Chuyện kỳ thị nhỏ lẻ luôn luôn có. Hình như các nước người ta cũng hay phân biệt người Nam khác người Bắc. Nhưng từ âm ỉ Bắc – Nam như chúng ta đang bùng ra, trong các nhóm, trong nghiên cứu, trong học thuật và trên các trang mạng, có đúng là hiện tượng lành mạnh cho thấy xã hội cởi mở không?




KỲ THỊ RÂM RAN

DẠ NGÂN

Năm mười sáu tuổi, đang ở căn cứ kháng chiến của tỉnh, bỗng được cho đi U Minh học nghiệp vụ báo chí. U Minh khi ấy bao gồm cả rừng tràm của Rạch Giá bây giờ và phía dưới nữa là rừng đước. Lúc còn nằm ở Trạm giao liên trước khi được cơ quan Báo chí Khu 9 đón, nghe rằng các cô nàng Cà Mau - Rạch Giá cứ bồn chồn chờ xem “mấy con Cần Thơ” ra sao. Họ bắt cánh giao liên mô tả, có phải chúng tôi mặc áo chít eo không, cái phom của tụi nó là phom đàn ghi-ta, đúng không, tóc dài tha thướt, đúng không? Quả tình người Cần Thơ có khác so với người các tỉnh miệt đồng, miệt biển. Lưu truyền câu ca dao thời chiến mà cánh U Minh nghĩ ra để trêu chúng tôi “Cà Mau ăn cá bỏ đầu. Cần Thơ thấy vậy xỏ xâu mang về”.

Nhà văn Sơn Nam chỉ ra, rằng sự khác nhau ấy là do tự nhiên phụ thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng. Ông chia Tây Nam bộ ra làm ba miệt. Miệt vườn trải dài vùng nước ngọt sông Tiền và sông Hậu. Miệt đồng gồm bao la những cánh đồng Sóc Trăng - Bạc Liêu. Miệt biển gồm hết U Minh. Người miệt vườn sống trau chuốt cầu kỳ, dấu ấn thị dân đậm. Người miệt đồng lai tạp mạnh nhất bởi nhiều người Hoa và Khmer, lúa một vụ, ẩm thực đặc sắc và từng manh nha giai tầng quý tộc với những điền chủ nức tiếng. Miệt biển ăn to nói lớn, hào sảng, xài tiền không cần đếm, “sắm cả hô bo chạy té nước cho thiên hạ lé mắt chơi!”

Mười sáu tuổi bắt đầu “nếm mùi” kỳ thị giữa Cà Mau - Rạch Giá với Cần Thơ miệt vườn. Sau này đọc Sơn Nam nhiều thì ngộ ra và tủm tỉm cười mỗi khi nhớ lại. Ví như làm những con cá lóc chẳng hạn, người Cần Thơ sẽ khứa ra, canh chua phải có các loại rau kèm, cá kho phải ướp đường, trong khi đó Cà Mau – Rạch Giá để cá nguyên con, canh toàn cá, rau gia vị không thể có vì nước phèn và nước mặn không xoay xở được. Đã thành nền nếp và tính cách đối trọng nhau: tỉ mỉ đối với phóng khoáng, tằn tiện đối với xả láng, nhu nhã đối với bộc trực, cẩn trọng đối với phiêu lưu. Vân vân và vân vân.
Rồi đi nhiều và tiếp tục ngạc nhiên, người Hà Nội rất khác với người Hải Phòng – Quảng Ninh, người Thanh Hóa rất khác người Nghệ Tĩnh, người Huế rất khác người Bình Định, người miền Đông Nam bộ khác nhiều với người đồng bằng Cửu Long. Thậm chí người Hà Tĩnh còn nói tướng lên “chúng tôi khác Nghệ An, chúng tôi là đất thi nhân đất văn nhân còn Nghệ là đất của các chính khách!” Toàn cục, ba vùng lại hay tự ngắm tự nghiệm để khăng khăng rằng rất khác biệt, miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Rồi từ toàn cục, người ta lại khăng khăng, Nam khác Bắc khác à nha, rất khác!

Việc non sông bờ cõi nối liền thành một dải, một thời tiếng hoan ca áp đảo, tươi đẹp, tốt đẹp, chân lý, không thể khác. Gần nửa thế kỷ kết chúc chiến tranh, thực tế náo loạn hôm nay bỗng dưng kích hoạt cho những khác biệt vốn dĩ và rất nhiều người thấy phải được thảo luận và mổ xẻ. Trong này đã từng và đã từng, ngoài kia thế đó và thế đó. Rồi chuyện nên hay không nên thống nhất được đặt ra chính từ những người ở trong nước. Không ít người cả quyết, đã bảo mà, một nước hai chế độ như Hong Kong với lục địa chẳng tốt hơn sao?

Chuyện kỳ thị nhỏ lẻ luôn luôn có. Hình như các nước người ta cũng hay phân biệt người Nam khác người Bắc. Nhưng từ âm ỉ Bắc – Nam như chúng ta đang bùng ra, trong các nhóm, trong nghiên cứu, trong học thuật và trên các trang mạng, có đúng là hiện tượng lành mạnh cho thấy xã hội cởi mở không? Chúng ta đã từng tự phân tranh hàng mấy trăm năm Trịnh – Nguyễn. Chúng ta đã từng bị các nước lớn ngồi vào bàn để họ thu xếp nên cắt Việt Nam ở vĩ tuyến nào. Và những người di cư cũng đã từng bị gọi là “Xóm Bắc Kỳ, dân Bắc Kỳ, dân ăn thịt chó”. Nhưng dần dà, không hề gì, những người di cư đã làm làm sâu sắc lên, thậm chí có thời họ là tiêu điểm của văn hóa truyền thống đã được định hình và tinh lọc cho miền Nam tươi đẹp hơn lên.

Hồi mới chuyển về Sài Gòn mươi năm trước, tôi mang cả chiếc Chaly biển số Hà Nội vào theo. Tại Thanh Đa chỗ tôi, một lần, tôi phát hiện một người đàn ông tầm sáu mươi tuổi cứ chạy xe máy rề rề phía sau xe tôi. Tôi đã cố ý nép vào để ông ta vượt lên, nhưng không. Khi tôi dừng lại bên một sạp rau thì ông ấy mới vọt qua, còn ném lại một câu vang dội “Biển số Hà Nội hả, Hà Nội sao không ở ngoài đó vô đây chi cho chật, hả?” Về, tôi kể lại với chồng và chúng tôi cười ngất ngất, nếu phóng theo được, tôi sẽ tạt lại “Tôi Nam bộ chính hiệu đây nè, cha nội!”

Lòng người có thống nhất không? Vì sao vậy? Chắc chắn mỗi người đều có câu trả lời cho việc này dù câu ấy sẽ khác nhau, thậm chí là rất khác!