Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh nói về đồng nghiệp: “Tôi thích tư chất của Trầm Hương, người phụ nữ đa tài, đa cảm, đa tình… Biết sống và dám sống cho khát vọng chân chính của một người đàn bà có quyền được yêu, có quyền được làm Mẹ! Chị gạt đi, bước qua những dư luận lỗi thời, khắt khe, trói buộc con người.






NGƯỜI PHỤ NỮ CÒN ẨN GIẤU NHIỀU ĐIỀU

ĐẶNG NGUYỆT ANH

Không biết nên gọi Trầm Hương là nhà gì? Bởi chị sở hữu quá nhiều nhà. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà biên kịch, nhà đạo diễn, nhà làm phim, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà hoạt động xã hội từ thiện… Và trước tiên, chị là nhà nông (kỹ sư nông nghiệp mà!)
          Cách đây mấy chục năm, khi xem bộ phim dài tập Người Đẹp Tây Đô, biết là kịch bản của Trầm Hương tôi đã nể chị lắm rồi. Rồi khi nghe Trầm Hương một mình rong ruổi khắp nước, tới những vùng sâu vùng sa, tìm đến những Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng để làm phim về các Mẹ. Kết quả 100 tập phim tài liệu Huyền thoại mẹ Việt Nam anh hùng do TFS (Hãng phim Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh) sản xuất, được hoàn thành. Thật đáng phục! Bây giờ Trầm Hương cũng đang hăng hái bỏ tiền túi ra bay sang Mỹ, tìm gặp những nhân vật tiến bộ đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, để làm phim về họ. Theo tôi được biết, chị có những tư liệu rất quý, những chuyện thú vị: Lính Mỹ đỡ đẻ cho Việt cộng!
Trầm Hương đang thực hiện một dự án: làm phim về các nhà văn Việt - Mỹ bằng con đường William Joiner. William Joiner là trung tâm duy nhất của Hoa kỳ nghiên cứu về hậu quả chiến tranh và các vấn đề xã hội, là cầu nối cho quan hệ song phương các nhà văn Việt - Mỹ. Sắp tới kỉ niệm thành lập trung tâm, Trầm Hương cùng nhóm làm phim sẽ sang Mỹ để giới thiệu phim. Chị có 17 tiểu thuyết, truyện, ký và 3 kịch bản phim truyện nhựa, 16 tập phim truyện truyền hình và hàng trăm phim tài liệu. Chị đã nhận được những giải thưởng lớn cho các tác tiểu thuyết: Đêm trắng của Đức Giáo Tông, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trao năm 2000. Đêm Sài gòn không ngủ, hội Nhà văn Việt Nam trao năm 2010. Trong cơn lốc xoáy, giải A cuộc thi về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975 của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, giải thưởng thơ và nhiều giải thưởng khác cho các tập truyện ký, kịch bản phim… Các đầu sách của chị xếp cao chất ngất. Những tiểu thuyết, truyện ký dày bốn năm trăm trang đến ngàn trang. Thật ngạc nhiên, không hiểu sao bạn ấy lại có sức viết khỏe, viết nhiều như thế? Và viết đủ mọi thể loại, nhiều đề tài phong phú đến như vậy? Có lần tôi trực tiếp hỏi Trầm Hương , và được trả lời bằng một nụ cười rất cởi mở, rất hồn nhiên, cũng mênh mang như nắng gió, như sông nước Miền Tây quê chị! Một nụ cười đầy tự tin…
