Vào cái xã hội Sài Gòn-đêm-nhậu, còn là cả một tập đoàn quân những người bán vé số, bán trái cây, thuốc lá, thậm chí bán hoa (nghĩa đen) quanh các bàn nhậu. Mấy em nhỏ mặc đồng phục học sinh phổ thông, tay ôm những bông hồng ướt đẫm sương, miệng nài nỉ chào mời các cậu trai mua hoa tặng bạn gái.
SÀI GÒN NHỮNG THẤM THÍA HÁT, VÀ ĐÊM
LƯU AN
Nhiều năm nay, vào Sài Gòn công tác, lần nào tôi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất cũng 11 rưỡi, 12 giờ đêm. Đó là sớm, còn có những chuyến tới 2 giờ sáng. Nào ai muốn lọ mọ vào cái lúc khuya khoắt như thế. Cũng bởi, cán bộ nhà nước đi làm việc công, chế độ đi lại được cơ quan duyệt chỉ là tàu hỏa, nhưng muốn tiết kiệm thời gian và nhàn thân thì chỉ có cách đi tàu bay giá rẻ. Vào muộn, nhưng chẳng bao giờ về đến khách sạn là chịu lên giường đi ngủ ngay. Rửa mặt qua loa, thế nào cũng phải í ới gọi thêm vài thằng bạn... đi nhậu. Đêm Sài Gòn mát rười rượi, phải thức để hít đầy buồng phổi cái không khí dễ chịu về đêm của đô thị phương Nam sầm uất này, kẻo phí. Với lại, Sài Gòn về đêm đâu có trầm mặc, cái dòng sống tuôn chảy không ngừng trong lòng thành phố. Ngày, nó mang vẻ của ngày; đêm, nó có sắc của đêm.
Xôm tụ nhất trong đêm Sài Gòn là những quán nhậu. Đường Nguyễn Trãi, đường Hải Triều, đường Nguyễn Thái Học... đường nào cũng có một khúc dài sáng rực ánh điện của những quán nhậu. Bàn ghế kê từ trong nhà ra tới vỉa hè, vì mát gió trời, vì tha hồ được nhìn ngắm phố xá và bàn dân thiên hạ. Đã giờ Tí giờ Sửu, cái giờ mà nhẽ ra toàn gia phải say giấc nồng để sớm mai còn đi làm đi học, vậy mà có những nhà lại kéo cả bầu đoàn ra nhậu. Giữa bàn nồi lẩu bốc hơi nghi ngút. Góc này ông bố ông chú ông bác cụng ly côm cốp, nói cười rổn rảng. Góc kia bà mẹ vừa vớt cái trong nồi vừa ẵm đứa nhỏ đang ngủ ngon lành, đứa lớn hơn ngồi cạnh uống xá xị, vẻ mặt ra chiều mãn nguyện. Hình như dư ba của cái lối sinh hoạt từ thuở mở đất vẫn đang còn âm ỉ. Đất rộng, lại ê hề sản vật, quờ tay một cái là có mồi nhậu ngon lành, cuộc sống vô ưu nên các anh Hai anh Ba cứ tha hồ cạn ly, phải vậy chăng?
Nhậu đêm Sài Gòn có một cái thú, vô ích nhưng cũng vô hại, là ngắm và bình người đẹp. Cam đoan rằng nếu xét về tỉ lệ, người đẹp của Sài Gòn về đêm cao hơn người đẹp của Sài Gòn lúc ban ngày. Con gái xứ nóng nên ăn mặc mát mẻ hết cỡ. Váy ngắn đến mức không thể ngắn hơn, cổ áo khoét sâu đến mức không thể sâu thêm nữa. Những phần da thịt phô lộ giữa trời đêm trắng nõn trắng nà, trắng như thể chưa từng biết mùi ánh nắng mặt trời, trắng có lẽ khiến chị em phụ nữ đất Hà thành phải ngấm ngầm ghen tị. Cứ một chốc lại thấy taxi đỗ sịch, cửa mở ra, một đôi hoặc một vài đôi bước xuống, mặt mũi tươi như hoa, người thơm phưng phức. Các cô các cậu gọi món, rồi vừa bón cho nhau từng miếng vừa rủ rỉ chuyện trò – chắc hẳn toàn những lời âu yếm – thật đúng là cảnh của thời thái bình thịnh trị. Một chốc nữa, lại thấy có những đôi gái mảnh dẻ trẻ trung – trai đầu hói bụng bự bước vào. Cũng vừa bón cho nhau từng miếng vừa rủ rỉ tâm tình như thể những tình nhân lâu lắm rồi mới gặp. Xong, lại khoác tay nhau lên xe, đi mất hút vào đêm.
