Những bài bình luận và những bài phỏng vấn được tuyển chọn trong suốt dặm dài làm báo của Trần Mai Hạnh, phần nào giúp công chúng mường tượng tương đối trọn vẹn chân dung nhà báo Trần Mai Hạnh nhiều khao khát lắm ưu tư. Hơn 860 trang “Viết và đối thoại”, Trần Mai Hạnh bộc bạch những quan niệm của ông về thế sự, về nhân sinh, về từng số phận chấp chới áo cơm, về tương lai dân tộc đang từng ngày hội nhập…



VIẾT VÀ ĐỐI THOẠI VỚI LỊCH SỬ

TUY HÒA

Trần Mai Hạnh là một nhân vật cầm bút. Ông đã chọn nghề viết, và nghề viết đã không phụ ông. Rèn luyện trong khói lửa, thành đạt trong hòa bình, Trần Mai Hạnh đón nhận không ít vinh quang và cũng nếm trải không ít nhục nhằn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là ông chưa bao giờ ngừng viết, dù lúc đương chức lãnh đạo truyền thông hay lúc về hưu thường dân áo vải. Trang viết giống như một mật khẩu của ông với cuộc đời, trang viết cũng giống như một mật khẩu của cuộc đời đối với ông.

Trần Mai Hạnh có may mắn chứng kiến những thời khắc lịch sử quan trọng, cũng như may mắn được gặp những con người để lại dấu vết quan trọng trong lịch sử. Cụ thể, Trần Mai Hạnh đã có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, và Trần Mai Hạnh đã tiếp xúc với những người dành cả lý tưởng để có giây phút ấy, cũng như những con người từ giây phút ấy được sống số phận khác, hoặc thụ hưởng hạnh phúc khác. Chỉ quanh sự kiện giải phóng Sài Gòn, Trần Mai Hạnh đã có cuốn tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, được trao Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2014 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Giá trị tồn tại của tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” chắc chắn vượt xa tuổi thọ của chính tác giả!

Trần Mai Hạnh đi cả hai chân báo chí và văn chương. Những cái nóng bỏng và gai góc, ông chuyển đến độc giả bằng báo chí. Những cái sâu đằm và đôn hậu, ông chuyển đến độc giả bằng văn chương. Sau cuốn “Thời tôi sống” được xem như tự truyện văn chương, thì cuốn “Viết và đối thoại” (ảnh, do NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật vừa ấn hành) có thể xem như tự truyện báo chí của Trần Mai Hạnh. Những bài bình luận và những bài phỏng vấn được tuyển chọn trong suốt dặm dài làm báo của Trần Mai Hạnh, phần nào giúp công chúng mường tượng tương đối trọn vẹn chân dung nhà báo Trần Mai Hạnh nhiều khao khát lắm ưu tư. Hơn 860 trang “Viết và đối thoại”, Trần Mai Hạnh bộc bạch những quan niệm của ông về thế sự, về nhân sinh, về từng số phận chấp chới áo cơm, về tương lai dân tộc đang từng ngày hội nhập… Sức đọc, sức nghĩ, sức viết của Trần Mai Hạnh đáng được xem là một tấm gương lao động cho thế hệ sau! Trần Mai Hạnh bộc bạch: “Những tác phẩm trong “Viết và Đối thoại”, với tôi là lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại trong cuộc đời làm báo của tôi từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngày hoà bình đầu tiên, những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây cấm vận, đến những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập. Thực chất thì những tác phẩm báo chí thường chỉ có sức hấp dẫn và thu hút bạn đọc ở ngay thời điểm nó xuất hiện, thời gian càng lùi xa nó càng chìm vào quên lãng và không mấy ai nhớ tới. Tôi chọn in những bài báo còn lưu lại được trong tôi về những sự kiện, sự việc, cảnh ngộ con người đã trải qua một thời, còn với độc giả, nó có gợi nhớ được điều gì không thì lại là một câu chuyện khác!”

Có được một sự nghiệp như Trần Mai Hạnh không đơn giản. Trên hành trình cầm bút, Trần Mai Hạnh còn có được một gia đình đồng lòng cộng hưởng, với vợ là nhà thơ Bùi Kim Anh, các con Trần Mai Anh và Trần Mai Linh đều theo nghề báo. Trần Mai Hạnh thú nhận: “Cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ lụy”. Tuy nhiên, bản lĩnh của Trần Mai Hạnh là ông không vì trắc trở ân tình hoặc bội bạc nhân gian, mà nguội lạnh tin yêu hoặc thay đổi thái độ với con đường mình đã dấn thân: “Tôi có quan niệm, lịch sử là tự nó diễn ra. Lịch sử là sự thật. Không phải anh thắng thì nói thế nào cũng được, mà anh thua thì muốn nói thế nào cũng được. Nếu có tranh cãi nhau, cũng phải tranh cãi bằng sự thật!”./.