Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) là gương mặt không phải quá quen thuộc với công chúng thi ca cả nước, nhưng lại khá sinh động với nhiều giai thoại trong một bộ phận độc giả miền Nam. Ngay từ thuở ban đầu nhập cuộc sáng tạo, ông đã tự vẽ chân dung mình: “Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ/ Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/ Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa”. Còn người đọc hôm nay, qua chính thơ Nguyễn Bắc Sơn, có thể phác thảo chân dung ông như thế nào?




TRONG NGUYỄN BẮC SƠN CÓ KẺ LÀM THƠ

LÊ THIẾU NHƠN


Tập thơ tiêu biểu để định danh Nguyễn Bắc Sơn là “Chiến tranh Việt Nam và tôi” xuất bản trước năm 1975. Đất nước thống nhất, có nhiều thứ được sắp xếp lại theo trật tự khác, và tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn cũng thưa thớt bóng dáng trên thi đàn. Đó là một sự thiệt thòi hay một sự may mắn? Chưa rõ, bởi lẽ cái tâm lý tiếp nhận của đám đông vẫn luôn muốn chiêm ngưỡng những thứ nửa hư nửa thực, như cách sở hữu bí mật riêng tư. Cái chìm trong sương khói đôi khi được hình dung theo chiều kích của rồng ẩn giữa mây mù, mà đem ra ánh sáng thì không còn kỳ vĩ như trí tưởng tượng nữa. Người ta có thể đọc vài câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn ở chiếu rượu hay ở bàn trà rồi tấm tắc với nhau, cũng là một giá trị thú vị tôn vinh thi sĩ. Vì vậy, thơ Nguyễn Bắc Sơn có nhiều dị bản. Với mong muốn người yêu thơ được thưởng thức thơ Nguyễn Bắc Sơn một cách đầy đủ khi ông đã qua đời, Công ty văn hóa Huyền Đức đã cùng gia đình biên soạn cuốn “Nguyễn Bắc Sơn - Tác phẩm & Dư luận” (NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 8-2019).

Nếu đánh giá một đời viết, thì Nguyễn Bắc Sơn không phải trường hợp dồi dào bút lực. Những bài thơ có cốt cách nhất, chủ yếu vẫn nằm ở giai đoạn ông 30 tuổi. Nguyễn Bắc Sơn làm thơ như một sự run rủi của định mệnh. Nếu không phải tòng quân ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chưa chắc ông đã thành nhà thơ. Nguyễn Bắc Sơn luôn thể hiện một người thích rong chơi với thiên hạ, hơn là một người ưa suy tư trước trang giấy. Nguyễn Bắc Sơn thành lính địa phương, nên Nguyễn Bắc Sơn làm thơ để kể lại nỗi mình éo le: “Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình/ nên bị đời cho đi khiêng đạn”. Nguyễn Bắc Sơn có muốn đi lính đâu, nên Nguyễn Bắc Sơn tự trào với vai trò bất đắc dĩ: “Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu/ Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo/ Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo/ Xem cuộc chiến như tai trời ách nước” và Nguyễn Bắc Sơn thảng thốt với chiến trường khói lửa: “Vì sao ta đến đây hò hét/ Học trò bẻ bút tập cầm gươm/ Tập uống máu thay người uống nước/ Múa may theo lịch sử điên cuồng”.

                                                       

Thơ Nguyễn Bắc Sơn cộng hưởng giữa thể “hành” và thể “tấu”, nên bài dài mới đủ giọng còn bài ngắn thì ngượng ngịu. Phần lớn thơ bốn câu của Nguyễn Bắc Sơn chỉ trọn vẹn ý nghĩa của một đoạn thơ, chứ ít khi thành tứ tuyệt! Thơ Nguyễn Bắc Sơn đọc sang sảng giữa đám đông vẫn đạt mức độ thẩm mỹ cao hơn đọc lặng lẽ giữa thư phòng. Ưu điểm của thơ Nguyễn Bắc Sơn thể hiện ở khí chất ngông ngạo và kiêu bạc. Nơi chiến trường khôn lường sinh tử, yếu tố ấy kích hoạt sự chân thành của con người khi đối diện chính bản thân, dù muốn nhận là “Thảo khấu” cũng yếu mềm: “Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt/ Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà”.

