Có những giấy chứng nhận là thật nhưng nó chẳng có giá trị vì đấy là đồ chơi. Ví dụ ở Nhật Bản có Hội nghiên cứu đường sắt quốc tế, nếu ông nộp hồ sơ vào sẽ trở thành thành viên. Khi giới thiệu nghe rất kêu nhưng thật ra đó chỉ là hội của những người yêu đường sắt mà thôi. Nó giống như hội thơ kiểu câu lạc bộ ở Việt Nam…




VIỆC ĐỌC VÀ CHUYỆN DANH HÃO BÈ BẸP DANH THỰC

Những danh hiệu xúng xính như Viện sĩ Thông tấn, Viện sĩ Danh dự quốc tế, những trường học gắn mác quốc tế hay bệnh viện quốc tế… từng là niềm mơ ước cao sang của nhiều người.  Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản), nguyên giảng viên khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Hà Nội), hiện đang làm việc liên quan đến xuất bản tại Hà Nội về vấn đề này.

"Giáo sư bán sách rong"
@ Tôi được biết, nhiều người gọi ông bằng một nickname tếu táo “giáo sư bán sách rong”. Biệt danh này có từ khi nào vậy, thưa ông?
-(Cười) Do một số người bạn thấy tôi đi bán sách thì gọi vui như vậy. Trước kia tôi dạy ở trường đại học, bạn bè tếu táo là giáo sư. Đến khi tôi dịch sách, viết sách, tôi cũng bán những cuốn sách mà chính tay tôi dịch và viết cho mọi người. Có thể tôi mang đến cho mọi người ở khắp nơi hoặc tôi có thể bán ở các sự kiện hay bán trên mạng chẳng hạn. Vì thế, anh em gọi đùa là “giáo sư bán sách rong”. Nhiều người cũng gọi theo như thế, từ đó thành cái tên vui vẻ.

@ Điều gì lý thú khi tham gia bán sách rong làm cho ông đam mê?
-Đối tượng mua sách của tôi rất là phong phú, đủ các loại nghề. Thỉnh thoảng đi trên xe bus, tôi gặp bạn đồng hành, họ nói trước đây đã từng đọc sách của tôi. Nhờ bán như vậy tôi mới biết được rằng giới nào người ta đọc sách và người ta thích loại sách gì. Còn bình thường, nếu chỉ viết xong, xuất bản xong, sách để ở nhà sách thì hầu như tác giả như tôi sẽ không biết được ai đọc sách của mình và bạn đọc suy nghĩ như thế nào.

@ Ta so sánh cả số lượng và tỉ lệ với Nhật Bản thì lượng đọc sách ở Việt Nam ông đánh giá ra sao?
-Lượng đọc sách ở Việt Nam là ít, không cần thống kê bằng điều tra xã hội học đâu, chỉ cần bằng cảm nhận xã hội đã thấy được rõ điều này rồi. Ví dụ anhg theo dõi xuất bản là biết số lượng sách in ra và quan sát đời sống hàng ngày anh nhìn sẽ thấy hình ảnh người đọc sách ở đâu? Hầu như rất ít.

