận trong số các bài viết hay nhất mà tôi tìm thấy được ở vương quốc này”. Điều đó cho thấy ông đã có công trình Latinh hóa tiếng Việt chậm nhất vào năm 1622, sớm hơn bất cứ giáo sĩ nào. Điều cần chú ý trong quá trình viết sách của ông, theo nhà ngôn ngữ học Roland Jacques, đều có sự tham gia của người Việt và lực lượng này khá đông đảo. Đó là giới trí thức người Việt gồm các thầy đồ, sư sãi, các trưởng tông phái, quan lại, sĩ tử giỏi tiếng mẹ đẻ và am tường văn hóa dân tộc. Đó là các giáo sĩ biết tiếng Bồ Đào Nha, Latinh giúp cho ông thuận lợi trong việc truyền đạo. Nếu không có sự hợp tác này thì không thể có được công trình tiếng Việt như thế.
Alexandre de Rhodes (1591-1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và cũng là một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Ông đến giảng đạo ở Đại Việt hai lần: đến Đàng Trong từ năm 1624- 1630, sau đó ra Đàng Ngoài từ 1640-1645. LM Đỗ Quang Chính trong “Diễn Đàn Paris”, số 8-1992 viết: “Các giáo sĩ Franceco Buzumi (Ý), Diego Carvalho (Bồ), Pedro Marques (cha Bồ, mẹ Nhật)… đã biết sử dụng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng mẫu chữ Latinh. Thậm chí có những giáo sĩ Dòng Tên đến Đại Việt cùng một lúc với A. de Rhodes, như Gaspar d’Amaral (Bồ) có trình độ Quốc ngữ giỏi hơn A. de Rhodes nhiều”. Tuy bị Chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong trục xuất nhưng chỉ trong thời gian 12 năm ở Đại Việt ông cũng đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và việc hình thành chữ Quốc ngữ. LM Gaspard d’Amaral đã trao lại cho A. de Rhodes cuốn “Từ điển Việt-Bồ” của ông, đồng thời A. de Rhodes còn thừa hưởng cuốn sách giống như trên của LM Antonio Barbosa (giảng đạo ở Đàng Ngoài từ 1594-1647). Hai cuốn sách ấy sau này bị thất lạc. Trên cơ sở các thành tựu của các nhà truyền giáo nước ngoài và sự giúp đỡ của các thầy giảng người Việt, kết hợp thêm kiến thức tiếng Latinh, Alexandre de Rhodes đã biên soạn cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt-Bồ-La), xuất bản tại Roma năm 1651.
Chính ông cũng đã thừa nhận: “Tuy nhiên trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh (tức Đàng Trong và Đàng Ngoài), thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt - Bồ), ông sau bằng tiếng Bồ - Đào (tức là từ điển Bồ - Việt), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn...” (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, tức Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, phần phiên dịch, tr. 3).
Như vậy chữ quốc ngữ được hình thành nhờ công trình tập thể của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý, với sự trợ giúp của các giáo hữu Việt Nam, mà công đầu là của giáo sĩ Francisco de Pina. Khi Rhodes đến xứ Đàng Trong thì tiếng Việt đã được Latinh hóa với những dấu âm khá gần với chữ Quốc ngữ sau này. Alexandre de Rhodes đã ghi nhận và thừa hưởng di cảo của những người tiền bối. Ông có công tập hợp lại, hệ thống hóa, san định, “tập đại thành” chữ Quốc ngữ và cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên được ấn hành để lại cho chúng ta ngày nay.
A.de Rhodes là giáo sĩ và là nhà ngôn ngữ học, cho nên tuy có nhiều giáo sĩ đồng thời với ông nhưng chỉ có ông là người đã tổng hợp các công trình của người đi trước, đã hệ thống hóa và tìm ra ngữ pháp tiếng Việt để viết thành sách. Tuy không phải là người đầu tiên sáng chế ra chữ Quốc ngữ nhưng công lao đóng góp của ông rất to lớn nên chúng ta nhớ đến tên ông nhiều nhất. Thừa hưởng công trình của ông, các thế hệ người Việt tiếp theo đã ra sức truyền bá để phổ cập trong cả nước. Tờ báo tiếng Việt đầu tiên Gia Định Báo ra đời năm 1865 tại Sài Gòn. Sau ông là các tên tuổi Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, các nhà nho, chí sĩ trong phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, các tờ Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Phong Hóa, Ngày Nay, nhóm Tự Lực Văn Đoàn… đã góp phần làm cho tiếng Việt ngày mỗi hoàn chỉnh dần.
Nguyệt san MISSI của Dòng Tên nhân kỷ niệm 300 năm sinh của A.de Rhodes (1961) đã viết: “Khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách cho ra đời tại Roma nơi nhà in Vatican, quyển tự điển đầu tiên và các sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, cha Đắc Lộ đã giải phóng nước Việt Nam. Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu. Trong khi đó, người Tàu của Mao Trạch Đông đang tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Đắc Lộ, đã tiến bộ trước người Tàu đến 3 thế kỷ”.
