Cùng nhau gìn giữ hạnh phúc cho một gia đình có nhiều người theo nghề cầm bút, quả thật không hề đơn giản. Vậy mà, vợ chồng Trần Mai Hạnh - Bùi Kim Anh đã làm được. Những trang viết giúp họ vượt qua sóng gió chăng? Rất có thể! Thế nhưng, quan trọng hơn là sự thấu hiểu và tin yêu lẫn nhau!
BÀI THƠ TÌNH YÊU KHÔNG THỂ NÀO VIẾT LẠI…
TUY HÒA
Nhà thơ Bùi Kim Anh khoe tấm ảnh cưới đã bạc màu thời gian. Tấm ảnh chụp ngày 5-8-1972. Năm ấy, chị 24 tuổi, còn anh 29 tuổi. Năm ấy, chị là một giáo viên đang dạy học ở Cổ Loa - Đông Anh, còn anh là phóng viên vừa trở về từ chiến trường khu 5. Nhà báo Trần Mai Hạnh bảo: “Chẳng thể nào quên được thời khắc ấy. Hà Nội đang căng mình trước bom đạn Mỹ. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức ở một gian phòng nhỏ trong cơ quan Thông Tấn xã Việt Nam. Khách mời chỉ vài người thân và dăm đồng nghiệp. Nghĩ lại, thấy thương lắm và thấy đẹp lắm!”. Còn nhà thơ Bùi Mai Anh kể lại chi tiết hơn: “Ông ấy mới ở vùng khói lửa trở lại thủ đô, không lẽ mặc quân phục làm hôn lễ. Cũng nhờ người bạn nhường lại cho suất mua được mảnh vải trắng mà may vội cái áo để làm chú rể. Còn tôi, tôi mặc chiếc áo dài thời nữ sinh vẫn còn vừa vặn, để làm cô dâu!”.
Hạnh phúc của họ bắt đầu giản dị và kham khổ như thế. Căn hộ tập thể vỏn vẹn 6 mét vuông, chỉ đủ chui ra chui vào. Vậy mà mỗi đêm chồng vẫn miệt mài viết báo, vợ vẫn lặng lẽ soạn giáo án. Rồi đứa con gái đầu lòng Trần Mai Anh cũng chào đời trong không gian chật chội ấy. Mọi cơ cực, chị gánh vác hết, cho chồng yên tâm công tác. Khi con chập chững biết đi, chị lại tiễn chồng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và nhà báo Trần Mai Hạnh đã có mặt tại Dinh Độc Lập vào đúng trưa 30-4-1975, để viết bài tường thuật cuộc đại thắng giải phóng miền Nam in trên báo Nhân Dân ngày 1-5-1975. Là chứng nhân của sự kiện thống nhất non sông, Trần Mai Hạnh không chỉ hoàn thành vai trò phóng viên, mà ông còn tích lũy tư liệu để có cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Đất nước hòa bình, khó khăn vẫn chồng chất. Nhà báo Trần Mai Hạnh tiếp tục rong ruổi trên những chặng đường tác nghiệp. Hai đứa con nữa chào đời, Trần Hiền Anh và Trần Mai Linh, nhà thơ Bùi Kim Anh vẫn tay năm tay mười lo lắng mọi thứ. Ngoài những giờ dạy Văn trên trường học, nhà thơ Bùi Kim Anh nuôi heo và đạp xe đi bỏ mối hàng thủ công khắp phố phường Hà Nội. Đến khi chồng vinh hiển thành đạt, chị vẫn sống thanh đạm và khiêm nhường. Nhà báo Trần Mai Hạnh thổ lộ: “Sự nghiệp của tôi, hơn phân nửa từ may mắn có được người vợ hiền!”.
Nhà báo Trần Mai Hạnh không nói ngoa. Bởi lẽ, không có mấy người phụ nữ làm thơ nào lại phải đối diện với nhiều tai ương như nhà thơ Bùi Kim Anh. Năm 1982, hàng xóm bất cẩn gây hỏa hoạn, gia đình chị cũng bị vạ lây, bao nhiêu tài sản tích cóp bỗng thành tay trắng. Rồi nhà báo Trần Mai Hạnh bị tai nạn giao thông, chị phải đóng chốt tại bệnh viện suốt 2 tháng ròng rã để chăm sóc chồng. Rồi anh vướng vòng lao lý khi đang ở đỉnh cao danh vọng, chị lại vừa lặn lội thăm nuôi chồng vừa động viên tinh thần các con. Có lúc chị tưởng mình không thể chống đỡ nổi những cơn cuồng phong của số phận. Thương chồng, thương con, chị bám lấy thi ca để vượt qua định mệnh khắc nghiệt: “Những vật vã đã qua đi lại đến/ Tuyến lệ đã khô, nước mắt lại đầy/ Buông tay để hạt thời gian lăn lóc/ Buông tay tất cả kệ bóng chiều sầm sập/ Một người đàn bà bỏ quên những câu thơ tình trong cuốn sổ tay vàng úa/ Một người đàn bà run rẩy trái tim mềm”. Và chị cũng thầm ao ước một sức mạnh cho riêng mình: “Nếu tôi là đàn ông/ Tôi sẽ sống một ngày không cần biết đến thời gian, gia đình, bữa ăn, giấc ngủ, và cả những điều ấp ủ, tình yêu/ Và chính vì những ý nghĩ ngông cuồng này/ Tôi mãi là người đàn bà tội nghiệp!”.
