Nhà văn Ngô Khắc Tài cảm nhận: “Cầm trên tay tập thơ vỏn vẹn 44 bài với hình thức thơ tự do hiện đại nhưng mỗi một tựa bài thơ đều gợi cho tôi một cảm giác “khó chịu” vì dường như từng con chữ đang thách thức tôi phải đọc. Và đúng là phải đọc! Đọc rồi mới thấy được sự chiêm nghiệm của một nhà thơ trẻ về quá khứ, về hiện tại và tương lai lại không thừa chút nào.




TRẦN TÂM CÓ ĐIỀU GÌ MUỐN HỎI?

NGÔ KHẮC TÀI

Cuộc sống có phức tạp không? Con người vốn dĩ đã quen cường điệu hóa mọi thứ. Đôi khi, chúng ta lại quên đi cách để hài lòng với bản thân, quên rằng ta đang sống một cuộc đời của chính mình chứ không phải là tồn tại vì ai khác. Vì vậy, mà chúng ta thường đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi. Tôi nhớ, ai đó đã từng nói rằng “Đặt câu hỏi đúng quan trọng hơn ngàn lần tìm câu trả lời đúng cho một câu hỏi sai”. Nhưng chẳng phải bản thân chúng ta đã và đang đi ngược lại với điều này khi luôn mong chờ sự tán dương, khen thưởng, hài lòng với chất lượng câu trả lời của chính mình hay sao? Chúng ta cũng quên rằng, câu trả lời không phải là thứ bạn nên dùng để đánh giá một con người. Thay vào đó, hãy nhìn vào chất lượng câu hỏi mà người đó đưa ra. Nếu tôi hỏi: “Bạn muốn điều gì trong cuộc sống?” và chắc rằng bạn sẽ trả lời với tôi kiểu như “Tôi muốn trở nên hạnh phúc, tôi muốn có một gia đình tuyệt vời và công việc tôi yêu thích…” thì câu trả lời này không có ý nghĩa gì cả với tôi vì tự bản thân mỗi chúng ta ai cũng có thể trả lời được theo cách này hoặc cách khác. Thế nhưng, có một câu hỏi khác thú vị hơn, một câu hỏi mà có thể bạn đã từng hoặc chưa bao giờ suy nghĩ tới nó: câu hỏi tự chất vấn lòng mình khi đứng trước cửa đời..với bao điều muốn hỏi…Bạn sẽ trả lời cho câu hỏi này như thế nào? Nếu chưa hãy lắng lòng lại nghe nhà thơ trẻ Trần Tâm bộc bạch lòng mình với những câu hỏi chất chứa sự suy tư trên từng con chữ qua tập thơ đầu tay của tác giả: “Anh có điều muốn hỏi?”…
Sau tất cả
chúng ta không ngăn được những xúc cảm của ngày xưa
nhành mua bên hàng giậu thưa tím trời lẳng lặng
người ta có thể đến cung trăng
có thể ngăn mưa, tạo gió
có thể sản sinh ra một thế giới khác nữa
nhưng có phép mầu nào làm mới lại lòng không?

Cầm trên tay tập thơ vỏn vẹn 44 bài với hình thức thơ tự do hiện đại nhưng mỗi một tựa bài thơ đều gợi cho tôi một cảm giác “khó chịu” vì dường như từng con chữ đang thách thức tôi phải đọc. Và đúng là phải đọc! Đọc rồi mới thấy được sự chiêm nghiệm của một nhà thơ trẻ về quá khứ, về hiện tại và tương lai lại không thừa chút nào. Rất nhiều người viết lách, làm thơ để gửi gắm “cái tôi” suy tư của mình trước những vấn đề diễn ra xung quanh cuộc sống và họ cũng không tránh khỏi sự rập khuôn của người đi trước trong từng câu chữ. Điều anh muốn hỏi là cảm xúc không lạ nhưng cái chất thơ rất riêng của tác giả đã kích thích sự tò mò của tôi, liệu rằng sẽ có “có phép mầu nào làm mới lại lòng không?” để cho “những xúc cảm của ngày xưa” được trở về với hình hài mới mẻ qua tập thơ đầu tay này của tác giả Trần Tâm.

