Người dân ở đây chia cuộc sống của họ ra làm hai thời kỳ-trước và sau “cải tổ. Thời kỳ “trước, làng xóm khá sung túc vì nơi này có một nhà máy sản xuất bột từ xương động vật. Người dân có việc làm. Có nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhiều ngôi nhà hai tầng mới xây cất. Thời kỳ “sau”, nhà máy bán cho các ông chủ mới, công việc ít dần đi, trường học, vườn trẻ đóng cửa, bệnh viện biến thành nhà dưỡng lão.


GHI CHÉP Ở MỘT VÙNG QUÊ CỦA NƯỚC NGA  

TÔ HOÀNG 

 TRẺ EM TỰ LO LẤY SÁCH BÚT ĐẾN TRƯỜNG
..Cậu học sinh lớp 5 Volodka gò lưng trên chiếc xe đạp ì ạch vượt lên một đoạn dốc, phía sau xe chằng buộc hàng chục lọ hũ rau quả muối. Chú bé đang tới xa lộ Vladimir-Murom, nơi bà nội của chú ra đấy ngồi từ lúc sớm mửng. Bà mang bán những mặt hàng mà rừng ban tặng. Với món tiền kiếm được, mới đây chú bé đã mua cho mình chiếc xe đạp mà chú rất lấy làm tự hào vì không cần xin tiền cha mẹ. Cha chú làm thợ xây tại Moskva, còn mẹ chú là người nấu ăn, quyét dọn cho một gia chủ ở thành phố Vladimir.
-Ở nơi chúng tôi, nói đại thể là mọi việc bình thường thôi. Trẻ nhỏ cũng biết cách kiếm ra đồng tiền để tự lo liệu việc tới trường. Chúng vào rừng hái nấm, bán đi sắm đồng phục, sách vở, bút mực- Bà nội của Volodka thở dài, chỉ tay vào những chiếc bình ngâm nấm và quả trái..
- Bà ơi, chiều nay cháu sẽ  vào rừng nữa ? – chú bé ngước hỏi bà nội –Tới cánh rừng hai hôm trước cháu đã hái được hai sô dâu tây ấy mà !
“CON ĐƯỜNG ĐỜI
Ở vùng Sudogodski thuộc tỉnh Vladimir đếm được hàng ngàn gia đình có hoàn cảnh như nhà chú bé Volodka.Đặc điểm này khá điển hình đối với những người dân ở các tỉnh lẻ của nước Nga. Mức lương hưu của phần đông các ông, các bà già chưa tới 1000 rúp mỗi tháng. Đám thanh niên trai tráng, để không ăn bám vào đồng lương hưu của bố mẹ đều gắng gỏi tìm công ăn việc làm ở các thành phố lớn. Không thể tìm nổi công việc gì ở nơi họ sinh ra lớn lên.
-Nhưng măng, nấm, quả trái trong rừng dần dà cũng phải hết chứ - Mấy bà cụ bán hàng bên xa lộ phàn nàn- Trước đây vài ba năm thứ gì chẳng có...
Một số bà con cũng đã biết tìm tới những kỹ năng sống hiện đại. Bác Ivanuts kể cho tôi nghe, bác đã xử dụng mạng internest để thu mua nấm rồi một tuần hai lần chở lên Moskva, đến rao bán tận lối ra vào các khu chung cư hoặc các nhà hàng, khách sạn. Đồng tiền gom về dĩ nhiên là hơn hẳn đứng bán ven xa lộ.
Tôi dạo bước 2, 3 cây số dọc theo “ con đường đời “ ( như bà con nơi đây đặt tên đoạn xa lộ họ mang hàng ra bán như thế ). Tình cảnh cũng không sáng sủa gì. Mặt trời lên tới đỉnh đầu đã lâu lâu rồi, nhưng cũng rất ít khách hàng dừng xe hỏi mua những lọ nấm, dâu tây, phúc bồn tử muối của họ. Dẫu vậy, khúc xa lộ này vẫn như chiếc phong vũ biểu phản ánh khả năng kiếm tiền của bà con trong vùng. Họ buồn bã nhớ lại, mới hai, ba năm trước những chuyến xe lướt trên đường rất hay dừng bánh và khách ngồi trên xe hào phóng mở ví mua các thứ hàng của họ như không tiếc tiền. Bây giờ, phần nhiều các chuyến xe đều vun vút lao qua...
“NGƯỜI MOSKVA Ư? BÂY GIỜ HỌ CŨNG PHẢI GOM TỪNG ĐỒNG BẠC LẺ..”  
