Chuyện ưa chuộng bằng cấp cũng giống như chuyện thèm khát danh hiệu. Phô trương học vị và ồn ào nhan sắc, không phải là cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Không một xứ sở văn minh nào lại theo đuổi kế hoạch bình dân hóa tiến sĩ và quần chúng hóa hoa hậu!




BÌNH DÂN HÓA TIẾN SĨ ĐỂ LÀM GÌ?

LÊ THIẾU NHƠN

Nhiều năm qua, chợ luận văn vẫn hoạt động khá rầm rộ, kiểu bí mật giữa người bán người mua cũng có, mà kiểu công khai trên mạng cam kết phục vụ tận tình chu đáo cũng có. Thế nhưng, không ai ngờ luận văn càng ngày càng xuống giá thê thảm. Dư luận ngỡ ngàng khi biết một luận văn thạc sĩ được viết thuê chỉ 15 triệu đồng. Nghĩa là trong phong trào chạy đua bằng cấp, không chỉ người giàu mới có quyền nuôi tham vọng sở hữu những học vị sang chảnh!

Có cung ắt có cầu! Nếu không ai muốn cầm trên tay cái bằng thạc sĩ thì chẳng có cá nhân hoặc đơn vị nào lại hào hứng đi treo biển viết thuê luận văn. Chúng ta đang bị bủa vây bởi xu hướng học hành giả mà bằng cấp thật. Hay nói cách khác, bằng cấp thật mà kiến thức giả. Một luận văn thạc sĩ luôn được xem như nền tảng để phát triển thành luận án tiến sĩ, mà lại mua bán dễ dàng như vậy sao? Đơn giản, vì cộng đồng chưa có cơ chế nào để giám sát và kiểm tra các loại bằng cấp. Thạc sĩ tràn lan nhiều như nấm sau mưa. Bây giờ đã bớt dần những trường hợp liều lĩnh kiếm một cái bằng dỏm để nộp vào hồ sơ cán bộ, công chức mà họ cũng chịu khó ghi danh đi học. Còn học ra sao thì lại là vấn đề hạ hồi phân giải.

Thật trớ trêu khi ngành nghề nào, đơn vị nào, tổ chức nào cũng liệt kê danh sách dài những cá nhân có học vị thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Thậm chí, trường tiểu học hoặc trường trung học cũng có dăm bảy thạc sĩ và vài tiến sĩ. Những cái “sĩ” ấy để làm gì nhỉ? Ra oai chăng? Chưa hẳn, mục đích chính vẫn là để nâng cao lương bổng và lọt vào quy hoạch. Xã hội ưa chuộng bằng cấp nên người ta phải lao theo như thiêu thân. Vì sao bổ nhiệm phải cần bằng cấp nọ hoặc học vị kia? Đó là điều không thể trả lời rành mạch, ngoài những cái lắc đầu ngán ngẩm. Khi những chiếc ghế không được chứng minh năng lực thực sự, thì đành dựa dẫm bằng cấp. Trưởng phòng có bằng thạc sĩ thì giám đốc phải có bằng tiến sĩ. Tâm lý ấy tạo ra ganh đua và hình thành cơn sốt bằng cấp.

Bao nhiêu thạc sĩ áp dụng được luận văn của mình vào công việc đang làm? Không mấy ai dám thẳng thắn bộc bạch. Có rất nhiều người làm luận văn thạc sĩ chẳng liên quan gì đến nghề nghiệp của họ, với tiêu chí… phòng thân. Khi cần thiết sẽ từ nấc thang thạc sĩ mà nhảy lên thành tiến sĩ. Câu hỏi tiếp, bao nhiêu tiến sĩ khẳng định được giá trị luận án của họ với môi trường xung quanh? Quá nhạy cảm, hồi đáp kiểu nào cũng xót xa. Thực tế, có không ít trường hợp cười ra nước mắt, khi người có học vị chỉ lặng lẽ nộp bằng tiến sĩ cho cơ quan, mà không bao giờ tự tin giới thiệu với người khác. Lý do, họ biết thân biết phận, họ biết cái bằng tiến sĩ ấy của mình hoàn toàn mang tính tượng trưng, mà trình độ thật của mình lại khiêm tốn hơn nhiều. Những người như vậy đáng thương hơn đáng trách, họ bị hệ lụy ưa chuộng bằng cấp kéo vào một hội chợ phù hoa mà chính họ cũng không làm chủ được bản thân.

