Tổng Biên tập báo Giáo Dục & Thời Đại - Triệu Ngọc Lâm nhấn mạnh về những hành vi đang xảy ra ở công an quận Hải Châu - Đà Nẵng: “Vụ việc phức tạp, có dấu hiệu tham nhũng, chiếm đoạt tài sản nhà nước; vu khống, xâm phạm danh dự nhân phẩm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo Giáo Dục & Thời Đại!” 




Thư ngỏ gửi Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng: Mong ông hãy vì một nền tư pháp công chính!

Kính thưa Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng!

Thay mặt tập thể phóng viên, biên tập viên của Báo Giáo dục & Thời đại (GD&TĐ), tôi  xin được chúc mừng ông trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ xây dựng được một nền trị an nghiêm minh, quang chính nhưng đầy nhân văn ở thành phố Đà Nẵng. Dưới sự lãnh đạo của ông, những thành tích, những chiến công của lực lượng công an Đà Nẵng luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng nhân dân ghi nhận và tôn vinh. Chính vì để gìn giữ những điều tốt đẹp ấy thay mặt tòa soạn Báo GD&TĐ, tôi viết bức thư ngỏ này đề nghị Thiếu tướng chỉ đạo Cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu việc chiếm đoạt tiền nhà nước của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, sinh năm 1959, trú tại 22 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, nguyên Trưởng văn phòng thường trú Báo Giáo dục & Thời đại tại Đà Nẵng và bà Trương Thị Ngọc Lan, sinh năm 1977, trú tại 71/18 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng. Ngoài ra, Báo GD&TĐ đề nghị Giám đốc làm rõ những dấu hiệu sai phạm của Công an quận Hải Châu trong quá trình xử lý vụ việc này.
Tự ý lấy tiền nhà nước chi lương cho chồng
Thưa Thiếu tướng, trong năm 2018 cơ quan kiểm toán đã phát hiện nhiều dấu hiệu tội phạm của bà Hồng và bà Lan trong quản lý tài chính và kiến nghị báo GD&TĐ gửi văn bản đề nghị cơ quan điều tra xử lý.Từ ngày 20/11/2018, Báo GD&TĐ đã gửi văn bản số 836/GD&TĐ đề nghị Công an TP Đà Nẵng xứ lý hành vi của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng và bà Trương Thị Ngọc Lan, kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng về hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản nhà nước với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Theo đó mặc dù không có bất cứ quyết định nào của Tổng Biên tập hay hợp đồng nào giữa Ban Biên tập Báo GD&TĐ với cộng tác viên Nguyễn Thanh Huế (chồng của bà Hồng)  nhưng trong khoảng thời gian 05 năm (từ năm 2009 – 2013), bà Hồng tự ý ký chi lương hàng tháng cho ông Huế. Phiếu chi do bà Hồng ký với tư cách là chủ tài khoản và cũng chính bà Hồng cũng ký nhận tiền. Trong suốt thời gian 05 năm, bà Hồng đã chiếm đoạt của  nhà nước với số tiền trên 50 triệu đồng.
Khi làm việc với Cơ quan điều tra Công an quận Hải Châu, bà Hồng, ông Huế và những người liên quan không thể đưa ra bất cứ hợp đồng, văn bản nào của báo GD&TĐ để chứng minh việc chi lương cho ông Huế là hợp pháp. Ban Biên tập Báo cũng đã nộp cho CQĐT Công an Hải Châu sổ văn thư cơ quan (sổ viết tay) cho thấy từ năm 2005 đến 2015 không hề có bất cứ ghi nhận nào về việc tồn tại của hợp đồng cộng tác viên trên. Dân gian có câu: “Gân cổ không bằng sổ sách”, vậy mà căn cứ vào những lời khai ngụy biện của những người liên đới muốn thoái thác trách nhiệm, cho đến nay CQĐT Công an Hải Châu vẫn chưa xử lý hành vi chiếm đoạt tiền trên của bà Hồng. Kính mong Thiếu tướng chỉ đạo làm rõ nếu bà Hồng không chiếm đoạt số tiền trên thì nó ở đâu? Ai chiếm đoạt tiền nhà nước? Và căn cứ nào Công an Hải Châu có thể che chắn hành vi sai phạm này của bà Hồng từ tháng 11/2018 đến nay?
Hóa đơn “một – Phiếu chi “mười"
Thưa Thiếu tướng! Bên cạnh đó, bà Hồng và bà Lan còn đã cấu kết với nhau chiếm đoạt một khoản tiền lớn của Báo GD&TĐ. Cơ quan kiểm toán phát hiện bà Hồng ký tới 206 phiếu chi tiền điện, nước, chi phí văn phòng...không có bất cứ chứng từ, hóa đơn nào kèm theo. Số tiền sai phạm tới hơn 174 triệu đồng. Được biết cơ quan công an đã xác minh cước phí điện thoại, hóa đơn điện nước có hóa đơn thực thu nhỏ hơn số tiền bà Hồng ký trên phiếu chi cả trăm triệu đồng.
