Người lãnh đạo mà không thiết tha gì với văn học thì họ coi những người viết có tài giỏi đến mấy cũng chả là gì. Còn cụ thể trong sáng tác, người cầm bút chân chính đã có sẵn trong trong máu của họ, có sẵn trong đời sống lao động học tập của họ. Họ vẫn sống và vẫn viết bất kỳ ở đâu là do nhu cầu nội tại của bản thân, nhu cầu của xã hội…





Nhà văn Dương Hướng: "Văn học làm nên vóc dáng miền đất chúng ta đang sống"

Chi hội Văn học Quảng Ninh vừa tổ chức Đại hội khóa XI, nhiệm kỳ 2019-2024 đề ra những phương hướng phát triển văn học Quảng Ninh trong những năm tiếp theo. Ngay sau đại hội, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Dương Hướng, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017, về một số vấn đề của văn học Quảng Ninh hôm nay và ngày mai.

@ Thưa nhà văn, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của văn học Quảng Ninh trong thời gian tới?
Dương Hướng: Xin nói ngay rằng, trong thời gian dài vừa qua, chúng ta đã để mất dần đi một đội ngũ viết văn trẻ khá hùng hậu. Tôi nghĩ, nếu chúng ta biết nhận ra được những phẩm chất đáng quý của những tác giả trẻ thì họ đâu phải ra đi. Thật sự đáng tiếc cho văn học Quảng Ninh. Đến thời điểm này không còn phải quanh co, lòng vòng lấp liếm mà phải nói thẳng, nói thực. Thực tế thời gian qua đã giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn để đánh giá chính xác về văn học Quảng Ninh nói riêng và VHNT nói chung. Vấn đề này tôi đã viết tham luận “Văn nghệ và lãnh đạo văn nghệ” đọc trước Đại hội Hội VHNT tỉnh cách nay 10 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Bản tham luận ý nói rằng muốn có một đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh thì trước tiên phải có người biết lãnh đạo văn nghệ. Muốn có được đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh có nghề, có nhiệt huyết nó liên quan nhiều yếu tố. Nhưng yếu tố quan trọng nhất trước hết là người làm lãnh đạo văn nghệ phải biết chăm lo, nuôi và ươm trồng cho đội quân của mình tha thiết với nghề. Chúng ta không thể để tình trạng người lãnh đạo văn nghệ mà không hiểu, hoặc không chịu hiểu về văn nghệ, khiến cho những tác giả trẻ có nhiệt huyết, có nghề thực sự ngao ngán, "dở khóc dở cười". Đến hôm nay, chuyện văn nghệ của tỉnh ta đã quá rõ ràng. Từ lãnh đạo đến tất cả các văn nghệ sĩ ai cũng đã dễ dàng nhận ra điều này, đặc biệt là những văn nghệ sĩ chân chính, nhiệt huyết với nghề, họ cũng đã nhiều lần bức xúc lên tiếng và đôi khi bất lực buông xuôi. Vì sao vậy? Rất đơn giản vì chúng ta không nhìn ra giá trị đích thực của đội ngũ những người cầm bút trẻ.
Trong thời gian tới, tôi tin văn học Quảng Ninh sẽ khởi sắc sau khi chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn học, góp phần không nhỏ vào đời sống tinh thần của một dân tộc, một đất nước. Văn học làm sang lên vóc dáng của từng miền đất, địa phương nơi ta đang sống. Người cầm cân nảy mực cho văn học không làm được thì cá nhân, các cây bút tâm huyết với văn chương cũng sẽ tự thân vận động. Quảng Ninh ta xưa nay vẫn luôn tự hào có những nhà văn tiêu biểu, như: Võ Huy Tâm, Lý Biên Cương, Sĩ Hồng, Tô Ngọc Hiến, Trần Nhuận Minh là lớp đàn anh của chúng tôi đã làm sáng lên vùng đất này qua những tác phẩm văn học như: “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, “Đêm ấy vùng than ai thức”, “Quả trong lòng tay” của Lý Biên Cương, “Tầm cao thành phố” của Sĩ Hồng, “Người kiểm tu” của Tô Ngọc Hiến, “Nhà thơ và hoa cỏ” của Trần Nhuận Minh….