Tôi tìm tới Chiumarovka, nơi cách Sudogodski không xa. Người dân ở đây chia cuộc sống của họ ra làm hai thời kỳ-trước và sau “cải tổ “. Thời kỳ “trước, làng xóm khá sung túc vì nơi này có một nhà máy sản xuất bột từ xương động vật. Người dân có việc làm. Có nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhiều ngôi nhà hai tầng mới xây cất. Thời kỳ “sau”, nhà máy bán cho các ông chủ mới, công việc ít dần đi ; trường học, vườn trẻ đóng cửa, bệnh viện biến thành nhà dưỡng lão. Đau bệnh thì chở tới Andreevo- mà nơi này từ lâu cũng không còn khoa nội. Tất cả trông chờ vào lũ con gái năm nay sẽ tốt nghiệp trường trung cấp y tế của tỉnh và hứa nhất định sẽ trở về làm việc ở quê hương. Nhưng mòn mỏi trông tới ngày đó, nếu những đứa con gái kia không thích làm việc ở nơi chôn rau cắt rốn thì sao?   
Còn các câu lạc bộ trong làng ư ?  Vào tối thứ bẩy cũng có những buổi discotek (vé người lớn 50 rúp, trẻ em 25 rúp ). Dù sao thì Câu lạc bộ vẫn mở cửa ! Tuy chung quanh việc mở cửa này cũng diễn ra khối chuyện. Ví như, cách đây chưa lâu, Câu lạc bộ tổ chức một lớp nhẩy hiện đại cuốn hút được các chàng trai, cô gái làng. Nhưng lập tức các quan chức “ bề trên “ hất tuột đi ngay chỉ vì ở câu lạc bộ không có toa-lét !
-Câu lạc bộ không có toa-let sao? Điều này không bình thường, đám thanh niên chưa học múa hiện đại cũng chưa chết đâu !-Đám quan chức nói vậy.
- Không nhẩy thì lại đi buôn hàng- tôi trêu đùa đám trẻ.
Một bà trung niên đứng bên nói chen ngang:
-Cứ ngó số xe thì nhận ra ngay là dân thủ đô. Trông cậy vào khách mua Moskva ư? Bây giờ họ cũng biết chắt bóp từng đồng bạc lẻ rồi !
MUỐN SƯỞI ẤM SAO?  10 NGÀN RÚP !
Dễ đến 2 phút người đàn ông mua hàng kiên nhẫn nài nỉ đòi hạ giá. Và khi một sô nấm mào gà từ 450 rúp mua được với 400 rúp, nom anh ta hỉ hả, sung sướng ra mặt. Trong khi đó chị vợ anh ta đứng bên xe đang gọi di động mua vé xem vở diễn mới của một đạo diễn “đang ăn khách” . Giá một chiếc vé lên tới 5000 ngàn rúp.
Những người nông dân ngón tay thâm đen vì hái nấm đưa mắt nhìn nhau. Hình như đã có một nước Nga khác mỗi ngày lướt qua trên khúc xa lộ này. Làm sao mà hiểu nổi quy luật vận hành của cuộc sống đây  ?
-Họ coi chúng tôi là lũ nhà quê. Cũng chẳng sao! Một bà bán nấm nói giận dỗi- Có ra đứng đường mà cuộc sống dễ hơn hơn bọn tôi cũng chấp nhận- Ở làng bên kia kìa, mùa đông muốn có hơi nước sưởi ấm mỗi tháng phải trả 10 ngàn rúp. Nếu không đi vào rừng hái nấm cả làng sẽ chết cóng trong mùa đông mất thôi !
- Bao nhiêu, bao nhiêu cơ? – người vừa mua nấm mào gà thò đầu ra khỏi cửa xe hỏi lại? Khi nghe rõ con số 10 ngàn kia, anh ta nói ngay-Ở Moskva chúng tôi chỉ phải chi trả một nửa từng ấy. Sao các bạn không lên Moskva mà sống nhỉ?   
Người bán đọc được tờ thông báo dán trước cửa một cửa hàng như sau : “ Đang kiểm kê. Gom hàng khất nợ được không? “.
-Gì thế này? Chả lẽ họ không còn tiền à ? Mà hàng của bọn mình lại là loại hàng đặc biệt. Để ở nhà ngày một, ngày hai là nẫu thối ra hết !   
Một toàn cảnh nhìn từ trái qua phải: Đám quần áo đã khô nỏ sau khi giặt giăng trên những gốc thông còi cọc đứng hai bên nhánh đường đất. Tít phía trong hiện ra chiếc chòi gác trại giam. Đó là lãnh địa dành cho chị em- tức khu vực đang “ cải huấn” đám gái hư hỏng.
Nơi này, ngoài việc ấy, trên thực tế không có công việc gì khác ...

( Từ báo Nga )