Sau 30 năm chia tách tỉnh, hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Truyền thống và tiếp nối” diễn ra sáng 6/7 tại Huế được xem là cuộc hội ngộ đầy xúc động của văn nghệ sĩ Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.




VĂN NGHỆ BÌNH TRỊ THIÊN VÀ CUỘC GẶP XÚC ĐỘNG SAU 30 NĂM

Hội thảo do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội VHNT Quảng Bình, Hội VHNT Quảng Trị tổ chức, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên thế hệ trước đây và thế hệ tiếp nối sau 30 năm tách tỉnh (1989 - 2019).

Xúc động ngày hội ngộ
Cuộc gặp mặt đầy bồi hồi, xúc động. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh: “Đây là sự kiện ý nghĩa, biểu hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại hành trang quá khứ, hiện tại đang có những gì, để có thể tiếp những bước chân vững chãi trên con đường phía trước”.
Bình Trị Thiên – vùng đất chứng kiến sự chia cắt đất nước trong chiến tranh, ngoài giá trị biểu tượng cho sự thống nhất đất nước, còn là một vùng đất mà toàn thể Nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ đã chung vai sát cánh xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên trước đây đã có những đóng góp lớn cho nền VHNT Việt Nam.
Nhà thơ Mai Văn Hoan nhớ lại những dấu ấn đặc biệt: “Chưa bao giờ trên mảnh đất Bình Trị Thiên quy tụ một đội ngũ văn nghệ sĩ vừa đông đảo, vừa chất lượng như thời 3 tỉnh sát nhập. Số lượng hội viên các chuyên ngành tăng đột biến, đáng nói là chất lượng làm nên thương hiệu văn nghệ Bình Trị Thiên danh tiếng một thời. Chỉ nói riêng chuyên ngành văn học, Huế là điểm hội tụ của một loạt nhà văn, nhà thơ tên tuổi được cả nước biết đến và rất kính nể, như: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Hà Khánh Linh…”.

Nói về một thời sân khấu Bình Trị Thiên, nghệ sĩ Văn Thanh bồi hồi: “Từ 1976 đến 1989, đoàn kịch nói Bình Trị Thiên đã xây dựng hàng chục vở diễn, từ những vở về chiến tranh cách mạng đến khát khao xây dựng đổi mới đất nước, từ những tác phẩm kịch kinh điển nổi tiếng trên thế giới đến những vở mang tính thể nghiệm. Chỉ một vở diễn “Tình yêu tên cướp”, khi lưu diễn tại Hải Phòng, đoàn đã phải tổ chức một ngày 2 suất diễn, khán giả luôn đầy ắp hội trường nhà hát... Đó còn là những ngày đồng cam cộng khổ, dẫu chỉ ăn cơm độn sắn, bo bo nhưng tinh thần nghệ sĩ phơi phới khi đứng trên sân khấu, vui sướng đón nhận những giọt nước mắt, những tràng pháo tay nồng nhiệt của người xem”.
Trong dòng cảm xúc ấy, NSND Kim Quý xúc động: “Xin được tri ân mảnh đất Bình Trị Thiên một thời gian khó, bởi nó là miền nhớ của cuộc đời tôi. Miền nhớ đã hun đúc và thúc đẩy sáng tạo của chúng tôi, những người nghệ sĩ đã tạo nên thương hiệu sân khấu Bình Trị Thiên một thời oanh liệt, một thời đã ghi dấu ấn không thể quên trong nền sân khấu dân tộc hiện đại của Việt Nam”.
Tiếp nối
Đến ngày 30/6/1989, Bình Trị Thiên tách thành 3 tỉnh, văn nghệ sĩ từ đó tuy sinh hoạt ở các Hội VHNT địa phương khác nhau, song vẫn tiếp tục cống hiến cho nền VHNT nước nhà, tạo nên thương hiệu văn học Bình Trị Thiên khác với các vùng đất khác, tiếp tục quan tâm nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động VHNT với tình gắn bó keo sơn, anh em một nhà.
Trước thực tiễn mới của cách mạng, văn học Quảng Bình, Quảng Trị đã hòa nhập với văn học của cả nước, lấy con người làm trung tâm, phản ánh khát vọng của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, giàu truyền thống văn hóa. Nhà văn Kim Cương, đến từ Phân hội văn học Quảng Bình, chia sẻ: “Bằng hình tượng và tác phẩm văn học, các nhà văn luôn bám sát cuộc sống, đem hết khả năng, tư duy để phát hiện và thể hiện những điển hình tiên tiến bằng hình tượng văn học giàu sức thuyết phục”.
Văn học Thừa Thiên Huế giai đoạn sau 1989 hội tụ được một đội ngũ sáng tác mạnh so với nền văn học chung của cả nước. Được kế thừa một đội ngũ khá hùng hậu đi ra từ cuộc chiến, những gương mặt sáng tác lúc này đang là những tên tuổi trên văn đàn cả nước. Những cái tên: Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hà Khánh Linh… đã giúp lịch sử văn học Thừa Thiên Huế trở nên sang trọng.
Theo nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hoàn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị, quãng thời gian 13 năm (1976-1989) trong mái ấm Bình Trị Thiên đã nuôi dưỡng tình cảm gắn bó giữa những người anh em ruột thịt. Văn nghệ Bình Trị Thiên một thời đã cùng chung tay góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định tình hình xã hội trên địa bàn tỉnh. 13 năm văn nghệ Bình Trị Thiên đã đặt nền móng cho sự phát triển của Hội Văn nghệ thời gian sau giải phóng.
“Cuộc gặp mặt hôm nay là cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa, kết nối truyền thống của lớp lớp các thế hệ văn nghệ 3 tỉnh. Trong sâu thẳm, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế vẫn “như chưa hề có cuộc chia ly”, vẫn cùng nhau đồng hành, thế hệ trước truyền lửa cho thế hệ sau chăm sóc cho cây văn nghệ Bình Trị Thiên ngày càng “xanh tốt””, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hoàn bày tỏ.

TRANG HIỀN - Báo Thừa Thiên Huế