Giã từ giấc mộng đại gia, Lê Xuân Đố tiếp tục làm thơ. Quy đổi lương hưu ra bia, và lấy bia nuôi thơ. Bây giờ, bước vào tuổi 77, Lê Xuân Đố quyết định in tập thơ thứ 5 có tên gọi “Chúc phúc lá xanh” sau các tập thơ “Hồn nhiên”, “Ngọn nguồn”, “Chạm mặt” và “Giọng muối”.




LÊ XUÂN ĐỐ TRỞ LẠI CHÚC PHÚC LÁ XANH

LÊ THIẾU NHƠN

Sinh năm Quý Mùi 1943 tại Quảng Bình, cả đời Lê Xuân Đố gắn bó với thơ. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Lê Xuân Đố đã làm chương trình Tiếng Thơ trên Đài tiếng nói VN. Mỗi lần những bậc quyền cao chức trọng như Trường Chinh hoặc Tố Hữu đến 58 Quán Sứ- Hà Nội để thu âm, Lê Xuân Đố đều trực tiếp chứng kiến cấp trên của mình chạy tới chạy lui xun xoe vuốt ve lãnh đạo. Lê Xuân Đố phản ứng thế nào? Dĩ nhiên không dám ý kiến, nhưng Lê Xuân Đố cứ nghiến răng ken két. Di chứng của thái độ ấy là quai hàm Lê Xuân Đố hơi lệch, mà chính vợ Lê Xuân Đố phát hiện chồng mình nhìn nghiêng bao giờ cũng đẹp trai hơn nhìn thẳng!

Sau năm 1975, Lê Xuân Đố đưa gia đình vào miền Nam. Ông chuyển công tác từ Đài tiếng nói VN sang Đài truyền hình TPHCM, nhưng vẫn phụ trách chương trình Thơ. Lê Xuân Đố đã tạo điều kiện cho rất nhiều nhà thơ trai tráng sung mãn lẫn nhà thơ lỡ thì quá lứa được dịp làm diễn viên thời vụ vung tay múa chân cùng vần điệu du dương trên màn ảnh nhỏ HTV.

Ngày nào Lê Xuân Đố cũng ngất ngưởng say, nhưng chẳng thấy bị HTV kỷ luật. Các vị giám đốc HTV từ Phạm Khắc đến Huỳnh Văn Nam đều có vẻ ưu ái Lê Xuân Đố. Lý do thâm sâu hay bí hiểm nào chăng? Lê Xuân Đố giải thích: "Vì tôi không tranh giành gì với họ. Hơn nữa, ở đời thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ khốn cùng làm thơ!".

Lê Xuân Đố thường bị bạn bè trêu là Đố Điên. Có thể do ông hay khóc, cười, phẫn nộ và sung sướng một cách đột ngột. Tuy nhiên, cũng có thể do ông hai lần bị té dập đầu mà vẫn bình an vô sự.

Lần thứ nhất, khoảng cuối thập niên 1980. Lê Xuân Đố có chiếc xe máy thường xuyên hỏng máy. Bữa đó, sau khi nhậu say, Lê Xuân Đố leo lên xe rồi nhờ đồng đội đẩy cho nổ máy. Mấy ông nhà thơ đành xúm lại đẩy xe cho Lê Xuân Đố. Ông nào ông nấy gầy nhom nhưng có ma men bỗng dưng sức mạnh phi thường. Do Lê Xuân Đố quên... gài số, nên vừa hô một tiếng, đồng đội đã đẩy cả Lê Xuân Đố và chiếc xe máy cùng bay thẳng vào cột điện. Như một vụ ám sát trong phim hành động Mỹ. Chiếc xe máy nát bươm, còn Lê Xuân Đố phải ở bệnh viện đúng 1 tháng.

Lần thứ 2, khoảng cuối thập niên 1990. Lê Xuân Đố vào quán nhậu từ sáng, nhưng chiều chạng vạng thì lại cảm giác bản thân có lỗi với cơ quan, liền phóng xe đến HTV. Quái, con đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn ngang qua Dinh Độc Lập bình thường lòng đường rộng hơn vỉa hè, sao hôm nay vỉa hè lại rộng gấp mấy lòng đường. Lê Xuân Đố cố nhướng mắt lên mà cũng không thấy lòng đường đâu. Lê Xuân Đố phi xe lên vỉa hè và nằm ngay đơ, máu me lai láng. Cũng may, có một xe ghi hình của HTV chạy cùng hướng đã trông thấy, bèn tức tốc chở Lê Xuân Đố đến thẳng bệnh viện để nghỉ ngơi 2 tháng.

