Đối tượng của tiểu thuyết ngôn tình, là những cô gái mới lớn. Phụ nữ nói chung là những người luôn có một mã gen yêu thích những thứ thuộc về chủ nghĩa lãng mạn, nhưng biểu hiện của mã gen này phổ biến và rõ rệt hơn cả ở những cô gái mười bốn, mười lăm.




Tiểu thuyết ngôn tình - "huyền thoại" mới của những cô gái tuổi hoa

KIỀU CHINH

Thiếu nữ bên những cuốn tiểu thuyết tình cảm - chắc chắn đó không phải một kết hợp quá mới lạ và độc đáo của riêng một bối cảnh nào. Có một sự tương đồng từ những cô gái mới lớn sống ở đô thị Việt Nam những năm ba mươi của thế kỉ XX, đầy háo hức với thời hiện đại bắt đầu biết say sưa đọc Tố Tâm, Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân… đến những thiếu nữ thập niên bảy mươi, tám mươi, đi tìm kiếm trong các hiệu sách, nhà thuê truyện để được đắm chìm với những tự sự hư cấu lâm li, bi đát như Dòng sông lưu biệt, Hư ảo một cuộc tình, Hãy hiểu tình em, Hoàn Châu cách cách, Không phải hoa cũng chẳng phải em… và ngày nay, là khung cảnh của “những cô gái tuổi hoa” trong nhà, trên lớp, thay vì lật giở truyền tay những trang sách thì lướt trên màn hình smartphone để miệt mài “cày” tiểu thuyết ngôn tình hàng trăm chapter. Một màn hình, một bầu không khí tràn ngập wifi hoặc 3G, đó là giao diện mới nhất của truyền thống đọc ngôn tình - một dòng mạch ngầm chảy sẵn trong thiếu nữ mọi thời. Hình ảnh những cuốn tiểu thuyết mùi mẫn, ướt át của Tự lực văn đoàn, Quỳnh Dao vốn chỉ dừng lại như một kí ức đèm đẹp của một thời, một nhóm người, một lứa tuổi, thì đến bây giờ, nhờ sự vươn dài và rộng của bàn tay công nghệ, cả trăm trang có thể bỗng chốc thu bé lại chỉ vừa một màn hình 4,7 inch. Sự hiện diện của tiểu thuyết ngôn tình trong đời sống của thanh thiếu niên tiềm tàng một khả năng nâng lên thành một biểu tượng, một “huyền thoại” mới của giới trẻ (theo nghĩa dùng của Roland Barthes). Thực tế đúng là đang diễn ra như vậy.
Tiểu thuyết ngôn tình, như tên gọi, là tự sự (kể và chỉ kể) về những câu chuyện tình cảm. Ở Việt Nam hiện nay, nhắc đến tiểu thuyết ngôn tình gần như đồng nghĩa với tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Những tiêu đề, chỉ mới nghe, hay mới nâng cuốn sách chưa cần lật xem đã cảm nhận được hàng ngàn sắc thái của tình yêu, như Bên nhau trọn đời, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên, Hóa ra anh vẫn ở đây, Từng có một người yêu anh như sinh mệnh, Mãi mãi là bao xa… Hơn mười năm trở lại đây, khi sự ảnh hưởng của thể loại này chảy tràn trong hiệu sách, trên mạng, thì những “nhà bình luận”, “nhà quan tâm” bắt đầu phân tích về chúng như một case-study quan trọng. Có không ít bài viết phê phán tiểu thuyết ngôn tình chỉ như một sản phầm rẻ tiền nhưng đắt hàng (như phần lớn những sản phẩm made in China khác được bày bán ở Việt Nam), còn lại không có giá trị về văn chương. Một số khác với sự nhạy cảm thái quá và nặng nề hơn, cho rằng những cuốn sách như thế này có thể làm suy đồi đạo đức của giới trẻ, triệt tiêu những động lực cần có trong thực tế, như cách người ta đã từng cấm Kim Bình Mai trong thời của Hoàng Phi Hồng. Một khía cạnh khác, đến từ những người có trải