Với một dân tộc ưa chuộng thi ca như Việt Nam, thì thơ cũng là một phương tiện để phô diễn tiếng cười. Và trong thể loại thơ trào phúng, có một dòng chảy chuyên trị… tiêu cực. Theo thói quen mũ cao áo rộng trang nghiêm, nhiều nhà nghiên cứu đã vô tình xếp thơ chống tiêu cực vào hàng… chiếu dưới, dù giá trị đích thực của nó không thể nào phủ nhận.




DÙNG THƠ TRÀO PHÚNG ĐỂ CHỐNG TIÊU CỰC

LÊ THIẾU NHƠN


Xen canh giữa thơ trữ tình, vài nhà thơ cũng vun trồng thêm vài tác phẩm trào phúng. Thậm chí, chất trào phúng đôi khi trưng trổ giữa những vần điệu nhịp nhàng yêu đường. Tuy nhiên, những tác giả suốt đời theo đuổi thơ trào phúng và thành công với thơ trào phúng, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976) có tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Ông lấy bút danh Tú Mỡ đã là một thái độ hài hước, để đối trọng với Tú Xương (1870-1907). Trong thơ Tú Mỡ có đôi lần cũng mô phỏng giọng điệu Tú Xương, như: “Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết/ Công tâm, công ích, lời tâm huyết/ Phen này mở hiệu viết văn thuê/ Dẫu chẳng làm giàu cũng đỡ kiết”. Bài thơ chống tiêu cực tiêu biểu nhất của Tú Mỡ là “Các ông nghị đi xem đồn điền di dân” với sự mỉa mai: “Đi xem công cuộc di dân/ Hẳn nhìn mọi sự bội phần lớn to/ Khi về nhớ… bữa say no/ Ghi lòng tạc dạ tái bò chả dê”.

Cũng có tinh thần như Tú Mỡ, nhà thơ Xích Điểu (Nguyễn Văn Tước, 1910-2003) suốt đời chỉ dùng ngòi bút để đả kích những điều hư tật xấy gây hại cho nhân gian. Tập thơ “Cướp cũ, cướp mới” của Xích Điểu đáng được xưng tựng là tác phẩm xuất sắc trong nền thi ca chống tiêu cực. Xích Điểu mạnh dạn “Chống tiêu cực làng ta” vào năm 1986: “Tưởng đâu thuở trước bọn văn nô/ Rơi rớt thời nay vẫn sót lò/ Anh bảo bút đây vì tập thể/ Thật ra bút bợ cá nhân to/ Bút bic anh xài đỏ đỏ đen/ Tô màu thành tích nỏ cần xem/ Chỉ cần đối tượng anh tâng bốc/ Luôn nhớ anh bằng những tiếng khen…”
Từ năm 1988, Xích Điểu đã nhìn ra… lợi ích nhóm, nên ông có bài thơ “Nhắm thẳng ô dù mà đánh” rất đanh thép: "Hãy nhắm thẳng ô dù mà chích/ Khẩu hiệu xưa đổi lệch ba từ/ Bởi nay tiêu cực dường như/ Giặc ngoài xâm lấn phá hư lòng người/ Vốn gia trưởng lại ngồi cao thế/ Thích bao che mấy kẻ cận thần/ Để rồi ban phước, tri ân/ Một lời phán gọn, chẳng cần đúng sai/ Một chữ ngoáy hơn bài chiếu chỉ/ Dưới gườm trên triệt để tuân theo…/ Xảy sự cố gian tình đổ bể/ Trước mắt tinh tập thể soi vào/ Tránh nguy giở ngón nhảy rào/ Tức thì chạy núp bóng cao ô dù…/ Gọi ông chức trách riêng bàn/ Chớ vì khe khắt chẳng màng công lao/ Hãy chú trọng đề cao ưu điểm/ Không "giáo điều" theo quyển luật chung/ Cốt sao êm ấm ngoài trong/ Xử theo nội bộ mà không gây phiền/ Ra quyết định hất lên một cấp/ Tuy có hơn nhưng khuất mắt người/ Vậy là vẹn cả đôi nơi/ Cơ quan cũng ổn, miệng đời cũng yên".

Kế tục chí hướng của tiền bối, nhà thơ Dương Huy (tên thật Phan Duy Hương, sinh năm 1939 tại Nghệ An, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam) cũng miệt mài dùng thi ca đối đầu với tiêu cực. Dương Huy phát hiện: “Lẳng lặng mà nghe họ phê bình/ Xuề xòa, nịnh bợ kiểu em- anh/ Giống như đôi lứa ngồi tâm sự/ Đâu phải luyện rèn với đấu tranh”, nên ông truy vấn “Khuyết điểm lang thang” vì lẽ gì: “Khuyết điểm chạy nháo chạy nhào/ Gõ cửa ông nào cũng bị tống ra/ Đầu tiên tìm đến ông A/ Ông A trợn mắt: Mày là đứa mô/ Ông Ba ngoắc kính cận vô/ Tao làm gì có thứ dơ như mày/ Ông C đóng sập cửa ngay/ Ông D khôn khéo chỉ tay lên trời…/ Khuyết điểm tìm ngược tìm xuôi/ Cuối cùng đành chịu sống đời lang thang”.

Thơ trào phúng là một bộ phận không thể tách rời của văn chương Việt Nam. Lấy tiếng cười để chống tiêu cực cũng đã xác lập nhiều tác giả đáng trân trọng./.