Dù có đắp lên mình biển bảng, logo, đồng phục thì cuối cùng họ cũng lộ rõ lối ứng xử kém cỏi ngang với một quán bún mắng cháo chửi vỉa hè. Với những người bán hàng thiếu đạo đức, nhân văn và không mảy may quan tâm đến khách hàng, làm sao biết được họ cho chúng ta ăn những gì trong quá trình chế biến. Bởi món ăn chẳng phải là phản ánh cái tâm đức của người đứng bếp, của người đứng đầu thương hiệu hay sao



NHÀ VĂN VIẾT VỀ ẨM THỰC CŨNG KHỐN KHỔ VÌ BÚN MẮNG CHÁO CHỬI

THU CÚC

Là tác giả của hai cuốn sách ẩm thực vòng quanh thế giới đầu tiên của Việt Nam là “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà” và “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” với 106 món ăn trên khắp các châu lục và Việt Nam, nhà văn Di Li là người đam mê ẩm thực và những câu chuyện văn hóa của ẩm thực. Sành ăn và hiếm có quán ăn nổi tiếng nào trên đất Hà Thành không có dấu chân chị, tuy nhiên chị cho biết không bao giờ đặt chân đến những quán ăn được gắn cho mác “Bún mắng, cháo chửi”. Trong cuốn sách “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” sắp phát hành, chị cho rằng khách hàng đã bỏ tiền ra để làm Thượng đế, đã chẳng được như người bình thường thì thôi lại còn phải cắn miếng nhục, nuốt miếng nhục vào bụng khi mà ngồi sượng mặt ra đó nghe người bán chửi rủa thì chắc chỉ duy nhất trên Trái đất mới mỗi đất Hà thành này sở hữu “đặc sản” nhục nhã ấy. Chị viết “Hay là trong các bệnh rối loạn tâm lý có bệnh khổ dâm thì cũng có luôn bệnh khổ thực, nghĩa là thực khách phải vừa ăn vừa được nghe chửi mới thấy sung sướng.”

Tuy nhiên dường như ghét của nào trời trao của nấy. Trưa ngày 12/8/2018, nhà văn Di Li vào tiệm ăn quen là Bún chả Sinh Từ ở số 2 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội. Chị cho biết mình là khách hàng trung thành của Bún chả Sinh Từ trong suốt mấy năm nay vì thấy cũng sạch mắt và hợp khẩu vị. Thậm chí nhà văn còn vui mừng khi món ăn bình dân yêu thích của mình đã được gắn thương hiệu đàng hoàng, nhân viên được mặc đồng phục và bàn ghế thì sạch sẽ. Chị đã từng viết báo khen ngợi Bún chả Sinh Từ và đưa bài viết đó vào bản thảo cuốn sách sắp tới. Nhà văn Di Li gọi hai suất bún chả và trong lúc đợi một người bạn nữa đang đến thì chị ăn tạm vài chiếc bánh tôm. Nhưng khi vừa bắt đầu với món bún chả thì chị phát hiện ra những miếng thịt nướng nổi sẩn lên như thịt lợn gạo. Nổi gai ốc khi nhìn thấy những miếng thịt, và nhân tiện cũng muốn góp ý cho nhà hàng vì chất lượng thịt dường như đã thay đổi trong thời gian gần đây, khi nhà hàng ngày càng đông khách, nhà văn yêu cầu gặp quản lý nhưng các nhân viên cho biết nhà hàng chỉ có nhân viên chứ không có quản lý. Cô nhân viên cũng giật mình khi nhìn thấy những miếng thịt sần sùi và đề nghị… đổi cho chị miếng thịt khác song chị từ chối với lý do các miếng thịt đều được thái ra từ một súc thịt lợn và một con lợn, kể cả những miếng chả băm không biết có gì bên trong kia nữa, đổi miếng khác cũng thế thôi. Và chị cùng bạn rời khỏi quán, không quên thanh toán tiền cho những chiếc bánh tôm đã ăn và không đồng ý trả tiền cho suất bún chả mà chị chưa hề đụng đũa.

