Những người đi qua nơi vừa tai nạn, thờ ơ với nạn nhân có thể họ có lý do riêng: Đang mải miết đi nhanh làm nhanh một công việc phía trước. Hoặc “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” như một thói quen lạnh lùng sống không đếm xỉa đến việc riêng, đến sống chết của người bên cạnh. Cũng có thể họ sợ bị vạ khi muốn làm người tốt, người tử tế.




VÔ CẢM MẤT HẾT TÍNH NGƯỜI!

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Đứa bé bỗng dưng... mồ côi mẹ! 
Mẹ đứa bé là chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên, 25 tuổi, quê Bến Tre. Chị mãi mãi không trở về với đứa con bé bỏng gần ba tuổi sau vụ tai nạn giao thông tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tôn, phường Tân Quý, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 3h sáng ngày 25.6. Khi ấy, đường vắng lắm. Xe máy do Nguyễn Hoàng Long, 16 tuổi chở chị va chạm với chiếc xe taxi hãng Vinasun do Đặng Tấn Phú lái quẹo trái. Cú xe máy húc tạt sườn ô tô khiến văng ra với tốc độ kinh hoàng, đập thân thể xuống vỉa hè. 
*** 
Bây giờ thì người mẹ trẻ không còn nói được nữa. 
Không còn ngồi sau xe máy của Nguyễn Hoàng Long phóng như bay trên đường. Dĩ nhiên, không còn được nghe tiếng con trẻ bi bô gọi mẹ. Nhưng, tôi tin là linh hồn người mẹ trẻ không còn vẩn vơ ở giao lộ Tân Hương - Võ Công Tôn. Người mẹ trẻ bất hạnh ấy đã được người thân nhận diện và đưa về quê nhà an táng. Đứa trẻ gần ba tuổi không biết má mình đã chết. Thậm chí, nó cũng không hiểu tại sao nhà mình bỗng dưng đông người. Thậm chí, nó còn đòi được nói chuyện với má qua máy điện thoại bà ngoại. Nó cũng không biết vành khăn tang trắng đang mang trên người là cái gì. Khổ thân! Đứa bé gần ba tuổi chịu cảnh ba má chia li. Côi cút sống cùng ông bà ngoại. Má tha hương thân cò lặn lội ở thành phố kiếm sống, vài tháng mới về một lần. Về chưa kịp hờn má, thì má đã lại phải đi. Bây giờ, thì nó không còn được gặp má, hờn má nữa. Ba nó có đến đón nó về nuôi? Hay, vẫn lại côi cút sống cùng ông bà ngoại nghèo khó, để mỗi chiều tối lại đòi ngoại cho nói chuyện với má qua điện thoại. Má... má ơi! Má về... Má về với con. 
***
Tôi tin rằng linh hồn người mẹ chết trẻ nghe được tiếng đứa con bé bỏng của mình. Thậm chí, hàng ngày chị thấy con mình chí chóe cãi nhau với trẻ hàng xóm. Thậm chí, bữa cơm chị thấy nó phụng phịu dỗi ngoại. THậm chí, nó thơ thẩn chơi đầu ngõ, thảng hoặc dõi mắt nhìn xa xăm, như đang ngóng mẹ về. Thậm chí chị còn thấy nó cầm điện thoại của ngoại, nước mắt nước mắt dài gọi: má ơi, má...ơi hoài mà chị vẫn không cất nổi lời. Linh hồn người mẹ trẻ đã về quê, đau đớn thấy con, xoá xa thấy ba má và tủi thân thấy chòm xóm thật rồi. Còn vấn vương nữa đâu nơi tai nạn thảm khốc đốn phạt một cuộc đời phụ nữ ngắn ngủi. Vấn vương gì đâu nơi tai nạn thảm khốc, tài xế Đặng Tấn Phú mở cửa xuống xe nhìn chị nằm bất động, nhìn Long co giật, rồi lên xe bỏ đi khỏi hiện trường. Thêm đau đớn, xót xa. Vấn vương làm chi nơi người đời thấy chị bị va đập nằm sõng soài, vẫn còn hơi động cựa, mà người đời lướt qua. Thêm oán trách người đời.