@ Hiện nay công nghệ thông tin rất phát triển, lại có kết nối internet, thì đâu cứ phải nhất định là đọc sách giấy. Người ta có thể đọc cách thông tin trên internet đều đủ cả thôi.
-Đấy là lý luận của mấy ông không đọc sách. Thông tin internet, người ta đọc sách, kể cả đọc sách trên mạng hầu hết người ta chỉ đọc giải trí, đọc tin tức hoặc bất đắc dĩ không mang theo sách giấy được hoặc sách đã tuyệt bản, không thể xuất bản thì mới đọc bản điện tử. Tình hình đọc chung trên thế giới cũng thế. Còn đọc sách, muốn hiểu sâu nền tảng kiến thức thì phải vào thư viện, phải đọc cả những cuốn từ điển, những bộ bách khoa thư dày cộp. Đọc theo hệ thống. Thời kỳ này thế này, thời kỳ kia thế kia. Cái dở của Google và internet hiện nay là người ta chỉ biết kết quả mà người ta muốn biết, còn không biết đến quá trình. Trong quá trình đó, khi đọc, người ta sẽ có cơ hội gặp hoa thơm cỏ lạ rất nhiều và nó tạo sự phong phú trong văn hóa của anh. Còn bây giờ, bằng cú nhấn nút, ông chỉ biết một thông tin về một người nào đó có năm sinh, quê quán, chức vụ… Còn đọc sách thì sẽ biết được cả quá trình người ta lớn lên thế nào… Từ lượng thông tin phong phú nằm vô thức trong não ấy mà tạo ra nền tảng cho người đọc hiểu sâu, rộng về nhân vật đó. Sự phổ cập của internet và các phương tiện kĩ thuật số ở nước ta, nơi có nền tảng văn hóa đọc mỏng giờ đây khiến nhiều người có ảo tưởng là mình thông thái nhưng thực chất lại không biết gì bởi vì chỉ biết mỗi kết quả nhìn thấy mà thôi.
Xu hướng của độc giả trong thời đại internet là thích đọc thông tin ngắn, tin tức và bình luận ngắn trong thời gian tức thời trên thiết bị. Trong khi muốn đọc để hiểu sâu vấn đề nào đó, người đọc phải nghiền ngẫm, phải đọc trong thời gian tĩnh lặng thật lâu thì cái đó không thể thay thế được sách giấy. Tất nhiên là hiện nay có rất nhiều sách được số hóa thì cũng có lợi là bạn đọc có thể tra cứu, có thể tìm kiếm nhanh hoặc có thể đọc ở bất cứ đâu, tận dụng thiết bị chứa rất gọn nhẹ hàng nghìn, hàng vạn cuốn sách. Nhưng nếu nói chỉ nhờ đọc trên thiết bị, đặc biệt là đọc tin tức trong thời gian ngắn như vậy sẽ trở nên thông thái, sẽ có vốn văn hóa tốt thì tôi nghi ngờ. Hiện đại như Nhật Bản, sách giấy vẫn in với số lượng khổng lồ. Tại vì sách giấy có vai trò riêng. Sự nhận thức của não phù hợp hơn với tiếp nhận thông tin kiểu truyền thống. Ở Nhật Bản có cả luật riêng về văn hóa đọc. Tại vì bộ não nếu tiếp xúc với kỹ thuật số sớm quá và liên tục tiếp xúc với những kích thích mạnh thì sẽ dẫn tới bộ não sẽ bị hỏng. Khi quen với kích thích của kỹ thuật số sẽ không tạo được cho đứa trẻ sự hứng thú say mê nói chung.

Đọc ít và đọc kém
@ Ông có nói đến lượng sách giấy xuất bản khổng lồ của Nhật Bản, xin ông cho một ví dụ tương đối là một năm họ xuất bản bao nhiêu đầu sách mới?
-Tôi nhớ là năm 2010 ở Nhật Bản họ xuất bản khoảng gần 75.000 đầu sách mới, và hiện tại họ có hơn 3.000 nhà xuất bản.

@ Nếu vậy, Việt Nam chỉ có hơn 60 nhà xuất bản và lượng sách in cũng đến hàng vạn đầu sách mới đấy chứ?
-Tôi dẫn số liệu này để ông thấy đọc sách của trẻ em Việt Nam thua kém như thế nào. Trẻ em ở Nhật Bản trước khi vào lớp 1 đọc trung bình khoảng 1.000 cuốn, cá biệt có em 2.000 cuốn sách. Số liệu này là người Nhật điều tra nghiên cứu, công bố không phải tôi bịa ra. 

