Vẫn biết đại biểu Quốc hội nhiều việc, thậm chí nhìn lịch họp dày đặc ngày nối ngày cũng hiểu đại biểu vất vả thế nào. Có khi chính vì lẽ đó, ngoại trừ đa số các đại biểu giữ được thể lực để có những phát kiến đóng góp cho cái chung thì vẫn còn thiểu số các đại biểu khác nhiều khả năng vì suy giảm sức khỏe nên tư duy hơi lẫn lộn. Thậm chí, có đại biểu phát biểu lắm lúc khôi hài, gây cười cao độ.




ĐÃ MANG CÁI NGHIỆP VÀO THÂN

NGÔ NGUYỆT HỮU

1.  
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến trong phiên thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp Quốc hội Khóa XIV từng đưa ra một phát kiến chấn động dư luận: "Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người kiểu quản lý thị trường gì đó thôi. Trong khi đó trên thế giới tất cả những người phát sinh thu nhập đều đóng thuế cho nhà nước trực tiếp luôn”.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến chắc là cũng sốt ruột trước tình trạng Nhà nước bị thất thu thuế quá mức nên mới có phát biểu kỳ lạ đến như vậy. Đặc thù của nước mình khác thế giới, nhất là liên quan đến những công việc không biết làm gì khác thì bày hàng nước ngoài vỉa hè bán kiếm lời độ nhật qua ngày.
Có điều cũng không biết Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến bao nhiêu năm rồi không thở hơi thở phố phường, không quan sát mức sống của đại đa số người dân. Chứ tỷ suất lợi nhuận một cốc trà đá đạt từ 5.000 đến 7.000% thì có lẽ tất cả nên đi bán trà đá hết. Từa tựa như bây giờ người ta nháo nhào đi chạy xe ôm công nghệ, ôtô công nghệ vậy. Đó là một thứ bẫy "thu nhập trung bình", bào mòn sinh lực của quốc gia, phá hủy động lực thúc đẩy sáng tạo, sự cố gắng. 
Đáng lẽ với vai trò của mình, đại biểu Quốc hội phải mở rộng tầm nhìn hơn, phải đưa ra những so sánh tương đối hợp lý hơn. Chứ đừng kiểu "thu thuế cũng như vặt lông vịt", ai mà không cáu giận khi nghe điều ấy.
Có đại biểu Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội này cũng đề xuất thu phí chia tay từ 3 đến 5 đô cho mỗi lần công dân ra nước ngoài. Tất nhiên những đề xuất này luôn vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận, có cái gì liên quan đến chuyện "người dân mất thêm tiền" mà không bị phản ứng bao giờ.
Khi bị phản ứng, đại biểu Quốc hội có vẻ cũng cuống nên phạm tiếp một sai lầm khi bảo: "Khoản phí mà tôi đề xuất thực sự là không nhiều, chỉ ngang một bữa ăn sáng". 
3 đến 5 đô quy ra Việt Nam đồng áng từ gần 70 đến hơn 100 nghìn đồng, so với mức thu nhập cũng như thụ hưởng chung thì đây là khoản tiền rất lớn để chi tiêu cho một cá nhân khi dùng điểm tâm. Ấy là còn chưa kể đến những lắt léo như, ăn sáng nhiêu đó tiền rồi ăn trưa ăn tối làm sao, rồi đóng tiền điện nước mỗi tháng làm sao, rồi đóng học phí cho con làm sao, rồi tiền hiếu hỉ ma chay cưới hỏi tích lũy dành dụm khi bệnh tật ốm đâu làm sao...
Không chỉ có những khoản phí thuế so sánh này, nghị trường cũng chứng kiến nhiều phát ngôn hơi kỳ lạ của một số đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, là phần lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, ông có cảm giác như các đại biểu phát biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ và như thế ông thấy không công bằng vì ngành sản xuất rượu... Đại biểu Xuyền trích dẫn thêm: "Bác Hồ năm 1960 khi thăm nhà máy bia Trúc Bạch, Bác đã khuyến khích ngành sản xuất…".
Trên thực tế, không có nhà máy bia Trúc Bạch bởi Trúc Bạch là dòng sản phẩm được sản xuất vào năm 1958 bởi Nhà máy Bia Hà Nội, tiền thân là Nhà máy Bia Hommel, được thành lập năm 1890. Sau nhiều thăng trầm, Nhà máy Bia Hà Nội được đổi tên và nâng cấp thành Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Quan trọng hơn, việc một nguyên thủ quốc gia đi thăm một doanh nghiệp hàng đầu ở một thời điểm nhất định không phải là "kim chỉ nam bất biến" mãi mãi bất chấp tình hình thực tế và sự nâng lên về nhận thức trước những vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự tiến bộ xã hội.
Hẳn nhiên, là một nguồn tư liệu sai, lấy cả nguồn tư liệu sai để bảo vệ ý kiến của mình rõ ràng là chuyện cũng không khác gì việc chẻ chặt, bóc tách câu thơ của Bác Hồ ra khỏi bối cảnh chung để nhằm hướng đến điều mà Đại biểu Quốc hội cần bảo vệ. 
Tuy nhiên, không có gượng ép, lập lờ nào lại không bị phát hiện, nhất là khi kỳ họp nào của Quốc hội cũng được nhân dân đặc biệt quan tâm.

2.  
Bài bình luận này tôi hoàn toàn không có ý đả kích các đại biểu Quốc hội, bởi như tôi đã nói ngay phía trên bài này, tôi biết công việc của các đại biểu thật vất vả. Nhưng dẫu sao thì nói như cụ Nguyễn Du: "Đã mang lấy nghiệp vào thân -  Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".
Công việc là do mình chọn, muốn cống hiến đóng góp vào cái chung là do mình chọn, cũng không ai ép buộc hay ấn vào vị trí ấy. Thế nên, mong đại biểu này lấy đại biểu khác làm gương soi mình, thấy gì không đúng không hay thì tránh, thấy gì đúng hay thì phát huy.
Chứ đại biểu đứng trước triệu cử tri mà hồn nhiên: "Đã ấp ủ nhiều năm phải có ngày tôn vinh đàn ông", lại nữa bàn về cô người mẫu diễn viên Ngọc Trinh cứ như đó là một mối nguy hại văn hóa cao độ thì thật sự là điều vô cùng đáng tiếc thời gian vàng ngọc ở mỗi kỳ họp Quốc hội.
Gây cười thì có gây cười, nhưng gây buồn vẫn mạnh hơn! 



Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng 7-2019