Tiến sĩ Cao Đắc Điểm cho rằng: Kết quả khảo cứu nghiêm cẩn, toàn diện, có hệ thống sự nghiệp đa dạng, đồ sộ, đặc biệt là nội dung những trải nghiệm, những thông điệp của tác giả để lại khi giao lưu với bạn đọc, với công chúng, khi kết nối với đồng nghiệp, với giới nghiên cứu phê bình… càng thấy rõ “tư cách nhà văn hóa”, “tư cách một nhân vật lịch sử” của tác giả. Ngô Tất Tố là một trong những cây bút có tài năng, có danh tiếng trong thế kỷ XX của đất nước ta, đã có đóng góp lớn trong tiến trình hiện đại hóa nền văn hoc, nền báo chí và nền văn hóa nước nhà.   



CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP NGÔ TẤT TỐ

CAO ĐẮC ĐIỂM

I. Tuổi thơ, thời trai trẻ, từ cựu học, tác giả quyết định khởi nghiệp bằng nghề cầm bút giữa thời tân văn.          
            1. Tác  giả sinh ra và trưởng thành tại vùng địa linh nhân kiệt Kinh Bắc, thuở ấu thơ, thời trai tráng được thụ giáo bài bản Nho học . Kinh Bắc là địa danh đỗ đại khoa vào cỡ đông nhất nước, với câu phong dao là vùng đất có “Một giỏ ông đồ. Một bồ ông cống. Một đống ông nghè. Một bè tiến sĩ. Một bị trạng nguyên. Một thuyền bảng nhãn”.
             2. Tác giả là người trong cuộc và là nhân chứng trực tiếp trước những biến cố trọng đại: về lịch sử của dân tộc - đất nước mất vào tay ngoại bang, về ngôn ngữ của dân tộc -   nền khoa cử Hán học xụp đổ, chữ Quốc ngữ ra đời và bùng phát.  
            3. Trước các biến cố lớn, tác giả quyết định, từ cựu học,  dấn thân khởi nghiệp cùng tân học, cộng tác với Tản Đà làm An Nam Tạp chí (1926-1927).
             Tác giả tự thuật: “Từ thuở lên sáu cho đến ngoài hai mươi, tôi không lạ gì xiềng xích văn chương cử nghiệp”, bỡ ngỡ giữa ngã ba đường khi nền giáo dục Hán học xụp đổ, tác giả chọn con đường đi dạy học, vừa dạy học vừa dịch sách “Cẩm Hương Đình”. Tác giả tự thuật: Bán được sách cho Tản Đà tu thư cục đã giúp tác giả nhận ra, có thể kiếm sống được với nghề cầm bút nên tác giả khởi nghiệp với tân học bằng cách viết báo. Mặc dầu khá muộn, 14 tuổi mới bắt đầu học chữ quốc ngữ nhưng được sinh ra và lớn lên trong cái nôi cội nguồn của tiếng Việt Kinh, được tiếp cận với chữ Quốc ngữ, chữ viết mới của tiếng mẹ đẻ, tác giả đã có những nhận thức sâu sắc về chữ Quốc ngữ, từ đó tác giả đã sử dụng tự nhiên, dễ dàng, rất thành thạo, rất nhuần nhuyễn chữ Quốc ngữ khi “chuyển khẩu ngữ thành bút ngữ”. Tác giả luôn luôn tự khẳng định “viết phải đúng như lời cha ông ta thường nói, viết phải có thần của ngòi bút”. Do không thấy hết “bản năng trời đã phú cho này” đối với tác giả và “đức tự học” rất cao ở tác giả nên đã vội có nhận xét là tác giả không từng học “trường tây” mà sao lại viết được giống “tây học” như thế.  

