Cuốn sách đã kết nối những giá trị, giữa hữu hình và vô hình. Sự đan xen giữa các góc nhìn của người Việt và người Pháp về cùng một sự vật, hiện tượng khiến người đọc liên tục di chuyển giữa những góc nhìn, đề tài như kính vạn hoa...





CHÂN DUNG VIỆT NAM qua Tuần san INDOCHINE

LỤC DIỆP

Câu chuyện bắt đầu từ công viên Tứ Tượng, bên dòng sông Hương, cùng với tiến sĩ Lê Đức Quang và tiến sĩ Trần Đình Hằng, trong buổi ra mắt tác phẩm Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 vừa diễn ra tại Huế. Cuốn sách khắc họa một “chân dung Việt Nam” giai đoạn 1941-1944 thật sống động, ghi chép ở nhiều góc độ, đa dạng lĩnh vực, về cả những giá trị đã bị lãng quên.  

Indochine là tờ báo tiếng Pháp của Hội Alexandre de Rhodes, số đầu tiên ra ngày 12/9/1940. Những tên tuổi tham gia viết bài có nhiều người là thành viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, gồm các cây bút người Pháp lẫn người Việt: L.Malleret, Paul Lévy, Louis Bezacier, Paul Boudet, Nguyễn Văn Huyên, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Tiến Lãng, Đặng Phúc Thông, Trần Văn Giáp…

Dịch giả Lưu Đình Tuân đã tuyển chọn các bài viết ở mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn chương, nghệ thuật. Hầu hết các bài viết trên tuần san Indochine đều được đánh giá cao về chất lượng, hàm lượng tri thức phong phú, được độc giả bấy giờ đặc biệt quan tâm. Với bạn đọc hiện tại, cuốn sách có thể là tài liệu vô cùng hữu ích. Các vấn đề được viết ở hai góc nhìn: của người Pháp và người Việt. Đề tài trải rộng ở khắp ba miền Nam Trung Bắc, được quán chiếu bằng tính khách quan, sự quan sát, ghi chép tỉ mỉ, cùng góc nhìn đa chiều của những cây bút trong và ngoài nước. 

Parmentier - nhà khảo cổ học Đông Dương có bài viết khá đắt giá về “Trung kỳ đầu năm 1944”. Việc đi lại giai đoạn này chủ yếu trên đường cái quan. Có những đoạn đường “đi qua các cánh đồng, bãi cỏ, không có một vết bánh xe” vì người dân chưa biết xe kéo, mọi vận chuyển đều được thực hiện trên lưng người và ngựa. Parmentier vượt qua đèo Hải Vân, đèo Cổ Mã bằng… ngựa và lưu trú trong những ngôi làng heo hút. Mọi thứ đều đơn sơ, thiếu thốn, nhưng theo tác giả: “Khắp nơi, sự vui tươi trên đường nảy sinh từ sự quyến rũ tuyệt vời toát ra khắp Trung kỳ”. Đó là một giai đoạn mà rất nhiều hình ảnh được ghi chép lại, giờ đây đã không còn hoặc hiếm dần đi: trâu cày, tát nước gàu sòng, những chiếc đò ngang, những ngôi nhà gỗ làm “trạm khách”…

Còn bác sĩ Hérivaux, trên Indochine số 166 (số ra ngày 4/11/1943) đã ghi lại cận cảnh về khu nhà lá ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Có lẽ đó sẽ là hình dung khá bất ngờ với người đọc hôm nay, khi biết từng có hơn hai mươi ngàn căn nhà lá tồi tàn, phủ kín trên một trăm năm mươi héc-ta đất, với hàng trăm ngàn con người sinh sống. Dân nghèo được so sánh như một “bầy người” sống bên lề đô thị, trong điều kiện “nằm giữa những ao đầm, không cống rãnh, không nước ngọt, vệ sinh kém, đầy nguy cơ hỏa hoạn…”. Những “khu ổ chuột” như thế từng tồn tại trên khắp các khu vực, nay thuộc quận 4, quận 5, quận 10, quận Bình Thạnh…

Một trong những thông tin thú vị từ I.G.P (Nha Ngư nghiệp, tháng 10/1943) là về nghề nước mắm truyền thống Việt Nam. Các trung tâm sản xuất nước mắm chính ở Đông Dương là Phan Thiết, Mũi Né và Phan Rí (thống kê 35 triệu lít/năm). Cùng với Phú Quốc, Cát Hải, Nam Ô… lượng nước mắm ước tính trên 100 triệu lít/năm vẫn không đủ cho nhu cầu tiêu thụ. Với người Pháp, mùi nước mắm là mùi rất khó chịu, không ăn được. Nhưng họ đã ghi chép lại bằng sự chú tâm, góc nhìn khách quan và đặc biệt tôn trọng văn hóa ẩm thực của “xứ An Nam”.

“Cuốn sách đã kết nối những giá trị, giữa hữu hình và vô hình. Sự đan xen giữa các góc nhìn của người Việt và người Pháp về cùng một sự vật, hiện tượng khiến người đọc liên tục di chuyển giữa những góc nhìn, đề tài như kính vạn hoa. Các bài viết nằm trong một bối cảnh lịch sử nhất định, độc giả khi đọc hãy đặt mình vào bối cảnh ấy. Tôi tin, tác phẩm này sẽ cho người trẻ nhìn lại chân dung Việt Nam của một giai đoạn, nhìn lại đời sống của ông bà ta ngày xưa một cách sống động” - tiến sĩ Lê Đức Quang bày tỏ.

Từ một bức tranh, một vở diễn, cánh buồm hay bia đá đều có thể là giá trị, làm nên những câu chuyện hay cho đời sau. Những bài viết trên tuần san Indochine, nói theo tiến sĩ - nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, là bổ sung thêm các tài liệu nghiên cứu hết sức hữu ích về xứ Đàng Trong nói riêng và Việt Nam nói chung. Các tác giả có thể là nhà nghiên cứu, học giả nhưng cũng có thể là nhà khảo cổ, bác sĩ. Họ tham gia bàn luận các vấn đề của đời sống, những giá trị văn hóa không chỉ bằng góc nhìn báo chí, mà ở cả những góc độ kinh tế học, xã hội học, từ cái tôi cá nhân.

Từ Tục nhuộm răng đen ở Đông Á và Đông Dương, Vấn đề trường học trong vùng người Thượng, Học trò trong xã hội An Nam cũ, Tục đa thê, Thuật phong thủy đến những ghi chép từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đà Lạt… Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể lẫn phong tục, tập quán của người Việt ở khắp mọi miền đất nước. Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 quả thật cung cấp cho người đọc một lượng tri thức đa diện, hàm chứa cả những giá trị đã mất.

“Indochine đáp ứng được nhiều tầng lớp độc giả, hàn lâm cũng như bình dân. Những người Pháp viết cho Indochine là những người sống muộn hơn và lâu hơn ở Đông Dương vào lúc văn hóa Pháp - Việt đã giao thoa với nhau nhiều hơn. Cho tới hôm nay, nhiều tác giả đã ra đi. Tôi rất cảm ơn họ vì đã cho tôi thấy một đất nước Việt Nam xinh đẹp, văn hiến và có truyền thống. Tôi tiếc vì đã không dịch Indochine sớm hơn” - dịch giả Lưu Đình Tuân tâm sự. Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 là tác phẩm nằm trong Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt của Công ty sách Omega Plus (nhà xuất bản Thế giới ấn hành). 



Nguồn: Phụ Nữ TPHCM