Hơn 30 năm lao đầu vào viết, Trầm Hương để lại một gia tài văn học đồ sộ, vậy mà chị còn ước trời đừng có đêm, để chị không phải… đi ngủ, để có thêm thời gian viết. “May mà tôi không có một ông chồng thường xuyên ở bên, nếu có cũng không chịu nổi cái thức đêm như con ma của tôi…”. Thì ra chị viết với hai trách nhiệm lớn lao: người cầm bút và người làm Mẹ. Là người mẹ đơn thân như con chim nhặt từng cọng rơm về kết tổ, xây lên ngôi nhà bình yên cho các con. Có tiền mới nuôi được hai đứa con chứ, mới tồn tại được cả một gia đình. Sinh con đầu được hai mươi ngày, chị gồng mình lên để gõ cái máy chữ cũ kỹ. Có đêm mệt lử, choáng váng, mồ hôi đầm đìa lạnh ngắt, rồi chị nghe xót, buốt những đầu ngón tay… Chao ôi, Máu! Đàn bà mới sinh nở như người lột xác. Da thịt non bấy, thần kinh mong manh, mười đầu ngón tay tóe máu. Chạm đến cuộc đời và những câu thơ của Trầm Hương, người đọc không khỏi có những thổn thức rưng rưng: “Mẹ thắp sáng căn phòng con bằng lửa những cuốn sách. Không gian bát ngát tình yêu của mẹ… Mẹ ghìm những cơn bão lòng cho thanh bình ngôi nhà của con… Một tay bịt trái tim đau, tay kia lau nước mắt. Tay bồng con, tay viết sách. Mà trải lòng, mà phẫn nộ, đớn đau...”. Chị vẫn viết, viết không ngừng…
    Sức mạnh tiềm ẩn từ sâu thẳm của người đàn bà trong Trầm Hương bật dậy, quyết liệt, quả cảm. Chị quyết chí nuôi con thành người, để trả lời cho số phận đa đoan, bạc bẽo, cho dư luận khắc nghiệt. Tôi thích tư chất của Trầm Hương, người phụ nữ đa tài, đa cảm, đa tình… Biết sống và dám sống cho khát vọng chân chính của một người đàn bà có quyền được yêu, có quyền được làm Mẹ! Chị gạt đi, bước qua những dư luận lỗi thời, khắt khe, trói buộc con người. Chị đã sống hết mình, yêu hết mình, viết hết mình, dâng hiến hết mình, yêu thương con đến tận cùng sâu thẳm của trái tim người Mẹ, dốc hết sức lực cho con. Đến nay, con gái đầu của chị đã tốt nghiệp khoa Piano của một học viện âm nhạc danh tiếng ở Mỹ. Cậu em trai đang học Đại học năm thứ 3 cũng ở Hoa Kỳ.
Trầm Hương dấn thân vào chữ nghĩa, dấn thân vào những chuyến đi. Lang thang như du mục, đến khắp mọi miền đất nước, để tìm về giá trị lịch sử, giá trị nhân văn cao cả của những sự việc, con người. Nhiều tác phẩm của chị được ra đời từ đấy.
Là một cây bút nữ có bút lực mạnh mẽ, tâm huyết về đề tài chiến tranh cách mạng, khó ai so bì được, dù chị là một người trẻ, chiến tranh kết thúc chị còn rất nhỏ (Trầm Hương sinh năm 1963). Chị tự nhận trách nhiệm “kết nối thế hệ”. Thông qua những trang viết của mình, chị giúp bạn đọc nhất là người trẻ hiểu biết, và xúc cảm về những câu chuyện thật, những con người thật quá đỗi bình dị mà cao đẹp, mà phi thường; đã đánh đổi máu xương, tuổi trẻ, hạnh phúc của mình cho độc lập tự do của dân tộc!