nghiệm đầy đủ hơn trong “ngành” đọc ngôn tình, cho rằng ngôn tình có những giá trị vượt trội không ngờ: tạo động lực cho người đọc học ngoại ngữ, đi du học, hiểu biết kiến thức về lịch sử văn hóa (của Trung Hoa), tăng khả năng diễn đạt, vốn từ vựng… Tất cả những bình luận cố đẩy lên cao ở các thái cực đó dường như đều xa lạ với chính bản thân tiểu thuyết ngôn tình, người viết, người đọc ngôn tình như một thói quen. Không ai, từ khi bắt đầu, tìm đến ngôn tình với mưu cầu được đắm say, thỏa mãn những giá trị văn chương nó đem lại. Những tiểu thuyết ngôn tình nhan nhản trên các trang mạng và tăng số lượng theo từng ngày ấy, phần lớn do các tác giả nghiệp dư sáng tác, thậm chí chỉ là những học sinh có sở thích với ngôn tình thì thật khó để trông mong có được áng văn mượt mà, trau chuốt, những tình tiết được tính toán kĩ lưỡng. Cũng không có nghiên cứu nào khẳng định đọc ngôn tình kích thích chế độ mơ mộng và xa rời thực tế ở giới trẻ, rằng những câu chuyện trong ngôn tình là nhảm nhí, phi thực tế, không thể coi là tiểu thuyết. Thực tế, tiểu thuyết vốn bắt nguồn chỉ là những chuyện kể, giai thoại ngoài đường phố nhắm vào nhân tình thế thái, sau đó dần dần được làm sâu, được đổ nghĩa và tạo tác như một thể loại có khả năng truyền tải những điều “kĩ nghệ” hơn về cả nội dung và hình thức. Một cuốn truyện ngôn tình chỉ thuần chuyện yêu đương, từ chối nhiều phương diện về nghệ thuật, sẽ không màng đến việc được đặt lên bàn cân tiêu chí về nghệ thuật mà mỗi thời mỗi khác. Và, cũng không ai mang trong mình kì vọng vào viễn cảnh đọc ngôn tình Trung Quốc chắc chắn sẽ rước về một bồ kiến thức về đất nước này. Có thêm hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử… chỉ là một trong những hệ quả tất yếu sau những tiếp xúc bất kì với một sản phẩm văn hóa ngoại quốc nào, như cách người Việt thuộc sử Trung Quốc thông qua phim kiếm hiệp, truyện Kim Dung, ăn kim chi, mơ về tuyết rơi, những chiếc móc khóa tình yêu trên tháp Namsan nhờ mỗi mười hai giờ trưa và chín giờ tối được xem phim truyền hình Hàn Quốc. Chắc chắn, đó không phải mục đích chính của ngôn tình. Mục đích của tiểu thuyết ngôn tình là giải trí, nên dùng nhãn quan của một nhà đạo đức học, một nhà phê bình văn học để nhìn ngắm và soi xét hiện tượng này chắc chắn sẽ tạo ra những vênh lệch nhất định. Tiểu thuyết ngôn tình trong đời sống của những cô gái mới lớn, hơn là một thể loại văn học, nó là một thực hành văn hóa đặc thù.
Đối tượng của tiểu thuyết ngôn tình, như đã nhắc nhiều lần ở trên, là những cô gái mới lớn. Phụ nữ nói chung là những người luôn có một mã gen yêu thích những thứ thuộc về chủ nghĩa lãng mạn, nhưng biểu hiện của mã gen này phổ biến và rõ rệt hơn cả ở những cô gái mười bốn, mười lăm. Đó là thời điểm một cô gái chập chững đối diện với những đổi thay đầu tiên về cả thể chất lẫn tâm lí. Tuổi trẻ ở cả hai phía nam và nữ đều có những xúc cảm về tình yêu khi đặt chân vào ngưỡng cửa trưởng thành, nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tác giả của Tuổi hai mươi yêu dấu, “cánh cửa mà lứa tuổi này bước qua đầu tiên chính là cửa tình”, nhưng ở những cô gái, sự nhạy