***
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ câu nói của nhà văn Helen Adams Keller người Mỹ: “Chúng ta có thể đã chữa trị được hầu hết thói xấu xa; nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất là sự vô cảm của con người”. 
Thờ ơ. Vô cảm. Hững hờ với mất mát đau thương. 
Xem kĩ lại camera ghi hình khoảng 11 phút, sẽ thấy chiếc taxi gây tai nạn, 4 ô tô con, 1 xe tải, hơn 40 xe máy, 1 xe đạp với gần 60 người đi qua nơi nạn nhân đang nằm. Ở khoảng 1 phút 40, có một thanh niên đi xe máy dừng lại nơi tai nạn, rút điện thoại như là báo tin cho ai đó. Người đàn ông đi bộ, mặc quần short đến chỗ xe máy, rồi ông ta đến gần cô gái, giơ tay ra như kiểm tra sống hay chết. Sau đó, quay ra nói chuyện với người đang gọi điện thoại. Tiếp tục có thêm 3 người đi bộ đến, nhưng tất cả đứng nhìn 2 nạn nhân nằm co giật. Khi người thanh niên co giật gượng dậy được, thì cả nhóm 5 người bỏ đi. Khoảng 5 phút cuối clip, hình ảnh nạn nhân nam gượng dậy đi ra hẳn đường nhựa như là cầu xin người cứu giúp, có thể đếm được 2 ô tô con, 1 xe tải, 26 xe máy, có xe máy 2 người, đi qua nơi nạn nhân Nguyễn Thị Kim Tiên nằm bất động, nhưng cũng chẳng ai dừng lại cứu giúp. 
Ám ảnh hãi sợ nhất là hình ảnh tài xế taxi lái xe đến gần chỗ nạn nhân, mở cửa ô tô bước xuống đến nhìn một người bất động, một người đang co giật, quan sát đường vắng..., trong khoảng 13 giây, rồi lên ô tô, lái xe bỏ chạy khỏi hiện trường. Mặc, không biết nạn nhân sống chết ra sao, không ra tay cứu giúp. Chạy đã!
***
Những người đi qua nơi vừa tai nạn, thờ ơ với nạn nhân có thể họ có lý do riêng: Đang mải miết đi nhanh làm nhanh một công việc phía trước. Hoặc “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” như một thói quen lạnh lùng sống không đếm xỉa đến việc riêng, đến sống chết của người bên cạnh. Cũng có thể họ sợ bị vạ khi muốn làm người tốt, người tử tế. Sự thật là, có những người thiện tâm đi đường thấy người bị tai nạn đã ra tay cứu giúp: Nhanh chóng bắt taxi. Đưa bệnh nhân đến viện. Nhân viên y tế không cho về, bắt đóng viện phí, giữ ở lại làm các thủ tục vào viện, phục vụ người bị thương. Đang vội làm việc riêng, mà lại mất cả ngày cả buổi giúp người dưng thì cũng phiền toái. Nhưng, khủng khiếp nhất là “làm phúc phải tội”. Cứu giúp nạn nhân, có khi máu tươi dây sang cả tay chân, thân thể mình. Người nhà nạn nhân nhìn người thân của mình bị thương thê thảm quá, “xót người tiếc của”, chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao... chửi bới, lăng mạ, rồi đánh liền. Lấy oán trả ân đánh luôn người vừa cứu sống người nhà mình. “Chờ được vạ, má sưng”, hay giải thích, chứng minh được lòng tốt của mình thì có khi chân gẫy, răng long. Thời buổi nhốn nháo đến mức muốn làm một người tốt cũng không dễ.
***
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một tâm trạng yếu bóng vía, hoặc là cách ngụy biện không trung thực về sự vô cảm và giả dối của con người. Không thiếu gì cách giúp người bị tai nạn. Chẳng có chuyên môn y tế làm cấp cứu tại chỗ được, không đưa nạn nhân đi viện cấp cứu được, thì cũng chỉ cần một cú điện thoại đầu tiên cho cấp cứu 115, và sau đó thêm một cú điện thoại nữa cho cảnh sát giao thông. Chắc cũng không tốn thời gian và hao mòn tiền bạc lắm!
***
Phẫn nộ và đáng lên án nhất là anh tài xế Đặng Tấn Phú lái taxi Vinasun. Là người can dự trực tiếp trong vụ tai nạn ở giao lộ Tân Hương - Võ Công Tôn, nhưng anh ta lại bỏ chạy khỏi hiện trường. Anh ta đưa ra lý do bỏ đi là thấy nạn nhân co giật nên hoảng sợ quá. Hoàn toàn không thuyết phục! Trích xuất camera, không bắt gặp một mảy may nào cho thấy anh ta run rẩy, hay hốt hoảng lo sợ. Có thể là... sợ người chết không sợ mà sợ bị đánh? Có thể là chạy trốn trách nhiệm? Đêm hôm khuya khoắt, vắng người, ai biết được đâu. Chạy đã. Nhưng chạy trời cũng không thoát khỏi ghi hình của camera. Suy đến cùng, tất cả cũng đều từ thói thờ ơ, vô cảm của con người. Trong trường hợp này, vô cảm dẫn đến tội ác. Nếu người mẹ trẻ Nguyễn Thị Mỹ Tiên được cấp cứu kịp thời biết đâu có thể sống, không phải vĩnh viễn rời xa đứa con bé bỏng chưa đầy ba tuổi.
***
Theo khoản 3, điều 11 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì “cá nhân hoặc tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, thì có thể bị xử phạt hành chính từ 500 000 - 2 000 000 đồng”. Theo điều 132 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chưa biết tài xế Đặng Tấn Phú lái taxi Vinasun lỗi đến đâu, điều này còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Song, là người can dự trực tiếp, không cứu được người bị nạn thì trách nhiệm đầu tiên phải gọi cơ quan chức năng đến hiện trường giải quyết và phải đưa nạn nhân đi cấp cứu. Anh ta đã không làm nổi việc đó, mặc kệ người nữ nằm bất động, người nam co giật, tính mạng nguy kịch như “trứng treo đầu đẳng”, rồi bỏ đi là hành vi đáng phẫn nộ, lên án. Còn chàng trẻ Nguyễn Hoàng Long chở chị Tiên nữa, có vô can? Theo luật, người đến tuổi 16 tuổi thì được lái xe máy dung tích xilanh dưới 50cm3. Nguyễn Hoàng Long đã đủ ngày tháng tròn 16 tuổi chưa? Và cái xe máy ấy dung tích bao nhiêu phân khối? Nếu chàng ta làm chủ tốc độ, thì người phụ nữ trẻ ấy có đáng phải chết không? Đứa bé gần ba tuổi thơ ngây có đáng mồ côi mẹ không? Một vụ tai nạn thảm khốc đặt trong không gian vô cảm tệ hại của người đời có biết bao nhiêu câu hỏi. Câu hỏi nào cũng nhức nhối, buốt giá và đau lòng!
***
Dù sao thì người chết cũng không sống lại được trong vụ tai nạn giao thông tang thương này. Việc làm tiếp theo là việc của người lớn, của pháp luật. Chỉ mong sao những hình ảnh đau lòng và cả hình ảnh vô cảm này trôi nổi trên mạng rồi mất đi. Mong sao các tin tức trên báo điện tử, báo giấy cũng sẽ trôi đi, mất đi trước khi đứa bé gần ba tuổi mồ côi mẹ biết hiểu ra mọi chuyện. Mong rằng đứa bé không nhìn thấy hình ảnh cái chết bất chợt, mong manh và tang thương của mẹ, càng mong nó không nhìn thấy hình ảnh lưu lại gần 60 người đời vô cảm đi qua cái chết của mẹ. Nhìn thấy, biết đâu tâm hồn trẻ thơ ấy sẽ thương tổn và rất có thể oán trách, thậm chí hận thù người lớn. Nếu chuyện đó xảy ra, thì người lớn vô cảm cũng đáng bị trừng phạt, lên án lắm.