Nhà văn Di Li chia sẻ: “Đó là một khoản tiền rất nhỏ và nếu như có quản lý ở đó thì tôi đã thanh toán tiền toàn bộ rồi đứng lên dù không ăn, coi như… tự ái. Đó là cách mà tôi vẫn làm khi gặp những món ăn không hợp vệ sinh hay cảm thấy có vấn đề. Trả tiền và để lại nguyên suất, bỏ mặc khuôn mặt ngơ ngác của người bán hàng. Như thế là họ sẽ tự hiểu, và từ đó mình cạch không bao giờ ăn ở tiệm hàng đó nữa. Nhưng Bún chả Sinh từ là một nhà hàng ưa thích của tôi và tôi mong muốn họ sẽ thay đổi để lần sau tôi tiếp tục quay lại. Tuy nhiên đây chỉ là các cô nhân viên và nếu mình vẫn trả tiền bình thường thì các cô, những người chỉ đi làm thuê tắc trách sẽ không ghi nhớ lại việc đó với chủ. Sự việc cuối cùng sẽ vẫn tiếp diễn như thế. Còn nếu các cô sợ phải bù tiền ra thì phải báo cáo lại với cấp trên và họ sẽ giải quyết việc đó, vì đấy không phải lỗi của các cô.”

Nhân viên nhà hàng dù có thái độ chẳng vui vẻ gì nhưng cũng đồng ý với phương án ấy. Lúc ấy đã 1 giờ chiều, Di Li cho biết chị đang thời kỳ ăn kiêng và đó là bữa ăn đầu tiên sau 20 tiếng ăn kiêng của chị. Quá đói bụng và mệt mỏi, chị cùng với bạn sang cửa hàng bên cạnh ăn tạm trong tâm trạng chẳng vui vẻ gì và sau khi xong bữa trưa, chuẩn bị lên xe để ra về thì chị nghe thấy một nam nhân viên của Bún chả Sinh từ chửi đổng ra bằng những lời lẽ tục tĩu khó nghe. Chị cho biết bản thân mình chưa gặp phải cảnh ấy bao giờ nên cảm thấy cực kỳ bị xúc phạm và quay lại giải thích cho nam nhân viên kia hiểu rằng chị đã trả tiền cho suất ăn của mình và với những gì chị chưa ăn, lại vi phạm nặng nề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì chị không thể trả tiền. Nhân viên của nhà hàng tiếp tục dùng lời lẽ của những kẻ lưu manh để tấn công khách hàng. Nhà văn bỏ về và lập tức liên lạc với đường dây nóng 19002866 để khiếu nại, nghe cô nhân viên vâng dạ hứa sẽ báo cáo lại với quản lý. Để rồi nhận được sự im lặng của nhà hàng ngày hôm sau, và cả ngày hôm sau nữa, dù nhà văn đã liên lạc đến lần thứ hai.

“Việc nhà hàng dùng thực phẩm không an toàn là điều tôi nghĩ có thể góp ý, và cả thái độ vô văn hóa của nhân viên cửa hàng. Tôi thông cảm bởi các em làm công việc lao động phổ thông thường trình độ thấp nên sẽ ứng xử đúng với những gì họ có. Tuy nhiên điều tôi hy vọng là một công ty ăn uống đã có thương hiệu sau khi tiếp nhận khiếu nại của khách hàng đến lần thứ hai sẽ có thái độ hợp lý. Những gì tôi cần chỉ là một cuộc gọi lại với lời xin lỗi chân thành và tôi mong được góp ý để họ cải thiện dịch vụ của mình, để ngày hôm sau tôi tiếp tục quay lại với nhà hàng. Không ngờ bản chất của thương hiệu này cũng kém văn hóa y như nhân viên của họ. Dù có đắp lên mình biển bảng, logo, đồng phục thì cuối cùng họ cũng lộ rõ lối ứng xử kém cỏi ngang với một quán bún mắng cháo chửi vỉa hè. Với những người bán hàng thiếu đạo đức, nhân văn và không mảy may quan tâm đến khách hàng như vậy, làm sao biết được họ cho chúng ta ăn những gì trong quá trình chế biến. Bởi món ăn chẳng phải là phản ánh cái tâm đức của người đứng bếp, của người đứng đầu thương hiệu hay sao.”

Có lẽ nhà văn Di Li cũng đã thất vọng và mất niềm tin như Thạch Lam đã từng, khi ông viết trong cuốn “Hà Nội ba sáu phố phường”: “Người Việt mình phần nhiều giàu có rồi thì không hay cố nữa. Đó là cái tật chung của người mình, khiến cho không có một công cuộc nào phát đạt được lâu dài, cả từ trong cách buôn bán cho đến những công nghệ khác… Vì ta thử vào mua ở hiệu đó mà xem, chẳng có ai săn đón chào mời khách, nhà hàng thản nhiên và dửng dưng như không cần bán, mua hay không, đều tỏ ý không cần. Thật là đáng tiếc. Ồ, sao sự cố gắng ở nước này không được lâu bền nhỉ.”