cảm đến sớm hơn và sâu sắc hơn. Nội dung của tiểu thuyết ngôn tình cho phép thỏa mãn trí tưởng tượng và sự tò mò ở những cô gái, những hình dung ban đầu về sự khác biệt nam - nữ, hình tượng một người con trai, người đàn ông lí tưởng... Một người con gái dễ trở thành “nữ chính ngôn tình” bởi sự đặc biệt và luôn là tâm điểm cho gợi ý về mặt hành vi và biểu hiện mối quan hệ xã hội trong tương lai. Tất cả điều này chưa thể có trong hoàn cảnh của một cô gái đang tuổi cắp sách tới trường bởi họ chưa trải qua những biến động đủ mấp mô trong sinh hoạt hàng ngày với thầy cô, bạn bè, cha mẹ. Họ là thiếu nữ đã và đang trở nên xinh đẹp hơn từng ngày nhưng xung quanh vẫn là những cậu bạn trai vô tư, nghịch ngợm. Tiểu thuyết ngôn tình mở ra một thế giới nằm ngoài hiện thực sống của những cô nữ sinh, thật sự mới mẻ và sinh động trong thời điểm này. Bắt đầu xuất hiện trong ngăn bàn và được truyền tay nhau vào giờ ra chơi từ khi các nữ sinh học cấp hai, khi lên cấp ba cuốn tiểu thuyết ngôn tình biến hóa vào màn hình những chiếc điện thoại di động trong phòng ngủ khi đêm xuống. Chỉ ít lâu sau, khi những cô gái này có đủ trải nghiệm trong đời sống, những cuốn truyện ngôn tình cũng sẽ nhẹ dần trong dung lượng điện thoại. Mơ mộng là nét tâm lí điển hình của một cô gái ở lứa tuổi chuẩn bị cho sự trưởng thành. Ở thời điểm này, một cô gái sẽ đọc nhiều hơn một chàng trai thông thường rất nhiều. Những chàng trai mới lớn có nhu cầu bộc lộ cái tôi nhiều hơn và chú tâm vào sự thể hiện bên ngoài, còn những cô gái, họ có nhu cầu được chăm chút về đời sống bên trong hơn, họ có mong muốn được vuốt ve cảm xúc cá nhân bằng những tưởng tượng, hư cấu đáng kể so với nhịp sống xung quanh. Mà hư cấu lại là sở trường của tiểu thuyết ngôn tình.
Đặc điểm đầu tiên của tiểu thuyết chính là một thể loại văn xuôi hư cấu với từng mục đích khác nhau. Hư cấu nhưng lại để nói lên một sự thật, dùng những thứ không thật để nói về một thứ còn cao hơn cả sự thật, đấy là những điều người ta vẫn ca ngợi khi một tiểu thuyết làm được bởi tính chất hư cấu của mình. Tiểu thuyết ngôn tình, xét trên một khía cạnh, có thể coi như một đứa con của dòng tiểu thuyết lãng mạn, của chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng chủ nghĩa lãng mạn vẫn thường xuyên được nhìn trên một bức khung nền của hiện thực, và người ta tìm ra trong nỗ lực vượt khỏi thực tại của lãng mạn chủ nghĩa vẫn có sợi dây chằng buộc với chính thực tại. Suy cho cùng, lãng mạn vẫn thường xuyên là một chất vấn lại với hiện thực. Còn với đứa con riêng này, tiểu thuyết ngôn tình có phần đi xa hơn và chúng bơi về một địa hạt rất riêng. “Ngôn tình vị ngôn tình” - những câu chuyện trong tiểu thuyết phần lớn làm mờ phông nền của thực tế để tập trung vào chuyện tình cảm của nhân vật. Càng nhiều tình tiết xoáy vào nam chính và nữ chính, người đọc càng thích thú cười khóc theo tiết tấu của câu chuyện. Khác với một bộ phim truyền hình, sự ăn khách nằm ở tiết tấu đều đều, chậm rãi như đời sống thường ngày của phía khách hàng (những bà, những mẹ nội trợ cảm nhận được qua phim truyền hình thứ nhịp điệu của đời mình), tiểu thuyết ngôn