Chính vì nhớ ơn cha A.de Rhodes mà tại Sài Gòn từ năm 1945 đến 1975 đã có con đường mang tên ông. Sau 75 chính quyền mới nghe theo mấy ông mác-xít xóa bỏ tên đường. Đến năm 1993, sau cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ, tên A. de Rhodes đã được trả lại tên đường như cũ. (Nghe đâu chuyện này là do ông Hoàng Xuân Hãn khuyên ông Võ Văn Kiệt khi hai ông gặp nhau tại Pháp).

2/. Alexandre de Rhodes đã trước tác 4 tác phẩm sau đây: “Từ điển Việt-Bồ-La”, “Phép giảng tám ngày”, “Các cuộc hành trình và truyền giáo”, “Lịch sử xứ Đàng Ngoài”. Nhiều người căn cứ vào nội dung cuốn “Phép giảng tám ngày” để lên án A. de Rhodes. Chúng ta biết ông là giáo sĩ Dòng Tên (Jesuits), mà giáo sĩ dòng này rất cuồng tín, hung hăng, hiếu chiến, bài xích các tôn giáo khác. Dòng Tên hội tụ đông đảo số trí thức cao cấp của Giáo hội Công giáo La Mã tại châu Âu. Họ lại có thể mù quáng để buộc mình có lời thề độc địa như "Nếu giáo hội bảo tôi màu trắng là đen thì tôi sẽ trả lời vâng, đó là màu đen" (If the church tells me that white is black. Yes, that is black). Người Pháp có câu cách ngôn rất lạ: "Khi nào có hai tu sĩ Dòng Tên đi với nhau, luôn luôn tạo thành ba thằng quỉ sứ" (Where two Jesuits come together, the devil always makes three).
Các giáo sĩ Dòng Tên khi đến Trung Hoa, ngoài bài xích đạo Phật, đạo Khổng, còn cấm đạo thờ ông bà tổ tiên. Chính vì điều này mà Vatican đã xóa tan công lao truyền đạo trên 100 năm của các tu sĩ Dòng Tên tại Trung Hoa. Ở Đại Việt, cũng vì lý do này mà A. de Rhodes bị các chúa Trịnh và Nguyễn trục xuất. Chuyện này cũng bình thường vì "Thủ tướng thép" Otto von Bismarck (1815-1898) của Đức cũng đã trục xuất toàn bộ các tu sĩ Dòng Tên ra khỏi nước Đức. Chính quyền Thụy Điển cũng ra lệnh cấm mọi hoạt động của Dòng Tên, đóng cửa tất cả các trường học do dòng này điều khiển trên đất nước họ.
Tuy nhiên chúng ta chưa tìm thấy chứng cứ nào rõ rệt về hoạt động hung hăng của A.de Rhodes ở Đại Việt; ông chỉ viết bài khen ngợi Đại Việt hơi quá: “là một quốc gia thần tiên với tài nguyên vô tận, ngay cả người đánh cá cũng dùng lưới làm bằng tơ”.
Người lên án A. de Rhodes thường dựa vào Lời thề Dòng Tên và mấy từ “soldats”, “la conquête de tout l’Orient” của ông để hiểu rằng đây là ý đồ ban đầu khêu gợi sự xâm lăng của người Pháp. Thật ra nhiệm vụ chính của ông là truyền đạo, cải đạo cho người Việt và khích lệ thương gia nước ngoài đến buôn bán tại đây. Tuy ông có nói “Tôi nghĩ nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh lính để đi chinh phục toàn thể phương Đông”, nhưng từ thương mại, truyền đạo đến vũ trang phải là con đường dài của một chính sách, đâu chỉ là sự tuân thủ ý đồ của một cá nhân?
Nếu đổ tội cho A. de Rhodes là cầu nối cho cuộc chinh phục của Pháp thì không đủ cơ sở.
Và thực tế đã chứng minh, gần 200 năm sau cái chết của A. de Rhodes thì cuộc chinh phục nước ta mới diễn ra. Với hai hiệp ước 1862 và 1867 triều đình An Nam ký với Pháp, Nam kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Nếu muốn kể tội giáo sĩ thì có thể nhắc đến giám mục Puginier (1835-1892) với mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ trong sách lược chính trị của ông khi ông viết: “Sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông” (Christianisme et Colonialisme au Vietnam, 1857-1914).
Như vậy xin đừng ép buộc một người phải chịu trách nhiệm về một hành vi xảy ra 200 năm sau kể từ ngày họ qua đời. Người đó chính là Alexandre de Rhodes.


Nguồn: Facebook Nguyễn Phú Yên