@ Còn ở Việt Nam, ở rất nhiều gia đình có lẽ chỉ đếm trên đầu đón tay. Vì sao vậy nhỉ?
-Tại vì người lớn nghĩ rằng các cháu chưa biết chữ thì đọc cái gì. Tôi lại nói thêm số liệu thứ hai là trẻ em ở Nhật Bản mượn sách trên hệ thống thư viện được thống kê bằng thẻ điện tử, một năm trẻ em toàn quốc mượn khoảng hơn 100.000.000 đến 200.000.000 đầu sách. Ở Việt Nam con số này rất là ít. Nếu tính số lượng thư viện và thư viện gia đình của Nhật Bản thì Việt Nam gần như là không thể sánh được.
Cho nên nếu để ý chúng ta sẽ thấy thành tựu đỉnh cao và kiến thức nền tảng có quan hệ mật thiết với nhau. Những nước có nhiều nhà khoa học, được nhiều giải Nobel là các dân tộc ham đọc và có hệ thống thư viện cũng như văn hóa đọc tốt. Nhật Bản dân số hơn 120 triệu người, thì có khoảng gần 30 người nhận giải Nobel, hầu hết là quốc tịch Nhật Bản, sống ở Nhật Bản. Ailen cũng thế, nước nhỏ dân ít nhưng mà số lượng nhà khoa học đỉnh cao, kể cả nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng được giải Nobel rất nhiều. Nhưng Việt Nam mình nền tảng đọc kém dù dân số rất là đông.

@ Ông có thể cắt nghĩa rõ hơn chăng?
-Bởi vì họ chỉ chạy theo bề nổi bên ngoài chứ họ có đọc đâu. Đọc sách cần sự tĩnh lặng. Đọc sách cần sự đối thoại với bản thân mình. Người đọc thật sự thì không cần danh. Danh là cái đến sau, có khi người ta chẳng quan tâm. Vỗ tay hoan hô đấy nhưng có khi người ta cũng chẳng để ý. Tôi bán sách rong, tôi xuất bản nhiều sách nhưng việc xuất bản nhiều sách như thế không làm tôi sung sướng. Tại vì đó là cái đến sau, tôi đâu có quan tâm. Viết xong cuốn này tôi lại đuổi theo cuốn khác. Cái đọc của mình kém là vì sự đọc để thôi thúc từ trong nội tâm kém. Cứ nói người Việt Nam ham học nhưng thực tế là ham thi. Ham kiếm bằng cấp để tiến thân chứ không phải ham đọc, ham học để khát khao tìm hiểu cái mới làm thỏa mãn điều muốn biết. Hoặc đơn giản hơn, đời thường hơn là đọc cho… khoái. Còn những cái đạt được bằng cấp, những cái tưởng thưởng của xã hội sẽ đến sau. Đằng này mình đặt nó lên trước, thứ tự nó hơi ngược. Đúng không!?  

                                                 
Ông Nguyễn Quốc Vương!



Căn bệnh háo danh
@ Ông từng du học tại Nhật Bản, đang làm nghiên cứu sinh tại đó, rồi ông trở về Việt Nam và hiện nay đang bán sách rong…
-Tôi rất thích đọc sách. Khi học ở Nhật Bản, tôi phát hiện ra sách ở Nhật rất phong phú. Ngược lại, khi tìm đọc sách tiếng Việt thì có những mảng, những cuốn sách hoàn toàn không có. Sau đó, mất gần 10 năm học tiếng Nhật, tôi có khả năng dịch các tác phẩm sang tiếng Việt. Về Việt Nam, tôi có dịch một số sách cho các nhà xuất bản. Đó là công việc tôi cảm thấy rất yêu thích, rất hợp với mình, cộng với việc khi về nước môi trường làm việc trước kia tôi làm càng ngày tôi càng cảm thấy nó không phù hợp lắm với cá tính cũng như cảm giác những kiến thức học ở Nhật Bản không phát huy được. Tôi phải lựa chọn một cách nào đấy có thể phát huy tối đa những điều mình đã học. Dịch sách, viết sách, bán sách là công việc vừa phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, sở thích cá nhân, vừa phục vụ tốt cho Việt Nam. Nếu nhìn vào ta sẽ thấy văn hóa đọc của Việt Nam so với nước ngoài rất kém. Trong khi đây là nền tảng kiến tạo. Anh muốn nói công nghệ 4.0 hay công nghệ gì đi nữa mà nền tảng văn hóa đọc kém, nhà báo không đọc sách, giáo viên không đọc sách, nhà nghiên cứu không đọc sách thì tất cả chỉ là để chém gió, câu chuyện ngoài bàn trà quán nước thôi, còn muốn làm gì đó sâu, muốn làm gì có giá trị thì không hề đơn giản.

