Tề Hoàn Công có hỏi cái gì sẽ hại đến nghiệp bá? Tể tướng Quản Trọng nói có 4 điều gây hại đến nghiệp bá. Một là không biết đến người hiền tài thì có hại cho nghiệp bá. Hai là biết người hiền tài mà không dùng là hại đến nghiệp bá. Ba là dùng người hiền tài mà không tin thì có hại đến nghiệp bá. Cuối cùng là tin người tài rồi mà để lẫn kẻ tiểu nhân vào thì có hại đến nghiệp bá.



ĐỪNG ĐỂ TIỂU NHÂN TRÀ TRỘN HÃM HẠI NGƯỜI TÀI

ĐỖ THƠM

Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”. Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Vậy đâu là điểm nghẽn khiến cho vấn đề thu hút nhân tài, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được một số ý kiến góp ý từ Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang nhấn mạnh: “Theo cá nhân tôi, điểm nghẽn chính trong việc thu hút, sử dụng nhân tài là trong công tác đánh giá cán bộ vẫn có chuyện chủ quan, thiếu dân chủ. Quyền đánh giá cán bộ vẫn nằm trong tay một nhóm người.
Đã là người tài, biểu hiện của họ là khác thường. Ví dụ một đứa trẻ 10 tuổi hát opera hay đâu cần phải đợi đến già mới là hay. Nếu chúng ta không chấp nhận sự nhảy vọt như thế, nếu sự đánh giá người tài chỉ bằng ý kiến của một nhóm người thì rất dễ nảy sinh ra chạy chức chạy quyền. Có người ban phát chức quyền thì mới có chạy chức chạy quyền. Đó là điều nguy hại nếu trọng dụng không đúng người tài trong bộ máy tổ chức Nhà nước, đặc biệt là các vị trí quan trọng”.
Ông nhấn mạnh lại, điểm nghẽn ở đây chính là sự đánh giá khó có được sự khách quan khi quyền đánh giá thuộc đặc quyền ở trong một nhóm nhỏ. Trong lĩnh vực này cần nhất phải có sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, dân chủ giữa những người có tiềm năng. Nếu không, nó là cái nôi sinh ra tệ con cháu các cụ, tiền tệ, hậu duệ, trí tuệ đứng sau cùng. Tất cả hệ lụy này cũng từ cái gốc là đặc quyền đánh giá người tài, cán bộ mà sinh ra.

                                       
Tiến sĩ Phan Hồng Giang - con trai của nhà phê bình Hoài Thanh!



Tiến sĩ Phan Hồng Giang phân tích, điểm nghẽn thứ hai là khi tìm ra được người tài nhưng không trọng dụng trước hết về mặt tinh thần khiến cái tài bị mai một đi. Tiến sĩ chia sẻ câu chuyện mà ông mới đọc được trên báo chí gần đây, đó là trường hợp của anh Phạm Quốc Thái – một trong 6 người được chọn đưa đi Mỹ học thạc sĩ theo đề án đô thị thông minh, sau khi tốt nghiệp loại giỏi trở về nước, anh Phạm Quốc Thái được phân công làm... rà soát hồ sơ, nhập liệu về an toàn thực phẩm. Anh Thái có chia sẻ với báo chí là anh học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo - một lĩnh vực mà anh không hề có kiến thức gì cả. Anh này phải chạy grab buổi tối kiếm thêm tiền vì lương có 2,8 triệuđồng/tháng không đủ sống.
“Không được trọng dụng, được đối xử xứng đáng, dùng không đúng chỗ thì tài mấy cũng bị mai một. Người tài giỏi chỉ phát tiết ở hoàn cảnh môi trường thuận lợi thôi.
Ví dụ như Giáo sư Ngô Bảo Châu hay là Giáo sư Vũ Hà Văn phát tiết ở Pháp, Mỹ. Nhiều người nói nếu ở lại Việt Nam rồi cứ chen lấn, xô đẩy nhau, cãi cọ mất đoàn kết vì tiền lương, vì tranh giành đề tài nghiên cứu có khi tài mấy cũng mai một mất”, Tiến sĩ Giang chia sẻ.
Ông dẫn lại ghi chép trong Đông Chu Liệt Quốc về câu chuyện vua Tề Hoàn Công có trò chuyện hỏi Tể tướng Quản Trọng – một người được lịch sử ghi chép là túc trí, đa mưu, là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu..
Tề Hoàn Công có nói với Quản Trọng: “Trẫm có hai cái tật. Một là ham săn bắn. Hai là mê sắc. Vậy có hại gì đến nghiệp bá của trẫm không?”. Quản Trọng có trả lời là không có hại gì. Tề Hoàn Công có hỏi cái gì sẽ hại đến nghiệp bá? Tể tướng Quản Trọng nói có 4 điều gây hại đến nghiệp bá.
Một là không biết đến người hiền tài thì có hại cho nghiệp bá.
Hai là biết người hiền tài mà không dùng là hại đến nghiệp bá.
Ba là dùng người hiền tài mà không tin thì có hại đến nghiệp bá.
Cuối cùng là tin người tài rồi mà để lẫn kẻ tiểu nhân vào thì có hại đến nghiệp bá.
“Từ xa xưa, người ta đã đúc kết 4 điểm mấu chốt trong việc sử dụng người tài. Đến giờ, những chuẩn đó vẫn luôn thời sự. Đó là “Phải biết, phải dùng, phải tin và không để trà trộn kẻ tiểu nhân bên cạnh người tài”.
Người Nga cũng có câu ngạn ngữ, đại ý một vại mật ong có thể hỏng chỉ vì một giọt mật đắng. Một người ngu có thể cân bằng 10 người thông minh, ý nói về mức độ phá hoại của người ngu dốt. Những đúc rút đó vẫn còn nguyên giá trị trong thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay”, Tiến sĩ Giang nhận định


Nguồn: Báo Giáo Dục điện tử