Nhà văn Vũ Hạnh cho rằng: “Nếu món gà luộc miền Bắc phải được gia vị bằng những lá chanh xắt nhỏ, thì ở miền Nam dùng lá rau răm hay lá vạn thọ. Món ốc miền Bắc hấp với lá gừng thì ở miền Nam hấp với lá sả, vì gừng Nam bộ được coi như ít thơm hơn… Tóm lại, khác biệt ăn uống giữa hai miền chỉ là ở trong gia vị, trong vài thủ thuật chế biến và trong đôi món có tính đặc điểm địa phương, còn thì ẩm thực Việt Nam vẫn là dòng chảy liên tục từ Bắc vào Nam.



SÔNG CÓ THỂ CẠN, NÚI CÓ THỂ MÒN

VŨ HẠNH

Một người bạn Nhật làm công việc xuất bản ở Tokyo có lần hỏi tôi về sự khác biệt trong thức ăn Việt Nam, giữa miền Bắc và miền Nam. Tuy không phải là chuyên gia ẩm thực, tôi đã thẳng thắn trả lời anh ấy rằng trong hành trình kéo dài qua bao thế kỷ để tiến về phương Nam, người Việt vẫn mang theo những vốn liếng văn hóa cội nguồn được làm vững chãi cho một cuộc sống đầy những thử thách, chỉ có biến dạng ít nhiều do sự thích nghi với vùng đất mới và do giao lưu với các nền văn hóa khác.
Trên căn bản, người Việt miền Nam vẫn ăn uống như đồng bào miền Bắc. Họ vẫn lấy cơm làm thức ăn chính, vẫn sử dụng đũa dầu chịu áp lực nặng nề của thứ văn hóa muỗng nĩa Tây phương từ cuối thế kỷ XIX. Người Việt miền Nam vẫn dùng chung chén nước mắm trong mâm cơm, và điều quan trọng là khi cúng giỗ ông bà vẫn nấu các món truyền thống vốn có từ xưa, ở miền Bắc, như là món thịt hầm măng tre, thịt luộc, thịt – hay cá – kho và món xào. Vì Nam bộ không nhiều tre nên thiếu măng khô, người ta hầm thịt với loại măng tươi hoặc cổ hũ dừa. Nếu món gà luộc miền Bắc phải được gia vị bằng những lá chanh xắt nhỏ, thì ở miền Nam dùng lá rau răm hay lá vạn thọ. Món ốc miền Bắc hấp với lá gừng thì ở miền Nam hấp với lá sả, vì gừng Nam bộ được coi như ít thơm hơn… Tóm lại, khác biệt ăn uống giữa hai miền chỉ là ở trong gia vị, trong vài thủ thuật chế biến và trong đôi món có tính đặc điểm địa phương, còn thì ẩm thực Việt Nam vẫn là dòng chảy liên tục từ Bắc vào Nam.
Sự thống nhất ấy không chỉ tìm gặp trong chuyện ăn uống mà thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực văn hóa tinh thần, đặc biệt là ngôn ngữ, phong tục, lễ nghi và các giá trị đạo đức thuộc về truyền thống, nổi bật là sự sùng bái danh nhân, anh hùng, thờ cúng tổ tiên, tinh thần tôn sư trọng đạo, tư tưởng hiền hòa và lòng nhân ái mang tính đồng hóa rất cao, thể hiện qua câu “Thương người như thể thương thân”.
Tính thống nhất ấy là món quà vô giá mà sự hình thành quốc gia đem lại cho dân tộc này, từ một bức xúc lịch sử là sự đe dọa thường xuyên của các thế lực ngoại xâm đến từ nhiều ngả. Do vậy, thống nhất ở đây không chỉ là một đặc điểm mà còn là một sức mạnh thần kỳ. Trong những năm đầu hạ bán thế kỷ XIX, khi xâm lược đất nước này, người Pháp cảm nhận điều ấy một cách cụ thể, như sử gia Pháp – Gosselin – từng viết: “Khi đặt chân đến đất nước này chúng ta đã phải đối đầu với một dân tộc có sự thống nhất ngoài sức tưởng tượng của chúng ta”. Có thể nói rằng, một trong các sự nỗ lực lớn nhất của Pháp trong gần trăm năm thống trị là tìm mọi cách chia rẽ để hòng phân tán, cắt rời sinh lực cũng như tiềm lực của dân tộc này.
Bấy giờ Việt Nam bị chia cắt thành 3 kỳ, như là 3 nước, mỗi miền là một thể chế chính trị riêng biệt, đồng thời chúng lại thuê bọn bồi bút Việt gian đặt những câu vè, tục ngữ để cho miền này nói xấu miền kia. Nhưng họ đã lầm. Khi tạo được cơ hội để vùng lên, tiếng súng kháng chiến đầu tiên nổ ra ở miền Nam này vào thời điểm cuối thượng bán thế kỷ XX, đồng thời đã gọi dậy hết tất cả họng súng căm thù trong toàn quốc. Và cái chiến trường cuối cùng mang tính quyết định để đưa người Pháp ra khỏi Việt Nam đã được chọn lựa ở trên miền Bắc.
Tiếp theo, người Mỹ không nhìn thấy được sự thật rất lớn lao đó qua cái mưu đồ chia cắt mảnh đất Việt Nam. Động chạm vào sự thống nhất của quốc gia này tức là đã xúc phạm đến một điều gì rất đỗi thiêng liêng. Thay vì làm nó đứt đoạn, lại càng làm nó dính liền, thay vì làm nó suy yếu lại khiến cho nó vùng lên để mạnh mẽ hơn. Người ta không sao tiêu diệt được một chân lý, và đây là cái chân lý bất biến. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công dân tiêu biểu nhất của dân tộc này, đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không hề thay đổi”.
Xưa nay người ta đã nói nhiều về các đặc điểm quốc gia này nhưng ít chú trọng đến sự thống nhất, coi như là một sự thật hiển nhiên mà không thấy đó là kết quả của nhiều phấn đấu và nhiều máu xương, trong một tấm lòng gắn bó đầy nỗi thiết tha và cả bức xúc. Người ta được biết – qua sự phát hiện của một số nhà địa chất quốc tế – rằng nước dòng sông Hồng Hà miền Bắc cùng dòng sông Cửu Long miền Nam – dầu ở cách nhau mấy ngàn cây số – nhưng khi chảy ra biển Đông đã cùng đổ vào một cái hố lớn, cách xa bờ khoảng 300 cây số. Điều đó cũng đã góp phần giải thích sự kiện giữa lúc các máy bay B52 ném bom Hà Nội thì một nhạc sĩ ra khỏi hầm trú ẩn để nhìn tận mắt những thứ công cụ hủy diệt đe dọa thủ đô và tìm được niềm xúc động để viết nên một bản nhạc tuyệt vời: Hà Nội, niềm tin và hy vọng. Và nhạc sĩ ấy – Phan Nhân – là một người con của đất Nam bộ.
Cũng như ở miền Nam này có hai câu thơ của một chiến sĩ, đồng thời là một thi sĩ không chuyên – tướng Huỳnh Văn Nghệ, ở đất Đồng Nai – vẫn được nhắc đến thường xuyên:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Thăng Long, có nghĩa là Rồng bay lên, tức là Hà Nội, được vua đầu đời nhà Lý chọn làm kinh đô vào năm 1010. Tương truyền cái tên ấy được chọn vì khi nhà vua đến mảnh đất này nhìn thấy rồng đang bay lượn. Và con rồng ấy, bay lên, là cái khát vọng thống nhất về sự phát triển trên mọi lĩnh vực đời sống, của dân tộc này.


Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM