Nhà văn Sương Nguyệt Minh đặt vấn đề: Ai cũng nói chạy chức chạy quyền. Ai cũng phẫn nộ nạn “mua quan bán tước”. Ai cũng muốn phải nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế, pháp luật. Nhưng: Ai bán tước? Ai mua quan? Ai nhốt quyền lực vào lồng pháp luật? Ai đưa những kẻ chạy chức chạy quyền ra ánh sáng công lý? Cần phải xem lại cái cơ chế hiện hành có phải đẻ ra nạn mua quan bán tước không, mà sửa đổi.




MUA QUAN BÁN TƯỚC “BIẾT RỒI! KHỔ LẮM! NÓI MÃI!”

SƯƠNG NGUYỆT MINH



Chạy chức, chạy quyền... “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi!”. Ai cũng hiểu vấn nạn này có thể làm lung lay giường cột quốc gia. Ai cũng biết tệ nạn này xói mòn lòng tin nhân dân, băng hoại đạo đức xã hội. Nhưng, thử hỏi: Có mấy kẻ mua quan, có bao nhiêu kẻ bán tước bị vạch mặt, chỉ tên, điệu cổ đến trước vành móng ngựa? Không! Hầu như chẳng thấy tên vô lại chạy chức chạy quyền nào bị bêu ra trần trụi dưới ánh sáng công lý. Xã hội bây giờ, cứ mở mắt ra là thấy án tuyên bọn tham nhũng, tham ô, trộm gắp, giết người, cướp của. Song, chẳng thấy tuyên kẻ mua quan bán tước vào ngục tù?

Có phải xã hội sạch sẽ, nhân tâm thiện lành, hiền tài trọng dụng, lợi công vô tư,... nên không có chuyện buôn quan bán tước? Có phải đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch đến mức bói không ra một kẻ chạy chức chạy quyền, để đến mức phải thi hành kỉ luật, phải đưa cán cân công lý lên cân? Không! Chạy chức chạy quyền đã trở thành vấn nạn, mua quan bán tước đã thành quốc nạn. Chả thế mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII nhận định: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”. Không có lửa, làm sao có khói? Không có trong thực tại, sao khái quát thành... nghị quyết!? Chạy chức chạy quyền đã phải đưa vào Nghị quyết Đảng nhận định, đánh giá là một thực tế, là một thừa nhận đau lòng rồi. Đau lòng vẫn phải đưa ra, bởi nó rất hệ trọng đối với uy tín của Đảng, và đội ngũ cán bộ của Đảng.
Tuy nhiên, vẫn không chỉ mặt đặt tên, vẫn chưa đưa được kẻ mua quan bán tước nào ra trước vành móng ngựa, hay ít ra cũng phải lôi cổ ra tòa án công luận? Tịnh như không! Chứng tỏ bọn chạy chức chạy quyền rất ranh ma, sảo quyệt, mưu chước. Chúng dùng thuật tàng hình. Chúng dùng kế ngụy trang. Chúng biến hóa như thần thông quảng đại. Rất khó biết kẻ chạy chức chạy quyền cụ thể là ai. Ai cũng nghĩ Trịnh Xuân Thanh lãnh đạo một doanh nghiệp làm ăn bết bát, thua lỗ, mà lên chức như diều gặp gió, chả mấy chốc làm quan phó tỉnh Hậu Giang thì phải chạy chức cả núi tiền? Nhưng, nghĩ thì cũng chỉ là nghĩ, trong các cáo trạng, và án tuyên thì Thanh chưa hề bị kết tội “chạy chức chạy quyền”.