Vào cái xã hội Sài Gòn-đêm-nhậu, còn là cả một tập đoàn quân những người bán vé số, bán trái cây, thuốc lá, thậm chí bán hoa (nghĩa đen) quanh các bàn nhậu. Mấy em nhỏ mặc đồng phục học sinh phổ thông, tay ôm những bông hồng ướt đẫm sương, miệng nài nỉ chào mời các cậu trai mua hoa tặng bạn gái. Thế là, giữa hai miếng thịt bò lúc lắc, bông hồng đã được trao, thay cho lời nói ngọt ngào. Nhìn cảnh ấy, bỗng nhớ tới một thi sĩ nào đó từng định nghĩa về thơ siêu thực: đó là sự hôn phối giữa cái ô và chiếc đầu máy khâu. Đứa bạn buột miệng hỏi em nhỏ bán hoa: sao giờ này cháu không ở nhà ngủ mà còn lang thang ở đây làm gì? Em nhỏ tròn mắt nhìn nó như nhìn một sinh vật lạ ngoài trái đất, rồi bỏ đi.
Vui nhất vẫn là phần văn nghệ. Vài cây guitar cũ mèm, sơn đã bong cần đã sứt của những nghệ sĩ lang thang là đủ làm nóng không khí ở phố nhậu. Hơi men đang ứ trong cơ thể cần được phả ra. Người ta vẫy các Tây Ban cầm thủ lại, yêu cầu hát, rồi cất giọng hòa theo. Cao với thấp, bổng với trầm, thanh với đục, tất cả cùng nỉ non “sao em ngồi lặng lẽ để lòng anh tái tê, hãy trả lời anh đi, nghĩ gì mà thẹn thùng”... hoặc cùng bừng bừng khí thế “ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà, mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão táp quay cuồng”... Vỗ tay rào rào, hể hả, cụng ly côm cốp. Nghệ sỹ lang thang đã kịp ngồi chung bàn nhậu. Mấy cô phục vụ chạy ra chạy vào mang thêm đồ ăn mới. Tạm quên đêm nay sẽ ngủ đâu, tạm quên ngày mai có gì trong bữa, tạm quên quê miền Trung đang héo hon trong nắng lửa, bão lũ. Uống cái đã, uống đến tận độ cái vui tứ hải giai huynh đệ, tính sau.
Nói đến chuyện văn nghệ trong bữa nhậu đêm Sài Gòn, tự nhiên nhớ tới cuộc nhậu với một ông sếp khá to. Không nhậu ngoài vỉa hè mà nhậu trong một phòng máy lạnh, đường Hồ Biểu Chánh. Đông lắm, đủ mặt anh tài. Có anh là Thư ký toà soạn báo Hoa Niên, có anh là Trưởng ban Văn nghệ báo Đàn bà thành phố, có anh là doanh nghiệp từng bỏ cả trăm triệu mua bản quyền bài thơ Sim tím, có anh là trưởng lão của làng văn Sài Gòn. Có cả thằng bạn nhà văn tinh quái chuyên viết truyện tối mò mò như đánh đố người đọc nữa. Đang nhậu, ông sếp hô: bolero đi. Thế là đàn và hát. Câu thuộc câu quên. Thuộc thì hát tròn vành rõ chữ, quên thì cứ ư ử theo giai điệu. Nhưng trời ạ, toàn nhạc sến. “Sến như một con hến”, nếu nói bằng câu đầu miệng của vỉa hè Hà Nội. Tròn mắt nhìn ông sếp đang đắm say ngất ngây với những bài hát than thở cảnh nghèo, rên rẩm nỗi đau thất tình, oán trời lạnh lùng và trách người phụ bạc. Sửng sốt: một ông quan không lẽ lại có cái sở thích “môve-gu” đến thế này ư? Còn đang sửng sốt dở dang thì bị thằng bạn nhà văn viết truyện tối mò mò cấu một cái đau điếng. “Giải thiêng! Giải thiêng!”. Giải thiêng cái gì? Sao lại phải giải thiêng? “Thì, mấy cha này thường ngày luôn phải gồng mình lên trước bàn dân thiên hạ rằng mình thích âm nhạc bác học, hoặc ít ra cũng là nhạc truyền thống dân tộc. Nay chỉ có ta với ta, hát nhạc sến cho bớt thiêng đi, cho cân bằng lại”. Nghe cũng thấy có lí. Tương tự như mấy ông giáo sư, lúc đứng trước học trò thì mô phạm ghê gớm lắm, nhưng cứ hễ chỉ các ông ngồi với nhau là y như rằng lại nói chuyện phòng the, vỗ đùi cười ha hả, sướng khoái. Giải thiêng. Bỗng nhớ lão bạn vong niên, cũng là nhà văn, từng viết một tiểu luận về cái sến. Lão bảo: Ai ai cũng sẵn có nhu cầu về cái sến trong người, cứ đúng cảnh đúng việc là tự nhiên nó bật ra. Hát nhạc vàng hay hát “My heart will go on” thì cũng vậy. Một đằng sến ta một đằng sến Tây.
