Mắt to, sáng và bướng bỉnh, Phạm Vân Anh tuyệt nhiên không phải là một nữ nhi nhu mì mà là một người phụ nữ mạnh mẽ và cũng đầy chất đàn bà. Thiếu tá Phạm Vân Anh - Phó giám đốc Điện ảnh Truyền hình Biên phòng - không hổ danh là người Hải Phòng, lúc “ăn sóng nói lớn”, lúc cũng rất dịu dàng.




Phạm Vân Anh và sự tinh nhạy của đàn bà làm thơ

@ Làm thơ, viết văn, làm báo, làm phim... không biết nên gọi Vân Anh là “nhà” gì trong “n nhà”. Ở lĩnh vực nào, dấu vân tay sáng tạo của chị in đậm nhất?
- Làm thơ là yêu thích nhất. Thơ là tiếng nói của nội tâm, có thể bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc trước những cái lớn lao của thời cuộc và cả những cái nhỏ bé tâm tình. Thơ tế nhị, đằm thắm, nhà thơ phải cân nhắc, dồn nén thông tin trong câu thơ để nó dày lên. Thơ thể hiện tầm tư duy của người viết, nếu văn xuôi tãi ra thì thơ nén vào. Với một phụ nữ, “người thơ” nó mềm mại hơn, giúp điều chỉnh, cân bằng cuộc sống. Khi buồn có thể viết dăm ba câu thơ sẽ khuây khỏa… Bước đầu nhập môn văn chương của Vân Anh là thơ và thơ sẽ đi cùng mình đến hết đời.

@ Nhà thơ khi viết truyện phải “lái” tư duy sang hướng khác?
- Khi viết văn xuôi đúng là hơi vất vả chuyển đổi tư duy chút. Viết tiểu thuyết phải bền sức để nuôi nhân vật. Nhưng với truyện ngắn và bút ký, tư duy thơ lại hay, nó tạo cho lời văn và lời bút ký có chất thơ, chất nhạc - có giai điệu.

@ Chị có một chủ đề vĩnh cửu nào không?
- Chủ đề vĩnh cửu tùy thuộc vào cảm nhận và định hướng văn học mỗi người. Trước đây, Vân Anh viết thơ, tính cá nhân hơi cao, gửi vào những niềm vui, nỗi buồn riêng. Sau này, khi đi công tác, tham gia các hoạt động từ thiện cho trẻ em lang thang, đường phố, rồi các dự án, mô hình giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới... thì mọi thứ nó cứ dần ngấm vào để khi trở lại viết văn nó hướng tới tính cộng đồng nhiều hơn, bớt đi những uẩn ức cá nhân.

@ Chị lấy đâu ra nguồn năng lượng dồi dào để làm nhiều việc như vậy?
- Văn là nghiệp, Báo là nghề. Mọi thứ đều có sự tương hỗ, tác động lẫn nhau. Khả năng phát hiện, điều tiết, kết cấu một bài thơ, giúp tôi khi chuyển sang viết kịch bản phim có nhiều thuận lợi. Tôi cũng có cảm hứng ở nhiều thể loại và tham vọng sáng tạo, thử sức trên nhiều lĩnh vực (cười). Vân Anh còn tham gia sáng tác âm nhạc, có những bài hát đồng sáng tác với nhạc sĩ được giải nghề nghiệp nhé...

@ Một nhà thơ khó nhất là duy trì được cảm hứng sáng tạo?
- Ai cũng có những giai đoạn bất lực. Như hiện giờ, Vân Anh cảm thấy mình làm thơ không hay. 3 năm nay vẫn viết, nhưng chưa có tác phẩm thực sự ưng ý. Khi bế tắc, mình lại chuyển hướng sang làm việc khác. Cảm xúc không thể gượng ép, nghệ thuật là sáng tạo trời cho.

@ Bài thơ, hay tập thơ nào chị cảm thấy mình bắt đầu có dấu ấn cá nhân?
- Tập thơ “Tôi chào tôi” xuất bản năm 2014. Một ngày nào đó, một người nào đó không còn mơ hồ nữa mà nhận rõ con đường mình đi tới và chào bản ngã của mình. Đó là bước chuyển của một thiếu nữ trẻ bắt đầu trưởng thành. Còn dấu ấn với cộng đồng là “Sa mộc” (trường ca) năm 2016, thuộc thể loại: Sử thi lãng mạn cách mạng. Đây như những trang dã sử về biên giới và thế trận biên phòng.

@ Còn văn xuôi thì sao?
- Tác phẩm văn xuôi mang dấu ấn cá nhân lại chưa ra. Hiện “Tỏ bóng” - tiểu thuyết mà tôi ấp ủ từ năm 2006, vật vã mãi mới viết được 80 trang, trên tổng số khoảng trên 300 trang. Đời sống hiện đại được nhìn qua lăng kính đạo Mẫu và chịu sự chi phối của tâm linh. Nhân vật chính là cô gái và một cựu binh bị tâm thần. Đạo Mẫu là đạo Mẹ mà mẹ luôn yêu thương nhưng nhiều người sử dụng nó như phương tiện để kiếm ăn, thủ ác. “Tỏ bóng” là một xã hội thu nhỏ trong giới thanh đồng, đạo quan...

