“Nhớ về Hà Nội” là một trong những ca khúc viết về Hà Nội được ưa chuộng nhất. Tên tuổi ca sĩ Hồng Nhung ít nhiều cũng để lại ấn tượng cho công chúng nhờ bài hát “Nhớ về Hà Nội”. Vì vậy, chuyện ca sĩ Hồng Nhung vô tư hát ca khúc này để quảng cáo cho phở, thật đáng băn khoăn.




DÙNG NHẠC CHẾ ĐỂ QUẢNG CÁO LÀ BƯỚC TIẾN TIẾP THỊ HAY BƯỚC LÙI VĂN HÓA?

TUY HÒA

Dư luận vừa xôn xao vụ chấn chỉnh quảng cáo “Mở lon Việt Nam” của hãng Coca-cola. Trên thực tế, còn có rất nhiều sản phẩm quảng cáo khác, rất phản cảm mà những cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa có biện pháp khống chế hữu hiệu. Trong đó, tiêu biểu nhất là hiện tượng dùng nhạc chế để quảng cáo!
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng trước quan điểm của Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, thì đơn vị sản xuất nước ngọt lừng danh Coca-cola đã nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Hãng Coca-cola đã nhận ra sự sai sót của họ chăng? Chưa chắc, bởi quảng cáo “Mở lon Việt Nam” được cấp giấy phép hẳn hoi. Sự nhượng bộ dễ dàng của Coca-Cola chủ yếu không muốn phiền phức cho hoạt động kinh doanh. .

Câu chuyện “Mở lon Việt Nam” cứ xem như tạm khép lại, nhưng lại khơi dậy một vấn đề quan trong hơn là ai giám sát những hoạt động quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, để tránh làm ô nhiễm môi trường dân sinh? Cái quảng cáo “Mở lon Việt Nam” nếu được xem là phản cảm, thì dùng nhạc chế để quảng cáo còn phản cảm gấp nhiều lần. Bởi lẽ, ngoài vấn đề ảnh hưởng đến nguyên tác, nhạc chế để quảng cáo còn gây nhiễu loạn bản quyền.

Không ai phủ nhận, âm nhạc có tác dụng lớn lên sự cảm xúc của từng cá nhân. Dùng âm nhạc, cụ thể là dùng ca khúc, để quảng cáo là một chọn lựa không phải không khôn ngoan. Thực tế chứng minh, nhiều bài hát quảng cáo đã bước ra khỏi giới hạn kích cầu sản phẩm, để trở thành tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ, ca khúc “Tóc hát” vốn được đặt hàng để quảng cáo dầu gội đầu, không ngờ lại theo ca sĩ Đoan Trang vào lòng công chúng một cách tự nhiên. Ngoài ra, nhiều ca sĩ khác được yêu thích nhờ chính những bài hát quảng cáo như Minh Hằng với “Sắc môi em hồng” hoặc Mỹ Tâm với “Tôi yêu Việt Nam”. Thậm chí, ca khúc “Cười lên Việt Nam ơi” quảng cáo kem đánh răng P/S qua một thời gian đã được xem như một bài hát tập thể phổ biến!

Sự lan tỏa của bài hát quảng cáo là chuyện rất ít ai tiên liệu được. Những nhà kinh doanh cũng không nghĩ họ bỏ tiền quảng cáo, để quần chúng có được một bài hát quyến rũ. Mặt khác, sự thành bại của bài hát quảng cáo, phụ thuộc vào tài năng của đội ngũ chuyên gia quảng cáo lẫn tài năng nhạc sĩ. Đầu tư cho một bài hát quảng cáo rất tốn kém, chi bằng dùng… ca khúc cũ cho an toàn và tiết kiệm. Trường hợp ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” được ca sĩ Mỹ Linh trình bày, được chọn làm nền nhạc quảng cáo cho một ngân hàng, nằm trong xu hướng này. Và khi cạn kiệt những ý tưởng hay ho, thì những chuyên gia quảng cáo chuyển sang chiêu trò… tái chế âm nhạc.