Chẳng đặng đừng cất bước vào bom đạn hận thù, Nguyễn Bắc Sơn để lại một dấu ấn trong thơ Việt bằng sự tếu táo trẻ trung và sự hoang mang thi sĩ. Nếu như ở bên kia chiến tuyến, Phạm Tiến Duật lãng mạn “đường ra trận mùa này đẹp lắm” còn Hoàng Nhuận Cầm say sưa “nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, thì Nguyễn Bắc Sơn lại cợt đùa: “Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất/ Dừng chân đây nói chuyện tiếu lâm chơi/ Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời/ Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic”. Nói cách khác, Nguyễn Bắc Sơn lấy sự lạc quan chốc lát để xua tan nỗi sợ hãi thường tình. “Một tiếng đồng hồ trước khi hành quân” thì dặn bạn: “Khi tao đi lấy khẩu phần/ Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao/ Chúng mình nhậu đế trừ hao/ Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng”, để rồi cùng hát “Bài ca khổ nhục” cho khỏi rơi nước mắt: “Mày về thăm ta như chuột lột/ Thất thểu chỉ còn xương với cốt/ Tráng sĩ kia hề qui cố hương/ Thê thảm còn hơn thằng cốt đột”.

Trong bài “Mật khu Lê Hồng Phong”, Nguyễn Bắc Sơn có được những câu thơ viết về chiến tranh mang tính đột phá nhận thức cho độc giả. Thơ viết về chiến tranh thường chia làm hai cực, hoặc hào hùng, hoặc ủy mị. Còn Nguyễn Bắc Sơn phản ánh được sự ngang tàng riêng biệt: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui/ Ngày vui đời lính vô cùng ngắn/ Mặt trời thoắt đã ở phương Tây/ Nếu ta lỡ chết vì say rượu/ Linh hồn chắc sẽ thành mây bay”. Thế nhưng, bên cạnh thái độ xem nhẹ tất thảy, Nguyễn Bắc Sơn cũng nhận diện được mất mát và đau thương của chiến tranh: “Tôi đã se khô dòng máu nóng/ Anh đứng co ro dưới cột cờ/ Chiều kia nghe tiếng kèn xa lại/ Thấy bên trời một đống xương khô”. Từ việc thấm thía “Căn bệnh thời chiến” đầy ám ảnh: “Mày gửi một chân ngoài trận mạc/ Mang về cho mẹ một bàn chân/ Mẹ già khóc đến mù hai mắt/ Đời tàn trong lứa tuổi thanh xuân…/ Ta mắc bệnh ung thư thời chiến/ Thoi thóp còn một trái tim khô/ Sợ hãi con người hơn thú dữ/ Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô”, Nguyễn Bắc Sơn thèm khát “Tiệc tẩy trần của người sống sót” ngày ngưng tiếng súng: “Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt/ Xin giã từ đời vũ khí huy chương/ Xin trở về như một kẻ hoàn lương/ Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết”.