Biện minh cho sự sai phạm này, bà Hồng hay những người có trách nhiệm liên quan “cãi” rằng số tiền thừa ấy chi vào trùng tu văn phòng, sửa chữa máy tính, lăn sơn, dọn nhà...Thế nhưng họ cũng không trình ra được bất cứ hợp đồng, chứng từ, hóa đơn, biên bản nghiệm thu nào về vấn đề trên. Trước cơ quan công an, họ chỉ nói mồm và cãi cùn. Báo Giáo dục & Thời đại khẳng định số tiền “vênh” nêu trên đã bị bà Hồng và bà Lan chiếm đoạt từ đó đến nay. Ấy vậy mà cho đến nay, Công an quận Hải Châu vẫn bó tay không chịu khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi mọi chuyện đã rõ như ban ngày. Kính thưa Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, nền tư pháp công chính mà Công an Đà Nẵng và toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố bấy lâu nay chung tay xây dựng có dấu hiệu bị CQĐT Công an quận Hải Châu làm sai lệch.
Không dừng lại ở đó, cơ quan kiểm toán còn chỉ ra rằng bà Hồng và bà Lan có dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tiền nhà nước tại các chứng từ chi công tác phí của bà Hồng. Ví dụ như, trên giấy tờ, đi công tác ba ngày nhưng lại ký phiếu chi là năm ngày; vé tàu đi và vé tàu về không trùng với thời gian lưu trú ghi trên hóa đơn khách sạn; thậm chí mua cả hóa đơn của công ty điện lực thanh toán tiền khách sạn. Đó là chưa kể việc bà Lan và bà Hồng ký hàng chục triệu tiền nhuận bút của cộng tác viên nhưng không hề có biên nhận của người được thụ hưởng. Người ký nhận tiền (bà Hồng và bà Lan) khác với chữ ký người nhận tiền với tổng số lên tới 148 triệu đồng. Vậy mà Công an quận Hải Châu trong vòng gần một năm liền không xử lý những sai phạm này.
CQĐT  Công an Hải Châu đã có dấu hiệu trái pháp luật như thế nào?   
 Báo GD&TĐ gửi văn bản đề nghị xử lý bà Hồng và bà Lan từ ngày 20/11/2018. Thế nhưng tới ngày 13/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đã ra Quyết định số 38 về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm của Báo GD&TĐ với lý do đề nghị Báo cung cấp tài liệu theo nội dung công văn số 302/CSĐT ngày 8/5/2019 nhưng chưa có kết quả. Qua kiểm tra dấu văn bản đến, cho thấy trong khi Báo GD&TĐ chưa nhận được công văn số 302/CSĐT thì Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đã ra quyết định tạm đình chỉ nói trên. Chỉ vài ngày sau,  cán bộ của báo đã cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu (có biên bản giao nhận) nhưng họ vẫn không ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm. Kỳ lạ là sau khi đã ra quyết định tạm đình chỉ, CQĐT Công an Hải Châu vẫn liên tục cử cán bộ làm việc với Báo; triệu tập cán bộ của Báo đến Đà Nẵng làm việc; gửi văn bản yêu cầu Báo cung cấp tài liệu...Điều đáng ngạc nhiên, trong khi tố giác tội phạm, Báo đã khẳng định nhiều lần là không có bất kỳ hợp đồng nào với ông Huế để bà Hồng có căn cứ chi lương cho chồng mình nhưng văn bản 302 trên của Công an Hải Châu vẫn yêu cầu Báo cung cấp hợp đồng này. Thế rồi sau đó, họ lấy việc báo không cung cấp được là lý do để ra quyết định tạm đình chỉ.
Với những căn cứ trên,  Báo GD&TĐ cho rằng Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đã vi phạm quy định về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm (Điều 148 – BLTTHS) và vi phạm nghiêm trọng quy định về thời hạn xử lý đơn tố giác tội phạm theo quy định tại điều 147 – BLTTHS
Việc vi phạm pháp luật của Công an Hải Châu đã dẫn tới những hậu quả như thế nào?
Kính thưa Thiếu tướng, sau khi Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm trên đây, bà Hồng và bà Lan càng thể hiện sự thách thức, coi thường pháp luật. Hai bà này liên tục có những bài viết trên trang faceboook cá nhân có nội dung vu khống, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; tập thể phóng viên, biên tập viên và cá nhân Tổng Biên tập Báo GD&TĐ. Ngày 23/8/2019, Báo Giáo dục & Thời đại đã có công văn số 445/GD&TĐ gửi Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng tố cáo bà Trương Thị Ngọc Lan có hành vi vu khống, làm nhục người khác. Thế nhưng cho đến nay, Công an quận Hải Châu lại tiếp tục vi phạm điều 147 – BLTTHS khi không có bất kỳ văn bản trả lời báo GD&TĐ về việc xử lý hành vi sai phạm của bà Trương Thị Ngọc Lan mặc dù đã quá thời hạn xử lý theo quy định.
          Ngày 30/8/2019, Báo GD&TĐ đã có công văn số 373/GD&TĐ gửi CQĐT Công an Hải Châu đề nghị phục hồi giải quyết tố giác tội phạm, trả lời kết quả điều tra theo quy định pháp luật nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết của Công an Hải Châu về việc này. Việc CQĐT Công an quận Hải Châu chưa ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố là có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 149 – BLTTHS.

Kiến nghị “nóng”        
Kính thưa Thiếu tướng, với những căn cứ nêu trên, Báo GD&TĐ  khẳng định, hành vi vi phạm pháp luật của bà Hồng và Lan là nghiêm trọng, có dấu hiệu tội “tham ô tài sản” – Điều 353 BLHS, tội “làm nhục người khác” – Điều 155 BLHS và tội “vu khống” – Điều 156 BLHS. Việc CQCSĐT Công an quận Hải Châu chưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hồng và Trương Thị Ngọc Lan để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật là vi phạm quy định của Bộ luật TTHS, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của báo GD&TĐ.
Với những căn cứ trên, tòa soạn báo GD&TĐ đề nghị  Giám Đốc Công an thành phố Đà Nẵng xem xét, giải quyết các vấn đề sau:
1. Yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu khẩn trương ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hồng và Trương Thị Ngọc Lan để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; thu hồi tài sản của nhà nước đã bị bà bà Nguyễn Thị Thúy Hồng và Trương Thị Ngọc Lan chiếm đoạt.
2. Đây là vụ việc phức tạp, có dấu hiệu tham nhũng, chiếm đoạt tài sản nhà nước; vu khống, xâm phạm danh dự nhân phẩm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo GD&TĐ. Quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu có nhiều vi phạm, có biểu hiện không khách quan; Nếu Công an Hải Châu không nhanh chóng khắc phục, Báo GD&TĐ đề nghị Giám đốc yêu cầu chuyển hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để đảm bảo sự khách quan, nghiêm minh của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.
Thay mặt Ban Biên tập Báo GD&TĐ, tôi xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng. Kính mong Thiếu tướng có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, không để bỏ lọt tội phạm và không để pháp luật bị  những người vi phạm thách thức, giễu cợt.

Nhà báo TRIỆU NGỌC LÂM 
Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại