Khi Liên hoan phim truyền hình vừa kết thúc, nhiều tờ báo khác đều ca ngợi thiên phóng sự vạch trần trò ăn chặn, ăn bớt bẩn thỉu xẩy ra tại tỉnh Cao Bằng. Đúng một tuần sau, tôi tiếp một cú điện thoại đường dài của Chu Sỹ Liên gọi từ Cao Bằng vào TP Hồ Chí Minh: “Tuyên huấn tỉnh đang bắt em viết kiểm điểm vì sao lại để bộ phim ấy đoạt Giải Vàng, để bây giờ báo chí cả nước đang tung hô! Họ bảo, chuyện như vậy phải đóng cửa bảo nhau, sao đem bêu riếu khắp bàn dân thiên hạ…



TAI BAY VẠ GIÓ TỪ NHỮNG THƯỚC PHIM TÀI LIỆU

TÔ  HOÀNG

CHUYỆN CŨ
Nhớ ra rồi! Năm 1993 Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc diễn ra tại TP Đà Lạt. Đoàn truyền hình Cao bằng do Giám đốc Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh này, Chu Sỹ Liên dẫn đầu, tham dự Liên hoan với một bộ phim phóng sự hết sức lý thú..
Nhưng khoan, trước khi kể về Giám đốc Chu Sỹ Liên và bộ phim phóng sự của Cao Bằng, xin được nhắc lại đôi điều về bức tranh chung của báo viết, báo hình những năm ấy. Dạo đó, chưa hề có VTV1, VTV2, VTV3 và hàng chục thứ VTV “ăn theo” như bây giờ. Truyền hình Việt Nam thuộc triều đại Tổng giám đốc Phạm Khắc Lãm nên còn “hắc xì dầu”, còn “đuya” lắm! Và... khô quèo, sống sít, đầy tính minh họa chủ trương chính sách, chứ không hề mát mẻ, phô bày và nhiều chuyện mua bán, rao mời như bây giờ. Lại cũng cần nói ngay điều này, vào đầu những năm 1990, được hưởng làm gió dân chủ, cởi mở, báo viết (Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ TP.HCM…) dũng mãnh, xông sáo, tả đột hữu xung phanh phui hiện thực xã hội hệt như Triệu Tử Long, lấy việc lớn tiếng bênh vực bênh vực dân chủ, cởi mở; bênh vực người nghèo làm sức sống của trang báo. Chứ không xìu xìu, ển ển; cứ chạt con chữ cho đầy các trang báo mà hưởng lộc, hưởng lương; lờ tít những búc xúc, những khổ đau có thật của nhân quần như với nhiều tờ báo bây giờ. So với sức mạnh lan tỏa và sức cuốn hút bạn đọc của báo viết, những năm tháng ấy truyền hình vẫn là lão già lụ khụ, khư khư ôm lấy vài tín điều cũ rích, luôn luôn cao giọng mà không biết rằng thiên hạ đâu có nghe…
Trở lại chuyện về bộ phim dự thi của Cao Bằng và ông Giám đốc họ Chu.
Với mảng phim Phóng sự- tài liệu tham dự Liên hoan, thú thật cánh báo chí chúng tôi không gửi gắm hy vọng nhiều với phim dự thi của Cao bằng. Bởi lẽ, truyền hình Cao bằng dù sao cũng thuộc “đội chân đất”, thậm chí là “ đội bóng phố huyện ” nếu so với truyền hình Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang,TP Hồ Chí Minh. Chưa kể với Truyền hình Việt Nam. Phim Cao Bằng ít ai kỳ vọng, nhưng ông Giám đốc Phát thanh- truyền hình Cao Bằng, Chu Sỹ Liên lại rất gây được thiện cảm của cánh báo chí, đặc biệt là chị em phóng viên nữ. Chu Sỹ Liên thuộc dân tộc Tày. Dạo đó (1993) anh còn trẻ, đâu đó trong ngoài 40, tầm thước, rất đẹp trai, nói tiếng Kinh dịu dàng, êm ái và giao đãi lịch thiệp, tế nhị, hệt như một chàng trai Hà Nội. Trước khi bộ phim phóng sự của Cao Bằng được công chiếu, Chu Sỹ Liên cứ thanh minh với chúng tôi, các anh phát hiện sự việc quá muộn, triển khai quay vội vã, cập rập; quay bằng một máy, băng ghi hình cũng không phải là băng mới… Chúng tôi xúm vào an ủi Liên, đừng lo, đừng lo. Tiêu chí chấm điểm của phim phóng sự -tài liệu là sắc sảo, chạm được vào những vấn đề “ nóng ” của cuộc sống, kỹ thuật xếp xuống hàng ba, bốn. Hơn nữa, các ông mãi từ Cao Bằng tít tắp xa mang phim vào tận Đà lạt tham dự Liên hoan là tuyệt cú mèo rồi.
Phim Cao Bằng được công chiếu trước Ban Giám khảo và giới báo chí. Quả là phim nhiều điểm yếu: khuôn hình chưa ngay ngắn, hình chưa nét, chất lượng băng xấu… Ấy thế nhưng ngay từ phút thứ nhất, chúng tôi đã nín thở theo dõi diễn tiến trên màn ảnh và linh cảm thấy đây đúng là một thiên phóng sự..” thứ thiệt ”. Phim kể lại, một cơ quan Liên Hiệp Quốc nào đó nẩy sinh ý định trợ giúp bà con dân tộc quá nghèo khó ở các bản làng xa xôi. Phim không nói rõ, mỗi xuất trợ giúp cho mỗi hộ là bao nhiêu? Chỉ biết cái ban phân phối ở tỉnh, ở huyện tuyên bố mỗi hộ được 50 dollar Mỹ. Và đây, ống kính bám sát xem họ phát cho các hộ nghèo miền núi những thứ gì để hết 50 dollar đó. Đặc tả: những tấm lưới bắt cá chuột cắn thủng lỗ chỗ; những nắm hạt giống bị mối mọt, rung rung nhúm hạt giống trên tay, những con mọt rơi lả tả nom như mưa bụi. Đặc tả: những lưỡi cuốc cùn vẹt, những con dao mẻ lưỡi. Đây nữa, đặc tả: những chú gà đứng run rẩy trên đôi chân khẳng khiu, phía sau đít lòng thòng những con sán dài cả đốt tay… Không có lời bình. Phim ghi trực tiếp lời các thân chủ được nhận hàng phân phối. Các ông ké, bà má Tày không cao giọng oán trách, không biết mỉa mai mà cứ thủng thà thủng thẳng, mộc mạc theo kiểu bà con dân tộc Tày: “… Mình bảo, mình không nhận cái lưới này đâu. Con cá chui vào đây cho vui, con cá sẽ chui ra thôi ”. “ Nắm hạt này gieo không ra cây, vì con sâu làm tổ trong cái hạt rồi ! ”. “ Mấy con gà này đem trả về nơi phân phối, hỏi xem cán bộ có dám làm thịt uống rượu không? ”..v..v.. Trong khán phòng tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Tôi còn nhớ rõ, có một phóng viên nữ nói như thét lên: “ Mất dậy đến thế là cùng! “…
Phim vừa hết, đám phóng viên báo chí đều nhao nhao, gián tiếp “chỉ đạo” Ban Giám khảo: “ Cao Bằng xứng đáng với giải vàng ”. “ Phóng sự mang đầy tính chiến đấu như thế mới là phóng sự ”. “ Mấy chục phóng sự, không cái nào vượt Cao bằng về tính trung thực và tính chiến đầu ”… Và phân công nhau theo dõi xem ý tứ Ban Giám khảo đối với phim của Cao Bằng ra sao?
Tin thu được, Ban Giám khảo đã dự kiến danh sách Vàng, Bạc. Nghe đâu phóng sự của Cao bằng bị ra dìa vì… những lỗi kỹ thuật ! “ Các vị quan chức ấy thì biết đếch gì nghệ thuật, với kỹ thuật ! “, " Chắc sợ phim gai góc đây!”. “ Các vị rét rồi ! ”… Cánh phóng viên hỏi tôi có thân quen quan chức nào trong Ban chỉ đạo Liên Hoan không. “ Để đi cửa sau mà cứu Cao Bằng ”. Tôi điểm từng gương mặt và chợt nhớ ra một “ đàn anh ”- anh Thắng, trước kia là phóng viên báo Quân đội nhân dân, chuyển ngành, nghe nói bây giờ là chuyên viên bậc cao của Bộ Văn hóa, chuyên theo dõi truyền hình. Còn nhớ, anh Thắng là một phóng viên chiến trường xông xáo, trung thực, giản dị. Chúng tôi đã từng ngủ chung hầm, ăn chung mâm tại Ban Chỉ huy khu đội Vĩnh Linh; đã cùng chui nhủi hầm bí mật khi bị mắc kẹt tại chân đồi 31, huyện Gio Linh, vào những ngày Mỹ mở trận càn ra tận bờ Nam sông Bến hải. Tôi tìm tới trò chuyện với anhThắng. Anh nói thật, quả là phim mạnh, gây ấn tượng; nhưng không thể tung hô được vì Ban chỉ đạo cho rằng bộ phim ấy