Nhà văn Vũ Hạnh nhận định: “Rõ ràng là những con người ưu tú, anh hùng của xã hội ta như đang chìm khuất, như bị tràn ngập và rút vào trong bóng tối cả rồi. Ở nơi bình diện hàng đầu của các trang báo, của những miệng người, của những mở đề gặp gỡ là các khuôn mặt quái dị trồi lên từ một dĩ vãng nặng nề, là những hình nộm cũ rích đã được tân trang, là sự múa may quay cuồng của một loại hề bịp bợm. Bất chấp cả sự nghèo khổ đang làm đất nước suy mòn, bọn chúng luôn thấy khề khà trong các tiệc nhậu liên hoan, trong các bữa cơm chiêu đãi, nhân danh đủ loại để che đậy những ham muốn hèn mọn là sự thèm khát no say, hưởng lạc riêng tư.



RA NGÕ GẶP NHỮNG AI?

VŨ HẠNH

Trước đây không có người nào từng hỏi như thế với ông. Trần Quang – một trong những bút danh của nhà lãnh đạo Trần Bạch Đằng – nhưng trong một bài tùy bút nổi tiếng của mình ông đã trả lời: Ra đầu ngõ, gặp anh hùng.
Thời kỳ anh hùng nhộn nhịp có thể bắt gặp từ ngoài đầu ngõ, cách đây chẳng mấy xa xôi. Gần 50 năm về trước, trong khoảng thời gian nối liền một mạch suốt 30 năm, đất nước chúng ta đã là môi trường kỳ diệu nảy sinh đủ loại anh hùng. Dẫu rằng hào kiệt – nói như Nguyễn Trãi – “thời nào cũng có”, nhưng chưa thời nào ở trong lịch sử chúng ta có sự nở rộ anh hùng như vậy. Những người rất ưu tú đó liên tục là sự kết tinh trong sự chiến đấu kiên trì, oanh liệt và đầy trí tuệ trên cái mảnh đất của một dân tộc đã từng ngàn đời bất khuất, mặc dầu trải qua trăm đắng ngàn cay.
Gần 100 năm sống trong vũng lầy ô nhục mà bọn thực dân đã coi sinh mạng chúng ta “như cỏ, như rơm”, đày đọa thân phận chúng ta “như trâu, như chó”, bỗng một buổi sáng mùa thu toàn dân đã được vực dậy như một phép màu, thấy thân phận mình từ lâu cơ hồ vùi dập tơi bời nay được vẹn toàn hồi phục, và ý thức được hơn là bao giờ – sức nặng của dân tộc mình cũng như vai trò của nó ở trong tiến trình nhân loại. Con người cứ thế lao về phía trước, vượt mọi chông gai, nhìn thấy cái chết nhẹ hơn lông hồng vì biết sinh mạng của mình quí giá cần đem đánh đổi cho một cái gì cao cả ngàn lần. Những con người tuyệt diệu ấy không hề mưu toan tìm kiếm các thứ danh hiệu anh hùng, cho đến khi ánh hào quang của những huân chương cao quí chợt sáng lấp lánh trên lồng ngực họ đang còn nhịp thở, hay trên linh sàng, hoặc trên bài vị, và cũng có thể hoàn toàn là trong tưởng niệm của điều “Tổ quốc ghi công” bởi thể phách họ đã bị tan chìm mất dấu ở trong chiến trận phũ phàng, chỉ còn đọng lại tinh anh ở giữa lòng người. Cả một thời khoảng lịch sử đầy niềm say mê và sôi động ấy là một bầu trời vĩ đại mà những con người tuyệt diệu như thế là những vì sao lấp lánh rọi chiếu ánh sáng trên những cuộc đời đồng bào, đồng loại khởi động từ trong vô thức âm u của họ những niềm rung động xốn xang về một ngày mai của sự ước mơ. Nhiều thế hệ trẻ đã từng nối tiếp đứng lên, muốn được đồng hóa với những cuộc đời đầy khí phách ấy, và từ sự hòa nhịp ấy đã tự sáng tạo ra nhiều hình tượng mới mẻ của một chủ nghĩa anh hùng, góp phần khẳng định giá trị của người Việt Nam, và bồi đắp vào di sản quí báu là niềm tự hào chính đáng của dân tộc mình.
Và ra đầu ngõ, bấy giờ, để gặp anh hùng là một cách nói đầy lòng khiêm tốn, bởi lẽ người ta có thể tìm gặp anh hùng ngay trong nhà mình, nếu không muốn nói là ở nơi mình. Điều thật quí giá của thời khoảng đó không chỉ là sự phát xuất được những anh hùng trên khắp mọi ngành sinh hoạt của một cuộc sống hừng hực tiến công, mà còn ở chỗ anh hùng đã rời khỏi được những chốn đền đài thiêng liêng để thành một thứ giá trị quen thuộc, kể như thường nhật. Rút ngắn tối đa khoảng cách giữa những anh hùng và những người thường, đó là đặc điểm lớn lao của một quá trình lịch sử rất đỗi phi thường.
Nhưng gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Có những chuyển biến ở trong xã hội, và điều quan trọng là trong lòng người. Sau những bể dâu như thế nhiều người lại muốn tìm xem những ai nhộn nhịp ở nơi đầu ngõ nhà mình. Nếu trước kia câu trả lời là sự khẳng định bình thường, hiển nhiên như một chân lý sáng tỏ, ngày nay là một nghi vấn giữa lòng khắc khoải.
Rõ ràng là chúng ta không tìm gặp được những anh hùng. Không phải nòi giống anh hùng đã bị tuyệt diệt và cũng không phải là dân tộc này hết đi bao nhiêu khuôn mặt phi thường. Dẫu rằng một số không ít những con người ấy đã phải gởi mình trong lòng đất mẹ, chỉ còn bút mực kể lại với chúng ta đây những gì tóm lược về sự tích họ trên trang truyền thống lặng lờ, nhưng còn biết bao anh hùng vẫn đang tồn tại, và đang trăn trở trước cuộc sống này. Dĩ nhiên, cống hiến thời bình không giống với thời lửa đạn, nhưng cuộc sống vẫn không ngừng sáng tạo những khuôn mặt mới rỡ ràng, những người mẫu mực, ưu tú, và những anh hùng hôm nay.
Thế nhưng, tất cả những con người ấy không còn hiện diện trong lớp hàng đầu để cho mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy. Bụi mờ ở trên đường phố ngựa xe rộn rịp đã che khuất họ hay chăng? Hoặc là men rượu ngà ngật thường xuyên đã làm quáng mắt người nhìn? Cũng có thể là tâm não chúng ta đã bị khuấy rộn triền miên về nỗi cơm – áo – gạo – tiền, về một ghế ngồi chông chênh, về một thời cơ nắm hụt, về những mưu toan và những đua đòi, đến không còn gì khác hơn, ngoài cái thế giới chính mình?
Có thể như thế, có thể là do cái nhìn chúng ta đã không còn được tinh anh như một thuở nào. Nhưng cũng không chỉ có thế, bởi tấm gương sáng của những nhân cách tuyệt vời có thể xuyên thủng được bóng đêm dày để mà tỏa chiếu vào tâm hồn người, có thể băng vượt khoảng cách ngàn trùng vời vợi để mà bắt lấy làn sóng cùng chung tần số. Rõ ràng là những con người ưu tú, anh hùng của xã hội ta như đang chìm khuất, như bị tràn ngập và rút vào trong bóng tối cả rồi. Ở nơi bình diện hàng đầu của các trang báo, của những miệng người, của những mở đề gặp gỡ là các khuôn mặt quái dị trồi lên từ một dĩ vãng nặng nề, là những hình nộm cũ rích đã được tân trang, là sự múa may quay cuồng của một loại hề bịp bợm. Bất chấp cả sự nghèo khổ đang làm đất nước suy mòn, bọn chúng luôn thấy khề khà trong các tiệc nhậu liên hoan, trong các bữa cơm chiêu đãi, nhân danh đủ loại để che đậy những ham muốn hèn mọn là sự thèm khát no say, hưởng lạc riêng tư. Với sự dạn dày sần sượng chúng đã tận lực khai thác tất cả khe hở của một cơ cấu xã hội đang cần chỉnh đốn để mà bòn rút của công, vốn là mồ hôi, máu tủy của những quần chúng cần cù. Bên cạnh những người công nhân tận tụy và những cán bộ ưu tú ngập lụt trong những công vụ bộn bề, bọn chúng khua vang ly chén, bia lon, nước hộp, để khỏi nghe lời thầm trách yếu ớt từ một lương tâm mỏi mòn và cả những lời miệt thị từ những con người còn giữ lương tri. Chúng đã leo thang từ những việc làm vụng trộm, riêng lẻ, thành những tổ chức buôn lậu qui mô, cấp tập trong “cuộc đổ xô tìm vàng”, bất chấp luật pháp, khinh thường công luận, kể cả vơ vét các thứ tài nguyên đất nước đổi lấy hàng xa xí phẩm từ ngoài, nếu không mang đồ phế thải đem về nội địa… Những bọn mánh mung đủ loại, mang nhiều danh hiệu khác nhau đang là quốc nạn và những song sắt Chí Hòa chỉ mới tạm thời ngăn cách được một thiểu số lộ liễu ra khỏi cuộc đời thường nhật, như chúng đã từng ngăn cách trách nhiệm đã được giao phó với những ý đồ tư lợi. Bọn chúng không cần nghĩ rằng những tiệc rượu xoàng của mình có thể nuôi sống cả năm được một gia đình liệt sĩ đang cơn nghèo ngặt, và những tham ô, lãng phí của chúng là một trong các nguyên nhân đẩy các em bé phải đi lê lết xin ăn dọc các phố phường, đưa các phụ nữ hiền lương vào cảnh buôn son bán phấn, nêu những tấm gương băng hoại làm cho giới trẻ nản lòng, nếu không dẫn dụ chúng vào chụp giựt, đua đòi, từ đó đi vào tội ác.
Chúng ta được biết nhiều dân tộc giàu trên thế giới này đều sống tiết kiệm, và trừ những ngày lễ lạc, còn thì họ vẫn ăn mặc xoàng xĩnh, giản dị chừng nào. Một nhà tạo mốt nổi tiếng vào loại hàng đầu của Pháp, Yves Saint Laurent, cách đây không lâu đã tuyên bố rằng: “Chạy theo thời trang là thiếu nhân cách”, bởi vì làm đẹp và đuổi theo mốt là những sự kiện hết sức khác nhau. Ngay đến ăn uống, những nước giàu có trên thế giới dù thết đãi cũng không phung phí theo kiểu cung đình ngày xưa. Nhiều bữa tiệc lớn dành cho đại biểu của những quốc gia họp mặt – như các quốc gia Tây Thái Bình Dương đã qua ở tại Malaysia – cũng chỉ gồm trong ba món bình thường, không phải là vì thiếu thốn hay vì dè sẻn, nhưng vì người ta không phải ăn để mà… chết. Tất cả những bản tổng kết từ cổ chí kim, kể từ thống kê của hai sử gia cổ đại là Pline và Suétone ở vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên cho đến những bản thống kê mới đây, ở trên nhiều nước đều thống nhất rằng tỉ lệ những kẻ giàu có sống lâu rất thấp, và một trong những nguyên nhân chính yếu là vì ăn uống dư thừa.
Một số có lẽ đã lầm khi gán mọi điều xa xỉ hay sự cửa quyền cho lớp vua quan. Nhiều người hẳn đã nghe biết hoàng đế Na Uy, là Haakon Đệ Thất, ở vào thời đại gần gũi chúng ta đã sống giản dị thế nào. Thường di chuyển trong thủ đô Oslo, hoàng đế vẫn thích đi chân hơn là đi xe, hoặc họa hoằn lắm mới có dẫn theo một người hầu cận. Rất mê điện ảnh, những lần xem phim người đều ăn vận quân phục, chỉ vì các rạp ở đây đã có qui định giảm bớt 50% giá vé cho những quân nhân. Những lúc cần đi nhanh hơn trong thủ đô mình, người vẫn sử dụng các xe công cộng. Một lần có người phụ nữ nước ngoài đi du lịch đến Oslo, ở trên tàu điện định xuống một ga thì thấy một người đàn ông đứng tuổi tiến đến, xin phụ giúp bà xách hộ va li quá nặng. Người đàn bà đã cám ơn, và nói:
- Thưa ông, hình như tôi đã được gặp ông ở đâu rồi.
Người đàn ông ấy nhã nhặn trả lời:
- Chắc bà nhìn thấy ảnh tôi ở nơi nào đó đấy thôi. Vì tôi là vua, ở đây.
Nhà vua đã lãnh đạo dân tộc mình chống Đức Quốc xã xâm lược rất là kiên cường, thường xuyên cải trang trà trộn ở trong dân chúng và được mọi người tận tình bảo vệ. Báo chí thế giới có ghi lại rằng, dầu bấy giờ đã 68 tuổi nhưng không bao giờ nhà vua chấp nhận ăn uống hay chỗ nghỉ ngơi khác với dân thường.
Chúng ta quen nhìn các vua theo những tuồng cổ hoặc theo những quyển tiểu thuyết vẽ vời. Có thể ta quen nhìn vua ở những thời đại thịnh trị sau này, hoặc lúc suy đồi, nhưng các vị vua – như của Việt Nam – ở vào buổi đầu đều sống vô cùng giản dị. Một bản tường trình của đoàn sứ giả Trung Quốc, từ thời nhà Tống, đi sang Việt Nam vẫn còn giữ trong thư khố Bắc Kinh, đã ghi chép lại chuyến đi và những điều được tai nghe mắt thấy. Ta biết nhà vua Lê Hoàn thường đi… chân đất, và các cung điện chỉ là những dãy nhà… tranh. Khác hẳn những vị vua trước, Lê Hoàn đã không quì xuống để nhận chiếu chỉ “thiên triều”. Báo cáo ghi rằng: “Hoàn chỉ đứng thẳng, lim dim đôi mắt, đưa tay nhận lấy thánh chỉ và nói thác rằng: “Năm ngoài đi đánh giặc Mán ngã ngựa, đau chân, không thể quì được”. Đi chân đất, ở nhà tranh nhưng đầy tư thế cao sang của niềm tự hào dân tộc.
Chắc làm vua như Lê Hoàn, Haakon, thì không mấy người ở trong các vị chuyên nghề mánh mung ham thích lên ngôi. Vì trong bản chất họ chỉ nghĩ đến mỗi điều hưởng thụ mà không cần phải lao động nhọc nhằn, không phải vất vả tính toán, nghĩa là đi tắt bằng những thủ đoạn chụp giựt bất lương. Tất cả đầu mối trong động cơ ấy là sự khinh thường lao động, và cũng từ đấy mà sinh lãng phí, xa hoa. Trong quyển tiểu thuyết Lớp trẻ, của Ivanov, có kể câu chuyện anh chàng kỹ sư nông nghiệp Xéc-gây tình nguyện rời bỏ thủ đô và cả người yêu trẻ đẹp để về một miền hẻo lánh làm chủ tịch một nông trường đang bị suy sụp nặng nề. Vì các nghị quyết nông nghiệp địa phương đều quá xa rời thực tế, anh đã làm trái hẳn lại và bị báo cáo cấp trên, vội phái thanh tra về để xem xét. Vốn có thành kiến với các cán bộ cấp trên thường quen đòi hỏi, cửa quyền, nên khi thanh tra về đến nông trường đã quá giờ trưa Xéc-gây bảo rằng không còn gì ăn, và chỉ đưa ra ổ bánh mì lạt. Người thanh tra vui vẻ ngồi ăn bánh một cách thận trọng, ngon lành, và sau khi đã ăn xong còn gom các mẩu bánh vụn rơi vãi trên bàn để cho vào miệng. Theo dõi tất cả những động tác ấy, Xéc-gây tự nhủ: “Đây là một cán bộ mình có thể tin cậy. Ông ta biết quí từng mảnh bánh vụn rơi vãi, nghĩa là biết quí công sức của người lao động. Một người như thế có thể là con người tốt”. Những sự lãng phí, dầu ở lĩnh vực nào, cũng là biểu hiện của sự ngu dốt và sự tàn nhẫn. Điều đó hầu như là một chân lý có tính tuyệt đối.
Những sự lãng phí nhiều mặt trong các sinh hoạt ảnh hưởng nặng nề đến tầng lớp trẻ, gây những tác hại lớn lao, lâu dài. Ngoài sự học đòi ăn xài trong lúc chưa làm ra được bao nhiêu lợi tức – đã là một thứ tai họa di căn – còn những thì giờ quí giá đã bị phung phí trong các tụ điểm cà phê, ca nhạc, bia hơi, trong sự tán nhảm và những kiểu la cà khác. Chúng ta đều phải sốt ruột khi thấy những người còn trẻ vung vãi thứ châu báu ấy mà không mảy may luyến tiếc – bởi châu báu này là cái vốn nhất định cho mỗi cuộc đời và không thể nào có thể thu hồi – đó là thời gian. Nó là điều kiện cốt tử cho sự học tập, trau dồi tay nghề, làm những công tác xã hội… Những người đã từng tiếp xúc nhiều nơi ở trên thế giới đều nhận thấy rằng đa số tay nghề các xứ phát triển được hoàn thiện đến mức tối đa. Để đạt đến hoàn thiện ấy, phải là đầu tư công sức dài ngày, và đầu tư ấy phải được khởi từ tuổi trẻ. Quan niệm có thể làm tốt mọi việc mà không cần sự học tập, nghiên cứu, thao tác dài ngày, là một quan niệm vô cùng nguy hại, chỉ dẫn đến mỗi một điều chắc chắn là sự phá hoại, phá hoại đời mình, phá hoại xã hội.