Trước hết, tôi thật sự bất ngờ với những câu thơ được chọn in ở bìa sau tập thơ được trích trong bài “Anh sợ…”:
“Anh không muốn thấy mình là ngày của hôm qua
của bao lo toan, buồn phiền sáo rỗng
là ý nghĩ như một lập trình có sẵn
là hạt mưa rào mất hút khi thả vào sông
anh sợ…
Nằm trang bìa cuối tập thơ thì đây không phải là điều anh muốn hỏi nữa mà là câu trả lời của chính tác giả cho những câu hỏi của mình. Thì ra, cuối cùng tác giả không cần một đáp án mang tính chất hài lòng viên mãn mà ngập ngụa trong đó là nỗi sợ mông lung, chông chênh của một cái tôi đầy cảm xúc khi đứng trước cửa đời. Cánh cửa ấy tưởng chừng ai cũng có thể mở và bước qua được. Nhưng nỗi niềm chất vấn của Trần Tâm khiến ta phải chùng bước, lùi lại và suy nghĩ, thật ra chúng ta đã ôm ấp nỗi sợ này bao nhiêu lần trong cuộc đời của mình? Và được bao nhiêu lần nghĩ đến ý nghĩa sự tồn tại của chính mình trong cuộc đời này? Bài “Cần một lý do” cũng chạm đến nỗi đau đáu này của tuổi trẻ: Ai cũng có một lý do đến với thế giới này/ và ai cũng có lý do để sống cho cuộc đời của họ?/ đã đến lúc anh thấy sợ/ phải sống cho ước mơ của một người nào đó/ mà mơ mộng mình để im trong túi áo thẫn thờ… Thú thật, đọc qua tôi giật mình vì đây là phút nói thật của tuổi trẻ. Ai cũng biết, cuộc đời mỗi người hơn nhau ở chỗ - không phải những mục tiêu vĩ đại họ làm, mà là cách họ đã bước hết mình để chạm được đích cuối. Cuộc đời này không cấm cản chúng ta ước mơ, thế nên mình cứ vẽ ước mơ, dù là ầm thường, bé nhỏ thì ước mơ ấy – chỉ cần chúng ta tin nó không hèn mọn thì đó chính là “lý do để sống cho cuộc đời” của mình không cần gượng ép mình “phải sống cho ước mơ của một người nào đó”. Câu thơ dễ đưa người đọc vào cảm giác bức bối của tuổi trẻ trước sự ngổn ngang của cuộc sống. Đôi khi gánh nặng cơm áo gạo tiền đã khiến chúng ta gánh gồng lên vai mình “ước mơ của một người nào đó” mà quên đi ước mơ của mình. Tác giả đã rất chân thực trong suy nghĩ khi nhìn lại bản thân mình.  Nhưng rồi đọc tiếp: “dù bão giông gió giật/ dù nắng cháy mưa dầm/ mà yêu và sống với những điều thành thật/ cũng như nụ hôn dành cho em…” thì tôi bỗng thấy lòng dạ nhẹ hẳn ra. Hóa ra cần một lý do không phải là than trách cuộc đời mà đó là lời nhắn nhủ, là thông điệp người đến với nhau phải thành thật. Anh thành thật thì em cũng phải chân thật để rồi tình yêu: “chất ngất đam mê... mãi không lụi tàn!”.

