Thực tế, nếu chúng ta có những nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên giỏi, cộng với sự quan tâm của nhà nước thì những sự kiện lịch sử như “Loạn 12 sứ quân” thời Đinh Bộ Lĩnh; “Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm”; “Nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên Mông”; “Lê Lợi chiến thắng giặc Minh”; “Trịnh Nguyễn phân tranh”; “Quang Trung đại phá quân Thanh”… đều có thể xây dựng được những bộ phim lịch sử, dã sử hay và hấp dẫn không kém gì những sự kiện lịch sử và phim lịch sử của Trung Quốc.



HỌC SỬ ĐỂ THÊM YÊU ĐẤT NƯỚC

NGUYỄN THẾ HÙNG

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học năm 2019, môn lịch sử có điểm trung bình là 4,3 với 70% số bài thi dưới 5 điểm, “đội sổ” về kết quả thi THPT quốc gia năm nay. Vậy là một lần nữa, môn lịch sử lại có số điểm dưới trung bình cao so với các môn thi khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “sợ hãi” của học sinh đối với môn học lịch sử...
Để xảy ra tình trạng trên, về phía nhà trường, một trong những nguyên nhân là do giáo trình và phương pháp dạy môn lịch sử của đội ngũ giáo viên nói chung chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, nhiều con số khô cứng…
Còn về phía phụ huynh và học sinh, đa số xem nhẹ môn học này, họ chỉ đầu tư vào học toán, lý, hóa, tiếng Anh, tin học… để dễ chọn ngành nghề, trường đại học, có tương lai, cơ hội việc làm… tốt hơn. Qua đó, không ít ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có một tổ nghiên cứu để lý giải tại sao môn lịch sử luôn là môn học tạo cho học sinh sự “chán chường” và “sợ hãi” nhất so với các môn học khác.
Vậy có phải là học sinh ngày nay do nhiều nguyên nhân mà thờ ơ với lịch sử dân tộc không? Không hẳn thế, vì trong thực tế, có rất nhiều bạn trẻ ngày nay thuộc lịch sử và các sự kiện lịch sử của Trung Quốc nhiều hơn lịch sử nước nhà.
Điều này có thể dễ dàng lý giải vì chắc chắn một điều rằng, các bạn học sinh đó không có mấy người đọc những bộ sử của Trung Quốc. Khi được hỏi thì đa số các bạn đều thú nhận biết sử Trung Quốc qua các bộ phim về lịch sử, dã sử của họ.
Như chúng ta đã biết, rất nhiều bộ phim lịch sử của Trung Quốc có chủ ý xây dựng làm sao để làm nổi bật lên được một cách rõ nhất “Tinh thần và hồn cốt Trung Hoa”. Những bộ phim lịch sử hay của họ thường là phim lịch sử - dã sử. Có nghĩa là từ những sự kiện lịch sử có thật, nhưng sự thật đó nhiều khi chưa đến 30% bộ phim, những nhà làm phim đã hư cấu nghệ thuật lên đến 70%.
Tất nhiên là họ vẫn giữ được những con người và sự kiện là những cột mốc quan trọng của giai đoạn lịch sử đó. Chính phần hư cấu nghệ thuật đó đã làm nổi bật lên được tinh thần Trung Hoa và tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người xem. Xét cho đến cùng thì mục đích của môn học lịch sử là thầy cô giáo truyền cho học sinh tinh thần dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với tổ tiên, tự hào với truyền thống và yêu đất nước mình hơn.
Để đạt được mục đích đó, song song với nhà trường, các nhà làm phim, bằng tài năng của ê kíp làm phim, từ tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên… tái hiện được những giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử mang đậm hồn cốt dân tộc, từ phục trang, lời ăn tiếng nói, điệu đi dáng đứng và những hành xử…
Qua những bộ phim đó, giai đoạn lịch sử đó, những nhân vật lịch sử đó đã khắc sâu và đọng lại ở người xem, đến một lúc nào đó, người xem sẽ “đóng đinh” nhân vật lịch sử trên phim với nhân vật lịch sử ngoài đời.
Để làm được điều đó thì nhà trường bắt buộc phải thay đổi giáo trình, đừng bắt học sinh phải học thuộc những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch… và nhà làm phim, việc đầu tiên là phải có phân kỳ lịch sử để chọn lựa phương pháp sáng tác. Chúng ta có thể lấy mốc tháng 8 năm 1858, quân viễn chinh Pháp cùng Tây Ban Nha đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn.
Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp trở về trước gọi là lịch sử - cổ trang. Làm phim về thời kỳ này, chúng ta có thể đưa tỷ lệ hư cấu nghệ thuật vào được nhiều hơn nhưng vẫn phải giữ được những sự kiện, những con người, những cột mốc quan trọng của các thời kỳ lịch sử.
Vì về thời kỳ lịch sử này, chúng ta không còn giữ được nhiều tài liệu, thư tịch, tác phẩm văn chương… nên muốn làm phim hấp dẫn thì buộc phải có tỷ lệ hư cấu nghệ thuật cao, trình độ diễn xuất giỏi của diễn viên, tầm nhìn bao quát và tài năng của đạo diễn.
Thời kỳ thứ hai là từ năm 1858 đến năm 1945 và thời kỳ thứ ba là từ năm 1945 đến nay. Hai thời kỳ này còn có nhiều tư liệu lịch sử, văn học, nghệ thuật, nên việc dựng phim sát với diễn biến lịch sử dễ dàng hơn, nhưng dù muốn dù không cũng phải chú ý đến tỷ lệ hư cấu nghệ thuật sao cho phim đạt được đến độ hấp dẫn người xem, nhưng không làm sai lệch lịch sử. 
Thực tế, nếu chúng ta có những nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên giỏi, cộng với sự quan tâm của nhà nước thì những sự kiện lịch sử như “Loạn 12 sứ quân” thời Đinh Bộ Lĩnh; “Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm”; “Nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên Mông”; “Lê Lợi chiến thắng giặc Minh”; “Trịnh Nguyễn phân tranh”; “Quang Trung đại phá quân Thanh”… đều có thể xây dựng được những bộ phim lịch sử, dã sử hay và hấp dẫn không kém gì những sự kiện lịch sử và phim lịch sử của Trung Quốc. Nếu chúng ta làm được điều đó, tin rằng một ngày không xa: “Dân ta đều biết sử ta” và môn lịch sử thực sự là môn học được đón đợi nhất của các em học sinh.


Nguồn: Văn Nghệ Công An