Dùng nhạc chế để quảng cáo, có khi là do tự tác giả muốn tận dụng mức độ lan tỏa tác phẩm của mình để kiếm ăn. Như nhạc sĩ kiêm ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh đã lấy bài hát gây sốt một dạo “Vợ người ta” để làm một phiên bản quảng cáo cho sữa Vinamilk. Đích thân nhạc sĩ kiêm ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh cũng tham gia diễn xuất trong video clip được gọi là “phiên bản “Vợ người ta” dành cho bé cưng”. Từ nỗi ai oán “Giờ em đã là vợ người ta/ Áo trắng cô dâu cầm hoa/ Nhạc tung tóe thanh niên hòa ca/ Vài ba đứa lên lắc lư theo, ấy là thành đám cưới em với người ta…” phần ca từ biến đổi “nhà tôi có Dielac Alpha 3 trong 1, cho cháu thơm ngon từ xưa/ Tăng ký, thông minh, khỏe hơn/ Thì ra cách chăm con là đây/ Vậy thì tốt quá không phải lo…”. Một bài hát thời thượng vốn có tuổi thọ không mấy dài, lại được tham gia vào việc cổ vũ uống sữa thì cũng đáng gọi là lợi đơn lợi kép cho nhạc sĩ kiêm ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh!

Không phải ca khúc nào cũng được nhạc sĩ tự tay viết lời khác phục vụ quảng cáo như “Vợ người ta”, mà chủ yếu phụ thuộc vào… ngón nghề của đội ngũ viết quảng cáo. Ca khúc “Bống bống bang bang” vốn gắn với bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, lại được nhãn hàng Biore đưa vào quảng cáo thành phiên bản “Vũ điệu diệt khuẩn” với ca từ buồn cười: "Ngày nay, nay ơi là nay, khi hè sang tận làng Ninja/ Nhà kia có hai mẹ con tiêu diệt vi khuẩn đang quấy phá…". Tương tự, ca khúc ‘Duyên phận” nổi đình nổi đám “phận là con gái chưa một lần yêu ai, nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài” qua giọng ca Như Quỳnh, lại được (hay bị?) nhãn hàng Điện Máy Xanh thay đổi tinh thần một cách ngược ngạo: "Phận là phụ nữ. Mua đồ là đam mê/ Quạt, nồi, bếp ga, bình, tách, ly… muốn mua hoài hoài…”. Và đỉnh cao khiến người yêu nhạc phải ngán ngẩm là ca sĩ Hồng Nhung đã đổi câu hát quen thuộc “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” thành câu quảng cáo phở “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội”.

 Bài hát “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013) được viết từ đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước. Bài hát “Nhớ về Hà Nội” không chỉ mang kỷ niệm của tác giả những năm tập kết ra Bắc, mà còn là nỗi niềm của bao nhiêu người yêu Hà Nội. Đến hôm nay, “Nhớ về Hà Nội” là một trong những ca khúc viết về Hà Nội được ưa chuộng nhất. Tên tuổi ca sĩ Hồng Nhung ít nhiều cũng để lại ấn tượng cho công chúng nhờ bài hát “Nhớ về Hà Nội”. Vì vậy, chuyện ca sĩ Hồng Nhung vô tư hát ca khúc này để quảng cáo cho phở, thật đáng băn khoăn. Ông Lưu Lục Xuyên - con trai út của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp bày tỏ sự bức xúc: “Gia đình chúng tôi không hề hay biết gì về việc lấy ca khúc “Nhớ về Hà Nội” để quảng cáo phở. Họ đã không xin phép, mà còn tùy tiện sửa lời bài hát một cách ngược ngạo như vậy. Gia đình chúng tôi phản đối thái độ tự ý chế nhạc của ca sĩ Hồng Nhung. Cha tôi nếu còn sống, chắc chắn cũng không đồng ý cho người khác xâm phạm tác phẩm của mình, với mục đích thương mại! Gia đình chúng tôi sẽ đề nghị Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN làm rõ vướng mắc này”.

Nhạc chế quảng cáo, có lợi cho thị trường, có hại cho văn hóa chăng? Đến bao giờ Cục Văn hóa cơ sở mới ban hành văn bản chấn chỉnh những loại nhạc chế quảng cáo như đã hăng hái với vụ “Mở lon Việt Nam”?