Thơ Trần Tâm không trau chuốt, bóng bẩy, không vần điệu, gây mê người bằng chữ. Nhưng ở đây, thơ làm cho người đọc nhớ vì tính khí mạnh mẽ, suy nghĩ mới lạ, có nhiều câu hỏi của một người trai trẻ. Thơ Trần Tâm cũng không cần tu từ để rồi chữ nghĩa trở nên sáo. Ở đây, thơ rất mộc mạc, thú vị với những suy nghĩ tưởng như ai cũng biết nhưng bất ngờ trở nên mới lạ qua Trần Tâm để rồi người độc phải khám phá lại qua: “Tìm về mông lung xa ngái” (- Em hỏi tôi?/ có thường về chốn cũ/ nơi tiếng rao của mẹ nâng bước anh vào đời…). Ban đầu tôi tưởng lỗi chính tả “tiếng ru” thành “tiếng rao” nhưng bài thơ khá dài biết là không phải. Bà mẹ ở đây là bà mẹ nghèo, chất phác bán hàng rong để nuôi con với tiếng rao. Tâm trạng người con lớn lên xa quê ít lần trở về rồi thú nhận. Ta không hiểu rõ lắm hoàn cảnh nhưng rồi ta hiểu tác giả qua mấy câu: “Tuổi trẻ chúng ta ai cũng đã từng/ mang thanh xuân thế chấp/ để đổi về chất ngất những buồn vui/ đến khi thời gian thu phí bằng những lần xát muối/ thấy bùi ngùi với bao việc tử tế chưa làm?”.

Nhà thơ Lê Thanh My viết: “Trần Tâm nhạy cảm trước cuộc sống, cảm xúc muốn được bung ra tự nhiên, muốn được thể hiện cái riêng tự thân” có nghĩa là đã khen nhưng Lê Thanh My: “Tôi không muốn trích câu thơ nào ra đây để bạn đọc chiêm ngưỡng, khen ngợi hay chê bai”. Có nghĩa là nhà thơ muốn dành niềm vui khám phá đó cho bạn đọc. Đúng như vậy, tôi đọc tập thơ của Trần Tâm liền ghi vào bộ nhớ: “Đến một lúc nào đó,/ khi không còn bận rộn với yêu đương/ người ta lại buộc mình hoài niệm về quá khứ/ bởi không thể thỏa thuận với lý trí và cả con tim dù chỉ thoáng qua thôi/ cũng đủ kéo cả nỗi niềm làm phiền lòng hiện tại” (Buồn vui phía trước làm gì phải sợ); “Mộng mị ấy nhân sinh ai chẳng có?/ nhẹ nhàng thôi để tìm chốn bình yên” (Cho và nhận). Tôi thú vị những điều tưởng chừng đã cũ nhưng Trần Tâm lại làm cho mới lại: “Làm sao bảo: “nỗi buồn” là thứ đọng lại từ các cuộc vui?/ bởi khi nó chạm đến đỉnh điểm/ nỗi cô đơn sẽ xuất hiện/ đó cũng là nguyên nhân/ kết thúc bao phận người không thương tiếc!” (Lang thang chiều),…
Bạn thấy đấy, mọi thứ đều bắt đầu với những câu hỏi. Nếu hỏi sai, chắc chắc bạn sẽ không thể tìm được câu trả lời đúng. Nhưng nếu đặt câu hỏi “chuẩn”, bạn có thể ở lại trong lòng người đọc bằng sự đồng cảm sẻ chia của những tâm hồn nặng nợ với văn thơ. Tập thơ “Anh có điều muốn hỏi” của cây bút trẻ Trần Tâm ít nhiều cũng đã hoàn thành được sứ mệnh này.

Gần đây, miền Tây xuất hiện nhiều cây bút trẻ đáng chú ý, nhất là ở An Giang, nhiều cây bút trẻ đã gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc, giờ có thêm nhà thơ trẻ Trần Tâm. Với chất thơ trẻ, hồn hậu trên từng câu chữ, tôi tin đây là bước đệm đầu tiên để đưa thơ Trần Tâm đến gần hơn với độc giả và tôi phải nói chẳng dè dặt rằng, tôi đã thấy dấu hiệu lượng sóng đi sau về trước.