Vẫn trong cuộc nhậu bolero ấy, thi thoảng lại thấy các anh hỏi phục vụ: H. đâu? H. không tới à? Kêu H. mấy lần rồi mà sao không thấy lên hát với anh em? Bụng bảo dạ, H. chắc là một em nào đó hát hay, chuyên giúp vui cho các bàn nhậu ở đây. Và chắc phải trẻ trung xinh đẹp lắm mới khiến các anh trông ngóng nhiệt tình như vậy. Một lúc sau H. lên. Thì ra đó là một trung phụ chống mỗi bên nách một chiếc nạng. Trung phụ có đôi mắt to, đượm buồn, cái miệng cười rất duyên, hàm răng đều, tuy có hơi xỉn vì nhựa thuốc lá. Cạn hết ly bia, H. so dây đàn, buông vài hợp âm, rồi cất giọng. Cả bàn nhậu im phăng phắc. Rùng mình, không ngờ giọng H. lại quái chiêu đến thế. Một thứ giọng có kỹ thuật rất tốt, lại đượm mùi của rượu và thuốc lá, của đêm, của những ngày trầm mình lăn lộn mưu sinh. Ma mị, liêu trai, cái cảm giác hệt như lần đầu tiên nghe Khánh Ly hát qua “Sơn ca 7”. Tiếng hát H. vút lên như xé ruột, như bào gan, như một nỗ lực tuyệt vọng để gieo thoi giữa hiện tại và hư vô. Mà lạ, mặt H. cứ tươi roi rói chứ chẳng hề đau đớn vật vã như Mỹ Linh lúc hát đoạn này. Rồi tiếp đến “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển... Ô, không còn là nhạc sến nữa rồi. Bác nào khó tính cứ dứt khoát đây vẫn là nhạc sến, thì phải nhận cho rõ nó là sến... sang. Chẳng phải dân gốc Sài Gòn, sao nghe H. hát những bài hát cũ này thấy người như mọc rôm, gai gai khó tả, hình như nó chạm được vào một vùng đau vô thức nào đó thì phải? Mỗi bài hát một số phận, có bài bạo phát bạo tàn, nổi rất nhanh và bị quên rất nhanh; có bài lại cứ âm ỉ dai dẳng mà sống. Những bài H. đang hát, có lẽ là loại bài thứ hai. Liếc nhìn sang, thấy ông sếp cũng đang có những biểu hiện phiêu linh. Có lẽ “ổng” cũng cảm giống mình?
Bữa nhậu gần tàn, H. chào mọi người, ôm đàn chống nạng xuống lầu. Nhìn cái lưng nhô lên thụp xuống theo mỗi bước đi của H., đoán chắc đằng sau đó là cả một cuộc đời đầy trắc trở. “Giờ này có thể trời đang nắng, em rời thư viện đi rong chơi...”, ai mà biết được, vài mươi năm trước có khi H. cũng có một cuộc đời giống như cô gái trong bài “Chiều trên phá Tam Giang”? Chao ôi là thân phận con người, “cái quay búng sẵn trên trời, mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Nhậu đêm Sài Gòn mà thế này, là nhậu buồn, chứ không còn là nhậu vui. Hoặc giả mình lẩn thẩn nên cứ thích bi kịch hóa mọi sự?
Nguồn: Tinh Hoa Việt