Có thể định lượng, định tính chung kẻ chạy chức chạy quyền với các mối quan hệ: “Thứ nhất hậu duệ/ Thứ nhì quan hệ/ Thứ ba tiền tệ/ Thứ tư trí tuệ”. Thực ra, là một thứ tham nhũng quyền lực bí ẩn, rất khó lôi ra kỉ luật, rất khó đưa ra tòa. Kiểm tra, thanh tra, kết luận, họ đều được bảo chứng bằng một cụm từ.... bổ nhiệm đúng quy trình. Thực tế, mua quan bán tước dẫu đau lòng, vẫn phải chỉ ra. Ngày xưa, “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Bây giờ, cả gia đình, cả dòng họ cùng làm quan. Trước đây, một người trong họ làm quan, thì ông quan ấy bênh vực cho kẻ yếu của dòng họ mình. Dòng họ mình chịu cảnh bất công ngang trái do cường quyền xảy ra, thì ông quan ấy bênh vực các kẻ thấp cổ bé họng cùng ruột thịt mình. Cùng lắm, thì cái danh làm quan cũng khiến các kẻ khác, làng khác, họ khác không dám bắt nạt các thành viên của họ mình. “Một người làm quan cả họ được nhờ” mang ý nghĩa tích cực như thế. Sau thì, “Một người làm quan” lấy kinh phí của nhà nước, đem cho họ nhà mình, xóm xã mình, huyện mình. Chẳng hạn, làm con đường, bê tông hóa mương máng đồng ruộng, nói một câu thì kinh phí xây trường học, xây trụ sở được giải quyết luôn. Thực ra, ông quan lấy tiền thuế của dân ở kho nhà nước, mang về cho họ nhà mình, quê hương mình. Hạnh phúc là cái chăn hẹp, co đằng đầu thì lạnh đằng chân. Chẳng qua là lấy chỗ nọ cho chỗ kia thôi. Vậy mà được tiếng, cả họ được nhờ.

Dư luận từng rất bức xúc về “gia phả làm quan” ở huyện Kim Thành, Hải Dương. Gia đình Bí thư huyện ủy Nguyễn Hữu Tiến có đến 4 người làm quan huyện; gia đình Phó Bí thư thường trực huyện ủy Lê Ngọc Sang có 5 người làm quan huyện... đều đúng quy trình. Gia đình bà Lương Thị Hồng - Chủ tịch xã Thông Thụ, huyện Quế Phong có đến 9 người làm quan xã cũng rất đúng quy trình. Ở “huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đến Phó trưởng phòng Tài chính, Phó trưởng Công an huyện… đều là anh em, họ hàng trong gia đình” cũng không sai quy trình. Đỉnh cao cơn bão dư luận khi người ta phát hiện ra gia đình ông Triệu Tài Vinh - Bí thư tỉnh ủy Hà Giang có ít nhất 8 người là vợ, anh em ruột thịt, em rể, anh em họ hàng... làm quan tỉnh, quan huyện lại càng đúng... quy trình. Ở các trường hợp cả nhà làm quan, cả họ phong tước này, bảo họ chạy chức chạy quyển, bảo họ mua quan bán tước cũng khó. Chả lẽ vợ mua chức, chồng bán? Chả lẽ em chạy anh, để kiếm cái ghế lẽ ra thuộc về người ngoài? Không ai thu tiền bán chức ở gia đình đều làm quan. Cái thu được nó vô hình, mà lớn lao vô giá. Cả nhà làm quan, thì đàn em, ê kíp châu tuần lại thành một boong ke thế lực át mọi thế lực khác. Tự tung tự tác trong một lãnh địa, đố các thế lực nào dám động đến cái lông chân? Cái loại tham nhũng quyền lực này còn mạnh hơn gấp nhiều lần tiền tệ.

Ngoài quan hệ người thân gia đình, thì tất cả đều phải chạy. Chạy nhất thời, chạy cả cuộc đời. “Nghị quyết trung ương 6 (lần 2), khóa VIII thì Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 loại "chạy": Một là chạy chức trước khi bầu cử. Hai là chạy quyền trước khi phân công công tác. Ba là, chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota. Bốn là chạy chỗ trước khi bổ nhiệm. Năm là, chạy tội trước khi điều tra, xét xử”. Trong các loại “chạy” này, thì chạy chức là nóng bỏng quyết liệt nhất. Người có tâm tài, có năng lực trình độ thì... không bao giờ chạy. Với lòng tự trọng, thậm chí với tính kiêu hãnh của bậc chí nhân quân tử thì vua có vời ra giúp nước thì mới ra, còn không thà vào núi ở ẩn, né đời còn hơn sống chung với đám quan tham ô trọc.

