Hồ Thế Hà có biệt tài thuộc rất nhiều thơ. Cái lạ là ông đâu chỉ thuộc thơ mình mà còn thuộc nhiều thơ của người khác. Trong những cuộc gặp gỡ bạn bè, ông đọc vanh vách, cảm xúc lắng vào từng chữ từng câu. Lợi thế ấy càng nhân đôi khi ông chọn lựa con đường dạy học. Trong mỗi giờ giảng, những nhiệt huyết, mê say với văn chương đều được ông vun đắp, truyền sang cho sinh viên.




NGƯỜI TÁCH VỎ TRONG NGÔI NHÀ TÂM HỒN

HOÀNG THỤY ANH

Hồ Thế Hà sinh năm 1955. Quê ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nội ngoại của Hồ Thế Hà thuộc dòng dõi danh tiếng. Cha mẹ là những trí thức Nho giáo, nhưng nhanh chóng tiếp cận, hấp thụ văn hoá, tư tưởng phương Tây trong quá trình Pháp khai thác thuộc địa. Cậu ruột là trí thức Tây học, dạy dỗ ông học tiếng Pháp. Hồ Thế Phất, anh trai Hồ Thế Hà, là một nhà thơ, người nhân thêm niềm say mê, yêu thích văn chương cho em trai. Chính nền giáo dục Đông và Tây, Hán học và Tây học trong gia đình của Hồ Thế Hà đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, tính cách của ông. Sau này, thơ ông cũng thế, là sự đi về giữa truyền thống và hiện đại. Ý thức cội nguồn và ý thức đổi mới giao thoa, tạo nên một thi pháp thơ Hồ Thế Hà vừa bình dị, gần gũi vừa thâm trầm, triết lý.
Cuộc di cư sau năm 1954, ngỡ 2 năm nhưng lại kéo dài đến 20 năm, buộc lòng cha Hồ Thế Hà lập gia đình mới ở ngoài Bắc. Trong Nam, một mình mẹ ông tần tảo nuôi 7 người con. Hồ Thế Hà lớn lên thiếu vắng tình cảm của người cha. Hoàn cảnh này là cú hích, biểu thị những sang chấn cô đơn, trống trải tâm hồn, mà thơ ông là một thực chứng. Nhưng ông được bù đắp bằng lời ru, lời ca ngọt ngào và sự nuôi nấng, dạy dỗ hết lòng của mẹ. Thơ ông, vì thế, thiên về tính nhu, câu chữ mềm mại, uyển chuyển, cảm xúc dạt dào…
Sau 20 năm, thương đau được hoà giải. Cha mẹ ông đã có những ngày tháng sum vầy lúc cuối đời. Còn ông, lại có thêm tình sâu của người mẹ thứ hai và nghĩa nặng của những người em nơi đất Bắc. Móc xích đoàn tụ - chia cắt - đoàn tụ xảy ra trong gia đình ông, theo tôi, là một tổn thương ngầm chảy suốt cuộc đời ông. Tất cả tràn/ dội vào thơ, tạo nên những điệp thức cô đơn, buồn đau, nhớ nhung, khát thèm… ám ảnh khôn nguôi.
Chính nguồn thơ ngọt ngào bên mẹ, vùng quê giàu bản sắc đã thấm sâu và nuôi dưỡng ông, để rồi ông dứt khoát chuyển tình yêu toán học sang tình yêu văn chương. Cuộc đổi thay này hoàn toàn hợp lý với tính cách, con người cũng như hoàn cảnh xuất thân của Hồ Thế Hà. Sau ba năm (1978-1981) tình nguyện tham gia chiến đấu giải phóng nhân dân Campuchia, ông trở thành sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế (1981-1985). Ông ở lại giảng dạy tại Đại học Huế và giữ nhiều chức vụ như trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam, Phó Trưởng khoa Ngữ văn... Ông học tiến sĩ và được phong PGS vào năm 2005.
Hồ Thế Hà sinh ở Bình Định nhưng lại chọn Huế là nơi khởi đầu nghiệp văn chương. Ông sinh sống, lập gia đình cũng tại vùng đất thơ mộng này. Trong con người Hồ Thế Hà, vì thế, luôn chịu ảnh hưởng hai dòng chảy văn hóa. Một dòng chảy của vùng đất văn hóa cổ xưa Bình Định và một dòng chảy của xứ thần kinh Huế. Ngoài những giá trị văn hóa như tháp chàm Chămpa, nghệ thuật hát bội, bài chòi, nhạc võ Tây Sơn, múa hát bả trạo... Bình Định còn là vùng đất của văn chương và thi ca. Thơ của Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Khuê, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân, Nguyễn Quý Luân, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo... đến Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Nguyễn Lam Vũ, Phú Sơn... không chỉ khẳng định truyền thống rực rỡ của thơ ca Bình Định mà còn trở thành nguồn động lực, cỗ vũ, nuôi dưỡng tâm hồn yêu thơ của những thế hệ thi sĩ sau này. Bề dày lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống cùng với phong cảnh đặc trưng, thơ mộng của sông Hương núi Ngự đã hình thành nên thế mạnh của Huế - trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước và xứ sở của thi ca. Do đó, kinh đô Huế quy tụ rất nhiều thi nhân. Huế trở thành nguồn cảm hứng của nhiều bậc nhân tài như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thời Nhậm, Tự Đức, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Am, Phan Đình Phùng, Tản Đà,... Và đất thần kinh này đã từng tạo nên dòng chảy đổi mới cho Phong trào Thơ mới với sự xuất hiện của Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính... Tiếp đó, những thi sĩ như Hải Bằng, Trần Vàng Sao, Hải Bằng, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Hồng Nhu, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Trần Hoàng Phố… cũng góp phần khẳng định sắc thái rất riêng của thơ Huế. Hồ Thế Hà may mắn được nuôi dưỡng trong hai vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa này. Con người và vùng đất Huế - Quy Nhơn, vẫn xuyên suốt hành trình thơ ông. Đất và người Quy Nhơn trở thành những hồi ức đẹp, bồi đắp cảm hứng nguồn cội cho thơ của Hồ Thế Hà: “Đêm thượng huyền ai quỳ bên mộ trắng/ Lời thi nhân run rẩy phía cung Hằng/ về nằm mộng thấy một nàng tiên khóc/ Ngồi trong sương cùng Tử và trăng” (Xuân muộn với Quy Nhơn – Xác thu). Còn Huế, là nơi Hồ Thế Hà gửi gắm bản thể, tình yêu và tiếng nói đời thường: “Sông Hương đã từng chứng kiến và lưu giữ ảnh hình/ Nỗi đau nhiều hơn niềm vui, nụ cười ít hơn nước mắt/ Vậy mà hai bờ xanh mộng mị/ Sông nhân tình hóa giải mọi bi ai” (Sông Hương – Thuyền trăng).
Hồ Thế Hà có biệt tài thuộc rất nhiều thơ. Cái lạ là ông đâu chỉ thuộc thơ mình mà còn thuộc nhiều thơ của người khác. Trong những cuộc gặp gỡ bạn bè, ông đọc vanh vách, cảm xúc lắng vào từng chữ từng câu. Lợi thế ấy càng nhân đôi khi ông chọn lựa con đường dạy học. Trong mỗi giờ giảng, những nhiệt huyết, mê say với văn chương đều được ông vun đắp, truyền sang cho sinh viên. Chính vì vậy, nhắc đến thầy Hồ Thế Hà, thế hệ sinh viên nào cũng dành một tình cảm quý trọng, mến yêu. Không chỉ thực hiện tốt trọng trách cao quý của nghề giáo, Hồ Thế Hà còn sáng tác thơ, và chuyển tải những phương cách tiếp cận tác phẩm văn học thông qua các công trình nghiên cứu, phê bình của mình. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã in 6 tập thơ: Khoảnh khắc (1990), Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996), Thuyền trăng (2013), Tơ sương (2015) và Xem mơ (2018). Ngoài hơn 20 công trình in chung, Hồ Thế Hà còn in 9 tập chuyên luận, tiểu luận – phê bình: Sức bền của thơ (tiểu luận - phê bình, 1993), Thức cùng trang văn (tiểu luận - phê bình, 1993), Tìm trong trang viết (tiểu luận - phê bình, 1997), Thao thức thơ (bình thơ, 2004), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (chuyên luận, 2006), Những khoảnh khắc đồng hiện (tiểu luận - phê bình, 2007), Tiếp nhận cấu trúc văn chương (tiểu luận - phê bình, 2014), Khoảng lặng thơ (bình thơ, 2018) và Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và Chân dung (chuyên luận, 2018). Công sức đó của ông được đền đáp bằng nhiều giải thưởng như: Giải thưởng VHNT Cố Đô của tỉnh Thừa Thiên - Huế lần 2 (1993-1997) và lần 3 (1998-2003); Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế các năm 1993, 1997, 2003; Giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1998...
Chất thơ sống trong ông từ thuở nhỏ, chưng cất, nhem nhóm trong lời ru của bà, của mẹ. Do đó, đứa con tinh thần đầu tiên của Hồ Thế Hà thuộc về thơ là đương nhiên. Sau này, quá trình viết nghiên cứu, phê bình, thêm lần nữa, cho ông những trải nghiệm mới. Nghiên cứu, phê bình là nền móng để Hồ Thế Hà xác tín chất lượng thơ. Việc ông xen kẽ giữa sáng tác thơ với nghiên cứu, phê bình, và có phần nhỉnh hơn ở thể loại nghiên cứu, phê bình, theo tôi, có hai lí do. Với một người ham học hỏi, nghiên cứu và đặc biệt là tình cảm trìu mến với bạn như Hồ Thế Hà thì việc ông dành phần đa thời gian để viết về người khác không có gì lạ. Viết về người nổi tiếng đã đành, nhưng ông còn viết về những người bạn thân hữu của ông, những cây bút thơ trẻ, nhằm động viên họ trên con đường đến với thi ca. Nghĩa là Hồ Thế Hà luôn vì người khác trước khi vì mình. Song, lĩnh vực nghiên cứu, phê bình không thể giải tỏa hết những nỗi niềm riêng tư, mà chỉ có thơ mới giúp người nghệ sĩ sống thực với cái tôi bản ngã của mình. Cho nên, Hồ Thế Hà sáng tác đồng thời ở cả hai thể loại.
Trong các thể loại, Hồ Thế Hà nghiêng về nghiên cứu, phê bình thơ hơn. Từ nỗi Hồ Thế Hà là một thi sĩ dạt dào tình cảm, ân tình. Đối với nghiên cứu, phê bình, nhất là loại thể thơ, ông luôn thể hiện sự tinh tế, ý nhị trong cảm thụ, nhạy bén trong phát hiện. Chất nghệ sĩ giúp Hồ Thế Hà nhập cả cái tình, cái hồn của mình vào mỗi trang phê bình. Ông đồng cảm với tiếng lòng của tác giả, chỉ ra cái tôi bản thể “đã chín” của thi sĩ… Sức nặng phê bình của ông ngoài biểu hiện một tư duy khoa học còn có sự thăng hoa của cảm xúc, đồng điệu tâm hồn. Ông dùng cái tình của mình sẻ chia với tác giả, khúc xạ sang độc giả, tạo nên sự kết nối bền chặt… Nếu vận quan niệm người thế nào văn thế ấy vào Hồ Thế Hà, cũng không sai. Lối diễn đạt trang nhã, đằm thắm, cho thấy khả năng phát hiện, khái quát phong cách, điệu hồn của các tác giả hết sức tế vi của ông. Phê bình thơ của ông, đo đó, cộng hưởng hai yếu tố: học thuật và nghệ thuật. 
Từ năm 1990 đến nay, Hồ Thế Hà chỉ in 6 tập thơ. So sánh với sản phẩm của các nhà thơ gạo cội khác, điểm dừng chân của Hồ Thế Hà khá lâu. So sánh với thơ của các cây bút nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp, số lượng thơ Hồ Thế Hà vượt hơn hẳn. So sánh như thế ắt có phần khập khiểng. Bởi, chất lượng tác phẩm quyết định chứ không phải số lượng. Nhưng điều tôi muốn khẳng định, chất triết lý, khoa học trong nghiên cứu, phê bình được Hồ Thế Hà vận dụng trong thơ, mang đến những vần thơ giàu trí tuệ. Những cảm xúc, tình cảm chân thành trong thơ cũng góp phần làm mềm mại văn phong nghiên cứu, phê bình của Hồ Thế Hà. Vì thế, giữa nghiên cứu, phê bình và thơ của Hồ Thế Hà luôn có một sự giao thoa, ràng rịt khéo léo.
 Ngoài trí tuệ, năng lực cảm xúc và cá tính của người viết nghiên cứu, phê bình rất quan trọng. Cảm xúc nhằm bổ sung sức thuyết phục, quyến rũ cho văn phong, chứ không nhằm để sự chủ quan phán xét, chi phối, thâu tóm, còn cá tính nhằm định danh tiếng nói, bản sắc riêng biệt của người viết nghiên cứu, phê bình. Có thể nói, sự nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và tác phẩm, giữa tư duy sắc sảo của một nhà nghiên cứu, khoa học và tâm hồn tinh tế của một thi sĩ đã nâng giá trị, chất lượng cho những trang viết của Hồ Thế Hà.


Nguồn: Văn Nghệ