Bây giờ, sóng gió đã nguôi yên. Cả ba đứa con đều có cuộc sống ổn định. Vợ chồng nhà báo, nhà thơ Trần Mai Hạnh - Bùi Kim Anh còn có thêm một đứa cháu ngoại đặc biệt, vì Trần Mai Anh nhận cậu bé bị bỏ rơi ở Quảng Nam làm con nuôi và đặt tên là Thiện Nhân. Nhà thơ Bùi Kim Anh bộc bạch: “Cả đời quen bôn ba chật vật rồi, nên chúng tôi cũng không có ý định tổ chức mừng ngày cưới như những người khác. Nhớ thì vẫn nhớ, đúng ngày cưới, hai vợ chồng lấy ảnh cũ ra xem rồi rủ con cháu đi ăn quán gọi là sum vầy đầm ấm!”.
Tuy chưa từng có lễ lạt cho đám cưới bạc hay đám cưới hồng ngọc, nhưng bao nhiêu hồi ức sinh động về quan hệ vợ chồng của họ vẫn vẹn nguyên. Giây phút họ quen nhau được nhà thơ Bùi Kim Anh tường thuật khá chi tiết: “Khi tôi vừa đi dạy được vài tháng, thì người bạn cùng học sư phạm với tôi là chị Lê Duyên giới thiệu cho tôi làm quen với một anh phóng viên chiến trường. Chị Lê Duyên dạo đó làm biên tập viên Nhà xuất bản Giải Phóng, nói rằng: “Anh phóng viên Trần Mai Hạnh có tác phẩm in ở chỗ mình, viết văn tình cảm lắm, hợp với Bùi Kim Anh”! Tôi nghe bạn, thử gặp mặt, ai dè thành duyên nợ suốt đời!”. Còn nhà báo Trần Mai Hạnh thì vẫn giữ những lá thư được người yêu viết từ Hà Nội gửi vào chiến trường cho mình: “Những dòng thư ấy cho tôi biết đó là một người phụ nữ nhân hậu. Vì vậy, khi về thủ đô, tôi quyết định cầu hôn cô ấy ngay!”.
Cùng nhau chung sống, nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà thơ Bùi Kim Anh có chung một đam mê viết lách. Chị đã in hơn chục tập thơ, còn anh cũng có gần chục đầu sách gồm cả chính luận lẫn tiểu thuyết. Cả hai đều cầm bút, và ba người con cũng theo nghề của bố mẹ. Không chỉ làm thơ cho chồng những ngày gieo neo, nhà thơ Bùi Kim Anh còn có “Bài thơ tình yêu không thể nào viết lại” tặng nhà báo Trần Mai Hạnh: “Có một chiếc lá ép chỉ còn những đường gân trên trang thơ cũ/ có một cánh hoa hồng khô của mối tình xưa đã đổi màu/ có một bài thơ trong nhật ký đã lâu/ em viết cho anh lời nhớ thương vụng dại/ bài thơ tình yêu không thể nào viết lại/ cái nắm tay chỉ một lần run rẩy/ một lần khó nói/ và một lần ấy thôi người con gái mỗi sớm mai tựa cửa ngóng một ngày/ dọn dẹp đời mình em gỡ chiếc lá khô/ nhặt gãy vụn của cánh hồng ố trang giấy trắng/ em viết cho anh/ viết cho thủa ban đầu thơ tình theo lối mới/ nhỡ có lúc anh nhớ/ nhỡ có lúc anh rẽ/ nơi hẹn/ nhỡ một lần tình cờ/ một lần không định nhỡ”.
Cuộc sống vốn luôn có những biến động ngoài tiên liệu của con người. Vợ chồng nhà báo, nhà thơ Trần Mai Hạnh - Bùi Kim Anh chỉ có một bí quyết duy nhất để gìn giữ mái ấm là sự yêu thương và sự tin cậy. Nhà báo Trần Mai Hạnh tự hứa 3 năm nữa, vào ngày 5-8-2022, sẽ tổ chức đám cưới vàng thật hoành tráng, để tri ân người vợ đã kề vai sát cánh bên mình nửa thế kỷ. Còn nhà thơ Bùi Kim Anh đã qua tuổi cổ lai hy thì âm thầm viết những câu thơ giữa căn nhà bình yên: “Còn chặng cuối này anh có mỏi không/ khi được mất đã qua không lượm về được nữa/ lờ đờ mỗi sớm mai trở dậy
đụng vào lại nhắc nhớ ngày xưa/ va đập thời gian những tế bào ký ức vỡ vụn/ va đập tình người trơ niềm xao xuyến/ nắm bàn tay mình không chặt/ nắm bàn tay người không run/ đã qua đi năm tháng thanh xuân/ đã dâng hiến không hề toan tính/ một niềm tin chiếu dọi/ đập vào hụt hẫng nắng mai/ ta còn gì cho hôm nay đây/ ngoảnh lại phía sau đằng đẵng/ phía trước không biết ngày hạn định/ ngắn ngủi cho ta nối những chặng đời/ em đã mỏi rồi dẫu nhuộm tóc thời gian/ mơ ước hay chỉ là hoang tưởng / anh đã mỏi rồi dẫu miệt mài trang viết/ nuối tiếc như con thuyền trôi giữa phong ba/ không thể dối lòng không nuối tiếc/ khắc tình yêu và bất hạnh vào tấm bia ký ức/ như lúc sóng cuồng ta dựa vào con/ con dựa mai sau bớt lời nuối tiếc”./.