Việc tôn vinh không đúng không những không lan tỏa được những điều tốt đẹp vào đời sống mà còn làm cho giá trị đạo đức và nhận thức xã hội bị lệch lạc, méo mó. Dù đồng tiền "vĩ đại" đến cỡ nào thì những cái gì mình không có, không bao giờ được nhận, những cái gì mình không được phép phong, thì không bao giờ được hạ bút phong.




SỰ LỆCH CHUẨN VÀ NHỮNG DANH HIỆU QUÁI ĐẢN

CÙ TẤT DŨNG

Sau khi Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức một cuộc thi có "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam lần thứ I - 2018", đã bình chọn và vinh danh Phạm Nữ Hiền Ngân "Nữ hoàng văn hóa tâm linh" thì Viện Công nghệ chống làm giả, trực thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam chấp thuận và chọn "Nữ hoàng văn hóa tâm linh" làm Phó ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả đã khiến nhiều người… ngã ngửa bởi không hiểu từ đâu ra danh hiệu rất… "lạ" này.
Tuy nhiên, cũng có người không ngạc nhiên về danh hiệu này, bởi đây không phải là lần đầu Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đẻ ra danh hiệu kiểu này. 
Cuối năm 2017, ca sĩ Ngọc Sơn chỉ sau 5 ngày ký đơn xin gia nhập hội, đã được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen với danh hiệu "Giáo sư âm nhạc". Thực chất đây là hình thức mập mờ phong danh hiệu của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam.
Nghe các danh hiệu "hão" này, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh cậu bé nhặt banh quần vợt Xuân tóc đỏ nhờ sự lưu manh, giảo hoạt từng bước ngoi lên để trở thành "Me sừ" Xuân, rồi "Giáo sư quần vợt". Còn với nhân vật Phó Đoan, bấm bụng thủ tiết với... hai đời chồng, nhưng vẫn được tặng bằng "Tiết hạnh khả phong" trong tiểu thuyết nổi tiếng "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Thiết tưởng, những câu chuyện đau lòng, cười ra nước mắt trong "Số đỏ" chỉ có ở thời nửa thực dân, nửa phong kiến, nhưng soi vào thực tế hiện nay, những mẫu người như nhân vật  Xuân tóc đỏ hay bà Phó Đoan hình như lại đang có cơ hội nổi lên khi gặp một mảnh đất vô cùng thuận lợi là sự háo danh, chuộng hư danh và khát khao nổi tiếng của một bộ phận giới trẻ, doanh nhân chưa thành đạt trong xã hội.
Có cầu, ắt có cung, một số đơn vị, tổ chức lợi dụng tâm lý "sính danh hiệu" của người Việt nên ồ ạt, đua nhau "phát minh" ra các kiểu danh hiệu quái đản chỉ để làm oai cho nhau để kiếm tiền. Xu hướng bịa đặt ra rất nhiều thứ danh hiệu vừa mơ hồ, vừa khó hiểu để thu hút sự chú ý của dân chúng và kiếm tiền một cách trực tiếp hay gián tiếp ngày càng nở rộ.
Ở thời buổi công nghệ 4.0 thì ai thu hút được càng nhiều sự chú ý của mọi người là có tiền. Bởi thế, những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, bát nháo của Khá "bảnh", "thánh chửi" Dương Minh Tuyền; khoe mẽ, khoe tiền của Phúc XO cũng có cả triệu người theo dõi và hàng tháng các đối tượng này thu được cả trăm triệu đồng.
Điều lạ ở đây là các danh hiệu hão không chỉ làm lóa mắt những người bình thường mà ngay cả những người có vai vế là viện trưởng, chủ tịch các hội nghề nghiệp không hiểu thế nào đã "vô tình" không nhận ra, để rồi góp phần "sáng tạo" ra các loại danh hiệu nhố nhăng như: Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng ẩm thực, Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam… và cả Nữ hoàng nội y.
 Tham gia xây dựng, bảo vệ các sản phẩm trí tuệ, thương hiệu của mình là nhu cầu hết sức chính đáng cần được đáp ứng đối với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào, nhưng không thể biến các danh hiệu cao quý thành mặt hàng mua bán trên thị trường. Khái niệm "chạy" và "mua" danh hiệu, kể cả mua quan bán chức đang trở thành một sự nhức nhối trong cuộc sống hôm nay.
Vì vậy chúng ta cần siết chặt công tác quản lý các chương trình vinh danh. Theo đó, cá nhân, đơn vị, tổ chức được vinh danh phải là một trong những người nổi trội nhất, tập thể xuất sắc nhất và đạt được hầu như đầy đủ những tiêu chí đánh giá do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đặt ra.
Vinh danh các tổ chức, cá nhân là một hình thức khá phổ biến, bởi không đơn giản là "cho" và "nhận" mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn hết sức lớn lao, tôn vinh, tri ân những thành quả họ đã đạt được và ghi nhận những đóng góp công sức, trí tuệ, sự cống hiến của họ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Các hoạt động vinh danh trong thời gian qua đã có những tác động tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, vừa mang đến giá trị tinh thần, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và hoàn thiện con người Việt Nam. Vì thế, phong tặng các danh hiệu được xem là một nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, là phương thức hữu hiệu để bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến.
Việc tôn vinh không đúng không những không lan tỏa được những điều tốt đẹp vào đời sống mà còn làm cho giá trị đạo đức và nhận thức xã hội bị lệch lạc, méo mó. Dù đồng tiền "vĩ đại" đến cỡ nào thì những cái gì mình không có, không bao giờ được nhận, những cái gì mình không được phép phong, thì không bao giờ được hạ bút phong.


Nguồn: Văn Nghệ Công An