Đề tài “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” quá rộng lớn và quá mơ hồ, không thể thuyết phục về ranh giới giữa lịch sử và huyền sử. Chưa biết phù điêu có kích cầu du lịch hay không, nhưng phải chi ra một khoản tiền lớn như vậy mà còn tác động tiêu cự đến hình dạng vốn có của phong cảnh là không nên. Ai dám nói, phù điêu tốn kém có thể thay thế vẻ đẹp hiện hữu của núi Bà Hỏa?



Một tác phẩm phù điêu có tên gọi “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” dự kiến được thực hiện tại thành phố Qui Nhơn - Bình Định, khiến dư luận xôn xao. Trước hết, về kinh phí, dự án này sẽ phải chi ra 86 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách là 35 tỷ đồng, và nguồn xã hội hóa là 51 tỷ đồng. Tiếp theo, tính khả thi của một công trình nghệ thuật, cũng khiến nhiều người lo ngại.

Theo phác thảo sơ khai, phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộccó tổng chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m và hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ khoảng 3.000m2. Vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa nằm dọc ngã năm đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm thành phố Quy Nhơn, hướng nhìn ra cầu Thị Nại và Khu kinh tế Nhơn Hội theo hướng đông bắc.

Kỹ thuật tạo hình của phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” được khắc họa gồm 3 lớp. Lớp thứ nhất ở trung tâm phù điêu là hình tượng cha Rồng- Lạc Long Quân và mẹ Tiên - Âu Cơ cùng khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Lớp thứ hai phân bổ xung quanh hai nhân vật chính, là 18 nhân vật nam tượng trưng 18 đời Hùng Vương. Lớp thứ ba nằm phía dưới  đại diện 54 dân tộc Việt Nam cùng nắm chặt tay nhau.

Để làm được phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” đúng như thiết kế bản vẽ, phải đục sâu núi Bà Hỏa khoảng 25 mét để tạo mặt phẳng làm nền tác phẩm. Như vậy, địa hình sinh thái đã bị thay đổi nghiêm trọng. Mặt khác, những người đưa ra ý tưởng lại mong muốn phù điêu sẽ làm điểm nhấn cho một nút giao thông thì thật đáng quan ngại. Bởi lẽ, một công trình mỹ thuật, khi đặt ở một giao lộ sẽ gây cản trở cho nhu cầu thăm viếng và thưởng ngoạn của công chúng.

Không ai phủ nhận giá trị của một công trình mỹ thuật đối với không gian đô thị. Tuy nhiên, hai yếu tố phải cân nhắc cho kỹ lưỡng, đó là tính biểu tượng của tác phẩm và giá trị tồn tại của tác phẩm. Đề tài “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” quá rộng lớn và quá mơ hồ, không thể thuyết phục về ranh giới giữa lịch sử và huyền sử. Chưa biết phù điêu có kích cầu du lịch hay không, nhưng phải chi ra một khoản tiền lớn như vậy mà còn tác động tiêu cự đến hình dạng vốn có của phong cảnh là không nên. Ai dám nói, phù điêu tốn kém có thể thay thế vẻ đẹp hiện hữu của núi Bà Hỏa?

Công trình nghệ thuật hoành tráng không phải chưa từng xuất hiện ở địa phương. Tỉnh Bình Định muốn làm, cần tham khảo tượng đài Mẹ Thứ (ảnh) mà tỉnh Quảng Nam từng xây dựng tại thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ!

                          TUY HÒA