Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương vừa được hai cậu con trai thành đạt - Giáo sư Vũ Hà Văn và Tiến sĩ Vũ Thanh Điềm từ Mỹ trở về nước để tổ chức đám cưới vàng cho bố mẹ tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Nẵng. Niềm hạnh phúc ấy không phải ai cũng có được. Và nhà thơ Vũ Quần Phương lại có dịp đọc những câu thơ ông ca ngợi hiền thê - dược sĩ Đào Thị Hường!




KHÁCH HÓA CHỦ NHÀ, EM HÓA ĐỜI ANH

TUY HÒA


Nhà thơ Vũ Quần Phương năm nay đã bước vào tuổi 80. Ông nổi tiếng trên văn đàn không chỉ nhờ tài làm thơ, mà còn nhờ tài bình thơ. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp trong nghề văn của ông không phải vì ông đeo đuổi chữ nghĩa thi phú từ nhỏ. Nhà thơ Vũ Quần Phương định vị ở làng cầm bút sau khi từ giã thân phận bác sĩ Vũ Ngọc Chúc. Thời đi học, cậu bé nghèo Vũ Ngọc Chúc rất giỏi các môn khoa học tự nhiên. Vì vậy, vào đại học, sinh viên Vũ Ngọc Chúc nhận được học bổng toàn phần suốt 6 năm liền học tại trường Y và khi tốt nghiệp lập tức được nhận về công tác tại Bộ Y tế. Khi làm thơ, bác sĩ Vũ Ngọc Chúc lấy bút danh Vũ Quần Phương, vì quê gốc Hải Hậu - Nam Định của ông ngày xưa được gọi là tổng Quần Phương.

Thời gian nhà thơ Vũ Quần Phương làm việc ở Bộ Y tế cũng không lâu, nhưng cũng đủ để ông có được người vợ hiền. Khi ấy, với vai trò thư ký của Bộ trưởng Bộ Y tế - Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Vũ Ngọc Chúc để ý cô gái trẻ Đào Thị Hường ít hơn mình 9 tuổi có đặc điểm “ít nói to, tiếng cười cũng nhẹ/ gương mặt nhìn nghiêng phảng phất buồn” vừa học xong khóa sơ cấp để nhận một chân nhân viên trong văn phòng Bộ. Thắc mắc ban đầu của ông là tại sao một thiếu nữ thông minh và tháo vát như vậy, lại không học lên đại học. Lân la tìm hiểu hoàn cảnh Đào Thị Hường và có sự đồng cảm nhất định. Mẹ mất khi mới ba tuổi, Đào Thị Hường sống với một người cha già và một người anh bị khiếm thị. Khi vừa học xong lớp 9 thì Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoạt ở miền Bắc, trường học phải sơ tán. Đào Thị Hường chấp nhận thôi học để ở nhà chăm sóc cho cha và anh. Bác sĩ Vũ Ngọc Chúc cũng mồ côi cha từ năm 6 tuổi, nên ông xúc động trước tình cảm Đào Thị Hường dành cho gia đình.
Năm 1969, nhà thơ Vũ Quần Phương cầu hôn. Đám cưới của họ diễn ra giản dị và ấm áp. Khoảng khắc ấy, 50 năm sau, được chính nhà thơ Vũ Quần Phương viết lại một cách tỉ mỉ: “Tán tỉnh thế nào mà cô ấy đến/ ngồi chơi một lúc năm mươi năm/ Và còn ngồi tiếp/ Chia nhau niềm vui, chia nước mắt/ lặn lội xứ người thương con nhớ nước/ bát cơm sớm mai/ khuya đêm chén thuốc/ người cùng ta mải miết tháng năm dài…/ Chỗ ta qua sông, sông đã nên cầu/ em vẫn dáng ngồi tảo tần thuở ấy/ Tôi vẫn nghe tiếng ngoài sông nước chảy/ Khách hóa chủ nhà, em hóa đời tôi.

Năm 1970, sau khi sinh con trai đầu lòng Vũ Hà Văn, bà Đào Thị Hường mới vào đại học và trở thành dược sĩ. Đào Thị Hường hồi tưởng: “Lúc ấy, nghĩ thương con nhưng mình cũng đành cắn rằng để tiếp tục học. Vì tương lai của các con, mình càng không thể không học. Chậm cũng được nhưng bằng mọi cách vẫn phải học và học bất cứ lúc nào. Mẹ chồng tôi hiểu cuộc sống cần phải có sự phấn đấu nên rất thông cảm và lặng lẽ hỗ trợ. Sẵn sàng trông cháu suốt từ 6h sáng cho đến 8h tối, vậy nhưng chưa từng một lời ca thán”. Vượt qua bao nhiêu vất vả và khóc khăn, không chỉ sinh thêm cậu con trai Vũ Thanh Điềm, mà bà Đào Thị Hường còn vun vén được một gia đình hạnh phúc và thành đạt. Bà đảm nhận chức vụ Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu của Bộ Y tế đến năm 63 tuổi mới về hưu.

Là vợ một nhà thơ nổi tiếng lại là mẹ của Giáo sư Vũ Hà Văn lừng lẫy ngành toán học quốc tế và Tiến sĩ Vũ Thanh Điềm đang làm chuyên gia cho Google, bà Đào Thị Hường vẫn sống giản dị và hòa đồng. Mỗi khi khách văn của chồng đến nhà, bà Đào Thị Hường tiếp đón rất niềm nở và chu đáo, dù bà không cần biết bài thơ “Đợi” đắm đuối “Em đứng trên cầu đợi anh/ đứng một ngày đất lạ thành quen/ đứng một đời em quen thành lạ/ nước chảy kìa em, anh đợi em” hoặc bài thơ “Áo đỏ” lãng mạn “Áo đỏ em đi giữa phố đông/ cây xanh như cũng ánh lên hồng/ em đi thắp lửa trong bao mắt/ anh đứng thành tro, em biết không”” mà chồng mình đã viết là dành cho ai và tặng ai. Nhà thơ Vũ Quần Phương thổ lộ: “Mình ở trong giới văn nghệ cũng có tiếng bấc tiếng chì, nhưng bà ấy chả thèm để ý. Ai hỏi, bà ấy bảo: Chuyện thơ thẩn ấy mà!”.

Để tri ân vợ hiền, nhà thơ Vũ Quần Phương từng viết bài thơ “Gửi các con” để nhắn nhủ: “Mẹ con không làm thơ/ Nhưng sống thơ hơn bố/ Mẹ con tin cỏ cây, tin các thánh thần/ Cỏ cây cứu được người và thánh thần phù hộ/ Mẹ con tin nén hương nối với các bầu trời/ Mẹ con thích nấu ăn nhưng lại ngại cỗ bàn đông đúc/ Mẹ thích ngắm quanh bàn sì sụp bố con ta/ Mẹ con giờ đẫy ra, tuổi làm bà đường bệ/ Bố vẫn nhớ năm nao mẹ kiễng sợi dây phơi/ Dáng mẹ mảnh và mềm, đôi tay vin như lá/ Làm bố mất thăng bằng giờ vẫn thấy chơi vơi…? Sau ba tháng sinh con, mẹ con vào đại học/ Trường xa, nhà ngặt, lại con thơ/ Tám chục cây đường trường về thăm con xe đạp/ Đạp qua đêm, đi suốt cả ngày trời/ Buổi ấy bố con mình tiễn mẹ đi bụi nắng/ Cái bóng nhỏ mờ dần xa thẫm luỹ tre xa/ Những năm tháng mờ dần , xa thẫm những ngày qua/ Các con đã lớn khôn- những chân trời thăm thẳm/ Mẹ con như căn nhà, như chiếc tổ chờ trông/ Sống bằng nỗi nhớ con, bây giờ thêm nhớ cháu/ Những năm tháng đời người lặng lẽ đi qua…”.

Kỷ niệm đám cưới vàng, vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương dự định không tổ chức gì. Thế nhưng, Giáo sư Vũ Hà Văn và Tiến sĩ Vũ Thanh Điềm đã đưa cả vợ con về nước để chúc mừng ngày vui của bố mẹ. Những ngày vui vẻ ở Đà Nẵng, bà Đào Thị Hường hân hoan theo cách riêng: “Chủ yếu là được sum họp đông đủ cả nhà. Chứ có phải nghi lễ gì đâu!”. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương suy tư: “Đó cũng là phúc phận phu thê lớn lắm chứ. Bố mẹ của tôi chỉ sống chung với nhau được 9 năm thì bố tối đã qua đời, để lại mẹ tôi vò võ một mình nuôi con thơ dại!”.

Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương sống trong một căn hộ cao cấp. Sau khi bà Đào Thị Hường đưa hình ảnh đám cưới vàng lên mạng, thì hàng xóm xung quanh biết được và đề nghị: “Chúng cháu sẽ tổ chức thêm cho hai bác một cái tiệc mừng nữa, trong khuôn khổ chung cư!”. Nhà thơ Vũ Quần Phương gật gù: “Thời đại công nghệ thông tin cũng hay thật!”. Và món quà ông trân trọng tặng người bạn đời đã gắn bó nửa thế kỷ là một bài thơ đầy tâm sự: Phải chăng trước gương em thoáng nét buồn/ Tuổi trẻ xa rồi, nhan sắc đi đâu/ Nhan sắc thành đời anh và các con khôn lớn/ thành tháng ngày khuya sớm lo toan/ Thuở sinh đứa con đầu/ em tháo vội chiếc áo len duy nhất/ chiếc áo hồi môn một thời con gái/ để đan thành tấm áo nhỏ cho con/ Anh đã rét cái rét em trong mùa đông ấy/ ấm cái ấm của con suốt cả đời người/ Em thức trắng nhiều đêm để bây giờ tóc bạc/ mỗi sợi ấy dệt anh vào với cuộc đời này/ những sợi bạc vì anh mà có/ những sợi chiều xao xác heo may/ Năm tháng hạt thành cây, cây thành mùa trĩu quả/ năm tháng dắt em đi lên mẹ, lên bà/ lấy khuya sớm nắng mưa thành mùa ấm lạnh/ lấy bước nhỏ chân mình đo mọi chặng đường xa/ Đôi vai mảnh tảo tần thành nơi anh nương tựa/ bàn tay khum che chở hóa căn nhà/ sợi tóc bạc như một lời nói nhỏ/ anh nghe thầm gian khổ những ngày qua/ Anh thấy lại gió giông cái thuở trời và đất/ mười chín tuổi như em, xanh ngát, tươi hồng/ Hạnh phúc của đời ư? Anh chắc là có thật/ Quả đến chín trong tay còn lấm đất gieo trồng./.