@ Muốn có giá trị, đôi khi người ta phải có được những danh hiệu nhất định?
-Cái này người Việt Nam thấy rất rõ. Ngay cả ông Phan Bội Châu, ông Phan Chu Trinh là những người có quyết tâm lớn như vậy, những người đả phá quan trường, đả phá những cái xấu của người Việt nhưng bản thân các ông ấy cũng phải cố mắm miệng mà đi thi để lấy được cái Phó bảng.

@ Và cái Giải nguyên để thành ông Giải San (Phan Bội Châu)?
-(Cười) Đúng rồi. Để nói quốc dân đồng bào mới nghe. Đấy là một nỗi khổ. Tại vì lý do đó là căn bệnh háo danh, hay nói cách khác là chỉ thích, chỉ tin vào những lời của những người có khoa bảng. Đấy là một thói quen tư duy, một lối mòn. Tất nhiên ở nước nào cũng có nhưng ở Việt Nam điều đó rất nặng nề. Đặc biệt trong thế kỷ 21 này nó vẫn còn cái kéo dài của hàng nghìn năm trước. Tâm lý đó vẫn còn đến ngày hôm nay. Ví dụ, cứ là tiến sĩ đã, chẳng biết tiến sĩ nghiên cứu ngành gì nhưng lên báo, lên truyền hình thì tiến sĩ là chắc chắn tin cậy hơn, hoành tráng hơn những ông chỉ là cử nhân hoặc không có học vị gì. Trong khi, có thể chuyên ngành hay vấn đề mà ông tiến sĩ đó đang phát biểu hoàn toàn nằm ngoài chuyên ngành nghiên cứu của anh ta, thậm chí anh ta hoàn toàn mù tịt về lĩnh vực đó. Chuyện ấy xảy ra rất là nhiều. Tâm lý háo danh là như vậy. 

@ Thậm chí có những người trở thành “giáo sư biết tuốt”… 
-Cái gì họ cũng nhảy vào. Tại vì truyền thông, báo chí có tâm lý chạy theo bạn đọc, chạy theo view, chạy theo sự quan tâm của xã hội, do vậy thích phỏng vấn ý kiến của những người được công chúng chú ý. Cho nên người ta nhầm. Có những người không phải giỏi nhất trong ngành đấy hay có những thành tựu nghiên cứu tốt trong ngành đấy nhưng thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, trên tivi, nhân dân cứ tưởng đấy là những người đầu ngành của ngành đó. Thực chất thì nghiên cứu phải có thành tựu, phải có tác phẩm, phải có sách, phải có lập thuyết. Đối với người làm nghiên cứu ứng dụng thì phải có sản phẩm ứng dụng thực tế, có tác động xã tội. Tất nhiên nhà nghiên cứu trình bày trước đại chúng hay truyền tải các thông tin nghiên cứu đến đại chúng là điều hoàn toàn bình thường. Còn câu chuyện “giáo sư biết tuốt” lại là câu chuyện khác bởi vì người ta phải nghiên cứu bao lâu thì người ta mới có thẩm quyền để nói đến vấn đề, chứ không phải ai hỏi cái gì cũng nói.

@ Tôi là người làm báo cho nên tôi nhận thấy có một thực tế, anh em rất hay phải tìm những người có danh vị. Rồi những người được đôn thành nhà nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu, học giả này nọ… Sẽ có những tiền tố đi trước tên người được phỏng vấn.
-Người Việt chúng ta thường thấy một hiện tượng rất rõ ràng là trên sách in đều thấy ghi GS, PGS, TS… phía trên tên sách. Trong khi đó, ở nước ngoài, nếu cần ghi thông tin ấy cùng lắm chỉ là một phần nhỏ được ghi ở đâu đó trong sách, còn trên bìa sách chỉ ghi tên. Ngay bản thân tôi là người khi được truyền thông phỏng vấn, các bạn cũng hay hỏi tôi là nên đề cái gì trước tên tôi. Tôi nói cứ đề tên tôi thôi. Nhưng nhà báo đề nghị cứ phải có một cái gì đó trước tên.