  II. Khởi nghiệp hành nghề làm báo bằng cách cộng tác với Tản Đà làm An Nam tạp chí.
             1. An Nam Tạp chí “từ một tháng ra báo ba kỳ đến ba tháng ra báo một kỳ cũng không được”, vì thiếu vốn nên tạp chí phải đình bản. Cùng với Tản Đà, tác giả vào Nam để định làm tiếp An Nam Tạp chí nhưng không thành vì xứ thuộc địa là Nam Kỳ không cho phép báo từ xứ bảo hộ là Bắc Kỳ được hoạt động. Tản Đà về Bắc. Diệp Văn Kỳ mời Ngô Tất Tố ở lại cộng tác làm Đông Pháp Thời báo.
             2. Bám sát thực tế cuộc sống, như cá gặp nước khi gặp môi trường sách báo chữ Hán tràn đầy của xứ thuộc địa Nam Kỳ, lăn lộn với bút sắt, viết nhiều bài bình luận và dịch thuật đặc sắc, tác giả được công chúng và báo giới Nam Kỳ “chịu sài”, sau đó đã chuyển sang làm Thần Chung là tờ tiếp nối sau khi Đông Pháp Thời báo đóng cửa.

          III. Tạo sân chơi độc đáo trên mặt báo – sáng tác tản văn.
          Trở lại Bắc, nhanh chóng hòa nhập với báo giới, nuôi dưỡng và phát triển  và công chúng Bắc Kỳ, tác giả chủ động phát triển rất mạnh tài năng độc đáo, tạo sân chơi vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc trên mặt báo là sáng tác tản văn trên mặt báo (dựng chuyên mục, đặt bút danh, rút tít…).         
          Để khỏa lấp một trong hai cái yếu kém trong quốc âm là tản văn như tác giả đã nhận xét năm 1938 trên báo Thời  Vụ. Từ 1927 đến 1945, với hàng loạt bút danh, trên hai mươi tờ báo và tạp chí trên cả nước, Ngô Tất Tố đã có những thành tựu vượt bậc, đã tạo lập kho tản văn có tầm cỡ lớn nhất về số lượng, chất lượng trong làng báo nước nhà.

           IV. Nhà văn hàng đầu trào lưu hiện thực của nền văn học nước nhà.
           Đồng thời với việc góp phần khỏa lấp cái yếu kểm về tản văn, tác giả đã hết lòng sáng tác, khỏa lấp cái yếu kém thứ hai là về tiểu thuyết của nền quốc âm. Tác giả đã để lại những tác phẩm còn sống mãi với thời gian như Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng… Với những tác phẩm này, tác giả được công chúng, đồng nghiệp, và giới nghiên cứu phê bình ngưỡng mộ, đồng thuận tôn vinh tác giả lên vị trí hàng đầu của trào lưu văn học hiện thực trong nền văn học dân tộc.  

  V. Sự nghiệp đa dạng, đồ sộ, còn trải rộng trên nhiều phương diện khác.
            Tác giả cho xuất bản nhiều ấn phẩm in sách, công bố các chuyên luận, bình luận trên các báo, các tạp chí, đồng thời sáng tác hàng loạt các chuỗi tác phẩm dưới dạng feuilleton về các lĩnh vực khác như: viết lịch sử, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, khảo dịch về triết học (đáng chú ý là việc dịch và chú giải Kinh Dịch), khảo cứu về văn học sử, bình luận thời cuộc, nhất là các nước đồng văn chữ Hán.

           VI.  Bao trùm là “tư cách nhà văn hóa”.
          Trước đó, tác giả đã được đánh giá là xứng đáng ở nhiều tư cách như: nhà văn, nhà báo, nhà viết lịch sử, nhà phê bình… Về tư thế bao trùm là “tư cách nhà văn hóa” của tác giả được đề cập và khẳng định chính thức kể từ lễ “Kỷ niệm 100 năm năm sinh của tác giả” vào năm 1994.
           Kết quả khảo cứu nghiêm cẩn, toàn diện, có hệ thống sự nghiệp đa dạng, đồ sộ, đặc biệt là nội dung những trải nghiệm, những thông điệp của tác giả để lại khi giao lưu với bạn đọc, với công chúng, khi kết nối với đồng nghiệp, với giới nghiên cứu phê bình… càng thấy rõ “tư cách nhà văn hóa”, “tư cách một nhân vật lịch sử” của tác giả. Ngô Tất Tố là một trong những cây bút có tài năng, có danh tiếng trong thế kỷ XX của đất nước ta, đã có đóng góp lớn trong tiến trình hiện đại hóa nền văn hoc, nền báo chí và nền văn hóa nước nhà.  
       
                                                              Tháng 6 năm 2019