Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc nhận định: “Hiện nay có xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự "phai nhạt" thói quen đọc sách của công chúng. Các thầy cô giáo dạy về nghệ thuật còn lười đọc, nói sao với học trò?




NSND Trần Minh Ngọc: "Thầy còn lười đọc, nói sao với học trò?"

THANH HIỆP

 Trong buổi tọa đàm được tổ chức tại HTV ngày 20-9, nhân kỷ niệm 10 năm Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM lên đại học, đạo diễn 82 tuổi đã nêu những trăn trở về việc đào tạo diễn viên. Trong buổi tọa đàm, NSND Trần Minh Ngọc - người đã có hơn 45 năm đứng trên bục giảng, đào tạo nhiều thế hệ đạo diễn sân khấu, diễn viên; trong đó, có rất nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT - nói: "Hiện nay có xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự "phai nhạt" thói quen đọc sách của công chúng. Các thầy cô giáo dạy về nghệ thuật còn lười đọc, nói sao với học trò?. Sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội… tưởng chừng như không còn chỗ cho việc đọc sách. Nhưng ở tư cách người thầy phải luôn đọc để cập nhật và truyền hứng thú đọc đến học trò. Thư viện của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM là nơi lưu trữ rất nhiều sách quý về chuyên ngành sân khấu, điện ảnh, có cả một kho kịch bản, thế nhưng rất hiếm khi thấy giáo viên bước chân vào thư viện".
Theo đạo diễn kỳ cựu, sách in không "cạnh tranh" nổi sách điện tử với tiện ích, cập nhật thông tin nhanh. Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều vấn đề cấp bách như kinh tế, môi trường, chính trị, văn hóa nghệ thuật đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu giữa nhiều quốc gia. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển văn hóa nhưng cũng là khó khăn thách thức cho văn hóa đọc. "Đáng buồn là văn hóa đọc kém đã khiến chất lượng đào tạo không được cập nhật. Diễn viên, đạo diễn rất ít vốn liếng về văn học, thơ ca. Từ khi thành lập Khoa Sân khấu đến nay, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã có sự chuyển động tích cực. Sự tương tác giữa thầy và trò trong các tiết thực hành đã có bóng dáng của tác phẩm văn học" - NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương - Trưởng Khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, đã cho biết: "Khoa Sân khấu của trường đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề mang ý nghĩa nghiên cứu khoa học dành cho giáo viên bộ môn chuyên ngành dạy về công tác đạo diễn và kỹ thuật biểu diễn cho diễn viên. Đây là buổi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tìm ra những tiêu chí cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong đào tạo chuyên ngành. Chúng tôi rất mừng vui khi NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc đã chủ trì các buổi chuyên đề này. Tất cả giáo viên đều là những đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng đã nhận thấy trách nhiệm, vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu, điện ảnh đang cần được cập nhật, chuẩn hóa đã theo học rất đông".

Các nhà chuyên môn làm công tác sư phạm đều cho rằng các nguyên lý về bộ môn kỹ thuật tâm lý của Stanislavski đang áp dụng trong đào tạo diễn viên bộc lộ nhiều bất cập. Lỗ hổng lớn nhất là cấu trúc chương trình học hiện nay với các môn phụ dày đặc, không còn chỗ trống để sinh viên tự tập tiểu phẩm. "Nên mạnh dạn đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm tải 1/3 chương trình để sinh viên có thời gian gặp gỡ trao đổi, tranh luận với thầy cô về một bài giảng. Từ đó kích thích sự sáng tạo" - NSND Trần Minh Ngọc nói.

"Chính vì thiếu cập nhật, hệ quả đào tạo nhiều năm qua chưa đạt chất lượng. Tôi cho rằng nghề dạy diễn viên thời đại hôm nay cần tăng cường đối thoại để tạo cơ hội cho những mầm non nghệ thuật bộc lộ một cách tự nhiên những phẩm chất bên trong tâm hồn mình. Tính chất đặc thù của nghề dạy diễn viên chính là sự hòa quyện giữa nhà giáo và nghệ sĩ. Đội ngũ giảng viên phải được đào tạo và cập nhật thường xuyên. Các thầy cô giáo dạy về nghệ thuật cần được trang bị tốt về văn học thời đại mới để truyền đạt đến các em cảm hứng sáng tạo. Lâu nay, do trình độ văn học của giảng viên kém, cho ra nghề đạo diễn, diễn viên không hội đủ yêu cầu. Đó là hậu quả mà game show, truyền hình thực tế, đầy những từ ngữ thô tục, tiểu phẩm nhuốm màu bạo lực" - NSƯT Ca Lê Hồng trăn trở.

                                      
Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng và Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc!


Với tiêu chí trao đổi thẳng thắn, tranh luận đến cùng cho sự đổi mới phương pháp giảng dạy, NSND đạo diễn Trần Minh Ngọc - người chịu trách nhiệm đề dẫn và kết luận sau mỗi chuyên đề, cho biết: "Giáo trình giảng dạy chưa được cập nhật. Thực tế, sinh viên dự tuyển ngày nay rất tinh tế. Các em tìm hiểu thông tin nhanh vì có phương tiện mạng xã hội. Do vậy, vai trò của người thầy trong thời đại 4.0 cần phải cập nhật liên tục".

Trên thực tế, qua đợt đào tạo lại này đã cho thấy các giảng viên giỏi tuổi đã cao nhưng các giảng viên trẻ không ít người chưa đủ tầm vóc. Giải quyết mối quan hệ giữa tính nghệ sĩ và sự nghiêm túc của nghề sư phạm là điều không đơn giản. Khoa Sân khấu đã chủ động mời nhiều nghệ sĩ, đạo diễn giỏi về dạy. Khẳng định tính đặc thù của nghề sư phạm này rất cần sự hỗ trợ của nhiều nguồn lực mà trong đó đợt tổ chức các lớp chuyên đề là việc làm thiết thực. NSƯT đạo diễn Minh Hạnh nói: "Đó là một đợt chuyên đề bổ ích cho đội ngũ giảng viên trẻ như chúng tôi. Bởi, hầu hết các nghệ sĩ làm thầy đã nhìn thấy nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giảng viên cần phải có chiến lược mà sự năng động của Khoa Sân khấu Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM là việc làm ý nghĩa".



Nguồn: Người Lao Động