@ Khi đó trước tên ông là gì?
-Có người thì ghi là Nghiên cứu sinh, có người ghi Nhà nghiên cứu, có người ghi là Nhà giáo… Nhất định phải có danh vị nào đó trước tên gọi. Có người giải thích với tôi là đề danh vị lên trước tên gọi như vậy để bạn đọc tin cậy hơn.

Vọng ngoại, sính ngoại
@ Thậm chí người ta không chỉ thích danh vị mà còn có xu thế vọng ngoại, sính ngoại, xu thế quốc tế hóa, thích nhãn mác quốc tế như “trường quốc tế”, “bệnh viện quốc tế”.
-Vấn đề ông nêu ra rất thú vị. Nó có liên quan đến lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cận đại. Trong lịch sử, Việt Nam đã từng đóng kín và tách mình ra khỏi thế giới. Bây giờ đỡ hơn nhưng chưa hẳn đã hết. Do vậy, khát vọng được hòa nhập thế giới, được thoát ra khỏi cái tù túng, thoát ra khỏi cái ao làng để hòa nhập, cạnh tranh và hưởng thụ những cái tốt đẹp trên thế giới của người Việt rất là mạnh, từ cá nhân cho đến cộng đồng nào đấy. Xuất phát từ đó mà khát vọng được ra biển lớn, được tiếp xúc quốc tế, được học hỏi về quốc tế là một giai đoạn dài ở Việt Nam trước mở cửa.
Đặc biệt là giai đoạn sau mở cửa, sau Đổi mới, một số người Việt rất nhanh nhạy, hay có thể nói là khôn vặt cũng được, họ biết được tâm lý đó, họ biết những gì gắn với thêm yếu tố Tây, yếu tố quốc tế, hội nhập thì sẽ dành được lòng tin, hay nói cách khác là người Việt không tiếc tiền đầu tư vào. Cho nên dẫn đến hiện tượng gắn thêm nhãn mác quốc tế vào. Trong khi những người tỉnh táo sẽ biết trong Luật Giáo dục của Việt Nam cũng như các bộ luật khác không hề có định danh pháp nhân trường quốc tế. Việt Nam trước đây chỉ có 3 loại trường là trường công lập, trường bán công (trước đó là dân lập) và trường tư thục. Đến nay thu gọn lại chỉ còn 2 loại hình trường công lập và trường tư thục.
Có khi cả trường chỉ có một ông Tây cũng gọi là trường quốc tế. Có thể ông Tây đó chỉ là Tây ba lô không có trình độ đào tạo, chỉ là người nước ngoài thôi. Hoặc trường có thể tham khảo một chương trình đào tạo nào đó của nước ngoài sau đó dạy với tư cách phụ trợ thôi mà cũng gọi là quốc tế. Do đó ở Việt Nam tình trạng dễ thấy là luật luôn đi sau cải cách cho nên các trường, các trung tâm rồi các cá nhân hoạt động thuần túy là “treo đầu dê bán thịt chó”. Không phải tất cả nhưng phần lớn là như vậy. Họ đánh vào tâm lý. Nếu như làm thẳng thắn ra sẽ thấy ở Việt Nam hầu như không có trường nào của người Việt lập ra đủ tiêu chuẩn để công nhận trường quốc tế. Vì nếu đủ tiêu chuẩn thì nó là trường dành cho người nước ngoài chứ không dành cho người Việt Nam.  