@ Về lực lượng, có vẻ như các cây bút trẻ đang rất thưa vắng. Điều gì đã tạo ra hiện tượng này, thưa nhà văn? Phải chăng đang thiếu đi một cuộc chuyển giao thế hệ giữa những nhà văn gạo cội và cây bút trẻ?
Dương Hướng: Cũng chưa hẳn là thế xét trên phương diện người cầm bút. Họ có thể không còn ở lại vùng đất Quảng Ninh nhưng trong sáng tác, trong sinh hoạt, trong tư tưởng họ vẫn hướng về nơi họ sinh ra, nơi họ có những dấu ấn cuộc đời. Điều quan trọng là những người làm VHNT có nhận ra những giá trị lâu dài của văn học, lôi cuốn, khích lệ được họ, để họ có được những tác phẩm hay hay không. Mục tiêu chính của Hội VHNT là sáng tác ra các tác phẩm có giá trị lâu bền, chứ không phải chỉ đơn thuần là làm phong trào thông tin tuyên truyền. Nhiệm vụ thông tin tuyên truyền là chức năng của văn hóa. Nhiều lúc chúng ta nhầm lẫn về điều này nên chỉ chú trọng đến phong trào mà không coi trọng đội ngũ sáng tác trẻ.
Tôi lấy ví dụ cụ thể về lực lượng sáng tác trẻ của Quảng Ninh trong nhiều năm gần đây được đánh giá khá mạnh với những tên tuổi, như: Uông Triều, Đặng Thị Thúy, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Dương Giao Linh, Tằng A Tài, Huệ Ninh, Vũ Thị Hạnh, Lê Thị Ninh…Tất cả những tác giả tôi nêu trên nếu người làm lãnh đạo văn nghệ biết dùng người, hiểu được tiêu chí, hiểu được giá trị đích thực của VHNT thì lẽ ra phải giữ và khuyến khích họ, tạo mọi điều kiện cho các tác giả trẻ này về được Hội thì Hội ta đâu phải tay trắng như hiện nay. Nhưng thật đáng tiếc, tôi phải nói ra sự thực này để minh chứng rằng, lực lượng sáng tác trẻ của chúng ta đã lần lượt bỏ chúng ta mà đi hoặc muốn về với chúng ta mà không được. Cụ thể từng trường hợp như tác giả Đinh Phương, về Hội được vài năm rồi cũng phải tìm đường đi. Còn tác giả Cao Nguyệt Nguyên, một cây bút nữ quê Quảng Yên đầy triển vọng, vừa được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà khi mang hồ sơ đến Hội xin một chân biên tập nhưng cũng đành phải thất vọng mang về ngay tắp lự. Rồi đến cây bút nữ khá xuất sắc về văn xuôi Dương Giao Linh, cũng chỉ mới “thập thò ngoài cửa” rồi không còn cơ hội. Còn Tằng A Tài, tác giả thơ và mới đây còn sáng tác cả nhạc, có khả năng đi xa hơn nữa nếu ta biết trân trọng, đã ngỏ ý xin về Hội nhưng cũng đều không có cơ hội. Trước đó nữa, tác giả văn xuôi xuất sắc như Uông Triều bây giờ đã là một nhà văn gây được sự chú ý trong cả nước, có lần mong muốn được về Hội nhưng không thành. Chỉ từng ấy sự tình của những cây bút nêu trên cũng thấy rõ được lực lượng sáng tác văn học của Quảng Ninh ta trong quá khứ và tương lai ra sao rồi…
Và đúng là chúng ta đang nhận ra khoảng trống trong sáng tác ở lớp kế cận chuyển giao thế hệ đã cao niên. Chuyện này có rất nhiều nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân chủ yếu tôi đã nói, còn có cả nguyên nhân do lớp trẻ ngày nay có cách nhìn thực tế hơn lớp đàn anh chăng?