Hai lần bất tỉnh nhân sự của Lê Xuân Đố đều vì... say. Thế nhưng, sau khi nghỉ hưu thì Lê Xuân Đố lại bị bất tỉnh nhân sự thêm lần nữa, mà trong người không có giọt rượu nào. Ấy là do Lê Xuân Đố quyết tâm làm đại gia, mua một trang trại trên Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu để nuôi bò sữa. Làm nông nghiệp kỹ thuật cao, Lê Xuân Đố cũng tham dự lớp tập huấn rất đàng hoàng. Riêng môn vắt sữa bò thì Lê Xuân Đố tuyên bố: "Tôi không cần học. Tôi có năng khiếu vắt sữa, bốn vú hay hai vú thì tôi đều bóp ra sữa ngon lành!".
Trang trại mênh mông, cỏ xanh mơn mởn, đàn bò tung tăng. Sáng sáng chiều chiều Lê Xuân Đố đủng đỉnh vừa đi vừa ngắm, điệu bộ như Hồ Giáo mà oai phong vượt trội Hồ Giáo. Đến ngày thu hoạch, Lê Xuân Đố trổ tài vắt sữa khá điệu nghệ. Vắt sữa vú trước thì Lê Xuân Đố đọc thơ Hồ Xuân Hương, mà vắt sữa vú sau thì Lê Xuân Đố đọc thơ Đoàn Thị Điểm. Có thể nhờ chất thơ kích hoạt, sữa bò nhiều khủng khiếp. Lê Xuân Đố nhẩm tính, chỉ cần vắt sữa một năm sẽ đủ tài trợ cho tất cả đồng nghiệp văn chương đi du lịch châu Âu ngắm Paris thật sự, chứ không phải ở Sài Gòn bì bõm lội nước lụt mà mơ tưởng sóng sông Seine!
Đã đành trời xanh quen thói má hồng đánh ghen, ai dè trời xanh cũng đố kỵ thi sĩ làm giàu. Một buổi, Lê Xuân Đố vừa vắt sữa vú trái để đọc thơ Ý Nhi xong, đang định vắt sữa vú phải để đọc thơ Xuân Quỳnh thì thấy đất đai quay cuồng. Trước mắt Lê Xuân Đố không thấy con bò sữa đâu, mà chỉ thấy một màu trắng đục như sữa. Lê Xuân Đố bị tai biến, ngay tại nơi mà ông sắp trở thành tỷ phú đô la tương đương Phạm Nhật Vượng. Vợ con đưa Lê Xuân Đố vào bệnh viện, rồi đưa sang Singapore chữa trị hơn 3 tháng mới đi đứng lại được như xưa!

Thoát chết trong gang tấc, Lê Xuân Đố bán luôn cái trang trại bò sữa với giá bằng phân nửa vốn đầu tư. Dự án kinh tế của thi sĩ đã thất bại theo phương pháp làm càng to thì lỗ càng lớn, làm càng hoành tráng thì lỗ càng chỏng gọng. Giã từ giấc mộng đại gia, Lê Xuân Đố tiếp tục làm thơ. Quy đổi lương hưu ra bia, và lấy bia nuôi thơ. Bây giờ, bước vào tuổi 77, Lê Xuân Đố quyết định in tập thơ thứ 5 có tên gọi “Chúc phúc lá xanh” sau các tập thơ “Hồn nhiên”, “Ngọn nguồn”, “Chạm mặt” và “Giọng muối”.
Xin giới thiệu một số bài, rút từ “Chúc phúc lá xanh”!