Mượn danh để trục lợi
@ Không chỉ ở bậc phổ thông, đôi khi chúng ta vẫn thấy những danh xưng Viện sĩ thông tấn quốc tế, Viện sĩ Danh dự...
-Nó cũng là một dạng như trên. Thay vì sản phẩm khoa học, hoạt động thực tiễn để đánh giá nhau, thì ở chúng ta, đặc biệt là đơn vị hành chính công, có thói quen hay đánh giá dựa trên hồ sơ đẹp, điểm số, sau đó là bằng cấp, danh hiệu. Đi vào các hội nghị anh sẽ thấy người ta giới thiệu đầy đủ các chức danh, nếu thiếu một cái là người được giới thiệu không vui. Trong khi điều đó không làm nên điều gì bởi vì bản chất con người anh có thể rất nhiều chức danh nhưng trong hoạt động thực tiễn anh không tạo ra sản phẩm thì điều đó có ý nghĩa gì đâu.
Viện sĩ thông tấn, nếu tìm hiểu kỹ thông tin sẽ biết ở nước ngoài chỉ cần ghi danh, nộp tiền là có thể trở thành hội viên, trở thành Viện sĩ thông tấn, Viện sĩ Danh dự. Ở Nhật Bản cũng vậy, có rất nhiều tổ chức hội học thuật sinh hoạt chuyên môn mà chỉ cần ghi danh thôi. Bởi vì đấy là hội tự nguyện, kinh phí không được ai cấp cả, họ cần rất nhiều thành viên để có hội phí sinh hoạt và định kỳ gửi các ấn phẩm cho nhau.

@ Ở Việt Nam cũng có những người hết sức láu cá khi chỉ sang nước ngoài thỉnh giảng nhưng rồi trở về Việt Nam thì nghiễm nhiên trở thành “giáo sư”; hoặc có những sinh viên, học viên ra nước ngoài học, trở về được cấp chứng chỉ nhưng lại khai là tiến sĩ…
-Họ lợi dụng cái mập mờ đấy để trục lợi. Thực ra ở nước ngoài người ta gọi giáo sư theo hai cách, cũng như ở Việt Nam có cách gọi chính thống của Nhà nước và cách gọi của dân gian. Ở nước ngoài, để tôn trọng những người dạy đại học thì họ gọi là “giáo sư” (prof), cũng như anh gọi tôi là “giáo sư bán sách rong” ấy, đó là câu chuyện ngoài lề. Còn chính thức là giáo sư thì ở Nhật Bản phải có một viện nghiên cứu, một trường giảng dạy nào đó có quyết định đấy là chức danh là vị trí được bổ nhiệm.
Điểm này hơi khác với Việt Nam. Ở Việt Nam là Nhà nước phong giáo sư, còn ở Nhật Bản là các trường bổ nhiệm. Ở nước ngoài, theo như tôi hiểu, giáo sư phải gắn với giáo sư của trường nào, bộ môn gì, và khi anh không dạy nữa thì nó không còn giá trị. Ví dụ ông thầy dạy tôi nhưng đã nghỉ hưu thì không ai gọi ông ấy là giáo sư nữa.

@ Ý của ông nhắc tôi nhớ đến danh xưng “nhà báo quốc tế” ầm ĩ vừa qua...
-Sẽ có những giấy chứng nhận là thật nhưng nó chẳng có giá trị vì đấy là đồ chơi. Ví dụ ở Nhật Bản có Hội nghiên cứu đường sắt quốc tế, nếu ông nộp hồ sơ vào sẽ trở thành thành viên. Khi giới thiệu nghe rất kêu nhưng thật ra đó chỉ là hội của những người yêu đường sắt mà thôi. Nó giống như hội thơ kiểu câu lạc bộ ở Việt Nam…
Tôi biết ở nước ngoài những chứng chỉ đấy để cho vui nên họ cấp cực nhiều, nó chẳng có tác hại gì cả. Anh thích anh có thể bỏ tiền ra mua cái đó rồi bày làm đồ chơi như trẻ con chơi đồ hàng.