Bằng thơ của mình, người con xứ sở Phan Thiết - Nguyễn Bắc Sơn đã đánh động thanh âm những địa danh vốn âm thầm ở vùng Bình Thuận chói chăng cát nắng như Tà Dôn, Ma Lâm, Thiện Giáo… Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn có khát vọng tồn tại theo tiêu chuẩn “Kẻ làm thơ chính trực/ Là kẻ tặng cho mọi người/ Những gì y có/ Sau cùng còn cái mạng không/ Y tặng nốt cho người y yêu”. Và ông làm thơ như kể chuyện, kể chuyện ngay từ cái tựa. Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Những năm tâm hồn còn trữ tình điên mê vì thi ca và triết học” trước chiến tranh, Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Tháng ngày của một người lính làm thơ” trong chiến tranh, rồi Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Một ngày nhàn rỗi” đi hớt tóc sau chiến tranh. Đó là lối thơ tuân thủ nhịp điệu và âm vận. Mặt khác, thi ảnh trong thơ Nguyễn Bắc Sơn chủ yếu là thực ảnh, chứ không phải ảo ảnh. Thông qua cách kể chuyện, thơ Nguyễn Bắc Sơn tuôn chảy theo sự kiện hoặc theo chi tiết rồi mới bùng lên cảm giác tưng tửng xót xa hoặc lơ đãng nghẹn ngào. Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Trên đường tới nhà Xuân Hồng” có câu thơ “Trăng mọc đêm nay lạnh chỗ nằm” neo lại những tản mát. Kể chuyện “Tháng chạp sầu đời trên núi cao” trào lộng “Quân tử thất thời nằm gãi háng/ Thuyền quyên lỡ hội bỏ đi tu” nhưng nhờ câu thơ “Tiếng chuông em gõ bên chùa cổ/ Mà sao lạnh điếng cõi sương mù” xóa nhòa sự dung tục! Ngay cả khi Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Những điều cần nói khi thôi học 1963” cũng xuôi ngược hàng chục câu manh mún trước khi bước vào phần cốt lõi: “Khi ta thôi học/ Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin/ Và chúng ta tin những điều họ không dạy/ Khi ta thôi học/ Ta không biết con người sinh ra để làm gì/ Và ta mải miết/ Đi tìm câu trả lời/ Để sống yên tâm”.

Thơ Nguyễn Bắc Sơn mạnh ở sự phóng túng và sự phiêu bồng, mà không có cấu tứ chặt chẽ để gắn kết mỗi bài. Nguyễn Bắc Sơn khi thong dong viết cái cá nhân thì thấy cái đại cuộc, mà khi hồ hởi viết cái đại cuộc thì không thấy cái cá nhân. Ví dụ, bài thơ có cái tên nghe rất khái quát “Ở đời như một nhà thơ Đông Phương” thì khá rời rạc. Nguyễn Bắc Sơn bông phèng với thế sự thì thấy số phận, mà Nguyễn Bắc Sơn cố tình triết luận số phận thì chỉ thấy ngổn ngang mớ lý thuyết thế sự, như các bài “Thân phận con người”, “Đại lãn” hoặc “Cái chết và lòng yêu đời”.

Nguyễn Bắc Sơn có thành tựu không thể phủ nhận ở mảng thơ chiến tranh, nhưng lại rất bình thường ở mảng thơ tình. Những bài “Thiếu nữ” hoặc “Viết cho thục nữ” cứ du dương như thơ ngâm vịnh hiếu hỉ. Nguyễn Bắc Sơn viết bằng tâm trạng chông chênh thì thơ ông lôi cuốn tự nhiên, còn khi Nguyễn Bắc Sơn viết bằng tâm trạng điềm tĩnh thì thơ ông lại ngập ngừng khiên cưỡng, như “Thăng Long ừ nhỉ nghìn năm đó/ Hồn thiêng sông núi một niềm riêng” hoặc “Câu chuyện tình như gió thổi miên miên/ Thổi ấm Kinh Thi thổi lạnh hồn Kinh Dịch”. Nhất là khi Nguyễn Bắc Sơn cố gắng chỉnh chu viết lục bát như bài “Hoài niệm” hoặc viết thất ngôn bát cú như bài “Tượng Pháp Ca”, thì câu nào cũng trơn tuột!

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã khép lại cuộc đời rong chơi tự tại 71 năm của ông trên nhân gian. Thế hệ sau sẽ còn nhắc ông trong hơi thơ chếnh choáng: “Đời đâu cần gì ta/ Ta sống chỉ chật đất/ Nhưng ta cứ phải sống/ Để ngông nghênh với đời/ Để khóc cười thoải mái/ Để giỡn chơi chửi thề/ Chửi thằng ta ngu ngốc/ Sâu bọ đòi làm người”. Và thế hệ sau sẽ còn đọc thơ ông để an ủi kiếp người mong manh: “Buổi chiều kia ta thấy mình bé nhỏ/ Thèm vô cùng bóng mát khóm cây xanh”./.