bôi đen xã hội. Tôi hỏi ngược lại anh: Phim đâu có bôi đen xã hội? Chính bọn chó má bòn rút từ đồng tiền của người nghèo mới đích thị là những kẻ bôi đen xã hội chứ ! Không vạch mặt chúng, tệ nạn ấy cứ hoành hành, thử hỏi xã hội rồi đây sẽ mang màu gì? ..v..v.. Thấy ông chuyên viên im lặng, được thể tôi gợi lại những kỷ niệm người dân đã đùm bọc chở che chúng tôi thời chiến tranh như thế nào; chúng tôi đã từng là những người lính từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu ra sao…Ông chuyên viên phải hợp sức tố cáo bọn tham nhũng, bảo vệ dân chứ ! Gần nửa tiếng trôi qua, sau rốt, anh Thắng vỗ vai tôi: “ Mình sẽ cố gắng thuyết phục các vị còn lại. Nhưng cánh báo chí các ông phải tìm cách gây hậu thuẫn cho mình nhé ! ”
Chúng tôi hội ý chớp nhoáng và ngay trước bữa cơm chiều, liền xúm tới công kênh Giám đốc Chu Sỹ Liên đi vòng vòng quanh khu nhà Ban chỉ đạo và Ban Giám khảo ở. Vừa đi, vừa hò reo: “Cao Bằng giải Vàng!”, “ Cao Bằng giải Vàng! ”. “Hoan hô Cao Bằng dám nói thẳng, nói thật ! ”…
Vâng, tại Liên hoan Phim truyền hình Đà Lạt năm 1993, thiên phóng sự của Đài Phát thanh –Truyền hình tỉnh Cao Bằng vạch trần thói “cướp cơm chim ” của người nghèo đã nhận được Giải Vàng duy nhất ở mảng phim Phóng sự- tài liệu truyền hình. Anh em báo chí chúng tôi hân hoan chia tay Đoàn Phát thanh- truyền hình Cao Bằng, chúc mừng Giám đốc Chu Sỹ Liên. Bởi lẽ chính thiên phóng sự của truyền hình Cao bằng đã chứng tỏ “chân đất không hề thua chân giày”, nếu người làm phim có tấm lòng và có ánh mắt tinh tường, nhậy cảm. Bởi lẽ, khi sự thật được phanh phui, phản ánh trung thực chính đấy là sức mạnh của thể loại Phóng sự- tài liệu nói riêng, của truyền hình nói chung. Cũng ngay khi Liên hoan phim Truyền hình Đà Lạt vừa kết thúc, sáng hôm sau các báo Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh và nhiều tờ báo khác đều có bài ca ngợi thiên phóng sự truyền hình vạch trần trò ăn chặn, ăn bớt bẩn thỉu xẩy ra tại tỉnh Cao Bằng.
Chuyện nếu chỉ đến đấy, chắc tôi không có điều gì để kể cho các bạn nghe hôm nay…
Đúng một tuần sau, tôi tiếp một cú điện thoại đường dài của Chu Sỹ Liên gọi từ Cao Bằng vào TP Hồ Chí Minh.
- Tuyên huấn tỉnh đang bắt em viết kiểm điểm vì sao lại để bộ phim ấy đoạt Giải Vàng, để bây giờ báo chí cả nước đang tung hô! Họ bảo, chuyện như vậy phải đóng cửa bảo nhau, sao đem bêu riếu khắp bàn dân thiên hạ…
- Ơ kìa, sao ông không nhắc lại, trước khi mang đi dự thi, chính các ông Tuyên huấn Tỉnh đã duyệt rồi.
- Em cũng nói như vậy. Họ bảo, họ duyệt tập thể, tập thể xem không kỹ, tập thể bỏ sót... Nhưng chả lẽ tập thể lại có lỗi sao? Em là Giám đốc em phải xem kỹ hơn; phải có trách nhiệm hơn và phải kiểm điểm sâu sắc vụ việc này!
- Thế bây giờ họ định xử lý như thế nào?
- Bộ phim phải hủy là chuyện đương nhiên. Các anh ấy còn bảo em, làm sao phải trả cái Giải Vàng ấy cho Ban Tổ chức Liên hoan Truyền hình Đà Lạt. Để biểu lộ tỉnh mình không công nhận cách đánh giá ấy! Truyền hình sai chứ tỉnh mình không sai!
Tôi bật cười mà cũng không biết an ủi hoặc bày vẽ cho Chu Sỹ Liên ra sao nữa.
Thêm hai tuần lễ trôi qua… Từ Cao Bằng, Chu Sỹ Liên báo tin mới: Lãnh đạo tỉnh không để Chu Sỹ Liên giữ cương vị Giám đốc Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh Cao Bằng nữa. Mà điều anh sang giữ chân Chủ tịch Hội Nhà báo Cao Bằng. Tôi nghĩ tới cái tỉnh heo hút vùng biên giới ấy. Chắc ngoài một tờ báo của tỉnh cũng không có thêm một ấn phẩm báo chí nào khác. Từ đó, hẳn cái Hội Nhà báo tỉnh cũng đìu hiu, quạnh quẽ lắm. Thế là chú em Cao bằng của tôi được gạt ra khỏi cơ cấu, được “ngồi chơi xơi nước” rồi!
CHUYỆN MỚI
Chiều ngày 21 tháng 11 mới đây, nhờ nhà thơ Trần Nhương giới thiệu cho một người quen ở Cao Bằng để tìm Chu Sỹ Liên. 15 phút sau, Chu Sỹ Liên lên tiếng ở đầu máy bên kia. Mừng vui, tíu tít vì hội ngộ sau gần 20 năm.
- Ông Liên còn nhớ, đến Liên hoan Truyền hình lần sau diễn ra tại Thủ đô vào năm 1995, Liên không được tham dự nữa, ông em đã nhờ anh chị em trong đoàn Cao Bằng gửi biếu anh một chai mật ong thứ thiệt của rừng núi Cao Bằng không?
- Để tạ ơn ông anh đã sui em “ăn cứt gà” mà! Ô, chuyện cũ, nghĩ lại những ngày Đà Lạt vui quá, anh ơi! Em nghỉ hưu năm ngoái rồi… Vì bộ phim phóng sự dạo ấy, em “lên bờ xuống ruộng” đến tận lúc hưu, anh ạ!
- Chà, hưu rồi sao? Nhanh quá vậy? Làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đến ngày hưu sao?
- Không, sau này, được điều làm Phó Bí thư một huyện khỉ ho cò gáy nhất tỉnh Cao Bằng. Rồi thằng em anh bị tai biến. Liệt toàn thân suốt một năm. Phục hồi, em nộp đơn xin về đuổi gà cho mẹ cháu ngay !
Tai biến… Bị liệt… Liệu đây có phải là hệ quả của năm tháng “ lên bờ xuống ruộng ” không? Nghĩ vậy, nhưng tôi im lặng, lảng qua chuyện khác:
-Sao, tỉnh hẹp người thưa… Thế có bao giờ gặp lại các đồng chí đã phê phán, quy chụp em vì Giải Vàng Đà Lạt không?
- Có chứ anh ! Về hưu, làm “phó thường dân” như em cả lũ rồi. Bên cốc rượu, vại bia, các đồng chí ấy thanh minh, thanh nga: Rằng hồi ấy họ xúc động vì bộ phim; họ thấy phim hay, họ biết bọn em bênh vực người nghèo, tố cáo bọn bần thỉu là đúng. Các đồng chí ấy gay gắt phê phán, quy chụp em nhưng lời lẽ ấy, phản quyết thuở ấy- theo họ- không phải xuất phát từ khối óc, từ con tim họ. Họ bảo, đấy là sự phê phán, quy kết của Thằng Cơ chế ! Và cười khùng khục, tu bia ùng ục… Để phủi tay vô can, anh ơi!
Tôi nghe đắng đót trong lòng. Chưa kịp nói gì đã nghe Chu Sỹ Liên hỏi:
- Chúng em ở tít trên này mù mịt thông tin lắm. Kể từ ngày Đà Lạt đến nay đã gần 20 năm. Chắc những bộ phim như thiên phóng sự Cao bằng của bọn em dạo ấy, bây giờ thỏa sức làm, thỏa sức chiếu, chứ anh?
Tôi đâm dè dặt:
- Không hẳn thế đâu! Những thằng cơ chế già chết đi, lập tức nẩy nòi những thằng cơ chế con. Trẻ, sung sức, thằng cơ chế con có bớt ngu đi, chịu mở to mắt thêm một chút, nhưng sự hung hăng, bạo liệt và nhất là sự tinh quái, ma mãnh thì còn hơn thằng cơ chế cha nhiều ! Mà thôi, chú em để tâm tới những chuyện ấy làm gì? Hãy thanh thản, tìm ra nhiều cớ để mà cười, mà quên mọi chuyện. Gắng giữ gìn, để cơn tai biến xẩy ra lần thứ hai là "thôi rồi Lượm ơi " đấy nhé….