@ Một số cây bút trẻ Quảng Ninh hiện tại đang luẩn quẩn bế tắc, có người thì đánh mất sự say mê nhiệt huyết ban đầu. Ông có nghĩ như vậy không, thưa nhà văn?
Dương Hướng: Cũng như tôi đã nói ở trên, ở một môi trường văn nghệ sa sút như thế, những cây bút trẻ bế tắc là lẽ đương nhiên. Những tác phẩm viết ra gửi đi không có hồi âm trong khi những ấn phẩm được in ra lại là những sản phẩm ở tầm câu lạc bộ hoặc mang hơi hướng báo tường. Điều này nguyên nhân chính là do cái gu của người thẩm định tác phẩm. Những người trực tiếp cầm bút trong những năm vừa qua rõ hơn ai hết. Tác giả văn xuôi trẻ Vũ Thị Hạnh thời gian trước viết khá và say mê nhưng rồi cũng phải im hơi lặng tiếng vài năm nay. Tôi hỏi lý do thì được biết có viết gửi nhưng không được dùng nên nản. Tác giả Huệ Ninh một thời đầy nhiệt huyết nhưng rồi cũng thấy thưa vắng. Chúng ta phải thừa nhận, đội ngũ sáng tác văn học tỉnh nhà hiện nay đa phần ở lớp già đã nghỉ hưu có điều kiện, có thời gian.
Còn lớp trẻ thì lại có tư duy khác, họ được đào tạo bài bản, với xu thế thời đại họ phải viết khác, phải đổi mới. Thật khôi hài khi tôi đã phải "dở khóc dở cười" chứng kiến cuộc đối thoại giữa tác giả trẻ Đinh Phương với một nhà văn già. Nhà văn già hỏi: “Cậu viết tiểu thuyết, tớ đọc mãi mà chả hiểu gì cả”. Tác giả Đinh Phương ngẩn người một lúc rồi đành phải cười vui tếu táo một cách hóm hỉnh: “Đến như cháu viết ra cháu còn không hiểu…”. Vậy đấy, hai thế hệ nó khác nhau chính là thế đấy. Biết giải thích thế nào được. Thế hệ viết trẻ hiện nay ngao ngán, nguyên nhân chính vẫn là họ thấy bất lực trước những điều trái khoáy tôi đã nói trên.

@ Vậy thưa nhà văn, văn học Quảng Ninh phải làm gì để có được thời hoàng kim như thế hệ trước?
Dương Hướng: Làm gì à? Thật đơn giản, tất cả là ở người lãnh đạo VHNT. Vai trò và uy tín cá nhân của người lãnh đạo rất quan trọng, là yếu tố quyết định trước tiên. Người lãnh đạo mà không thiết tha gì với văn học thì họ coi những người viết có tài giỏi đến mấy cũng chả là gì. Còn cụ thể trong sáng tác, người cầm bút chân chính đã có sẵn trong trong máu của họ, có sẵn trong đời sống lao động học tập của họ. Họ vẫn sống và vẫn viết bất kỳ ở đâu là do nhu cầu nội tại của bản thân, nhu cầu của xã hội… Nếu người lãnh đạo VHNT biết tập hợp, biết được khả năng sáng tạo của họ để tin cậy họ, khuyến khích họ thì đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao đối với họ và nó còn là trách nhiệm với sự nghiệp văn học tỉnh nhà nữa.
Những người cầm bút chân chính họ không có nhu cầu gì hơn là được sáng tác trong môi trường trong sạch, vô tư. Ngôi nhà văn nghệ mấy năm nay cứ ngày một thưa vắng dần. Nói đến đây, tôi lại tiếc nhớ một thời hoàng kim có nhà văn Sĩ Hồng, nhà văn Lý Biên Cương, nhà thơ Trần Nhuận Minh "cầm cân nảy mực". Đội ngũ các nhà văn như tôi, nhà thơ Nguyễn Châu, nhà thơ Trần Tâm, nhà văn Vũ Thảo Ngọc và rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ  khác, mỗi lần đến Hội cứ vui như hội…
Cũng thật may mắn, đến giờ phút này tôi đã thấy dấu hiệu tốt của lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời nhận ra những bất cập, nhận ra những nguyện vọng chính đáng của các văn nghệ sĩ nên đã có những động thái cụ thể, như trực tiếp chỉ đạo Đại hội Hội VHNT tỉnh sắp tới và tăng cường người có chuyên môn về Hội.

@ Nói riêng ở góc độ Chi hội, nhà văn đánh giá như thế nào về Ban chấp hành Chi hội Văn học khóa mới?
Dương Hướng: Tôi thật sự vui mừng khi thấy Ban chấp hành khóa mới với những gương mặt đầy tin cậy. Tôi mừng hơn nữa khi nhận ra tất cả đội ngũ văn học tỉnh nhà có mặt trong Đại hội cũng đều thấu hiểu mọi nhẽ. Có thấu hiểu, họ mới có sự nhìn nhận chính xác và tập trung giới thiệu bầu nên những người xứng đáng trong Ban chấp hành. Mừng thì mừng vậy, điều quan trọng còn phải phụ thuộc vào Đại hội Hội VHNT tỉnh sắp tới, chúng ta có chọn và giới thiệu được đội ngũ có năng lực thực sự trong Ban chấp hành không. Và quan trọng hơn tất cả là người trực tiếp cầm lái văn nghệ tỉnh nhà là ai? Người đó sẽ là yếu tố quyết định cho sự nghiệp văn học nói riêng và cho VHNT Quảng Ninh nói chung đi về đâu.

@ Cám ơn nhà văn về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Nguồn: Báo Quảng Ninh