tình nhất định phải đẩy mọi khoảnh khắc lên một tông (tone). Độc giả say mê ngôn tình vì có thể cười từ trang này sang trang khác qua những tình huống hài hước và các nhân vật của họ một là lạnh lùng, cuốn hút mọi lúc; hai là dễ thương, ngốc nghếch mọi bối cảnh. Họ cũng có thể khóc vì chưa ở đâu nhiều bi kịch và đau khổ như trong truyện “ngược”, không ai trên đời có thể tưởng tượng được có một nữ chính lại phải nghị lực vượt qua nhiều thử thách và bất hạnh như thế. Nhưng đó là cách ngôn tình làm và chúng chưa bao giờ để cho tâm điểm tiểu thuyết của mình là những nhân vật bình thường, nhờ nhờ như bao gương mặt nhờ nhờ khác trong đời sống thường ngày. Đó không phải đối tượng của ngôn tình. Có một sự thật trớ trêu rằng chúng ta có thể không chịu đựng được những chuyện bất mãn, quá đà trong hiện thực của chính mình và sẵn sàng gây hấn nếu như phải chạm trán với những điều đó, nhưng lại chính chúng ta, thích những thứ phải kiểu cách hơn một chút, làm quá lên một chút trong những trang truyện. Đó là một cơ chế sân si của cảm xúc, là một cách để chúng ta mài cho nhịp thở xúc cảm không bị cùn đi, giống như cách người ta phải cung cấp thêm chất nhờn cho khớp, dầu cho động cơ không bị khô khốc, bào mòn. Những cô gái mới lớn ăn, ngủ, cười khóc cùng nhân vật của mình, đó là thứ các cô chưa từng có. Còn những cô gái lớn hơn, duy trì hoặc tìm đến thói quen đọc ngôn tình để lấp đầy thời gian rảnh trong cuộc sống thường ngày như một nhu cầu giải trí. Dùng ngôn tình để giải trí là một lựa chọn tiêu dùng vàng vì tác dụng của chúng đến nhanh chóng và tức thời, như một liều thuốc giảm đau nồng độ cao. Dễ dàng để cười, dễ dàng để khóc nhưng cũng dễ dàng để quên. Những người đọc ngôn tình thường hiếm khi đọc một hoặc một vài cuốn ngôn tình trong cuộc đời, họ đọc hàng chục, hàng trăm cuốn, liên tục và liên tục. Có những cuốn tiểu thuyết ta sẽ đọc chúng một lần và mang theo nó cả đời. Điều này không đúng lắm với những tác phẩm thuộc vào diện ngôn tình. Không phủ nhận có rất nhiều tác phẩm được đầu tư kĩ lưỡng về nội dung và hình thức, nhưng nhìn chung, tiểu thuyết ngôn tình hiếm khi làm người ta phải lật đi lật lại, bỏ thời gian đọc kĩ hơn một câu, một trường đoạn để thêm phần thấm thía. Mọi thứ đều rõ ràng, đã là giải trí nên tạo hình cho nó một diện mạo đơn giản và dễ dung nạp. Đó cũng là một trong những lí do tiểu thuyết ngôn tình có vẻ như sắp trở thành một huyền thoại dành riêng cho những cô gái mới lớn bởi tương quan về mặt nhận thức. Nhưng cũng lại chính bởi sự yếu ớt và non nớt trong nhận thức của những đứa trẻ đang kiễng chân lên mà nhiều khi, những cuốn tiểu thuyết ngôn tình cũng dễ gây ảnh hưởng tới tâm lí của các em. Nhiều ý kiến dựa trên lập luận này phê phán tiểu thuyết ngôn tình như một tác nhân gây hại tới sự phát triển của thanh thiếu niên. Vấn đề của những tiểu thuyết, bài thơ, bài hát có nội dung mà một quyền lực nào đó muốn chi phối và hạn chế sự lan tỏa của chúng trong sự tiếp nhận xưa nay đều có, nhưng tiểu thuyết ngôn tình ngày nay được lưu tâm hơn bởi đế chế của nó được củng cố bởi sự phát triển của nền văn học mạng, “văn học màn hình”.
