Không như nhiều người khác, Nguyễn Đình Thi đã dám nói thẳng ra những “phần tối” như thế của mình trong cuộc sống, không chỉ như một tỉnh ngộ, mà còn muốn như một chiếc chìa khóa trao lại cho hậu thế giúp những thế hệ sau tránh phạm những sai lầm đau đớn như ông.




NHỚ NGUYỄN ĐÌNH THI “MỘT CHÚT TRẮNG HỒNG DÀO DẠT VÀNG”
(Nhân cuộc vận động thành lập giải thưởng Nguyễn Đình Thi)

NGUYỄN THẾ KHOA

Khi đã bước sang tuổi 80, Nguyễn Đình Thi vẫn còn sung mãn và có vẻ còn lắm ưu tư với cuộc sống với công việc, với trọng trách Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Tập thơ “Sóng reo” xuất bản cuối năm 2001, một tác phẩm tài hoa trong trẻo và chân thành, làm chúng ta hiểu rằng vẫn có thể chờ đợi những sáng tạo của tài năng lớn này. Vậy mà, thật bất ngờ, cái giây phút đó đã đến, 16 giờ 45 phút ngày 18/4/2003, Nguyễn Đình Thi đã dứt áo ra đi...
Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa…

Trong tập thơ “Sóng reo”, Nguyễn Đình Thi đã hơn một lần nói lời chia tay với cuộc đời bằng những câu thơ thanh thản, chân thành và đầy sám hối như thế. Đó là những câu thơ khi đọc lên, chúng ta không thể không ứa nước mắt kính trọng nhân cách của người viết. Một bậc đại công thần của Đảng, một người “khổng lồ” của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam hiện đại, với những công lao đóng góp ít người bì kịp, trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, không hề nhắc đến những đóng góp công lao mà chỉ xin thứ tha cho những lỗi lầm, dối lừa, khoác lác...của mình... 

Với không ít người Việt Nam, Nguyễn Đình Thi từ lâu, đã là một huyền thoại. Người thanh niên Hà Nội đẹp trai, tài hoa, sinh ở Luang Prabang (Lào), hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi và đến năm 20 tuổi đã là thành viên của Uỷ ban Giải phóng dân tộc do cụ Hồ làm Chủ tịch, và trực tiếp là thủ lĩnh của Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam. Bài nói chuyện ở ngày hội sinh viên tại Hà Nội năm 1944, tức năm Nguyễn Đình Thi 20 tuổi với nhan đề “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” có tác dụng thức tỉnh cả một thế hệ. Người thanh niên sục sôi nhiệt huyết cách mạng ngay từ những ngày tháng Tám 1945 đã được giới văn nghệ cả nước coi như một tài năng lớn, một trí tuệ lớn. Nguyễn Đình Thi nổi tiếng là một nhà triết học, nhà hùng biện giàu sức tập hợp. Những bài viết: “Kịch Bắc Sơn”, “Nhận đường”, “Tiếng núi của văn nghệ”, “Mấy ý nghĩ về thơ”, “Trần Đăng”, “Nam Cao”, “Nhà văn viết bằng cái gì”...những năm đầu kháng chiến chống Pháp, mặc nhiên làm Nguyễn Đình Thi trở thành nhà lý luận xuất sắc đầu tiên của nền văn nghệ mới. Hai ca khúc “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” đã trở thành hai ca khúc bất hủ của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nguyễn Đình Thi là người đi đầu trong việc tạo ra một hình thức mới, một giọng điệu mới phù hợp với thời đại mới của thơ ca với các tập thơ “Người chiến sĩ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Dòng sông trong xanh”, “Tia nắng”... Với những “Con nai đen”, “Hoa và Ngần”, “Nguyễn Trãi ở Đông quan”, “Giấc mơ”, “Tiếng súng”, “Rừng trúc”, “Hòn cuội”...Nguyễn Đình Thi là nhà viết kịch giàu trí tuệ sáng tạo nhất của sân khấu Việt Nam, mỗi vở kịch của ông khi được dựng đều trở thành một sự kiện sân khấu lớn. Với “Xung kích”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”, “Vỡ bờ”…

Nguyễn Đình Thi là một trong những người đặt nền móng cho nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại Việt Nam...Có thể nói, trong một thời gian rất dài, là một trong những người lãnh đạo văn nghệ chủ chốt và đặc biệt là với những thành công trong lao động sáng tạo của mình, Nguyễn Đình Thi đã có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển và thành tựu chung của nền văn nghệ đất nước…

Nhưng con người đã đạt được gần như tất cả những quang vinh danh vọng ở đời, nhân vật rất lớn của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, lại ý thức rõ sự nhỏ bé, hữu hạn của mình trước cuộc đời, trước nghệ thuật và trước nhân dân, đất nước. Trong bài thơ “Sen biếc” nhớ danh hoạ Dương Bích Liên năm 1990, ông viết:

Gió dữ thổi không ngừng
Tôi đi mãi vẫn lạ
Cái đẹp làm cho mỗi vật không cùng
Tôi đã có
Những ngày ánh sáng
Giữa cõi sống cõi chết
Lắm nỗi gieo neo 
Và lạnh...
Tôi là ai nhỉ
Một chút trắng hồng dào dạt vàng

“Một chút trắng hồng dào dạt vàng”, hình như đó cũng là cách Nguyễn Đình Thi tự đánh giá bản thân mình trong sự không cùng của cái đẹp. Hơn thế nữa, với ông, thành công, danh vọng cuối cùng cũng là những phù phiếm nhất thời, chỉ những yêu thương mới là đích thực, vĩnh cửu. Vài năm trước chuyến đi xa này, ông đã thử “Từ bên ấy trông về”, và thấy:

Từ bên ấy trông về
Đốm nắng vàng kia
Và mỗi lá cỏ
Nói với anh biết bao điều
Trông về từ bên ấy
Những gì anh thu vén bấy lâu
Những gì anh chăm chăm giành giật 
Nào mang theo được gì đâu
Chỉ những niềm yêu của anh
Như mạch nước không ai thấy
Mỗi ngày nuôi anh lặng lẽ.

Những câu thơ trên giúp chúng ta hiểu thêm Nguyễn Đình Thi đã từng không được là mình khi sống. Đó là khi ông quên mất "những niềm yêu của anh như mạch nước không ai thấy" để “chăm chăm” “thu vén” “giành giật” để phạm bao “lỗi lầm”, để phải “dối lừa”, “khoác lác” một cách thật tội nghiệp. Không như nhiều người khác, Nguyễn Đình Thi đã dám nói thẳng ra những “phần tối” như thế của mình trong cuộc sống, không chỉ như một tỉnh ngộ, mà còn muốn như một chiếc chìa khóa trao lại cho hậu thế giúp những thế hệ sau tránh phạm những sai lầm đau đớn như ông.
Nguyễn Đình Thi khổng lồ vì ông luôn thấy mình bé nhỏ, nhiều lầm lỗi, và vì ngay trong tình cảnh dưới "vực sâu" ông vẫn có thể "cứu kẻ trên bờ" (thơ Chế Lan Viên), bằng sự thành thực rất đáng kính trọng…