Nhà văn Tô Hoàng nhận định: “Những lời ca từ hoặc chính cái bài thơ trữ tình này phản ánh trung thực, thẳng thắn ý muốn, nhu cầu, khát vọng, hoặc nói phóng to một chút, có thể là lời tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay… Không ám chỉ, không cạnh khỏe, dịu dàng, thân ái mà giải bày những gì đang cuộn lên trong lòng thôi, nhưng cũng cháy bỏng khát khao muốn mở mắt nhìn xa để tránh vấp ngã…”




“ĐỂ MỊ NÓI CHO MÀ NGHE”:  LỜI MỘT BÀI CA HAY LÀ MỘT BÀI THƠ TRỮ TÌNH THỨ THIỆT?

TÔ HOÀNG 

 Cũng không cần phải chú giải, đấy là cô Mị đang ngồi ủ dột tại căn nhà Thống lý Pá Tra trong truyện “Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài như ở clip ca nhạc của nữ diễn viên điện ảnh kiêm ca sỹ xinh đẹp Hoàng Thùy Linh. Cũng không cần phải xem bài hát này được trình diễn với giai điệu tuyệt vời mang âm hưởng dân ca Tây Bắc, cùng vũ điệu cũng tuyệt vời luôn trong đêm trao giải Award VTV 2019. Lại cũng không cần nữa, những ghi chú “chorus”, “rap trong bài hát… Tôi lấy giấy bút ra, ghi lời ca của bài hát này..
Để Mị nói cho mà nghe
Tâm hồn này chẳng để lặng lẽ

Mị, hiển nhiên không thể là tên các cô gái vùng lúa phía Bắc, phía Nam. Và câu hát đầu tiên thốt ngay ra cửa miệng tuyệt nhiên không phải là một khẩn cẩu, một yêu sách hay một mệnh lệnh mà là điều gì đó chân thành, mộc mạc, có phần nũng nịu tự đáy lòng của một cô gái vùng cao Tây Bắc, còn trẻ..
Tiếp:
Thương cha xót mẹ
Thôi thì mặc phận đời mình chơi vơi…
Hai câu này buộc chúng ta lại hiểu thêm rằng Mị không còn ở tuổi hồn nhiên, Mị đã bước vào tuổi phải chọn lựa, phải quyết định rồi. Và dù nghĩ tới cha, tới mẹ Mị cũng sẵn sàng chấp nhận vị đắng đót của cuộc đời.
Cứ nghĩ rằng sẽ xảy ra một hoàn cảnh, một bi kịch trong thời hiện đại của một cuộc sống còn phải nỗ lực, gắng gỏi nhiều hơn nữa trong vá víu “xóa đói giảm nghèo”, của  việc kết hôn cận huyết đẻ ra những đứa trẻ tật nguyền hoặc tệ nạn rủ rê chị em nhẹ dạ bán qua biên giới. Nhưng may sao, may sao..
Này đây:
Hoa ban trắng nở đầy con bản nọ
Hương sắc còn chưa phai…
Này đây:
Hoa ban trắng trên nương chớm nở
Đẹp như tâm hồn em còn ngây thơ 
Này đây:
Mùa xuân này, Mị muốn xúng xính trong váy hoa…
Nghĩa là không có kể khổ, không than trách phận số. Giản dị ra, Mị chỉ muốn vùng bứt tất cả để vọt khỏi nhà hòa vào không khí hội hè ngoài kia. Vì sao?
Hết năm nay Mị vẫn còn trẻ
Nên Mị cũng muốn đi chơi…
Cụ thể, nồng nàn hơn thế nữa, còn là vì :
Em làm gì đã có người yêu
Em còn đang sợ ế đây này
Và vẫn là giọng điệu giãi bày thêm một sự  nuối tiếc:
Em không bắt quả pao rơi rồi
Tiếc không một đời đơn côi
Rồi bỗng như bắt gặp một Mị khác, cảm nhận được, hiểu được tất cả cái “ quy luật muôn đời “, cô gái phấp phỏng, lo âu vì ngày mai, ngày kia. Nên Mị muốn đi chơi, Mị muốn chạy vội tới với hội hè, với mùa xuân để chiếm lấy những phần trăm niềm vui, hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Vì:
Đời mình đâu có mấy vui cớ sao lại buồn
Biết ngày mai trắng đen hay tròn vuông.

