Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nói về bài phê phán cuốn sách “Tâm lý người An Nam” trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Tôi đồng ý với tác giả bài báo rằng luận điểm về chủ nghĩa chủng tộc mà tác giả Paul Giran dựa vào hiện nay đã lỗi thời. Tuy nhiên không phải vì thế mà các quan sát chi tiết trong quyển sách đều là sai lầm…


CUỐN SÁCH "TÂM LÝ NGƯỜI AN NAM" VẪN CÓ GIÁ TRỊ

VƯƠNG TRÍ NHÀN 

Báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 7-7-2019, vừa có bài viết mang tên “Sự 'hèn kém' của giống người An Nam hay là một khoa học giả hiệu?” để phê phán cuốn sách "Tâm lý người An Nam" của Paul Giran NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam (cuốn sách đồng thời được xuất bản với tựa "Tâm lý dân tộc An Nam", NXB Hội Nhà văn, đơn vị phát hành Omega Plus).
Tôi đồng ý với tác giả bài báo trên Tuổi Trẻ cuối tuần rằng luận điểm về chủ nghĩa chủng tộc mà tác giả Paul Giran dựa vào hiện nay đã lỗi thời. Tuy nhiên không phải vì thế mà các quan sát chi tiết trong quyển sách đều là sai lầm. 
Kết luận rằng "chỗ này, chỗ khác, cuốn sách có thể nhận xét đúng về những “thói hư tật xấu” của người Việt, nhưng bởi những nhận xét đó xuất phát từ một tư duy giả khoa học của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chúng chẳng còn ý nghĩa gì nữa" là quá khắc nghiệt.
Theo thiển ý của tôi những quan sát (từng được các trang mạng xã hội thích thú trích dẫn thời gian qua) khá chính xác đối với người Việt trong lịch sử và môt phần còn đúng đến hôm nay. Chúng chứng tỏ tác giả đã có một thời gian sống hết mình với thực tế Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19 đầu 20. Để đi tới những quan sát đó tác giả một sự thâm nhập thực tế kỹ càng và một sự phân tích có chiều sâu. Gạt sang một bên cái phần lý luận mà tác giả thuyết minh và tin tưởng thì những trang sách “nhìn từ bên ngoài” tương tự vẫn rất có ích cho người Việt trong quá trình tự nhận thức hôm nay.
Một ý kiến khác. Tôi muốn nói không nên vì tác giả là một viên quan làm việc trong hệ thống cai trị của Pháp ở Việt Nam, mà chúng ta tìm cách gạt bỏ cuốn sách. Cụ Khổng xưa từng nói đại ý không vị nhân mà phế ngôn là với ý này.
Với loại sách như "Tâm lý người An Nam" lẽ ra phải có một lời giới thiệu kỹ càng và một sự phân tích thấu đáo đặt ngay ở đầu sách.
Nếu như còn thiếu một sự hướng dẫn cẩn trọng như chúng ta đang cần thì đó là lỗi của cả bộ máy xuất bản. Nhưng đó là một lỗi có thể thông cảm.
Tôi cho rằng những cố gắng như của NXB Hội Nhà văn, công ty Nhã Nam và Omega Plus rất đáng được ủng hộ. 
Đọc quảng cáo thấy nói một số cuốn tương tự đang được chuẩn bị, tôi nghĩ đó là một sự tiếp tục cần thiết và đáng chờ đợi.

P/S: Tên sách theo tôi nên dịch là "Tâm lý dân An Nam" chứ không phải cả hai tên đang được dùng.