Những bộ tiểu thuyết ngôn tình sở dĩ đến tay nhanh chóng với độc giả trẻ từ khi còn đeo khăn quàng, bởi ở Việt Nam, chúng hầu hết có sẵn trên mạng. Người đọc ngôn tình có một thế giới rất riêng trong những diễn đàn. Đối với những tác phẩm được viết hoặc được dịch một cách chỉn chu, chúng đều được bày bán hoành tráng tại các cửa hàng sách. Số lượng này không ít nhưng có một con số khổng lồ hơn lại thuộc về những tiểu thuyết ngôn tình chưa bao giờ được xuất bản nhưng có thể đọc được ở bất cứ đâu. Đó là những tác phẩm được tác giả sáng tác và upload công khai trên các trang mạng. Những tác phẩm được dịch chủ yếu từ Trung Quốc mà hầu hết là dùng phần mềm dịch tự động rồi được chỉnh sửa cú pháp lại đôi chút cho trôi chảy. Tất cả công việc này diễn ra hàng ngày, được làm bởi một sự vô tư cao độ chỉ nhằm thỏa mãn chính mình và thỏa mãn độc giả khi lên cơn đói/ khát truyện để đọc. Bên cạnh những trang để đọc truyện còn có những diễn đàn, hội nhóm chuyên dành cho việc review truyện và chúng cũng được vận hành bằng sự tự nguyện, sự cống hiến hết mình của các thành viên. Cộng đồng người đam mê truyện ngôn tình chắc chắn là một cộng đồng hùng mạnh và gắn kết, có lẽ mang tính chất gần với những cộng đồng hâm mộ K-pop đang trở thành hiện tượng của đời sống giới trẻ Việt Nam. Điểm chung giữa hai hiện tượng này có lẽ đều ở việc chúng gắn với giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên - một thế hệ chưa bận bịu quá nhiều với mặt thực dụng của đời sống và dễ dàng chìm đắm vào những đam mê của mình. Rất nhiều truyện được đăng tải lên thuộc về những tác giả còn là học sinh, lời văn thường là ngô nghê cố biểu hiện những tình tiết tưởng chừng như trọng đại của người lớn, cách diễn đạt giản đơn và tưởng tượng thì hạn chế, chủ yếu bằng những sự mô phỏng, bắt chước từ vốn đọc, vốn sống còn nhỏ bé của các em. Các tác phẩm này thường được đăng tải từng chương để bạn đọc cùng lứa tuổi đúng nghĩa vào đọc, bình luận, góp ý cho những chương tiếp theo sẽ hoàn chỉnh. Cách lưu hành và “xuất bản” trên mạng này giúp cho người viết và người đọc gắn kết với nhau, người viết có thêm ý tưởng, người đọc có cảm giác mình được chạm tay vào tác phẩm và sản phẩm đầu ra là kết quả của một cuộc nhào nặn bằng biết bao những mảnh tưởng tượng khác nhau, độc lập nhưng thỏa mãn được sự lên xuống của cảm xúc mà họ mong đợi. Tiểu thuyết ngôn tình trở về đời sống sơ khai của tiểu thuyết khi những thoại nhân lê la nơi góc đường, xó chợ và người ta túm tụm vây quanh để nghe mỗi ngày, mỗi buổi, từng chương, từng hồi. Những tác giả ngôn tình có tài thật sự, họ sở hữu một cộng đồng fan cả trong và ngoài nước như những ngôi sao giải trí lớn và độc giả thì luôn chầu chực chờ đợi những sản phẩm từ họ. Ở Trung Quốc - đất nước có thể cho là có cội nguồn gốc rễ về thể loại tiểu thuyết tình cảm, những cái tên như Tào Đình, Diệp Lạc Vô Tâm, Cố Mạn, Đinh Mặc, Lục Xu, Mặc Bảo Phi Bảo… chắc chắn không xa lạ với bất cứ độc giả nào khi bước chân vào thế giới của tiểu thuyết ngôn tình. Năm 2015, khi Diệp Lạc Vô Tâm, tác giả của những bộ ngôn tình “kinh điển” như Mãi mãi là bao xa, Ngủ cùng sói, Nụ hôn của sói, Động phòng hoa chúc sát vách… tới Việt Nam để off-fan, hàng trăm fan nữ từ bậc trung học cơ sở cho đến trung học phổ thông rồi đại học chảy về thủ đô để gặp thần tượng. Cơn bão ngôn tình Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam hơn mười năm trở lại đây tạo ra những dư chấn dữ dội không kém gì làn sóng Hallyu (Hàn Lưu) của văn hóa đại chúng Hàn Quốc suốt từ đầu thế kỉ XXI. Nếu có thể cởi mở coi tiểu thuyết ngôn tình là văn chương thực sự, thì đây là một mảnh đất sống động bậc nhất trong bức tranh chung về một Việt Nam vẫn hay tự thẹn thùng bảo nhau rằng văn hóa đọc của mình còn kém. Nhưng tất nhiên, sự so sánh này là khập khiễng. Ngôn tình, về cả phía người viết, người đọc đều ý thức được điều đó. Khung cảnh những cô gái mới lớn trùm chăn và lướt từng chương truyện trên màn hình điện thoại là một huyền thoại mới của đời sống đương đại hơn là một hình ảnh mà văn chương đích thực muốn ghi lại.