Bây giờ, khó mà thống kê hết bao nhiêu cơ sở có chức năng đào tạo sau bậc đại học. Vì vậy, cũng không thể thống kê số lượng thạc sĩ được cấp bằng mỗi năm, mà tạm thời chỉ có những thống kê tương đối về số lượng tiến sĩ đang cực kỳ sôi động. Đáng sửng sốt nhất là Học viện Khoa học Xã hội có tốc độ sản xuất tiến sĩ rất kinh hoàng. Trung bình cứ một ngày, Học viện Khoa học Xã hội cho ra đời thêm một tiến sĩ, trong đó có những luận án khiến công chúng ngạc nhiên như “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã” hoặc “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Đành rằng cái tên đề tài chưa hẳn nói lên đầy đủ phẩm chất của luận án Tiến sĩ, nhưng chọn đề tài như thế nào đã cho thấy tầm vóc của nghiên cứu sinh lẫn người hướng dẫn. Không khó để nhận ra nhiều luận án tiến sĩ đề tài dễ dãi, vô thưởng vô phạt mà nghiên cứu sinh chỉ mong lấy cái học vị, chứ không có nhu cầu củng cố thêm kiến thức. 

Đành rằng ngành giáo dục rất cần Tiến sĩ để chuẩn hóa đội ngũ giảng dạy. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 25% giảng viên Đại học và 8% giảng viên Cao đẳng là tiến sĩ. Và tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ cần bổ sung trong giai đoạn 2018 – 2025 là khoảng gần 36.000 người. Xem ra, Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhất thế giới, nhưng các công trình khoa học lại ít nhất thế giới. Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang đặt ra nhiều thách thức cho công cuộc xây dựng đất nước, thì càng nhiều tiến sĩ càng thấy xót xa.

Về mặt nhận diện, ai cũng biết luận án tiến sĩ phải đảm bảo các tiêu chí mang lại sự mới mẻ và sáng tạo, có thể về lý thuyết hoặc đề xuất giải pháp khoa học công nghệ, kinh tế xã hội. Khác với luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ yêu cầu cái mới với mức độ khái quát và chuyên sâu. Ngoài kết quả nghiên cứu, luận án tiến sĩ còn phải đóng góp phương pháp luận, giúp cộng đồng vận dụng vào các vấn đề khác. Thế nhưng, trong số gần 30 ngàn tiến sĩ hiện nay, không mấy luận án tiến sĩ đem lại điều gì mới cho tri thức nhân loại nhằm lấp một khoảng trống lý thuyết nào đó, chứ đừng nói đến tính thực tiễn. Nếu tiến sĩ ngành khoa học kỹ thuật còn có những yêu cầu khắt khe, thì tiến sĩ ngành khoa học xã hội lại rất mơ hồ. Có nhiều luận án na ná nhau cả về đề tài lẫn dẫn chứng. Đặc biệt, nhiều tiến sĩ văn chương và tiến sĩ ngôn ngữ khi viết một văn bản cũng không che giấu được sự vụng về và chệch choạc.

Xét cho cùng, chuyện ưa chuộng bằng cấp cũng giống như chuyện thèm khát danh hiệu. Phô trương học vị và ồn ào nhan sắc, không phải là cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Không một xứ sở văn minh nào lại theo đuổi kế hoạch bình dân hóa tiến sĩ và quần chúng hóa hoa hậu./.