Việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt thông tin dư luận xã hội với từng nhóm đối tượng đặc thù như công nhân, trí thức, hưu trí, phụ nữ… đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân.




Kiến nghị lực lượng báo chí được tham gia nắm bắt dư luận xã hội

Chiều 13-8, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (DLXH). Làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Thành ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Tô Đại Phong cho biết, sau 5 năm triển khai cụ thể hóa các nội dung trong Kết luận 100 của Ban Bí thư và Hướng dẫn 167 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp nâng chất hoạt động nghiên cứu DLXH trên địa bàn TP, phục vụ hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

Công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề dư luận, cán bộ, đảng viên và người dân đặt ra; đội ngũ cộng tác viên (CTV) được xây dựng từ TP đến cơ sở, trên nền tảng quy chế hoạt động chặt chẽ, được bồi dưỡng liên tục, thường xuyên giao ban, kiểm tra, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt thông tin DLXH với từng nhóm đối tượng đặc thù như công nhân, trí thức, hưu trí, phụ nữ… đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết, với vai trò đặc biệt của TPHCM, Thường trực Thành ủy luôn ý thức được vai trò nắm bắt, nghiên cứu, ứng xử và định hướng DLXH nên đã có những chỉ đạo kịp thời cho công tác này. Theo đồng chí Trần Lưu Quang, nắm bắt DLXH phải đáp ứng được yêu cầu nắm bắt thông tin kịp thời; phải đa dạng nguồn tin; chắt lọc để biết thông tin nào đáng tin cậy và đảm bảo tính hữu hiệu, nghĩa là dự báo hữu hiệu, tham mưu cấp trên hữu hiệu. “Hiện Thành ủy TPHCM cũng đang điều hành theo hướng này”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang thông tin.

Đồng chí Trần Lưu Quang nhận định, trước thềm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chưa bao giờ mạng xã hội và các ứng dụng internet mạnh như hiện nay. Song, trong Kết luận 100 chưa nhắc nhiều đến sự bùng nổ của mạng xã hội, internet. Do vậy, đồng chí Trần Lưu Quang kiến nghị điều chỉnh, đưa nội dung trên vào Kết luận 100 hoặc có thêm 1 chỉ thị nữa liên quan đến việc nắm bắt, nghiên cứu DLXH trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, đồng chí Trần Lưu Quang cũng trăn trở khi trong Kết luận 100 không thấy bóng dáng của các nhà báo - lực lượng đang định hướng, dẫn dắt dư luận rất lớn và kiến nghị cần nhanh chóng đưa lực lượng này vào đội ngũ nắm bắt DLXH.

Ngoài ra, đồng chí Trần Lưu Quang cũng kiến nghị đoàn công tác lưu tâm đến việc cung cấp thông tin chính thống nhanh, kịp thời cho đội ngũ nắm bắt DLXH; có chính sách rõ ràng về thù lao cho lực lượng nghiên cứu, nắm bắt DLXH, nhất là lực lượng CTV ở cơ sở, bởi ngoài mục đích để duy trì hoạt động lâu dài thì thù lao còn gắn với trách nhiệm làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Phuông ghi nhận sự quan tâm của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đối với công tác DLXH và có nhiều mô hình hay cho công tác này. TPHCM cũng quan tâm đến tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, chế độ chính sách cho công tác DLXH.

Qua khảo sát tại TPHCM, đoàn công tác ghi nhận một số quận huyện làm rất tốt công tác điều tra, nắm bắt DLXH, do đó đồng chí Võ Văn Phuông cho rằng cần bổ sung vào Kết luận 100 cho phép cấp huyện nghiên cứu DLXH và nên có đội ngũ CTV DLXH cấp xã với chế độ chính sách kèm theo.

Với kiến nghị bổ sung nội dung về công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH trên mạng xã hội vào Kết luận 100, đồng chí Võ Văn Phuông cho biết, trong Kết luận 100 đã có, được thể hiện trong Hướng dẫn 167, song thời điểm đó internet chưa phát triển mạnh nên chưa có quy định cụ thể. Đồng chí Võ Văn Phuông cho rằng, kiến nghị của Thành ủy TPHCM về vấn đề này là rất cần thiết. Riêng đối với nội dung về cung cấp thông tin chính thống, đồng chí Võ Văn Phuông đề nghị các địa phương nên chủ động tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, chắt lọc để nghiên cứu, nắm bắt và định hướng DLXH thay bằng chờ thông tin từ Ban Tuyên giáo Trung ương như hiện nay.

THU HƯỜNG - Báo Sài Gòn Giải Phóng