    Nhiều năm làm việc ở Bảo tàng phụ nữ Nam bộ, Trầm Hương có cơ hội tiếp cận với những tư liệu quý giá. Chị cảm thấy không cam tâm cứ để những hình ảnh, những hiện vật ố vàng nằm im lìm mãi trong khung kính, gần như bị lãng quên… Lòng chị nặng trĩu ưu tư về số phận những con người, với những câu chuyện đặc biệt, thôi thúc chị đi và viết. Trách nhiệm người cầm bút là phải có tác phẩm, để gửi gắm đến bạn đọc, để họ thấy được tầm vóc các sự kiện, những con người bình dị đã làm nên lịch sử oanh liệt! Chị có một niềm tin mãnh liệt: bạn đọc không quay lưng lại với đề tài chiến tranh cách mạng. Vấn đề là tác phẩm của mình có sức lôi cuốn không? Chị dốc hết tâm huyết vào ngòi bút, cháy hết mình trên từng trang viết, mong truyền lửa cho độc giả. Và chị đã làm được điều đó.
Về thơ, Trầm Hương xuất hiện khá khiêm tốn: năm 1993 với tập Hoa lửa, cuối năm 2018, tập thơ thứ hai Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà ra đời. Vừa rồi, ở Thành phố Hồ Chí Minh, có “Bữa tiệc thơ”, giới thiệu tập thơ của Trầm Hương. Đúng nghĩa một “bữa tiệc thơ”, với sự có mặt đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, nhạc sỹ, ca sỹ và bạn yêu thơ. Chị Bán thơ làm từ thiện. Cuối buổi thu được hơn 50 triệu. Sự kiện này lay động nhiều tấm lòng. Cho đến nay, số tiền giúp chị Phan Thị Niết té gãy xương chậu, cần số tiền lớn làm phẫu thuật và điều trị (chị Niết là con gái Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy, vừa là liệt sỹ, chồng và con đều hy sinh) lên đến 150 triệu đồng. Hơn 30 năm cầm bút, chị nói giải thưởng lớn nhất chị có được là tác phẩm của mình chạm đến được độc giả, từ đó giúp hàng trăm gia đình thương binh, liệt sỹ, Thanh niên xung phong, những số phận bất hạnh, cơ nhỡ trong chiến tranh có được những ngôi nhà tình nghĩa, đưa được nhiều người hy sinh cho đất nước ra ánh sáng.
     Trái tim chị bao dung, tấm lòng chị rộng mở vị tha, không chỉ cho những người thân thương mà còn cho cả cái nhân gian khổ đau, chật chội này! Hiến dâng hết mình, yêu thương vô hạn mà bị phản bội, vẫn tha thứ, vẫn thủy chung. Những kẻ bạc bẽo, nhỏ nhen, đầy tỵ hiềm, làm chị tổn thương, chị chẳng giận hờn. Người chị yêu thương nhất từng làm chị đau chị cũng giấu trong lòng. Chị kiên cường vượt qua nỗi đau vì có một tình yêu mãnh liệt hơn: “Anh dẫm lên trái tim yếu mềm của em bằng bước chân dã thú. Anh nhẫn tâm và xa lạ. Nhưng em chẳng hận thù anh. Em có rồi phiên bản của chính anh !” (có phải vì khát khao làm mẹ?). Những khuya khoắt, Trầm Hương một mình ôm nỗi lòng nức nở, trốn vào buồng khóc, để giữ cho các con sự bình yên, trong trẻo! “Thế gian này thống khổ biết bao nhiêu. Nỗi đau nhân sinh đi suốt cùng đời mẹ. Mẹ nuốt đắng cay cho con mật ngọt. Mẹ đi qua địa ngục cho con thiên đường…Nước mắt và máu mẹ kết tinh thành ngôi nhà cho con… Con hãy gối đầu lên gấu bông mà ngủ” (Phép màu của mẹ). Trầm Hương, “người đàn bà làm thơ. Vắt kiệt sức cho từng con chữ. Mỗi trang viết đầy thêm. Máu mình vơi một ít. Thơ không nuôi nổi con. Nên em phải xuống đường. Nhặt thống khổ, nhặt đắng cay, nhặt dối lừa cam phận… Chắp vá những mảnh vỡ cuộc đời. Lấy yêu thương hóa giải… Em, người đàn bà làm thơ. Đã tát anh. Như tát vào sự yếu đuối của chính mình” (Người đàn bà làm thơ)
Bao nhiêu là vấp váp, khổ đau, thất bại, bạc bẽo nhưng Trầm Hương luôn kiêu hãnh vì được làm đàn bà, được làm mẹ. “Con được sinh ra đời trong màu trắng của tuyết. Trong âm nhạc, hoa hồng và ánh trăng. Sóng sánh vầng hào quang giếng ngọc … Lớn lên rồi con sẽ hỏi ba đâu? Con sẽ hiểu biển đời giông tố…Hiểu những người đàn bà buộc phải dũng cảm. Những người đàn ông buộc phải yếu hèn”. Bao nỗi niềm sâu thẳm chị giãi bày với “Một sinh linh mới ra đời”. Với Trầm Hương, con là tất cả, là hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời. Con là thiên thần xinh đẹp, là dòng suối mát trong, là bình minh thức dậy. “Khi con ngủ cả bầu trời rợp mát. Khi con cười trong trẻo cõi nhân gian…” Chị chấp nhận hy sinh tất cả cho con, vì con. “Mẹ nhỏ nhoi trong góc nhỏ của riêng mình”. Chị sẵn sàng quên tất cả vinh quang và khổ nhục, chỉ nguyện cầu: “Vầng trăng, xin vầng trăng đừng tắt! Mặt trời, xin mặt trời đừng tắt! Hãy cho tôi dòng sữa tinh khiết ngọt ngào. Tôi xin chọn điều giản dị này trong trăm ngàn thứ lớn lao.”…
         Trong phạm vi bài viết ngắn, chỉ có thể giới thiệu với các bạn đôi nét khái quát nhất về Trầm Hương. Người phụ nữ này còn ẩn giấu nhiều điều. Tôi thật kinh ngạc khi chị giúp nhiều người vượt qua bệnh tật bằng dinh dưỡng. Chị nói sẽ viết quyển sách mới khi chị tự cứu mình bằng cách ăn uống và buông bỏ. Mời các bạn tìm đọc tác phẩm, chắc chắn sẽ có nhiều điều bổ ích và thú vị.


Nguồn: Văn Nghệ