                           
HÀNH TINH CHÚNG TA
Xưa như trái đất
Cũ như nước mắt
Mòn như lời than
Người cứ đẻ chim mới ra ràng
Máu khóc nhân gian
Súng đạn cười giọng mới
Kẻ ác làm ông Trời
Tình yêu nên chồng nên vợ
Trăm ngày hạn mấy ngày mưa
Ráo mồ hôi nụ cười đong đưa
Ngày lại mới
Hoa không ngừng nở nước không ngừng trôi

Thầm thì bên tai: Hôn đi !
Hành tinh bồng bềnh hơi thở.


LÃNG MẠN VIỆT NAM
Việt Nam vào bát là cơm
Việt Nam vào ly là rượu
Việt Nam trong hồn là thơ

Việt Nam mở miệng là khúc ca     
ru mềm yêu thương căm hận
có nhau giọt khóc giọt cười

Việt Nam lướt qua vườn hoa
Lễ hội tưng bừng ong bướm  
Việt Nam rung chân giường là cắt rốn anh hùng thi sĩ

đêm Việt Nam là Hằng Nga
chăm sóc chú Cuội gốc đa  
vun xới giấc mơ qua mùa hiểm họa

sáng ra Việt Nam là mặt trời   
làm giọt mồ hôi thành hạt ngọc
vác nụ cười ra soi.


MÙA 
hạt thóc chảy máu khi mới biết làm đòng ngậm sữa
giặc giã như cơm bữa
đánh giặc thành mùa
làng nước vào cơm mới, là mùa lễ hội

mồ hôi và máu hai nửa lưng cha
lời ru và tiếng kêu hai đứa con sinh đôi của mẹ
cổng làng như sinh ra chỉ để tiễn đưa
vạt áo ở lại chảy nước mắt
cánh đồng xanh dòng sông xanh bức tranh họa đồ
chiến tranh nướng vào lửa đỏ
lịch sử như định mệnh vừa như vô can
để tiếng kêu trời bỏ ngỏ

hỏi câu ca, đời trong gạn đục
hỏi lời ru, dưỡng cánh cò đất rộng trời cao
hỏi giọng hò, đối đáp tình yêu cho dài nòi giống
ngậm hạt thóc nuôi Tổ quốc lớn lên.



TRÚC THÔNG
Maraton thơ một đời
Ông tản bộ cầu Mirabo nước Pháp
Mỹ cảm bước thơ
Chữ một đời sống khác
Đê sông Hồng nhớ mẹ
“Bờ sông vẫn gió người không thấy về”
Chữ khóc
Mặt người cỏ cây hiện như sao mọc
Ngôn ngữ lá xanh
Chữ nẩy lộc đâm chồi
Ai một lần với ông trò chuyện
Gieo duyên thơ “chầm chậm tới mình”
Chúc phúc lá xanh
Ta làm lành
Với cả trời xanh.



XIN ĐỘC GIẢ
hoàng hôn nàng thơ về hạt lúa củ khoai
vén váy qua bờ ao thoắt ngoài chân trời ẩn dụ
lễ hội dân gian nàng áo tứ thân gửi gió qua cầu
để sông quê cười ra khúc hát

thi hoa hậu thời trang áo tắm e là cách
trở lại cội nguồn
kiệm vải như kiệm lời khác chi ngôn từ thơ cổ điển
đám thời thượng tụng ca nàng siêu thực chấm phá
hậu hiện đại mông lung
đại tự sự lắm lời không đội trời chung

ngắm nàng thơ và đọc và ngẫm
đứng phía nào cho đẹp cũ mới mỹ cảm
tòa kính cao ốc hay mái chùa rêu phong
má lúm đồng tiền hay rốn nàng là vô giá
những vòng đo huyễn hoặc dài ngắn câu thơ
ta yêu nàng hút hồn hay lạnh tanh thời giá

phỏng vấn nàng chưa
nàng thơ đang khóc
áp lực quảng cáo chỉ trích tung hô
vương miện hào quang hư ảo
nàng thơ Việt đang ở đâu

bao giờ nàng hương sả hương sen tâm hồn dân tộc
bao giờ nàng ánh sáng cõi đời tối tăm
bao giờ tượng đài thơ nàng kiêu hãnh quảng trường
nhận từ cánh đồng lời hương lúa thơm
xin độc giả cho thơ thêm thời gian
tuổi tác với nàng không quan trọng
trên chuyến tàu tương lai đang tìm ga tới.