Chỉ đám quan tham yếu kém ô trọc mới chạy chức chạy quyền. Phe nhóm, cánh hẩu vùng miền, địa phương, lãnh địa ngành cũng chạy. Chạy chức cũng dăm bảy đường chạy. Đằng sau một ông kễnh ở địa phương, ở lãnh địa ngành là cả đám doanh nghiệp sân sau góp tiền lại cùng chạy cho “soái” quan lộ thần tốc. Đằng sau, một ông “Cốp” nào đó là cả đống đàn em chung chi chạy cho đại ca sang trang sử quan trường mới. Dĩ nhiên, khi ông lớn yên bề công danh, ghế mông vững vàng thì sẽ dành các dự án, các hợp đồng béo bở cho doanh nghiệp sân sau đã chung chi. Khi sếp lớn sống mái được một vị trí vững chắc, thì cũng bắt đầu tời đàn em, trả ơn cho đàn em đã chi tiền chạy chức cho mình. Chạy như thế thì cứ ôm cả núi tiền theo; chứ “mời anh A, anh B đi chơi golf, đi du lịch, định biếu xén để tạo quan hệ, gây thiện cảm...; rồi ví dụ như cấp trên gọi điện, viết thư, gặp gỡ cấp dưới để gửi gắm, gợi ý bầu cho chú C, quy hoạch cô D...” như truyền thông đã từng chỉ ra, thì cũng chỉ là kiểu chạy lìu tìu.

Đã đến lúc phải hành động cụ thể, phải xem lại cái cơ chế hiện hành đang từng ngày từng giờ đẻ ra nạn chạy chức chạy quyền. Phải cột trách nhiệm cá nhân vào nạn bán tước mua quan. Không thể cứ để quốc nạn “chạy chức chạy quyền” như cha chung không ai khóc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đặt vấn đề “Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được”. Phải tạo ra cơ chế trách nhiệm cá nhân gắn chặt với công tác cán bộ mình phụ trách. Chẳng hạn, ông xã yếu kém thì ông huyện phải chịu trách nhiệm. Ông huyện bị kỉ luật, vi phạm pháp luật thì ông tỉnh cũng chịu trách nhiệm. Có nghĩa là mọi động thái xấu tối của cấp dưới, đều có mối quan hệ, ảnh hưởng của cấp trên, với cấp trên, thì đương nhiên cấp trên trực tiếp cũng được hưởng, hay bị phạt theo. Cột chặt trách nhiệm cá nhân với hệ thống cán bộ trực tiếp bổ nhiệm, sắp xếp thì sẽ không dám nhận tiền mà cơ cấu đàn em, hay quan tham chạy chọt, để rồi họ làm sai, làm ẩu, làm bậy. Xưa nay, ở xứ ta, ai làm nấy chịu. Cấp dưới vi phạm pháp luật, vào tù, hoặc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ,... nhưng lãnh đạo trực tiếp cứ... bình chân như vại, cứ như chẳng có trách nhiệm liên đới nào. Hãy cột chặt trách nhiệm cá nhân vào sự thành bại của tổ chức, vào sự tốt xấu của hệ thống cán bộ. Sếp tốt có tâm có tài,. thì lực lượng cán bộ cấp dưới thạo việc, tử tế. Ngược lại, sếp bất tài vô dụng, tâm loạn lợi tư nhiều, lợi công ít thì đội ngũ cán bộ cấp dưới cũng bát nháo, chi khươn, cơ hội, lợi dụng đục khoét, chia chác tiền của nhà nước và... hành dân.

Quang Trung Nguyễn Huệ nói rằng: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII cũng đã chỉ ra: "... kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ…” Lấy nhân tài làm gốc, phải tìm người có tâm, có tầm đứng đầu một cơ quan, một ban, ngành, một địa phương... Theo lô gic liên tài, từ người tuấn kiệt đó, họ sẽ chọn cho mình một ê kíp cán bộ ăn ý, thạo việc và tử tế, mà không cần phải “chạy chức chạy quyền”, đất nước mới thịnh trị. Không tìm được nhân tài có tâm, có tầm và cột chặt trách nhiệm cá nhân với công tác cán bộ, thì nạn “mua quan bán tước” vẫn xảy ra, vẫn “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi!”