Trở thành một hiện tượng xã hội hơn là một hiện tượng văn chương, tiểu thuyết ngôn tình sớm được đẩy ra khỏi khuôn khổ một trang sách mà nhanh chóng quyện vào những hiện tượng văn hóa đi kèm khác. Thế giới của những người đọc ngôn tình không còn tồn tại như một lãnh địa riêng biệt mà hơi thở của chúng đang lan ra khi những hình ảnh của một chàng soái ca giàu có, lạnh lùng không chỉ nằm trong tưởng tượng của những cô gái trùm chăn đọc truyện mà đã được đại chúng hóa, trở thành hình mẫu lí tưởng của bất cứ cô gái nào có một chiếc điện thoại; khi những câu thoại tình cảm, mùi mẫn của nhân vật được trích dẫn lại và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội mà người dùng nó đôi khi quên mất gốc gác của chúng, bởi như đã nói, đó là những lời lẽ dễ tiếp nhận, dễ gây cười, dễ gây khóc ở bất cứ trí tưởng tượng của người nào. Tiểu thuyết ngôn tình mang đến một bầu không khí về tình yêu - thứ không khí phổ quát tới mức bất cứ ai trên đời cũng đều phải hà hít nên chúng dễ dàng chạm đến cả những kẻ chưa từng đặt tay vào trang bìa xanh đỏ của một cuốn ngôn tình nào. Cũng giống như truyện tranh của Nhật Bản, tiểu thuyết ngôn tình, đặc biệt là ngôn tình Trung Quốc thường xuyên được chuyển thể thành phim, thành game và những ấn phẩm âm nhạc xung quanh đó. Công nghệ xem phim trên các trang web thay vì ngồi ở phòng khách và chờ đợi mòn mỏi bao giờ cho đến khung giờ phát sóng khiến cho việc xem phim giờ đây trở nên dễ dàng, từ đây mà những thuật ngữ như “cày” phim được ra đời. Khi Bong bóng mùa hè, Bộ bộ kinh tâm, Bên nhau trọn đời, Sam sam đến đây ăn nào, Tam sinh tam thế thập lí đào hoa… được chuyển thể, những fan tiểu thuyết chỉ cần nằm nhà và “cày” một lúc vài chục tập phim để thưởng thức cho trọn vẹn diễn biến câu chuyện. Những cốt truyện ngôn tình có thêm các yếu tố lịch sử hoặc thần thoại, kì ảo được các nhà làm game bắt theo xu hướng để chuyển thể thành thể loại game “luyến ái võ hiệp” bao gồm cả yếu tố hành động, chiến đấu kết hợp thêm những yếu tố về tình cảm, lãng mạn… như Tam sinh tam thế H5, Vi Vi nhất tiếu hấn khuynh thành, Huyễn thành, Cẩm Y dạ hành… Đây chính là một thứ cảm giác “ngôn tình” được tận dụng triệt để nhằm tăng cảm giác thích thú, mơ mộng cho người chơi game ở cả nam và nữ. Một thứ cảm xúc yêu đương dù nhẹ nhàng hay mãnh liệt, bao giờ cũng đủ hấp dẫn với cả người chưa được trải qua nó lẫn người đang chỉ có thể hoài niệm về nó. Người ta có thể không đọc tiểu thuyết ngôn tình nhưng thứ màu sắc và giai điệu của những tiểu thuyết đó tồn tại và thấm vào những hình thức văn hóa - xã hội khác của đời sống. Rõ ràng, đã và đang có sự rút nghĩa bớt của từ tiểu thuyết để thay vào đó, đổ nghĩa thêm vào từ ngôn tình để gắn sự lãng mạn, sự mơ mộng vào hàng loạt biểu đạt khác.
Đó là lí do để tiểu thuyết ngôn tình tự nó sẽ dần trở thành một “kí ức chung” cho hết thảy những cô gái, và thậm chí cả những chàng trai trong thời trẻ của mình. Còn nỗi lo ngay ngáy của những nhà phê bình gạo cội về sự “suy đồi” của giới trẻ ham mê ngôn tình, về những bất cập trong văn hóa đọc nên được làm dịu lại bởi đi qua quãng thời gian của tuổi mới lớn, những cuốn tiểu thuyết cũng sẽ chỉ còn ở lại như một dấu ấn tuổi trẻ và chắc chắn không thể bỏ vào hành trang cho những người cần phải trưởng thành. Với tiểu thuyết ngôn tình, “hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”

Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội