Hiện tại, không ít đại gia đã nhìn ra giá trị gặt hái từ ngành công nghiệp không khói, nên họ không ngần ngại bỏ tiền mở trường học bề thế, thuê người dạy lẫn người quản lý, treo biển hiệu hoành tráng… để tìm kiếm lợi nhuận. Và câu chuyện đẫm nước mắt ở trường quốc tế Gateway chính là một hậu quả nhãn tiền.




NẾU KHÔNG YÊU TRẺ, ĐỪNG MỞ TRƯỜNG HỌC!

LÊ THIẾU NHƠN

Cơ quan công an đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người, sau khi một học sinh 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trong xe đưa đón từ 7h30 đến 16h ngày 6-8-2019. Sự việc diễn ra tại trường quốc tế Gateway - Hà Nội, đã làm rúng động người dân thủ đô và cả nước. Thái độ tắc trách của giáo viên và tài xế trong hành trình hôm ấy, không thể biện minh. Bây giờ quanh co chối lỗi hay ngắn dài trách móc, cũng đã quá muộn cho một sai lầm khủng khiếp. Cần phải thẳng thắn đăt bi kịch Gateway vào thực trạng giáo dục và ý thức xã hội hôm nay.   

Có dịch vụ xe riêng đưa đón học sinh là một tiêu chuẩn đáng khuyến khích cho môi trường tiểu học lẫn trung học. Ngậm ngùi thay, bao nhiêu học sinh lên xe và bao nhiêu học sinh xuống xe, cô giáo cũng không kiểm đếm. Bẽ bàng thay, lớp học vắng một học sinh mà nhà trường cũng không liên lạc với phụ huynh để thông báo tình hình hoặc tìm hiểu nguyên nhân. Một trường quốc tế như Gateway với học phí ngất ngưởng, còn có biểu hiện lệch lạc như vậy, thì tinh thần sư phạm ở các nơi khác ra sao?

Khi đời sống kinh tế khá giả lên, thì hệ thống giáo dục được quảng bá đẳng cấp quốc tế cũng nở rộ. Tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM, số lượng trường quốc tế tăng nhanh hàng năm. Quốc tế theo mô hình Mỹ, quốc tế theo mô hình Úc, quốc tế theo mô hình Canada, quốc tế theo mô hình Nhật Bản… đều lần lượt ra đời, để phục vụ nhu cầu của con em những gia đình có điều kiện tài chính. Trường quốc tế từ bậc mầm non đến bậc đại học, đã tác động tích cực đến giáo dục con người Việt Nam ra sao, chưa thể đánh giá đầy đủ. Trước mắt, mọi người chỉ thấy hưng phấn với không gian sang trọng mà các trường quốc tế đang phô diễn. Tuy nhiên, trước sự cố Gateway đầy đau đớn, cộng đồng mới vỡ lẽ một sự thật ê chề: Khi người ta chỉ xem giáo dục như một mối đầu tư mang nặng tính thương mại, thì chất lượng trường quốc tế đúng là một ẩn số hãi hùng!

Nhiều năm qua, liên tục những hành vi ngược đãi và bạo hành trẻ em đã xuất hiện ở các trường mầm non công lập và tư thục. Những thiên thần vô tư trở thành nạn nhân của sự vô cảm và sự lạnh lùng. Lý do dễ dàng nhất có thể sử dụng để bênh vực cho giáo viên là lương bổng thấp, áp lực nhiều. Còn trình độ và đạo đức của những người trực tiếp tham gia vào guồng máy giáo dục, thì phải giải thích sao cho tỏ tường và thấu đáo? Hiện tại, không ít đại gia đã nhìn ra giá trị gặt hái từ ngành công nghiệp không khói, nên họ không ngần ngại bỏ tiền mở trường học bề thế, thuê người dạy lẫn người quản lý, treo biển hiệu hoành tráng… để tìm kiếm lợi nhuận. Và câu chuyện đẫm nước mắt ở trường quốc tế Gateway chính là một hậu quả nhãn tiền.

Để tránh những thảm cảnh đang trực tiếp đe dọa thế hệ tương lai, đã đến lúc phải báo động: Nếu không đủ tình thương và trách nhiệm, đừng bước chân vào ngành sư phạm! Trường học không phải nơi để kiếm tiền của những ai không có lòng yêu trẻ em!