@ Quan niệm của chị về văn chương?
- Là một cách nhìn đời, bày tỏ suy nghĩ hiện thực qua văn chương và tác động trở lại để xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn.

@ Gia đình nhỏ có chia sẻ và ủng hộ niềm đam mê của chị?
- Hai con tôi còn nhỏ, chồng tôi (làm báo Nhân Dân) rất ủng hộ vợ, và có niềm tự hào nho nhỏ về vợ, như mở cho bạn bè nghe những ca khúc mà vợ là đồng tác giả, mang sách vợ biếu, tặng bạn bè. Thậm chí, có tập thơ của Vân Anh, anh ấy còn vẽ bìa, sửa bản in... Làm báo hay phải đi công tác, làm chiến sĩ biên phòng còn vất vả hơn, rồi “vai” nhà thơ nữa, đêm thường thức khuya để viết... Anh ấy phải “chịu đựng” vợ nhiều lắm chứ!

Phạm Vân Anh không dừng lại ở văn, thơ chị còn viết kịch bản đạo diễn phim tài liệu, phim phóng sự. Nổi bật là “Đội quân tóc dài trên biển Tây” - 1 trong 4 tác phẩm xuất sắc nhất hạng mục “Phóng sự của năm” của “Giải thưởng báo chí Trao quyền cho phụ nữ” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2015. Vân Anh kể: Khi đi công tác  ở Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), tình cờ chị gặp anh Lê Khoa - cán bộ tuyên huấn tỉnh - đã giới thiệu đội nữ ngư phủ mua bán hải sản trên biển Tây Nam. Thấy đề tài hay, Vân Anh tiếp cận liền và gặp chị Tôn Lan - một người từ chủ vựa cá chuyên thu mua hải sản, rồi yêu biển, tập lái tàu đến tập hợp cả một đội nữ gồm 20 chị em có sức khỏe, dẻo dai, kỹ năng đi biển thành đội nữ ngư phủ. Tháng có 3, 4 hải trình  lênh đênh trên biển, để thu mua cá trên biển và hơn thế còn tổ chức lai dắt tàu gặp nạn, tổ chức cứu hộ, cứu nạn người bị sóng đánh xuống biển. Các chị em còn phối hợp tốt với đồn biên phòng sông Đốc trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, báo cho biên phòng khi có cướp biển, hay tàu lạ xâm nhập ngư trường đánh cá. Phóng sự làm kỳ công cả gần năm trời, khắc họa sống động nghị lực của người phụ nữ Việt Nam, dũng cảm vượt mọi khó khăn, vững tay lái giữa biển trời mênh mông, chinh phục Ban giám khảo “Giải thưởng báo chí Trao quyền cho phụ nữ” làm họ hiểu thêm về phụ nữ Việt Nam, nghị lực, kiên cường cũng như nỗ lực về bình đẳng giới mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện như lời bà Monique Villa - đại diện Ban giám khảo ca ngợi.
Một tác phẩm khác cũng kỳ công và gây ấn tượng mạnh cho người xem là “Những người anh em trong lòng dân tộc” 16 tập (30 phút/tập), là câu chuyện về những anh em của 16 dân tộc thiểu số (mỗi dân tộc dưới 10.000 người), được làm ròng rã gần 4 năm trời, từ năm 2012 - 2015, đi 9 tỉnh thành như Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Vân Anh muốn gửi gắm thông điệp: Có những dân tộc bản địa, có nhiều dân tộc di dân từ nơi khác đến; nhưng dù đến trước hay đến sau, họ đều là con em một nhà.
Do đặc điểm tộc người, di cư, phong tục sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sống của họ rất khó khăn, còn tồn tại những hủ tục, nhưng họ luôn bám trụ vùng biên giới, góp phần gìn giữ chủ quyền. Dù dân số ít người, nhưng trong chiến tranh, họ luôn cử thanh niên ưu tú lên đường đi chiến đấu. Vai trò của họ trong cộng đồng dân tộc Việt là không thể phủ nhận. Series phim tài liệu này khai thác sâu, đi từ nguồn gốc, đặc điểm, phong tục, tập quán, giới thiệu các nét đặc sắc văn hóa, quan niệm về cuộc sống cũng như những đóng góp của họ với đất nước, với dân tộc học.
5 năm trở lại đây, Phạm Vân Anh còn viết kịch bản, làm tổng đạo diễn các chương trình giao lưu hữu nghị biên giới do Bộ Quốc phòng và  Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức, từ giao lưu biên giới Việt - Trung, Việt - Lào đến giao lưu 6 nước tiểu vùng sông Mekong đóng góp vào công tác tuyên truyền đối ngoại có sự hiện diện lực lượng bảo vệ biên giới. Khởi đầu là đại tá Nguyễn Hòa Văn - nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị, Tổng biên tập báo Biên Phòng, tin tưởng giao cho Vân Anh viết kịch bản chương trình giao lưu hữu nghị biên giới từ năm 2014... và chị đã không phụ lòng tin của lãnh đạo.



Nguồn: Lao Động