Lớp trẻ bao giờ cũng tìm mô hình cuộc sống qua những sinh hoạt người lớn và trên cơ sở lý tưởng của lứa tuổi mình có những cảm nghĩ và những phản ứng trước các hành động của người trưởng thượng. Vừa ham thích được bắt chước cũng sẵn sàng chống đối, đó là 2 mặt của bản chất họ. Bắt chước những gì cao đẹp, hấp dẫn, nhưng chống đối lại những gì ngụy trá, bất công, cùng các biểu hiện của thứ đạo đức giả hiệu.
Người lớn, chứ không ai khác, phải chịu trách nhiệm về sự bê bối, bất trị của một lớp trẻ, do những việc làm sai trái đã nêu những tấm gương xấu. Con người không ai có thể tự hào thần thánh, và mối quan hệ dây chuyền từ những tác động qua lại ở trong cuộc sống thật là lớn lao, vì vậy mà những sự kiện tiêu cực hoặc tích cực đều có tính cách lây lan nhất định trong một cộng đồng. Không đợi đến nhà bác học Lavoisier bảo rằng “chẳng có gì tan biến đi…” hay là Hồ Thích với cái luận điểm “vạn vật trường tồn” chúng ta mới biết như ông là một tiếng đàn gảy lên từ sau bức tường vẫn còn vang vọng ở nơi hồn người, tác động đến những cảm nghĩ và những hành động, cứ thế mà có ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều việc khác trong đời, hoặc một người bệnh ho lao vô ý khạc một bãi đờm xuống đất thì các vi trùng ấy sẽ được theo gió bay đi, gieo mãi mầm bệnh cho biết bao người… Không thể chối bỏ được mình và những hành động của mình. Không ai có thể chạy trốn khỏi được công luận, và cả sau khi những tay lừa đảo đã qua đời rồi, con cháu của họ vẫn không tránh khỏi buồn phiền về dĩ vãng đó.
Và ra đầu ngõ ngày nay không còn được gặp anh hùng nhưng ta biết rằng anh hùng vẫn luôn có mặt trên đất nước này, vẫn còn những người tiêu biểu trên mọi trận tuyến, đồng thời không thiếu những người thầm lặng thể hiện thiện ý, thiện tâm. Nhưng phải nhìn nhận là kể từ ngày chấm dứt chiến tranh lửa đạn thì đất nước có quá nhiều lỗ hổng cho những cái xấu lộng hành. Không chỉ những đàn cò người bay lượn khắp các dịch vụ, các bầy gấu đen tín dụng chui rúc khắp nơi, và đủ loại lừa – không phải 4 chân mà chỉ 2 chân – với đủ âm mưu dối gạt dân lành mà nhiều bóng tối từng bị đẩy lùi nay lại xuất hiện với một cường độ không ngừng gia tăng, đó là tham nhũng, cửa quyền, địa phương, bè nhóm, ý tưởng vọng ngoại lố lăng từ trong sử dụng ngôn từ, trong sự rập khuôn các loại trò hề ngoại nhập… Sự chủ quan sau những chiến thắng vĩ đại, sự rã rời sau những chiến trường khốc liệt, cộng với những mặt trái của nền kinh tế thị trường được các thế lực thù địch tận tình khai thác để cho người dân suy giảm niềm tin với chế độ mình.
Nhưng gần đây đất nước đã có những chuyển động tích cực, nhiều bọn tham nhũng đã được lôi ra tòa án, nhiều tấm gương sáng đã được biểu dương và nhiều hoạt động tôn vinh các giá trị tích cực đã được mở rộng, trong đó sự quan tâm lớn về việc học tập và làm theo gương Bác Hồ. Bởi ngoài một anh hùng giải phóng đất nước, một danh nhân văn hóa như quốc tế công nhận, Bác Hồ còn là biểu tượng sáng ngời của nền văn minh dân tộc, và trong mọi mặt đời sống Người luôn là mẫu mực tuyệt vời. Đã có những người được sự tuyên dương vì đã có những thành quả tích cực qua sự học tập và làm theo gương Bác, nhưng lớp người tiêu biểu ấy còn hạn chế. Hẳn cần có sự thuyết giảng sâu rộng và sự tổ chức thích hợp để thế hệ trẻ ngày nay tìm thấy lẽ sống chính đáng, cao đẹp qua cuộc đời Bác, và chỉ có sự hiểu Bác, yêu Bác con người mới thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua mọi gian nguy, vươn lên những giá trị tinh thần cao đẹp. Và ra đầu ngõ, bấy giờ chúng ta sẽ chỉ gặp toàn những người đáng yêu.


Nguồn: Văn Nghệ TPHCM