@ Vì thế, như tôi đã từng đùa vui với ông, là nên khắc cho ông một con dấu đề “giáo sư bán sách rong” để ông đóng vào trang sách mỗi khi ký tặng bạn đọc.
-Cái đó không có hại gì và tôi có thể công khai với mọi người đây là trò chơi của chúng tôi, trong phạm vi những người bán sách rong. Còn ở Việt Nam, lý do chính, đặc biệt các cơ quan thuộc hệ thống công quyền Nhà nước, hay tuyển dụng dựa trên bằng cấp mà người tuyển dụng không có khả năng thẩm định được và không có tổ chức độc lập để thẩm định cái đó. Cộng với tâm lý sính danh, sính ngoại, cứ nghe giới thiệu ông này bà kia học ở nước ngoài, có bằng quốc tế là ù tai rồi, là mờ mắt rồi, chứ đâu có biết bằng cấp thật.  

Giá trị phải được đánh giá trên thực tế
@ Còn có nhiều trường hợp chúng ta tưởng bằng tiến sĩ, thạc sĩ nước ngoài nhưng thật ra đó chỉ là chứng chỉ, hay bằng cấp mua như ông nói. Vậy trước hiện tượng sính ngoại như thế này, làm sao chúng ta đẩy lùi được hiện tượng sính bằng cấp, hiện tượng sính ngoại?
-Có nhiều giải pháp nhưng đầu tiên là pháp luật. Khi đã đề ra thì cần phải thực thi cho đúng. Như thế, những người không đủ quy chuẩn thì không thể nằm vào những vị trí quan trọng được vì đấy là gương xấu cho người khác chạy bằng. Chúng ta cứ nhập nhèm các hệ đào tạo tại chức, từ xa, chuyên tu… Ở nước ngoài họ không phân biệt mà họ tuyển dụng dựa vào năng lực chứ không dựa vào bằng cấp. Hệ thống tuyển công chức đầu tiên là phải thi. Bằng cấp là để chấp nhận thôi nhưng sau đó ông phải thi thì mới được tuyển dụng vào vị trí, chứ không phải ông hoàn thiện hồ sơ đẹp rồi ngồi vào đó. Đấy là điều thứ nhất.
Điều thứ hai là nâng cao sự hiểu biết chung. Điều này rất là quan trọng. Chẳng hạn như truyền thông, chẳng hạn như các cơ quan tuyển dụng có hệ thống sàng lọc của mình. Nhưng quan trọng hơn nữa, suy cho cùng, giá trị phải được đánh giá trên thực tế. Thực lực là chủ yếu, bằng cấp là thứ yếu. Từ đó người ta sẽ bớt đi nhu cầu lấy bằng cấp nếu không thật sự cần thiết (ví dụ có bằng mới được làm nghề nào đó, có bằng mới được đứng ở vị trí nào đó như nghề y, luật, các vị trí học thuật trong đại học, viện nghiên cứu). Nếu như chạy theo bằng cấp bất chấp là có cần hay không hay bằng đó là bằng gì thì dù có lấy được các loại bằng cấp thì chỉ để cho vui, để “tán gái”, còn trên thực tế bằng cấp đó không hữu dụng. Tôi làm bên Nhật Bản rất nhiều nghề khác nhau, chưa bao giờ họ hỏi bằng cấp, mà họ chỉ hỏi tôi đã có giấy phép lao động ở Nhật Bản chưa, thế thôi.

@ Nếu như vậy xuất phát phải từ giáo dục?
-Phải từ mọi thứ nhưng giáo dục rất là quan trọng. Giáo dục phải đi vào thực chất. Còn giáo dục của Việt Nam hiện nay đánh giá vẫn dựa trên điểm số, dựa vào bằng. Tình trạng phổ biến bây giờ là nâng điểm cho sinh viên để có bằng đẹp. Nhưng ông nào cũng nâng thì bằng đấy vô nghĩa.

@ Không phải riêng sinh viên, mà ngay từ học sinh phổ thông đã có bảng điểm đẹp, học bạ đẹp rồi.
-Đúng rồi, chúng ta vẫn gọi đó là điểm ảo.

@ Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

KIỀU MAI SƠN - Báo Nông Nghiệp VN