Cùng nghe bài hát, cùng đọc ca từ có nhà phê bình trẻ đã nói: Không có gì là mới đâu! Cái chủ đề “ ăn sống nuốt tươi “ này văn chương nghệ thuật đã nói từ lâu rồi. Riêng tôi vẫn thấy mới, bởi một lẽ: Nếu không phải cô Mị thì cha mẹ cô gái, ông bà cô đã từng bị ăn phải bùa mê thuốc lú, để mãi mãi rướn cổ trông đợi cái tương lai, cái ngày mai không bao giờ tới hoặc không có thật...

Chợt nghĩ, những lời ca từ hoặc chính cái bài thơ trữ tình này phản ánh trung thực, thẳng thắn ý muốn, nhu cầu, khát vọng, hoặc nói phóng to một chút, có thể là lời tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay… Không ám chỉ, không cạnh khỏe, dịu dàng, thân ái mà giải bày những gì đang cuộn lên trong lòng thôi, nhưng cũng cháy bỏng khát khao muốn mở mắt nhìn xa để tránh vấp ngã:
Mùa xuân này, Mị muốn xúng xính trong váy hoa
Không đi làm sao biết ngoài kia một mai là sương hay nắng tỏa
Và rất bản lĩnh, rất quyết liệt, rất tỉnh táo:
Cơ hội này Mị sẽ nắm lấy, Mị chẳng cần một ai dắt tay
Và hết hôm nay, Mị sẽ chuồn khỏi nơi đây!

Người viết những dòng này là dân ngoại đạo về thơ. Nhưng quả là tôi đã ngán tới tận cổ thứ thơ phú quẩn quanh những uất ức, hằn học, lặp lại thứ thơ “hô hào, khẩu hiệu” vài chục năm trước, được viết ra bằng máy vi tính, cũng “xuất bảnngay bằng máy in đặt cạnh tầm tay, trong một gian phòng máy lạnh chạy êm ru, tủ lạnh đầy ắp quả trái. Tôi cũng ngán ngấy cả thứ thơ phú tỏ ra hiện đại, tân kỳ với cung cách tõa ra trang giấy những con chữ rồi nhón tay xếp đặt chúng ngược xuôi, ngang dọc cạnh nhau mong tạo ra hiệu quả, như trong trò chơi logo của trẻ nhỏ.

Nhà kinh điển nào đó đã nói: “Cứ đập vào trái tim mình, thơ từ đó vọt ra”… Tôi tự hỏi, lời của bài hát này có thể coi là một bài thơ, có thể còn là một bài thơ trữ tình được không?
Xin chép hầu quý bạn cả bài:

ĐỂ MỊ NÓI CHO MÀ NGHE
Để Mị nói cho mà nghe
Tâm hồn này chẳng để lặng lẽ
Thương cha xót mẹ
Thôi thì mặc phận đời mình chơi vơi

Để Mị nói cho mà nghe
Hết năm nay Mị vẫn còn trẻ
Xuân đương tới rồi
Nên Mị cũng muốn đi chơi

Này là mình đi theo giấc mơ sớm mai gọi mời
Nơi vòng tay ấm êm chẳng rời
Hoa ban trắng nở đầy con bản nọ
Hương sắc còn chưa phai

Đời mình đâu có mấy vui cớ sao lại buồn
Biết ngày mai trắng đen hay tròn vuông
Em không bắt quả pao rơi rồi
Tiếc không một đời đơn côi

Mị còn trẻ còn muốn đi chơi
 Thanh xuân sao lại phải nghỉ ngơi
Hoa ban trắng trên nương chớm nở
Đẹp như tâm hồn em còn ngây thơ

Em làm gì đã có người yêu
Em còn đang sợ ế đây này
Vậy tại sao quả pao không nắm trên tay
Để bao trai làng chìm đắm trong mê say

Mùa xuân này, Mị muốn xúng xính trong vày hoa
Không đi làm sao biết ngoài kia một mai là sương hay nắng tỏa
Cơ hội này Mị sẽ nắm lấy, chẳng cần một ai dắt tay
Và hết hôm nay, Mị sẽ chuồn khỏi nơi đây!